Vì sao bỏ quy định người dân giám sát Cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình?
Từ ngày 15/11/2024, người dân không được phép sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) như trước đây. Việc giám sát được thực hiện qua các hình thức khác: Tiếp cận thông tin công khai, quan sát trực tiếp hoặc qua các cơ quan, tổ chức giám sát theo quy định của pháp luật. Đây là một bước tiến nhằm bảo vệ trật tự công vụ, tránh tình trạng lạm dụng quyền giám sát của công dân. Lợi dụng sự thay đổi trên, các thế lực chống phá đã xuyên tạc Nhân dân bị tước đoạt quyền giám sát CSGT với những luận điệu hoài nghi, xúc phạm lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng CSGT.
Thời gian qua, việc giám sát của người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định; nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của lực lượng CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Mặc dù hình ảnh đăng tải được phát hiện, gỡ bỏ và xử lý nhưng vẫn gây ảnh hưởng, tác động xấu đến người xem, ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, chiến sỹ CSGT. Mặt khác, việc công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đang bị một số đối tượng lợi dụng để gây khó khăn cho lực lượng CSGT trong thi hành công vụ.
Việc không quy định hình thức giám sát của Nhân dân thông qua ghi âm, ghi hình là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ Công an sẽ quy định việc Công an các đơn vị, địa phương bố trí khu vực làm việc, tổ chức ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của lực lượng CSGT vào thông tư quy định nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSGT đường bộ để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác.
P.H.T