Skip to Content

CHƯƠNG II- PHẦN III: Phối hợp giải quyết vụ Sơn Hà và ổn định tình hình miền Tây Quảng Ngãi (1950-1952)

30/12/2009 12:00    1890

Lịch sử công an tỉnh Quảng Ngãi

...

Từ thực tiễn đấu tranh chống phản cách mạng, Công an Quảng Ngãi nhận thức được âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống đối quyết liệt của bọn phản động lợi dụng các tôn giáo, nhất là trong Thiên Chúa giáo, đồng thời nhận định đúng đắn tuyệt đại bộ phận các tín đồ dù là Thiên Chúa giáo, Phật giáo hay Cao Đài đều là nhân dân lao động vốn có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, nhưng do tín ngưỡng mù quáng mà họ bị kẻ địch và bọn cầm đầu phản động lợi dụng, khống chế, mê hoặc. Từ nhận thức ấy, lực lượng Công an Quảng Ngãi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các đoàn thể quần chúng để nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp giáo dân nhằm làm tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền đề ra các chủ trương, chính sách thích hợp; đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tiếp cận giáo dục, giác ngộ chính trị gắn liền với việc chăm lo từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào có đạo, nhất là những gia đình nghèo, những thanh thiếu niên, cô lập số phản động đội lốt tôn giáo, xây dựng, củng cố và từng bước phát triển cơ sở chính trị vững chắc trong quần chúng giáo dân. Cơ sở trong tôn giáo tuy phát triển không nhiều nhưng việc liên lạc được chỉnh đốn thường xuyên và chặc chẽ hơn. Công tác nắm tình hình và điều tra cơ bản thực hiện tốt hơn. Việc phối hợp với Ban tôn giáo vận của tỉnh trong quá trình điều tra, tìm hiểu và giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự có liên quan đến tôn giáo được thực hiện một cách chủ động; nắm được hoạt động của từng tôn giáo qua mỗi thời kỳ. Việc theo dõi, dự báo tình hình có tiến bộ hơn năm 1950. Những người giữ các chức sắc lãnh đạo trong mỗi tôn giáo đều được ta lập phiếu theo dõi và nắm được hành động nhằm có đối sách kịp thời. Kết quả, Công an Quảng Ngãi đã kịp thời phát hiện, chủ động đấu tranh ngăn chặn hầu hết những âm mưu, hành động chống đối, phá hoại của bọn phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa và các tôn giáo khác tại địa phương, góp phần đánh bại âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp tại vùng tự do Liên khu V. Nhận thức được những thuận lợi cũng như thách thức sẽ phải đối diện và những tồn tại yếu kém về chuyên môn, lề lối làm việc, chỉ huy, lãnh đạo Ty Công an Quảng Ngãi coi công tác xây dựng lực lựng trong năm 1951 là đặc biệt quan trọng. Đó là: - Chỉnh đốn lại các phần hành, các đơn vị đúng với quyết nghị của Công an Liên Khu V, đặc biệt chú trọng cải tiến nề nếp chỉ đạo và lề lối làm việc. - Tích cực nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn cho cán bộ và nhân viên, chú trọng nâng đỡ, kèm cặp thành phần công – nông, nhằm kiến thiết một lực lượng điều tra tiến bộ hơn. - Ra sức xây dựng Công an xã. Tất cả những nhiệm vụ trên được thực hiện trong phong trào lớn là “Tổng kiểm thảo và học tập kinh nghiệm” trong năm, nắm vững phương châm “chỉ đạo sát thực tế, sát cấp dưới”, kết hợp giữa cấp chỉ đạo và cơ sở, lấy biện pháp thi đua làm động cơ chính. Trong các đợt tổng kiểm thảo, Công an Quảng Ngãi khéo léo lồng vào nội dung phổ biến tinh thần Công an nhân dân nhằm làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ bản chất Công an nhân dân để từ đó thiết thực tham gia giúp đỡ. Tại những nơi cơ quan Ty Công an và đồn Công an đóng, việc tổ chức giải thích cho nhân dân hiểu tính chất của Công an nhân dân dưới chính thể dân chủ mới và nhiệm vụ của ngành đối với kháng chiến, kiến quốc được chú trọng thực hiện. Trong các cơ quan, nội dung tuyên truyền về Công an nhân dân được phổ biến trong các buổi nói chuyện tại các lớp học, trong các lớp huấn luyện, nhất là tại các trường cấp II. Ty Công an Quảng Ngãi đã phối hợp với các địa phương tổ chức metting, gửi thư nhờ các cơ quan chính quyền, đoàn thể, bộ đội,… phê bình Công an. Trong tháng 7/1951, Ty đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 2 buổi mít tin tại Đức Phổ và thị xã Quảng Ngãi, mỗi nơi có khoảng 3.000 người tham dự, có kịch, ca nhạc giúp vui, có truyền đơn (mỗi nơi 3.000 tờ) tóm tắt việc nhờ dân phê bình, xây dựng Công an. Công an Quảng Ngãi cũng đã tổ chức nói chuyện tại 4 lớp huấn luyện tu nghiệp của giáo giới (Tư Nghĩa, Mộ Đức), 5 lớp huấn luyện của đoàn thể, 10 lần phát thanh (có kịch vui và ca nhạc) ở các địa phương nơi đóng cơ quan. Trong các buổi phát thanh, ngoài tình hình thế giới và trong nước, còn nói về phòng gian, phản gián hoặc vấn đáp về Công an nhân dân. Nhờ đó, đã động viên được nhân dân tham gia làm công tác công an, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cự bảo mật, phòng gian, giữ gìn an ninh trật tự tại nơi cư trú, phát hiện nhiều vụ tín phiếu giả cuối năm. Trong nội bộ lực lượng, Ty Công an Quảng Ngãi mở các đợt học và thảo luận tập thể về tổ chức, tính chất và nhiệm vụ mới của công an để rèn luyện tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ. Sau các đợt học tập, thảo luận nâng cao nhận thức, mỗi cán bộ, nhân viên điều liên hệ kiểm thảo tư tưởng của bản thân. Ngoài ra, Công an Quảng Ngãi còn dùng hình thức báo tường, báo tay làm phương tiện trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, tập cho cán bộ, nhân viên mạnh dạn nói và viết. Các ban đều sôi nổi làm “bích báo”(báo tường), chọn những bài hay đăng trong tập san Học tập của Ty. Hàng tháng có các buổi “toạ đàm”. Trong năm, Công an Quảng Ngãi đã 4 lần tiến hành Tổng kiểm thảo, theo các đợt: 1,2,3,4. Về tổ chức, trong 2 tháng đầu năm, chỉ chỉnh đốn lại bộ máy cho hợp lý nhằm tăng năng suất hoạt động. Mô hình tổ chức ở Ty Công an lúc này gồm có: Trưởng Ty (1) và các ban: Văn phòng, Chính trị Bảo vệ, Tư Pháp và Trị an Hành chính. Địa điểm làm việc phân tán, chia thành đơn vị tổ, phần hành hay Tiểu ban đóng trong từng khu vực. Riêng trụ sở Trưởng Ty đóng sát Văn phòng và Ban Chính trị Bảo vệ. Phòng thường trực thường đóng cách Ty tối thiểu 500m và nhà tạm giam đóng cách Ty trên dưới 1km, nơi gần đình chùa kiên cố. Ở mỗi huyện đồng bằng có một Tổ tình hình chung, có từ 4 đến 6 cán bộ. Nhiệm vụ chính là nắm tình hình địa phương, cung cấp tài liệu cho Ty và xây dựng Công an xã. Tổ này được xây dựng theo mô hình tiến lên Công an huyện. Đầu năm 1951, quân số toàn Ty là 370 người. Trong năm 1951, tuyển thêm 60 người, theo sự cho phép của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ, đưa tổng số lên 430 người. Từ khoảng tháng 5/1951, quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ về tinh giản biên chế để giảm ngân sách và tăng cường lực lượng sản xuất và chiến đấu, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Công an Quảng Ngãi bắt đầu tiến hành cơ cấu lại tổ chức, tinh giản lực lượng. Số đồn công an được sắp xếp lại gồm 14 đồn (2) và hai đội lưu động phụ trách khu Nam và khu Bắc với quân số và chất lượng cán bộ, chiến sĩ được tăng cường. Nhiệm vụ của từng đồn được quy định lại theo tính chất kiểm soát và bảo vệ. Các đồn bảo vệ ở trong đội bảo vệ vũ trang của Ban Chính trị Bảo vệ và đặt dưới quyền điều khiển của Ban này.   