Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân – Lá chắn pháp lý cho quyền riêng tư trong thời đại số
Ngày 26/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (số 91/2025/QH15). Đây là luật đầu tiên tại Việt Nam điều chỉnh một cách toàn diện hoạt động thu thập, lưu trữ, xử lý và bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, đánh dấu bước tiến lớn trong hành lang pháp lý bảo vệ quyền riêng tư và an ninh mạng.
.png)
Vì sao cần Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân?
Trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ, dữ liệu cá nhân trở thành tài sản số vô giá. Từ hoạt động thương mại điện tử, y tế số, đến hành chính công... đều sử dụng dữ liệu cá nhân như một phần thiết yếu. Tuy nhiên, nguy cơ rò rỉ thông tin, lạm dụng, đánh cắp danh tính, giả mạo... ngày càng phổ biến và tinh vi.
Luật ra đời nhằm: Đảm bảo quyền riêng tư của người dân được tôn trọng; tạo nền tảng pháp lý cho các tổ chức xử lý dữ liệu một cách minh bạch, có trách nhiệm; gia tăng niềm tin xã hội trong quá trình chuyển đổi số; hội nhập quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu về bảo vệ dữ liệu…
Những điểm mới và nội dung nổi bật của Luật:
1. Khái niệm rõ ràng về dữ liệu cá nhân
Luật phân loại dữ liệu cá nhân thành:
- Dữ liệu cơ bản: họ tên, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại...
- Dữ liệu nhạy cảm: sức khỏe, sinh trắc học, tài chính, quan điểm chính trị, tôn giáo...
2. Quyền của cá nhân được bảo đảm
Mỗi người dân có quyền:
- Biết, đồng ý hoặc từ chối việc xử lý dữ liệu;
- Yêu cầu truy cập, chỉnh sửa, xóa bỏ dữ liệu;
- Phản đối hoặc giới hạn việc xử lý dữ liệu;
- Khởi kiện, yêu cầu bồi thường nếu bị xâm phạm quyền.
3. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp
Các đơn vị xử lý dữ liệu phải:
- Xây dựng chính sách bảo vệ dữ liệu rõ ràng;
- Chỉ thu thập dữ liệu khi có mục đích hợp pháp và sự đồng ý của người dân;
- Áp dụng biện pháp kỹ thuật – tổ chức bảo mật thông tin;
- Bổ nhiệm người phụ trách bảo vệ dữ liệu (DPO);
- Báo cáo kịp thời nếu xảy ra rò rỉ dữ liệu.
4. Nghiêm cấm các hành vi vi phạm dữ liệu
- Luật quy định rõ 7 hành vi bị cấm, trong đó có:
- Xử lý dữ liệu nhằm mục đích chống phá Nhà nước;
- Thu thập, mua bán dữ liệu trái phép;
- Cản trở hoạt động của cơ quan bảo vệ dữ liệu;
- Lợi dụng bảo vệ dữ liệu để bao che hành vi phạm pháp.
5. Chế tài mạnh mẽ
- Mức xử phạt hành chính có thể lên tới 3 tỷ đồng;
- Doanh nghiệp có thể bị đình chỉ hoạt động;
- Trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ý nghĩa thiết thực của Luật
Việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ mang giá trị pháp lý mà còn tạo ra nhiều tác động tích cực:
- Với người dân: được trao quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân, hạn chế bị xâm phạm quyền riêng tư.
- Với doanh nghiệp: tạo niềm tin với khách hàng, nâng cao trách nhiệm xã hội và năng lực cạnh tranh quốc tế.
- Với Nhà nước: hỗ trợ quản lý xã hội hiệu quả hơn, tăng cường an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao.
- Với quốc tế: thúc đẩy hợp tác số, tạo điều kiện ký kết các hiệp định dữ liệu xuyên biên giới.
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 là cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển Chính phủ số, xã hội số và công dân số tại Việt Nam. Mỗi cá nhân và tổ chức cần chủ động, nghiêm túc thực hiện để xây dựng một không gian số an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.
Thế Cường