Quảng Ngãi: Người dân nên chủ động nhận biết, ứng phó sự cố sạt lở đất đá và mưa lũ trên diện rộng
Điển hình vụ sự cố tai nạn sạt lở đất, đá vào tháng 10/2022 tại nhà máy thủy điện Kà Tinh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản và làm 01 người chết.
Vụ sạt lở đất, đá tại thủy điện Kà Tinh năm 2022
Triển khai lực lượng trong đêm để tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở đất, đá tại thủy điện Kà Tinh năm 2022
Trước tình hình cơn bão Trami (cơn bão số 6) diễn biến phức tạp, tăng cấp và di chuyển rất nhanh vào Biển Đông, kèm theo mưa, lũ. Để phòng ngừa thảm họa, người dân cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như: Các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra, vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, nền, bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng, xuất hiện các vết nứt nở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Khi mạch nước ngầm bị vỡ, mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh, nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới, hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.
Sạt lở đất tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi năm 2020
Chú ý sự thay đổi của dòng nước, nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất, khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất tụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm, cần bảo vệ tính mạng trước tiên chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường, không được đi qua và lại gần quanh khu vực sạt lở đất, không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường như nước sông suối từ trong chuyển sang đục dần, không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh.
Bên cạnh đó, cần tìm hiểu xem ở khu vực gần nhà mình từng xảy ra sạt lở đất, đá chưa, chủ động quan sát các dấu hiệu sạt lở đất. Hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, người già, người khuyết tật những biện pháp phòng tránh cần thiết; kịp thời báo cáo chính quyền địa phương khi phát hiện dấu hiệu sạt lở đất, đá. Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Nhà người dân bị hư hỏng sau vụ sạt lở đất, đá tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi năm 2023
Khi di dời cần bảo đảm theo nguyên tắc sau: Bảo đảm tính mạng con người trước, tài sản sau và di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước. Địa điểm di dời là những nơi sinh hoạt cộng đồng như: Trường học, bệnh viện hoặc những nhà kiên cố an toàn trong những vùng lân cận. Mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết như: Nước uống, thức ăn, thuốc men, quần áo và đèn pin…
Người dân hoặc các lực lượng khi tham gia hỗ trợ, tìm kiếm người bị nạn do sự cố sạt lở đất, đá cần chú ý các khu vực sạt lở có thể có nguy cơ xảy ra sự cố sạt lở thứ cấp, lũ quét, dòng chảy, nguy cơ cháy, nổ và nguy cơ sập đổ hoàn toàn nhà, công trình… Cần bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia.
Trung Đức