Tháng 8/1951, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 6 ra Nghị quyết về tinh giản biên chế trong lực lượng, yêu cầu: “Trên phải tinh, cơ sở phải mạnh, nặng về nghiệp vụ, nhẹ về hành chính, đảm bảo bí mật, chuyên môn hoá cán bộ…”. Quán triệt nghị quyết của Ngành, từ tháng 11/1951, Ty Công an Quảng Ngãi tiếp tục chỉnh đốn lại hệ thống các đồn, đội, bỏ các vọng gác. Việc kiểm soát ở các nơi này được giao lại cho Công an xã đảm nhận, sau một thời gian được huấn luyện về chuyên môn. Tuy nhiên, các đoàn kiểm tra và xây dựng của Ban Trị an Hành chính vẫn thường xuyên giúp đỡ và các đồn vẫn có trách nhiệm giữ liên lạc với Công an xã. Từ cuối tháng 6 đến hết tháng 12/1951, Ty Công an Quảng Ngãi tiến hành siết chặt kỷ luật và tinh giản biên chế, thải hồi (buộc thôi việc) 3 nhân viên vi phạm kỷ luật, hủ hoá, bất liêm, bất chính và kém tinh thần phục vụ; cho thôi việc 180 người (trong đó có 151 người tự nguyện đứng ngoài biên chế). Đến cuối tháng 12/1951, toàn Ty có 250 người; trong đó: - Văn phòng: 17 người - Ban trị an Hành chính: 73 người - Ban Chính trị Bảo vệ : 160 người Trong số 160 người ở Ban Chính trị Bảo vệ, có 52 cán bộ, nhân viên Công an trật tự do Ban Trị an Hành chính đưa sang để phụ trách canh gác và bảo vệ các cơ quan cấp Liên khu và cấp tỉnh. Lề lối làm việc trong nội bộ cũng được cải tiến nhiều, sát trên sát dưới và nhất là trong việc giao tiếp với nhân dân theo đường lối quần chúng, coi trọng công tác dân vận hơn. Lãnh đạo Ty Công an Quảng Ngãi đã tích cực làm công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức về Công an trong các cấp, nhất là trong cán bộ quân - dân - chính cấp xã. Việc củng cố, nâng cao nhận thức lý luận và năng lực công tác công an trong cán bộ và trật tự viên do đoàn xây dựng Công an xã của Ty hướng dẫn. Có 17 trong tổng số 67 xã toàn tỉnh được Ty trực tiếp xây dựng để làm điển hình cho huyện rút kinh nghiệm, học tập và tự xây dựng Công an xã ở địa phương. Công tác đào tạo, huấn luyện được tổ chức thường xuyên (3). Việc bố trí các lớp huấn luyện được tính toán, sắp xếp thời gian hợp lý, không làm ảnh hưởng đình trệ công tác chuyên môn của các đơn vị. Điểm nổi bật về xây dựng lực lượng trong năm 1951 là: Công an Quảng Ngãi đã tích cực phục hồi tổ chức Công an xã. Từ tình trạng rời rã, thiếu sự chú ý của các cấp chính quyền, đoàn thể, đến cuối năm 1951, Công an xã đã được xây dựng lại thành một cơ sở trong hệ thống tổ chức Công an, được chính quyền và đoàn thể chú ý, đặt trách nhiệm lãnh đạo. Tuy nội dung tổ chức còn nhiều điểm thiếu sót, nhưng Công an xã sau khi được củng cố đã giúp cho lực lượng Công an tỉnh nhà nắm được tin tức, tình hình tại cơ sở kịp thời, tạo tiền đề trở thành một cấp cơ sở Công an trong năm sau. Trong các đợt ném bom, bắn phá, đổ bộ ven biển trong năm 1952, địch đã gây cho ta nhiều thiệt hại về người và tài sản, cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện sản xuất.... Chúng đã 35 lần đổ bộ lên đất liền ven biển, tập trung vào các tháng 7, 8, 9 (bắn phá, giết chết 100 người, đốt phá 140 chiếc thuyền). Có nhiều cuộc đổ bộ qui mô lớn lên Phổ An, Đức Lân (30/5), Sa Huỳnh (07/8), Sơn Trà (10/8), Sa Kỳ (13/8). Chúng bí mật cho quân lên bờ lúc 9, 10 giờ tối, cho ghe xuồng chạy sát bờ để thăm dò cách bố phòng của ta hoặc dùng một số ghe, xuồng giả đầu hàng trước cửa biển hoặc bãi ngang hoặc tập kích các đài gác, phục kích dân quân và lực lượng vũ trang địa phương, khủng bố dân chúng ven biển. Từ trên không, chúng sử dụng máy bay bắn phá nhà ga, đường xe lửa, dọc Quốc lộ 1, cầu Bàu Giang, bờ xe nước sông Trà Khúc, đập Cà Ninh, nhằm vào cả trâu, bò, các làng mạc nông thôn, các thị trấn và những vùng chúng nghi có cơ xưởng, kho tàng của ta; rải truyền đơn kích động chia rẽ lương - giáo, chia rẽ giữa nhân dân với Chính phủ, xúi giục tư sản, trí thức chạy theo chúng và kêu gọi cán bộ, chiến sỹ ta đầu hàng, giặc Pháp đã gây cho ta không ít khó khăn về nhiều mặt. Tuy bị thất bại ở Sơn Hà, thực dân Pháp vẫn không từ bỏ ý đồ đánh chiếm vùng tự do Quảng Ngãi. Từ 13/4 đến 10/5/1952, thực dân Pháp và tay sai đã huy động 3 tiểu đoàn bộ binh, một đại đội pháo binh, 400 dân phu làm đường, có máy bay yểm trợ, mở cuộc hành quân La-te-rit từ Kon Tum đánh xuống các huyện miền Tây Quảng Ngãi, đặc biệt là Ba Tơ, thực hiện ý đồ: - Phát triển tề, guom, đưa lực lượng H’rê về hoạt động để củng cố tinh thần, cấy lại mầm phiến loạn ở Sơn Hà, Ba Tơ, rồi loang ra các huyện khác của miền Tây Quảng Ngãi. - Mở rộng phạm vi chiếm đóng xuống miền Tây Quảng Ngãi, phá căn cứ địa cách mạng, làm bàn đạp tấn công lên Tây Nguyên, uy hiếp vùng tự do Liên khu V. - Trực tiếp phá cuộc vận động thu thuế nông nghiệp của ta. Cuộc chiến tranh do thám, gián điệp được quân Pháp tiến hành ráo riết. Sau khi chiếm đảo Lý Sơn, quân Pháp đã cho thành lập tại đây một cơ quan do thám do tên quan hai Claget điều khiển. Cơ quan này là chi nhánh của một tổ chức tại Đà Nẵng, chuyên trách tung gián điệp vào vùng tự do. Bọn do thám Lý Sơn đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt để nắm tình hình và tổ chức cài cấy gián điệp ở ven biển. Chúng lợi dụng một số đồng bào Lý Sơn bí mật đột nhập vào đất liền điều tra tình hình bố phòng của ta rồi trở ra hoặc làm ám hiệu báo cáo cho chúng (vụ tên Con, tên Hương). Chúng bắt đồng bào khai thác tình hình, khống chế, mua chuộc và huấn luyện làm gián điệp rồi thả về đất liền (bắt 405 người). Bị địch hăm doạ, khủng bố và dụ dỗ nên một số bị mua chuộc làm tay sai cho địch. Lợi dụng đường mậu dịch, địch trà trộn, xâm nhập, tuyên truyền, lôi kéo người đầu hàng (vụ tên Chung, tên Sáu Võ). Khai thác những người buôn bán thường xuyên ra vào vùng tạm bị chiếm, bắt đồng bào đang sống ở vùng tự do để tra hỏi hoặc lợi dụng lúc hành quân để khai thác tình hình và cướp tài liệu…(vụ tên Beo, tên Hân làm cho địch ở Đà Nẵng và tên Dư ở Quảng Nam). Tung nhiều truyền đơn (chỉ trong tháng 01/1952, thả 46 loại truyền đơn), tuyên truyền, kích động gây cho nhân dân sợ hãi… Thực hiện chỉ đạo của Công an Liên khu V và Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ IV, Công an tỉnh Quảng Ngãi đề ra nhiệm vụ công tác chủ yếu trong năm 1952 là: Bảo vệ cơ quan và xây dựng Công an xã, phát triển Công an nhân dân, chống do thám, phản động, trộm cắp, lưu manh, phục vụ chính sách thuế nông nghiệp, bố phòng và tăng gia sản xuất, tiết kiệm.... Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, chống do thám gián điệp, xây dựng Công an xã là trọng tâm. Thực hiện phương châm “giữ bên trong là chính” trong cuộc đấu tranh chống do thám gián điệp, từ tháng 1-1952, sau khi kiểm thảo, Công an Quảng Ngãi đã nhận thức vấn đề bảo vệ cơ quan là quan trọng, là công tác trọng tâm và phân công một đồng chí phụ trách. Công an đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính triển khai thực hiện các chỉ thị của Chính phủ về học tập và tổ chức bảo vệ cơ quan. Bấy giờ, các cơ quan, xí nghiệp đều nêu khẩu hiệu: “Bảo vệ ngang hàng sản xuất” và xây dựng ở mỗi xưởng một tổ phản gián bí mật và một trung đội bảo vệ công khai. Lực lượng Công an giữ liên lạc với các tổ chức này để hướng dẫn nghiệp vụ và nắm tình hình. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại mắc thiếu sót. Việc giáo dục nhận thức chưa chu đáo, hầu hết thực hiện một cách chiếu lệ. Tổ chức và lề lối làm việc bảo vệ cơ quan ở các cơ xưởng chưa đúng quan điểm của Đảng, gây thắc mắc, hoài nghi trong nội bộ (có nơi cho bảo vệ viên là mật thám, có người tự tử vì bị nghi ngờ, theo dõi). Việc hướng dẫn của Công an chưa cụ thể, chưa sát. Do đó, về hình thức thì tổ chức đầy đủ, song mục đích phòng gian bảo mật chưa tiến bộ. Tháng 6/1952, nhận thấy cần phải chấn chỉnh lại công tác bảo vệ cơ quan, Ty đã đề xuất Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh triệu tập các thủ trưởng và cán bộ bảo vệ các cơ quan, cơ xưởng thuộc tỉnh quản lý (4) học tập lại các tài liệu bảo vệ của Đảng và Chính phủ. Sau lớp học, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ thị cho các cơ quan, cơ xưởng tổ chức cho toàn thể cán bộ, nhân viên học tập, đồng thời chỉnh đốn lại các ban bảo vệ. Ty Công an Quảng Ngãi đã cử nhiều cán bộ đến các cơ quan, đơn vị, cơ xưởng để hướng dẫn học tập; phối hợp với Ban Tổ chức của tỉnh chấn chỉnh lại những ban bảo vệ mà thành phần chưa được đảm bảo, như: Bưu chính, Ty Tài chính, các xưởng quân giới, hoả xa… giúp các đơn vị bộ đội địa phương, cơ quan Tỉnh đội thành lập các ban bảo vệ. Đến tháng 11-1952, đã xây dựng được 27 ban bảo vệ cơ quan, cơ xưởng với 125 cán bộ, thành phần thuần khiết hơn. Hầu hết trưởng ban bảo vệ là bí thư chi bộ hoặc chi uỷ viên; cán bộ bảo vệ đa số là chi uỷ viên hoặc tổ trưởng Đảng. Trong việc tuyển dụng nhân viên hay xử lý những phần tử hiềm nghi đều có sự bàn bạc với cơ quan Công an. Việc bảo vệ bí mật cơ quan được tổ chức chặt chẽ hơn. Tất cả các cơ quan, cơ xưởng đều có đặt trạm liên lạc và việc giao dịch giữa cán bộ công nhân viên không còn lộn xộn như trước. Sự phối hợp với địa phương giáo dục nhân dân phòng gian bảo mật, đề phòng bọn bất mãn phản động bên ngoài được tiến hành tích cực và thường xuyên. Đến cuối năm, toàn tỉnh đã hoàn thành việc triển khai học tập và củng cố các ban bảo vệ. Nhiều cơ quan, xí nghiệp đã xây dựng được nội qui bảo vệ. Ý thức phòng gian bảo mật của cán bộ, nhân viên tiến bộ rõ rệt. Những câu ca dao nhắc nhở việc giữ gìn bí mật như: “Ở đây tai vách mạch rừng, những điều bí mật xin đừng nói ra” hoặc khẩu hiệu: “Bảo vệ bí mật là bảo vệ mình!” được phổ biến khắp nơi. Sau những tổn thất do gián điệp địch gây ra trên địa bàn tỉnh, Công an Quảng Ngãi có những động thái tích cực đối với công tác này. Cho đến ngày địch đổ bộ lên Phổ An, Đức Lân và vụ Trần Văn Sâm, Sáu Võ lôi kéo và đưa người trốn vào vùng địch tạm chiếm được khám phá (tháng 5/1952), Công an Quảng Ngãi có kế hoạch đấu tranh cụ thể. Tổ công tác đặc biệt được thành lập đi đến các xã ven biển để thu thập tình hình, nghiên cứu kỹ các phương thức thủ đoạn, nhất là các luận điệu chiến tranh tâm lý của địch trước, trong và sau lần quân Pháp đổ bộ lên Phổ An, Đức Lân; chỉ ra những yếu kém, sơ hở của ta và các biện pháp khắc phục. Tháng 7/1952, hội nghị chuyên đề về chống chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý của địch trong lực lượng toàn tỉnh (gồm Trưởng Công an huyện, các ban nghiệp vụ của Ty và có lãnh đạo một số ngành liên quan của tỉnh tham dự) được tổ chức trên cơ sở tài liệu đã được chuẩn bị và nghiên cứu chu đáo. Đồng chí Nguyễn Đức Dương - Thường vụ Liên khu uỷ, Bí thư Dân - chính - đảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Miền Nam Trung Bộ và đồng chí Hồ Thiết - Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã tham dự hội nghị. Đồng chí Nguyễn Đức Dương đã đánh giá cao sự chuẩn bị của Công an Quảng Ngãi và chỉ đạo tỉnh báo cáo tài liệu này lên Liên khu uỷ để chỉ đạo các tỉnh khác cùng thực hiện. Sau hội nghị, việc phổ biến tài liệu tổng kết về âm mưu của gián điệp địch, những sơ hở của ta và biện pháp khắc phục, đấu tranh để giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng và cán bộ, công nhân viên trong cơ quan chính quyền, đoàn thể cấp huyện, xã được khẩn trương tiến hành. Công tác xây dựng Công an xã, phát triển Công an nhân dân ở ven biển được đẩy mạnh. Những đối tượng hiềm nghi được bố trí cơ sở theo dõi. Sau ngày bị lực lượng Công an phá rã tổ chức, bắt một số tên cầm đầu năm 1946, bọn phản động Việt Nam Quốc dân đảng Quảng Ngãi gần như tê liệt, không có hoạt động gì đáng kể. Từ năm 1950, chúng thay đổi phương thức hoạt động: từ chỗ câu móc, hình thành một cách công khai, chúng chuyển sang hoạt động bí mật, chờ thời cơ. Đầu năm 1951, khi đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương, bọn Quốc dân đảng hy vọng sẽ được Mỹ giúp đỡ, đã ra sức tăng cường hoạt động nhằm phục hồi lại tổ chức. Các tên: Hồ Đệ, Nguyễn Đình Thiệp, Nguyễn An… tự xưng là lãnh tụ Quốc dân đảng Liên khu V, đã câu móc với bọn Phạm Đình Nghị, Nguyễn Biên để hình thành tổ chức tại Quảng Ngãi, chủ trương phát triển tổ chức vào trong lực lượng quân đội và trong các cơ quan chính quyền của ta; đồng thời tìm mọi cách đưa người của chúng ra vùng địch tạm chiếm làm tay sai cho thực dân Pháp. Tuy vậy, số này vẫn chưa dám hoạt động mạnh, lực lượng phát triển chưa có gì đáng kể. Đầu năm 1952, do tác động bởi ta xử vụ gián điệp ở Bình Định, tình hình bọn phản động trong tỉnh có phần lắng dịu. Những tên liên can trong vụ này mới được tha về (Biên, Nghị, Luận…) bề ngoài tỏ vẻ ăn năn. Từ tháng 4/1952, trước tình cảnh khó khăn của ta về kinh tế, tài chính nhóm Bối, Hoàng, Diêu, Nghiệp… ở Bình Sơn liên kết mật thiết với nhau, lui tới các gia đình địa chủ, phú nông ù lỳ trong vùng tung luận điệu phản tuyên truyền rất thâm độc, như: “Triều Tiên đã bị tiêu diệt. Kháng chiến Việt Nam có Mỹ can thiệp vào thì cũng như Triều Tiên”, hay “Chính sách thuế nông nghiệp là chính sách bần cùng hoá nhân dân, làm cho nhân dân đói khổ”(!)