Truy cập nội dung luôn

Một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đề ra trong năm 2024 làTiếp tục gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số và cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào tất cả các mặt công tác xuất nhập cảnh, phấn đấu giữ vững chỉ số cải cách hành chính của đơn vị xếp loại Xuất sắc. Cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm đề ra, ngay từ đầu năm, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, đặt mục tiêu cụ thể đối với từng nội dung công tác cải cách hành chính và đề ra giải pháp, sáng kiến nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Kể từ tháng 7/2022, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông cho các trường hợp đủ điều kiện qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, công dân không cần đến trực tiếp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh để nộp hồ sơ mà chỉ cần thao tác trên máy tính có kết nối internet hoặc trên điện thoại thông minh; đăng nhập Cổng dịch vụ công Bộ Công an https://dichvucong.bocongan.gov.vn để khai và nộp hồ sơ bằng tài khoản VNeID hoặc tài khoản dịch vụ công đăng ký bằng thuê bao di động. Thời gian đầu, việc này gây nhiều lúng túng, bỡ ngỡ cho công dân trong quá trình thực hiện TTHC nên tỉ lệ tiếp nhận qua Cổng dịch vụ công còn thấp. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã xây dựng và triển khai mô hình “Cán bộ chiến sĩ xuất nhập cảnh đồng hành cùng người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, xây dựng và phát tờ rơi hướng dẫn cụ thể từng thao tác để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện; bố trí cán bộ trực tiếp hướng dẫn tận tình cho người dân gặp khó khăn khi thao tác nộp hồ sơ trực tuyến. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho công dân tại cơ sở lợi ích của người dân khi làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu qua cổng dịch vụ công, hướng dẫn về sử dụng ứng dụng VNeID nhằm tăng tỷ lệ công dân sử dụng dịch vụ, tiết kiệm công sức, thời gian và chi phí so với đi làm hồ sơ trực tiếp như trước đây. Đến nay, đã tổ chức tiếp nhận và xử lý hơn 17.000 hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an (đạt tỉ lệ 100% đối với trường hợp đủ điều kiện); đồng thời, đang triển khai tiến tới tiếp nhận hoàn toàn hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến cho trẻ em dưới 14 tuổi trên toàn tỉnh.

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hướng dẫn công dân làm hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Song song với đó, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ công, đã triển khai Bộ mã QR về hướng dẫn TTHC lĩnh vực xuất nhập cảnh; hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến (cấp hộ chiếu, trình báo mất hộ chiếu phổ thông, khôi phục giá trị hộ chiếu) và tra cứu kết quả hộ chiếu trên Trang thông tin dịch vụ công trực tuyến Công an tỉnh Quảng Ngãi. Đẩy mạnh phối hợp với Bưu điện thành phố Quảng Ngãi trong chuyển trả hộ chiếu qua bưu điện theo nhu cầu của công dân, theo đó, đã chuyển trả hơn 75,8% số hộ chiếu Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp cho công dân, tiết kiệm thời gian nhận hộ chiếu và khép kín quy trình, từ khi làm hồ sơ đề nghị qua Cổng dịch vụ công đến khi nhận hộ chiếu công dân không phải trực tiếp đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.

Bộ mã QR hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài, từ đầu năm 2023 đến nay, đã rút ngắn thời gian giải quyết  thủ tục thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam” từ 05 ngày làm việc xuống 03 ngày làm việc cho gần 1000 trường hợp người nước ngoài và thủ tục  “Cấp giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới cho người nước ngoài” từ 05 ngày làm việc xuống 02 ngày làm việc” cho 73 trường hợp. Tiếp nhận hơn 15.800 trường hợp khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang khai báo tạm trú cho người nước ngoài trên internet.

Song song với công tác cải cách hành chính, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh quan tâm tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 7 đợt tuyên truyền pháp luật xuất nhập cảnh cho công dân đăng ký lao động có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, hàng năm, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đều tham mưu Giám đốc Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức đối thoại trực tiếp, kết hợp với tuyên truyền pháp luật về xuất nhập cảnh với các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, Khu Kinh tế Dung Quất, du học sinh Lào, nhằm tiếp thu ý kiến, tháo gỡ những khó khăn vướn mắc về quy định xuất nhập cảnh và các vấn đề có liên quan cho các doanh nghiệp, công dân tham gia xuất khẩu lao động, lao động, sinh viên nước ngoài đang làm việc, học tập tại địa phương.

Tuyên truyền pháp luật về xuất nhập cảnh cho công dân đăng ký lao động có thời hạn ở nước ngoài tại Sàn giao dịch việc làm

Tuyên truyền pháp luật về xuất nhập cảnh cho du học sinh Lào

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính trên lĩnh vực xuất nhập cảnh, lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thường xuyên tuyên truyền giáo dục, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ về tinh thần trách nhiệm, giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong trong giao tiếp, ứng xử; tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính các ngày trong tuần và vào sáng thứ 7 hàng tuần; tăng cường làm thêm ngoài giờ hành chính và để kịp thời giải quyết đúng thời hạn giải quyết thủ tục hành chính quy định. Nhờ đó, trong năm 2022, 2023 Phòng Quản lý xuất nhập cảnh luôn giữ vững xếp loại Xuất sắc trong công tác cải cách hành chính.

Trong thời gian tới, mỗi cán bộ Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác cải cách hành chính để phục vụ nhân dân tốt hơn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định; tận tụy, tận tâm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục giữ vững chỉ số cải cách hành chính năm 2024 xếp loại Xuất sắc./. 