… Bọn Biên, Nghị, Luận cũng bắt đầu liên lạc với nhóm Bối, Hoàng, gây ra nhiều vụ phức tạp, phá công tác thu thuế và công tác bố phòng của ta. Ngoài ra, một số công chức, quân nhân được giảm biên chế, về nhà bất mãn, nói xấu cán bộ, gây bè phái, gieo rắc tư tưởng tiêu cực, cầu an trong nhân dân. Số bất mãn trong thành phần hào lý cũ, một số địa chủ, phú nông qua các đợt thu thuế nông nghiệp càng tỏ ra ngoan cố hơn. Nhiều nơi, họ lợi dụng tình trạng bất liêm, bất chính của một vài cán bộ để lôi kéo, xúi giục nông dân chống thu thuế nông nghiệp, gây rối loạn về trị an. Một số cán bộ bị kỷ luật hoặc bị động chạm quyền lợi cá nhân, sinh bất mãn, hùa theo để phá hoại, đồng thời tìm cách lôi kéo chia rẽ bè phái trong nội bộ đoàn thể, xúi giục chống các chủ trương của Đảng và Chính phủ (vụ Phổ Khánh). Sáu tháng đầu năm có 16 vụ rải tờ rơi với nội dung hầu hết nói xấu cán bộ; có hai vụ nói xấu Chính phủ, đoàn thể và thuế nông nghiệp (do quân nhân xuất ngũ rải). Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an Quảng Ngãi đã xin lệnh của Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh bắt những tên đầu sỏ ngoan cố trong các nhóm: Trần Hoàng, Tạ Đình Mỹ (ở Bình Sơn), Nghị, Luận, Quân (ở Phổ Quang, Đức Phổ), Bảy, Đài (ở Phổ Khánh, Đức Phổ), Tuân (ở Đức Nhuận, Mộ Đức)… gồm 33 tên. Những tên bị lôi kéo, Công an hướng dẫn Uỷ ban Kháng chiến Hành chính xã gọi lên kiểm điểm, cảnh cáo giáo dục rồi cho về. Lực lượng Công an còn tham mưu giúp các Uỷ ban Kháng chiến Hành chính, Hội đồng nhân dân và các đoàn thể ở xã kiểm điểm, rút kinh nghiệm về thái độ đối với loại đối tượng này; đồng thời khắc phục những sơ hở, lệch lạc, ngăn chặn những biểu hiện tham nhũng ở địa phương, không để kẻ xấu lợi dụng. Tháng 12/1952, ta đưa Tạ Đình Mỹ ra kiểm điểm trước nhân dân. Có trên 1.000 đồng bào các giới đến dự bình nghị, hăng hái phát biểu ý kiến, biểu lộ được ý thức đấu tranh của nhân dân đối với sự phá hoại của bọn bất mãn, phản động. Cuộc bình nghị đã đánh dấu bước tiến bộ mới trong công tác chống bất mãn, phản động của ta. Qua các cuộc cảnh cáo, bình nghị trước nhân dân, các đối tượng bất mãn phản động không còn dám tung ra những luận điệu phản tuyên truyền phá hoại, nhiều người đã trở lại tham gia công tác kháng chiến. Cùng với tổn thất do địch gây ra, thời gian này, nười dân Quảng Ngãi chịu rất nhiều thiên tai liên tiếp xảy ra. Vụ mùa tháng Ba, cả tỉnh mất khoảng 40% vì nắng hạn, sâu bệnh. Bình Sơn, bắc Sơn Tịnh là những nơi bị nặng nhất. Có xã như: Bình Trị, Bình Trung, nước mặn xâm nhập làm hỏng 600 mẫu ruộng. Mùa tháng Tám có được hơn năm trước, nhưng những nơi cấy muộn (khoảng 1.100 mẫu) bị bão lụt mất khoảng 40%. Mùa tháng 10 có trên 20.000 mẫu lúa thì mất độ 50%; nhiều nơi dọc sông, gần biển mất từ 80-100%. Các hoa màu khác thì gặp nắng hạn tháng 5, bị ăn non, nhổ trộm tháng 8 và bị bão lụt mất còn nặng hơn lúa. Trận bão ngày 24/10/1952 đã làm 127 người chết, 5.520 ngôi nhà sập đổ và bị cuốn trôi, 927 ghe chiếc thuyền, 21 giàn mành và 820 tấm lưới bị sóng biển cuốn mất hoặc hư hỏng nặng, 179 trâu, bò, heo chết, 7336 ang lúa, 312 ang bắp, 2.628 thùng mắm, 429 tấn muối, 1.662 kg đường… hư hỏng hoàn toàn. Tình hình mùa màng bị thiên tai, địch tăng cường bắn phá, khủng bố ven biển, sản xuất bị đình đốn; giao thông, thương nghiệp bị đình trệ làm cho đời sống nhân dân sa sút, thất nghiệp, nạn đói diễn ra một cách nặng nề. Năm 1951, nạn đói đã bắt đầu xảy ra lẻ tẻ ở ven biển Nghĩa Hà, Phổ Phong, Phổ Thạnh và rải rác trong các vùng thôn quê Bình Sơn, Sơn Tịnh. Tình trạng đói kém kéo dài đến tháng 7/1952 thì bùng phát thành nạn đói trầm trọng. Đến ngày 15/9/1952, có trên 125.000 người dân bị đói. Nặng nhất là các xã Bình Đông, Bình Châu, Bình Dương, Bình Trung, Bình Thới (huyện Bình Sơn), Nghĩa Hoà, Nghĩa Hà (huyện Tư Nghĩa), Đức Thắng, Đức Minh (huyện Mộ Đức), Phổ Quang, Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ),Tịnh Bình, Tịnh Hiệp, Tịnh Thọ, Tịnh Khê, Tịnh Hoà (huyện Sơn Tịnh). Cuộc vận động nhân dân phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, nhường cơm sẻ áo cho nhau lúc hoạn nạn… được các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Từ đầu năm 1952, bọn trộm cắp, lưu manh phát triển mạnh. Ngoài số chuyên nghiệp từ trước, một số quân nhân giải ngũ, công chức và công nhân viên diện giảm biên chế, phạm binh được phóng thích hoặc tù vượt ngục, tiểu thương sạt nghiệp cũng bắt đầu tham gia các vụ lường gạt, trộm cắp,… Chúng tập trung ở các ga đường sắt để cướp giật hàng hoá của Chính phủ và nhân dân. Ở nông thôn xuất hiện những vụ đào ngạch trộm tài sản, trộm cả trâu, bò… Tại các cơ quan, cơ xưởng, từ tháng 01 đến tháng 6/1952 xảy ra 10 vụ trộm lớn. Có thể nói, năm 1952 là năm phức tạp nhất về trật tự xã hội với những điểm nổi bật: - Băng nhóm lưu manh lưu động phát triển nhiều, hoạt động táo bạo. - Có sự xúi giục của bọn bất mãn phản động, gây ra nhiều vụ trộm, cướp có tính chất phá hoại chính trị (kèm theo rải truyền đơn hăm doạ người giàu, âm mưu giết cán bộ… (một số vụ ở Bình Sơn, Mộ Đức). - Một số nơi, cán bộ đảng viên biến chất cũng hùa theo tổ chức hoặc xúi giục trộm, cướp (5). Công an Quảng Ngãi một mặt hưởng ứng cuộc vận động nhường cơm sẻ áo giúp dân qua cơn hoạn nạn, một mặt nắm chắc tình hình hoạt động của các loại đối tượng, kịp thời áp dụng những biện pháp thích hợp, nhanh chóng ổn định an ninh trật tự. Tháng 6/1952, Ty tham mưu cho Thường vụ Tỉnh uỷ ra chỉ thị về việc tổ chức bình nghị để trấn áp bọn lưu manh, trộm cắp, giao trách nhiệm cho các cấp uỷ Đảng tập trung chỉ đạo công tác giữ gìn an ninh trật tự, đặt ngang hàng công tác cứu đói - một nhiệm vụ trọng tâm đột xuất lúc bấy giờ; đồng thời hướng dẫn Công an xã tổ chức bình nghị. Tháng 7/1952, Công an Quảng Ngãi triệt phá băng nhóm lưu manh của Nguyễn Sanh và giải quyết vụ cướp phá ở Tịnh Ấn thu được nhiều kết quả. Đề xuất Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh triệu tập Hội nghị trị an để chấn chỉnh những sai lầm, thiếu sót và triển khai các biện pháp công tác đấu tranh trấn áp lưu manh trộm cướp, bảo vệ hoa màu cho nhân dân. Sau cuộc Hội nghị trị an của tỉnh, 47 xã trong tổng số 70 xã toàn tỉnh cũng lần lượt tổ chức hội nghị để thảo luận và vạch kế hoạch đấu tranh, trấn áp lưu manh, trộm cắp ở địa phương mình. Việc bình nghị trấn áp lưu manh trộm cắp trở thành một phong trào mạnh mẽ, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia. 47 xã sau khi tổ chức Hội nghị trị an, đã tiến hành được 299 cuộc bình nghị. Trước áp lực của nhân dân, bọn lưu manh không còn dám hung hăng, hoạt động táo bạo như trước. Quá trình tìm tòi, vận dụng kế sách đấu tranh bài trừ tội phạm hình sự và các tệ nạn xã hội, Công an Quảng Ngãi đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm quí: 1. Đối với nạn trộm cắp, cướp giật ở nông thôn, nếu chỉ bắt bỏ tù, đưa an trí thì không thể có tác dụng mong muốn mà phải động viên nhân dân tham gia đấu tranh, trấn áp mới giải quyết. Trường hợp cần thiết có thể bắt đưa an trí, nhưng phải qua nhân dân bình nghị mới có hiệu quả. 2. Việc lựa chọn người đưa ra bình nghị phải phân biệt chính xác, phải đúng là đối tượng lưu manh; không đưa những người trộm cắp vì đói ra bình nghị. 3. Phải chú ý theo dõi những người được bình nghị để báo cáo trước hội nghị nhân dân xoá tội và động viên tiến bộ đối với những trường hợp đã thực sự sửa chữa; tiếp tục bình nghị, quản lý đối với những trường hợp còn tiếp tục sai phạm. 4. Công an chuẩn bị đầy đủ tài liệu, hướng dẫn bình nghị đúng đối tượng, chính quyền xã tổ chức chu đáo, nhân dân tích cực tham gia bình nghị, giải quyết thì sẽ có tác động tích cực, sâu rộng và lâu dài đến an ninh, trật tự tại cơ sở. Tháng 12/1952, Ty tổ chức Hội nghị Tổng kết kinh nghiệm phát động phong trào bình nghị của tỉnh (6) và đề xuất Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh chỉ thị cho các địa phương tiến hành một đợt bình nghị mới để chủ động ngăn chặn nạn trộm cắp phục hồi sau trận bão lụt và dịp Tết Nguyên đán. Công tác đấu tranh chống tham nhũng, bài trừ các loại tội phạm khác, như: tham ô công quĩ, sản xuất, lưu hành tín phiếu giả, điều tra khám phá các vụ án mạng, chống nhập lậu hàng ngoại… cũng thu được nhiều kết quả. Những hiện tượng cố ý làm trái, tham ô, hà hiếp dân được khẩn trương làm rõ và xử lý kiên quyết. Lực lượng Công an Quảng Ngãi đã khám phá nhiều vụ án tham ô như vụ Huỳnh Cuộc, Chi cục trưởng ngoại thương (xử 5 năm tù), Nguyễn Ái, Giám đội hải quan (xử 3 năm tù); số vi phạm nhẹ hơn thì được xử lý cách chức, sa thải. Hầu hết những vụ sản xuất, lưu hành tín phiếu giả xuất hiện trên thị trường được kịp thời điều tra, bắt, xử lý đúng đối tượng (17 vụ), 4/6 vụ án mạng được khám phá, nhiều vụ nhập lậu hàng ngoại được phát hiện (riêng các đồn, đội Công an đã phát hiện, bắt giữ 4209 mét vải, trị giá 32.000.000 đồng và nhiều hàng hoá khác). Có thể nói, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trong năm 1952 diễn biến phức tạp và trầm trọng nhất kể từ những ngày đầu cuộc kháng chiến đến lúc này. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và Uỷ ban Kháng chiến Hành chính, sự hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Công an Liên khu V, vượt qua khó khăn, thiếu thốn (cả con người và phương tiện, tài chính), Công an Quảng Ngãi đã kịp thời rút kinh nghiệm, tìm tòi học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đấu tranh chống chiến tranh gián điệp của địch, chống phản động và tội phạm hình sự, bài trừ lưu manh và các tệ nạn xã hội khác có hiệu quả, lập lại trật tự kỷ cương xã hội, phục vụ việc triển khai đúng đắn và có kết quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và của tỉnh nhà, bảo vệ và nâng cao uy tín của chính quyền địa phương (7). Kết quả này đã tạo đà tiến công mạnh mẽ, giành thắng lợi to lớn cho năm tiếp theo. Có được kết quả ấy một phần quan trọng là nhờ công tác xây dựng lực lượng được tiến hành quyết liệt và đúng hướng chỉ đạo của Đảng và ngành cấp trên. Tại hội nghị đầu năm, Công an Liên khu V đã quyết nghị: Hoàn thành biên chế nhằm chỉnh đốn tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc. Tích cực xây dựng, củng cố Công an xã, củng cố cơ sở nội ngoại tuyến theo phương châm kiên trì vận động cách mạng, nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi công tác nghiệp vụ.Tại thời điểm này, mô hình tổ chức, bộ máy của Ty Công an Quảng Ngãi tiếp tục được sắp xếp lại theo qui định tại Điều lệ biên chế của Công an Liên khu V. Song, lề lối làm việc, quan niệm về công tác nghiệp vụ vẫn như cũ. Để giải quyết tình trạng trên, tháng 6/1952, Ty Công an Quảng ngãi tổ chức hội nghị học tập kết hợp chỉnh huấn cho toàn thể cán bộ, nhân viên thấm nhuần lập trường, quan điểm Công an nhân dân. Sau hội nghị, các bộ phận bắt đầu điều chỉnh lại, chú trọng nội dung cải tiến về nghiệp vụ và lề lối làm việc, tăng chất lượng công tác. Các đơn vị tự xây dựng nội qui hoạt động và trên cơ sở đó, xây dựng nội qui chung của Ty. Kỷ luật nội bộ được thi hành nghiêm minh. 20 nhân viên yếu kém về phẩm chất đạo đức, thành phần phức tạp được cho ra ngoài biên chế. Các vụ kỷ luật đều có Hội đồng Kỷ luật xét công khai, vừa đảm bảo tính dân chủ vừa có tác dụng giáo dục tốt. Những nhân viên nòng cốt đã qua thử thách, có kinh nghiệm được giao phụ trách những phần hành quan trọng; giảm số cán bộ nội cần, tăng cường cho bộ phận ngoại cần… Các đồn Công an được chuyển hướng nhiệm vụ, phương thức công tác. Công an huyện được thành lập. Công an xã được tiếp tục xây dựng và củng cố. Chính quyền phối hợp với các Phân Đoàn(8) phát động thi đua cải tiến lề lối làm việc, tăng chất lượng công tác, chống tham ô, lãng phí, tăng gia sản xuất (9), thực hành tiết kiệm… Nổi bật nhất trong phong trào thi đua là các “tổ tâm giao” và các cuộc ghi báo bình công hàng tuần đã giúp cán bộ, nhân viên tương trợ lẫn nhau trong công việc hàng ngày và học hỏi lẫn nhau về cải tiến lề lối làm việc để tăng chất lượng công tác. Sau 3 đợt điều chỉnh tổ chức (10) và thực hiện Điều lệ biên chế mới của Liên khu V, số 0665-VP, ngày 30/9/1952, bộ máy của Ty Công an Quảng Ngãi có mô hình: - Văn phòng với những phần việc: văn thư, đánh máy, liên lạc; kế toán, quản lý, cấp dưỡng; nhân chính, cán bộ, tuyên huấn và bộ phận theo dõi chung về cán bộ và công tác. - Ban Chính trị Bảo vệ, gồm các bộ phận: văn thư; nghiên cứu sưu tập, chấp pháp; bảo vệ cơ quan; Đội Công an vũ trang phụ trách nhà tạm giam của Ty, trạm liên lạc, áp tải, áp giải và bảo vệ Uỷ Ban, đoàn thể tỉnh; một số điều tra viên. - Ban trị an Hành chính có các bộ phận: Văn thư; Căn cước, thông hành; Nghiên cứu, hỏi cung; Theo dõi công tác các đồn, đội, kiểm soát việc thi hành thể lệ, thừa hành mệnh lệnh của chính quyền; một số điều tra viên; một đội lưu động và 6 đồn Công an trật tự (Châu Ổ, Sơn Trà, Cổ Luỹ, thị xã, Thạch trụ, Sa Huỳnh) làm nhiệm vụ kiểm soát công khai, xây dựng Công an xã, phát triển Công an nhân dân). - Công an 6 huyện đồng bằng - Công an xã, thôn (trực thuộc Uỷ ban Kháng chiến Hành chính cấp xã quản lý, điều hành) (11) Tổng biên chế lực lượng Công an toàn tỉnh (gồm các ban ở Ty, Công an huyện, đồn) đầu năm 1952 có 250 người. Sau khi sắp xếp tinh giản biên chế đợt I còn 224 người, đợt II (cuối tháng 9) còn 204 người và sau đợt III (cuối tháng 12/1952) chỉ còn 151 người (12). Như vậy, sau một năm xây dựng và củng cố, mô hình tổ chức của Ty Công an Quảng Ngãi đã gọn nhẹ nhiều so với năm 1951. Văn phòng từ 4 phần hành với biên chế 25 người, chỉ còn lại 11 cán bộ, nhân viên, do Trưởng Văn phòng trực tiếp điều hành. Ban Chính trị Bảo vệ không còn nhiều bộ phận (tiểu ban) mà do Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo. Bộ phận nghiên cứu từ 8 nhân viên được giảm còn 4, cách thức sưu tập, nghiên cứu được xây dựng có nề nếp, hoạt động có hiệu quả hơn trong việc nắm và dự báo tình hình, nhất là tình hình do thám, gián điệp, bất mãn, phản động. Ban Trị an Hành chính đã sáp nhập bốn tổ điều tra thành một bộ phận do Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo. Những đồn, đội không cần thiết được giải thể; giao 4 đồn Công an trật tự ở 4 huyện miền núi cho Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện. Quá trình chấn chỉnh tổ chức, tinh giản biên chế, Công an tỉnh Quảng Ngãi dựa vào hướng dẫn của Nha Công an Trung ương và căn cứ tình hình thực tế tỉnh nhà để vận dụng theo 5 nguyên tắc: Trên tinh vi dưới đơn giản; nhẹ hành chính nặng nghiệp vụ; bảo đảm bí mật và chuyên môn hoá cán bộ; nhất trí trên - dưới ngang - dọc và phản ánh tính chất nhân dân. Các bộ phận cơ cấu có qui định nhiệm vụ rành mạch, trực tiếp phục vụ cho nghiệp vụ. Bộ phận ngoại cần, các đồn, đội, Công an huyện tinh gọn, không phân ra nhiều tổ, nhiều đơn vị, giảm cấp trung gian, khai thông ách tắc trong chỉ đạo điều hành. Tỷ lệ giữa nội cần và ngoại cần là 1/8,5. Cứ 8 cán bộ động thì chỉ có 1 cán bộ tĩnh làm công việc hành chính phục vụ nghiệp vụ. Văn phòng chỉ còn những công việc cần thiết cho nhiệm vụ quản trị hành chính và cán bộ tĩnh ở các ban cũng vừa đủ phục vụ cho công tác nghiệp vụ. Khi cần, cán bộ chỉ đạo và nhân viên tĩnh cũng xuống tận cơ sở, về các huyện, đồn để theo dõi, nắm tình hình và truyền đạt chỉ thị, nghị quyết… Lực lượng ngoại cần chú trọng xây dựng cơ sở ngầm, xã hội hoá, đi sâu, hoạt động theo đường lối vận động nhân dân tham gia công tác công an. Tình trạng xáo trộn, thay đổi giữa nội cần và ngoại cần, thay đổi vị trí, nhiệm vụ công tác của cán bộ, nhân viên đã giảm nhiều; cán bộ, nhân viên có điều kiện chuyên môn hoá, an tâm công tác. Chủ trương của ngành được kết hợp chặt chẽ với chủ trương của cấp uỷ và chính quyền địa phương nhờ việc hội ý, hội báo thường xuyên. Trong quá trình tinh giản biên chế, Công an Quảng Ngãi đã lựa chọn và lưu lại đa số thành phần cơ bản nòng cốt, có đạo đức. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh việc đào tạo, huấn luyện về chính trị cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác của toàn lực lượng, làm cho tình hình an­ ninh chính trị và trật tự xã hội về cuối năm được cải thiện đáng kể (13). Kết qủa nổi bật trong công tác xây dựng lực lượng, tinh giản biên chế, tổ chức và cải tiến lề lối làm việc của Công an Quảng Ngãi năm 1952 là: Tổ chức được tinh gọn, Công an huyện và xã được thành lập lại, củng cố và nâng cao hơn, hoạt động có hiệu quả trong công tác đấu tranh chống do thám gián điệp, phản động, bài trừ trộm cắp, lưu manh, giữ gìn an ninh trật tự. Quan điểm quần chúng “sát dân, sát cơ sở”, tư tưởng an tâm công tác, tinh thần trách nhiệm, tính tích cực, tận tuỵ với công việc của cán bộ, nhân viên đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều sáng kiến hay xuất hiện; giảm đáng kể các đầu mối trung gian, tình trạng quan liêu, hành chính giấy tờ, ách tắc trong công việc./.    
( 1): Theo Báo cáo nội bộ năm 1951, số 05 VP/4, ngày 09/01/1952, của Ty Công an Quảng Ngãi gửi Công an Liên khu V và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Ngãi, thì: - Đồng chí Lê Phác là Trưởng Ty, Tạ Mỹ Ban là Trưởng Văn phòng và đồng chí Trần Văn Trứ là Trưởng ban Tư pháp. Theo Nghị định số 1923, ngày 16-8-1951, của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Miền Nam Trung Bộ, thì đồng chí Đỗ Tấn Kiệt là Trưởng Ban Chính trị. Theo Nghị định số 2779-MN ngày 03/11/1951 của Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ thì Đồng chí Nguyễn Câu là Trưởng ban Trị an Hành chánh và đồng chí Nguyễn Nghĩa là Phó Trưởng ban Trị an Hành chánh. Đồng chí Tạ Văn Minh nguyên Trưởng ban Chính trị Ty Công an Quảng Ngãi được Công an Liên khu V điều lên giữ chức Trưởng quận Công an đặc biệt trực thuộc Sở, làm nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ an toàn khu.   ( 2): Gồm:  - Đồn số 1: đóng tại thị trấn Châu Ổ (xã Bình Thới), gồm các vọng gác: Biên giới Nam – Ngãi, cửa biển Sơn Trà và nhà lao Toà án nhân dân huyện Bình Sơn. - Đồn số 2: Trụ sở đóng tại Quán Cơm (xã Tịnh Ấn), gồm các vọng gác: cửa biển Sa Kỳ và nhà lao Toà án nhân dân huyện Sơn Tịnh. - Đồn số 3:Trụ sở đóng tại thị xã Quảng Ngãi (xã Nghĩa Lộ), gồm các vọng gác: Thị trấn Thu Xà (xã Nghĩa Hoà), thị trấn Sông Vệ (xã Nghĩa Phương), nhà ga Quảng Ngãi, cửa biển Cổ Luỹ (xã Nghĩa Hà) và nhà lao Toà án nhân dân huyện Tư Nghĩa. - Đồn số 4:Trụ sở đóng tại cơ quan 80 (di động theo cơ quan này để bảo vệ), có những vọng gác tuỳ theo địa thế nơi cơ quan 80 đóng. - Đồn số 5: Trụ sở đóng tại cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện Sơn Hà, phụ trách kiểm soát trong địa hạt huyện và có những vọng gác tuỳ tình hình mỗi lúc. - Đồn số 6: Trụ sở đóng tại cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện Trà Bồng. - Đồn số 7: Trụ sở đóng tại cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Ngãi (di động theo cơ quan), có các vọng gác tuỳ địa điểm cơ quan đóng. - Đồn số 8: Trụ sở đóng tại nhà lao Quảng Ngãi, gồm các vọng gác: nhà lao Quảng Ngãi và nhà lao Toà án huyện Nghĩa Hành.  - Đồn số 9: Trụ sở đóng tại thôn Thạch Trụ (xã Đức Lân), Mộ Đức), gồm các vọng gác: nhà lao Toà án nhân dân huyện Mộ Đức và Đức Phổ. - Đồn số 10: Trụ sở đóng tại cửa biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh), kiểm soát biên giới Bình Định - Quảng Ngãi. - Đồn số 11: Đóng tại nhà lao An trí Quảng Ngãi. - Đồn số 12: Đóng tại cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện Ba Tơ. - Đồn số 13: Đóng tại cơ quan UỶ ban Kháng chiến Hnàh chính huyện Minh Long. - Đồn số 14: Trụ sở đóng tại cơ quan Ty Công an Quảng Ngãi (di động theo cơ quan)   ( 3): Trong vòng một năm, Ty đã mở hai lớp huấn luyện cho Trật tự xã ở hai cụm, gồm: lớp Nam Ngãi (gồm các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành, Ba Tơ, có 29 học viên) và lớp Bắc Ngãi (gồm Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Sơn Hà, có 30 học viên tham gia); một lớp bổ túc Trật tự viên tại Đức Trung (Mộ Đức), có 20 học viên; một lớp Công đoàn cho đoàn viên học tại Đức Thạnh, có 18 người; một lớp cán bộ tại Đức Nhuận học tài liệu chỉ thị 758; một lớp lý luận chính cương Đảng ra công khai và một lớp học về biên chế với số người theo học là 335 người. Học viên là những nhân viên kém chuyên môn hoặc những người mới được tuyển dụng nhằm đào tạo chuyên môn và giáo dục nhận thức chính trị, tư tưởng phục vụ công tác công an. Giảng viên là những cán bộ trong Ty có trình độ chuyên môn khá và thâm niên công tác và mời các ngành có liên quan đến giảng giúp.   ( 4):  Toàn tỉnh lúc bấy giờ có 24 cơ quan, cơ xưởng thuộc tỉnh quản lý.   ( 5): Ở Bình Sơn, một uỷ viên Hội đồng nhân dân, một Bí thư chi bộ kiêm uỉy viên Hội đồng nhân dân cũng hùa theo đồng bào cắt trộm lúa; ở Tịnh An (Sơn Tịnh), một số cán bộ, dân quân, Công an xã cũng tham gia trong vụ cướp.   ( 6): Trong năm 1952, Công an Quảng Ngãi đưa ra dân bình nghị 1.193 đối tượng, tuyên bố quản chế 486 đối tượng (Báo cáo tổng kết công tác năm 1952 của Ty Công an tỉnh Quảng Ngãi, số 096/VP, ngày 18/01/1953).   ( 7): Trong năm 1952, Công an Quảng Ngãi khám phá 28 vụ án nghiêm trọng, bắt xử lý 995 đối tượng. Trong đó có: 22 đối tượng gián điệp và tình nghi gián điệp, 24 đối tượng bất mãn phản động, 13 đối tượng người dân tộc thiểu số phản động trong vụ Sơn Hà, 3 tên can tội giết người, 291 tên trộm cắp, 13 đối tượng lừa đảo, bội tín, 36 tên lưu manh du đãng, 87 quân nhân đào ngũ…   ( 8):  Tổ chức Công Đoàn của Ty Công an Quảng Ngãi hoạt động khá mạnh. Mỗi Ban nghiệp vụ đều tổ chức thành một Phân Đoàn.   ( 9):  Phong trào tăng gia sản xuất tự túc cá nhân trở thành bắt buộc. Toàn Ty đã có 3 mẫu hoa màu (mì, khoai lang, đậu), có nơi làm lúa, rau màu, nuôi gia cầm…Mức phấn đấu là mỗi nhân viên phải tự túc trong 6 tháng tối thiểu 18 kg gạo, tương đương một tháng sinh hoạt không lương và phụ cấp của Chính phủ.   ( 10): Sau đợt đầu năm, mô hình Ty Công an Quảng Ngãi có: - Văn phòng gồm 4 phần hành - Ban Chính trị Bảo vệ gồm: Nội cần có Văn thư, Tiểu ban Nghiên cứu Sưu tập và Tiểu ban Chấp Pháp; ngoại cần có 5 tổ điều tra (thường trực, đi sâu, bảo vệ cơ quan, đường dài và cửa biển) và một đội Vũ trang. Ngoài ra, còn có 4 đồn bảo vệ Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, nhà lao tỉnh, cơ quan 80 và đồn thường trực. - Ban Trị an Hành chính, gồm: Nội cần (có Văn thư, Tiểu ban Trị an, Tiểu ban Hành chính); ngoại cần (có4 tổ điều tra (thường trực, đi sâu, xã hội, kinh tài); ngoài ra, có 12 đồn (cửa biển, thị trấn và 4 huyện miền núi) và 2 đội lưu động. - Ở các huyện đồng bằng, trước tháng 5/1952, có một tổ tình hình chung (có nhiệm vụ điều tra ở huỵên và xây dựng Công an xã), bắt đầu chuyển hướng thành lập Công an huyện. Tháng 5/1952, nhiệm vụ canh gác và quản trị nhà lao tỉnh được giao cho Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh nên đồn Công an vũ trang đang làm nhiệm vụ này được giải thể. Tháng 6/1952, tổ tình hình chung sau khi được chỉnh đốn lại, chuyển hướng nhiệm vụ thành Công an huyện, do một huyện uỷ viên được Huyện uỷ bố trí làm Trưởng Công an huyện, được xác định là một cấp chuyên môn của huyện. Đợt điểu chỉnh thứ II, bắt đầu từ tháng 7/1952, các đồn Công an trật tự ở 4 huyện miền núi sáp nhập vào Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện, nằm trong biên chế của Ban Cán sự Miền Tây. Cơ quan 80 giải tán, Đồn Công an vũ trang bảo vệ giải thể, tăng cường lực lượngcho các đội ở Ty. Giải thể đồn biên giới Nam-Ngãi (Dốc Sỏi), bổ sung lực lượng cho hai đồn Châu Ổ, Sơn Trà. Cũng trong tháng 7/1952, Ty Công an Quảng Ngãi rút các đoàn đã được thành lập và cử đi cơ sở phục vụ thi hành thuế nông nghiệp và xây dựng Ngành từ hồi tháng 5/1952 về, bổ sung lực lượng cho các bộ phận ngoại cần. Đợt điều chỉnh thứ III bắt đầu từ tháng 9/1952, nhập các phần hành liên quan, Văn phòng Ty chỉ còn 2 bộ phận đơn giản. Đội Công an lưu động được rút về tăng cường cho bộ phận điều tra ở Ban Trị an Hành chính và các đồn xung yếu. Xét thấy các cơ quan cấp tỉnh đóng gần nhau nên Ty Công an Quảng Ngãi giải thể đồn Công an bảo vệ Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, bổ sung lực lươợng cho đội vũ trang, chỉ đặt một số công an viên bảo vệ Uỷ ban, các đoàn thể và canh gác, áp tải; đồng thời giải thể đồn thường trực ở Ty, chỉ đặt hai nhân viên phụ trách trạm liên lạc cho Ty và các cơ quan của tỉnh.   ( 11): Đầu năm 1952, tổ chức Công an xã thực hiện theo Thông tư 23-MN/5 của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ và Phụ lục Công an xã của Nha Công an trung ương kết hợp với tinh thần biên chế của Uỷ ban kháng chiến Hành chính tỉnh nên có mô hình gồm một Phó Chủ tịch kiêm Uỷ viên phụ trách Công an xã, một Thư ký Tư pháp - Hộ lại kiêm Công an (trong Văn phòng Uỷ ban), một cán bộ chuyên trách và ở mỗi xã có một đội điều tra trật tự do uỷ viên phụ trách Công an điều hành. Ở mỗi thôn có một tổ Công an với một số công an viên, ở mỗi liên gia một người. Riêng các xã miền núi, Công an xã không có đội điều tra-trật tự, thôn trưởng kiêm nhiệm tổ trưởng Công an và ở mỗi nóc (xóm), có một người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các uỷ viên phụ trách và thư ký đều khoáng trắng việc điều hành công tác công an cho cán bộ chuyên trách. Từ tháng 11/1952, ở 65 xã đồng bằng tiến hành một vài sửa đổi, mỗi xã có: Phó Chủ tịch kiêm Uỷ viên phụ trách Công an xã, một Trưởng ban Công an xã (cán bộ chuyên trách), một Phó ban Công an xã, do một xã đội phó dân quân phụ trách quân báo kiêm nhiệm (nhằm tiết kiệm cho ngân sách và kết hợp được lực lượng dân quân với Công an xã trong công tác phòng gian bảo mật) và một kiểm soát viên (trình độ tương đương trưởng, phó Công an xã nhưng không thoát ly sản xuất). Ở mỗi liên gia có một hoặc hai công an viên (tuỳ đặc điểm dân cư). Tuỳ điều kiện địa thế, cứ 3, 4 họăc 6 liên gia ghép thành một tổ Công an, có tổ trưởng phụ trách. Ở những nơi đông người như thị trấn, bến đò… thì thành lập một tổ từ 3-5 người.   ( 12): Quân số cụ thể như sau: - Trưởng Ty và một kiểm soát viên; - Văn phòng: 11 người - Ban Chính trị Bảo vệ: 45 người (trong đó, có 4 cán bộ nghiên cứu sưu tập, 20 cán bộ nhân viên ngoại cần, 15 cán bộ chiến sĩ Công an vũ trang...) - Ban Trị an Hành chính: 42 người ( trong đó: 3 nghiên cứu và hỏi cung, 10 điều tra và 26 biên chế thuộc các đồn, đội lưu động...). - Công an huyện Bình Sơn có 8 người, Sơn Tịnh có 9, Tư Nghĩa: 10 , Nghĩa Hành: 7, Mộ Đức: 8 và Đức Phổ có 7 người. Trong đó, có 12 cán bộ chỉ đạo (Ty, ban, huyện), 8 trưởng đồn, 18 nội cần, 27 ngoại cần, 24 công an trật tự, 25 Cong an vũ trang và 37 cán bộ chiến sĩ Công an huyện.   (13) Tổng mức chi tiêu năm 1952 chỉ còn 32.121.691 đồng, tiết kiệm đáng kể so với năm 1951 (163.030.780 đồng) - Năm 1951, đấu tranh khám phá 572 vụ về chính trị và 215 vụ về trật tự xã hội. - Năm 1952, thụ lý điều tra làm rõ 152 vụ về chính trị và 442 vụ về trật tự xã hội.

Related news


02/05/2024

Nội dung trong file đính kèm 22/12/2023

Qua xác minh, N.guyễn T.hị L.ệ T.hương (sinh 1994, cư trú tại: xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) Nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết: Khoảng 12h30' cùng ngày nhận yêu cầu từ L.ê T.ấn H.ải (sinh 1988, cư trú tại xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa) - Quản lý sản phẩm N.. của nhãn hiệu N..., T.hương đến ‎Công ty TNHH MTV T.uyết K.a (88 B.à T.riệu, TP Quảng Ngãi) nhận sản phẩm đến Trường Tiểu học ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm: 19 lốc sữa nhãn nhiều N... và 01 túi 50 gói thạch trái ‎cây N... (tặng kèm khi bán sữa).
Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau cau, thì có nhiều học sinh sử dụng bị ngộ độc phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.‎
Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh ATTP và CDC Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.
Hiện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đang khám và theo dõi sức khỏe cho các em, chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.
Vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh về đồ ăn thức uống trước các cơ sở giáo dục khi bán cho học sinh sử dụng. Trước đó, ngày 02/12/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 6476/VC-PV01(TMCS) chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hàng quán trước cổng trường mua bán các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi có chứa chất ma tuý./.

08/12/2023

I. Đối tượng tuyển chọn

Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ cao hơn, chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện - điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điện công nghiệp.

II. Phương thức tuyển chọn: Xét tuyển

III. Số lượng cần tuyển

- 11 chỉ tiêu cán bộ công nghệ thông tin (Quản trị mạng; Máy chủ; Quản trị cơ sở dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Phần mềm, ứng dụng).

- 01 chỉ tiêu cán bộ kỹ thuật (điện, điều hòa chính xác, ắc quy, bể dầu và phòng cháy, chữa cháy hệ thống công nghệ thông tin). 

*Toàn văn Thông báo xem tại file đính kèm./.

08/12/2023

Ba cảnh báo phát đi chưa ráo mực, ngày 03/12/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thủ đoạn mới lừa đảo trực tuyến bằng việc "điều chỉnh dữ liệu quốc gia cấp 2", cụ thể:

Khoảng 10h00' sáng ngày 03/12/2023, một người dân (gốc Quảng Ngãi) hiện cư trú ở TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số 0395.719.46... thông báo "dữ liệu cấp 2" do phường cập nhật chuyển lên quận bị nghẽn, đề nghị lên quận điều chỉnh, hoặc sẽ có người hỗ trợ qua zalo.

Khoảng 30' sau, có 02 số máy 0866.656.46..., 0394.999.24... giới thiệu là "nhân viên hướng dẫn" ở quận hỗ trợ người dân tải App "dichvucong" bằng cách đăng nhập Google tải "dichvucong.lgov.net" (Hình 1) với điều kiện máy smatphone có hệ điều hành Android.

Hình 1

Do máy smatphone người dân này không trùng hệ điều hành, nên mượn tạm máy của người cha ruột (mới nghỉ hưu, từ Quảng Ngãi vào thăm con) thao tác. 

Khi tải được ứng dụng, "nhân viên hướng dẫn" yêu cầu đăng nhập kích hoạt ứng dụng bằng số điện thoại cá nhân và tự tạo một mật khẩu (Hình 2).

Hình 2

Khi ứng dụng dichvucong.lgov.net được kích hoạt, máy hiện tỷ lệ % kích hoạt (Hình 3).

Hình 3

Kích hoạt xong, không liên lạc được với "nhân viên hướng dẫn" để làm bước tiếp theo.

Người cha nghi ngờ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng VCB trên máy smatphone thì toàn bộ 83 triệu tiền lương tích cóp đã mất.

Kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng, thì thời điểm kích hoạt ứng dụng cũng là lúc hai lần tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng của kẻ gian.

Vụ việc đang được kiểm tra, xác minh.

KHUYẾN CÁO:

1. Lực lượng Công an hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID trực tiếp.

2. Mọi trường hợp khi kích hoạt thì không có lỗi, trừ trường hợp người dân cung cấp sai số điện thoại hoặc thay số điện thoại thì phải đăng ký lại trực tiếp tại Đội CSQLHC về TTXH Công an cấp huyện hoặc báo trực tiếp cho Công an cấp xã để cấp xã báo Công an cấp huyện điều chỉnh, hoàn toàn không hỗ trợ qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. 

3. Mọi trường hợp thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân cần liên hệ với công an cơ sở nơi cư trú để được hỗ trợ./.

 

04/12/2023

Visitor Statistic

Currently Online: 2181

Total Visit: 8145136