15/05/2024

Fanpage Facebook giả mạo 

Điển hình, đầu tháng 5/2024 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Đà Nẵng tiếp nhận đơn trình báo của chị N.T.T (trú: Hòa Vang, Đà Nẵng) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể: Khi đang sử dụng mạng xã hội Facebook, chị T. nhìn thấy quảng cáo cuộc thi âm nhạc Yoshine Music Festival 2024, sau khi nhắn tin đăng ký tham gia thì có 01 (Một) tài khoản mạng xã hội Facebook tự xưng là MC của Đài truyền hình quốc gia VTV nhắn tin hướng dẫn, dụ dỗ chị nộp các khoản phí để tham gia các “thử thách” do chương trình đưa ra để hưởng hoa hồng với lãi suất cao. Sau đó, đối tượng tiếp tục đưa chị T. vào nhóm chat có nhiều thành viên do các đối tượng cài cắm vào. Trong nhóm, sẽ có nhiều ảnh phụ huynh chuyển tiền và nhận được hoa hồng như hứa hẹn tạo lòng tin nhằm dụ dỗ chị T. tiếp tục chuyển tiền tham gia “thử thách”. Tổng cộng, chị T. đã bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng.

Văn bản giả mạo danh Đài truyền hình quốc gia VTV

Trước tình hình trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Đà Nẵng khuyến cáo các phụ huynh nên cảnh giác khi tìm hiểu các thông tin về chương trình, cuộc thi mời chào trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Đặc biệt không chia sẻ hình ảnh và thông tin cá nhân của bản thân và người thân lên không gian mạng cho người lạ vì rất dễ bị sử dụng vào các mục đích xấu khác. Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần liên hệ trình báo cơ quan Công an gần nhất để được giải quyết.

15/05/2024

Tham gia Đoàn có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lê Văn Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương…

Đoàn đại biểu Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đại biểu Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn trước những công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam nói chung, với lực lượng CAND nói riêng; nguyện phấn đấu đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn; phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang, xây dựng lực lượng CAND tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng, “lá chắn thép” vững vàng trong đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.

Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Đoàn đại biểu Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an dâng hương viếng các Anh hùng liệt sĩ.

Tiếp đó, Đoàn đại biểu Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã đến đặt vòng hoa và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ”.

 

Bộ trưởng Tô Lâm dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Đoàn đại biểu Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tưởng nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ.
15/05/2024

Theo đó, dự thảo luật bổ sung mới Điều 7 Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

1. Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, người học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình chính khóa phù hợp với từng ngành học, cấp học.

3. Trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn theo quy định cho học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi học tại cơ sở giáo dục đó.

4. Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học.

Lực lượng Công an tiến hành đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.

Căn cứ để bổ sung

- Khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật này nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Bộ Công an, Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức điều tra xã hội học, hội thảo khoa học về: “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ”, lấy ý kiến các chuyên gia y tế tại các bệnh viện lớn của Việt Nam. Kết quả cho thấy:

+ Rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông; các nhà khoa học đều đồng thuận cao, phải xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia. Vì những con số đáng báo động về tác tại của rượu, bia: (1) Từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023 số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra; theo thống kê, điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an thì có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia, (chiếm 51,28%, đối với 07 nhóm tội danh như: Giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ); (2) Từ năm 2018 đến năm 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2.742.395 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não là 381.269 lượt người (chiếm 13,9%). Trong đó, số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia là 425.619 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não là 70.522 lượt người (chiếm 16,6%). Như vậy, tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não vì tai nạn giao thông đường bộ do có liên quan đến rượu, bia cao hơn tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não nói chung; (3) Việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này.

+ Sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, chia làm 02 nhóm: Nhóm các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn và Nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được phép đối với người lái xe, theo đối tượng: Mức chuẩn, Người lái xe thương mại (taxi, xe buýt, lái xe thuê) và người mới lái xe. Tuy nhiên, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay thực sự rất cần nồng độ cồn bằng không khi điều khiển phương tiện, vì:

(+) Điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện nay có nhiều đặc thù; ở các nước phát triển chủ yếu là xe ôtô đi đúng theo làn và khoảng cách phù hợp với tốc độ, như quy định tại Australia xe sau cách xe trước một khoảng an toàn hai giây. Tức là nếu xe trước đi qua một mốc nào đó, thì ít nhất hai giây sau, xe đi sau mới vượt qua mốc đó. Điều này cho phép lái xe có khoảng 0,5 giây để nhận biết tình huống khẩn cấp, 0,5 giây tiếp theo để có phản xạ và phương án phù hợp và một giây cuối cùng để thực hiện phương án như phanh gấp hay đánh lái sang làn. Như vậy nếu có vi phạm xảy ra tai nạn thì cũng hạn chế tai nạn liên hoàn. Theo khoảng cách này, nếu ôtô đi với vận tốc 40 km/h, thì khoảng cách giữa hai xe là hơn 22 m. Điều này là không tưởng ở Việt Nam, nơi các xe chỉ cách nhau khoảng một vài mét, dù vẫn di chuyển với vận tốc 40 km/h. Giao thông trên đường tại Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra.

(+) Theo khảo sát của một số Tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia), đây là tỷ lệ rất đáng báo động. Rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội (hơn 50% các vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia). Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Trong khi đó, văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng không thì không uống. Nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì. Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe. Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua.

Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó, xã hội rất cần sự nghiêm khắc.

(+) Hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Với các lý do nêu trên và tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia không lái xe”. Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

15/05/2024

Quy định của Luật Căn cước 2023 về thông tin sinh trắc học mống mắt

Theo khoản 3 Điều 3 Luật Căn cước 2023 thì sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác. Theo khoản 3 Điều 15 Luật Căn cước 2023 thì thông tin sinh trắc học trong trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

Thông tin sinh trắc học mống mắt quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước nêu rõ “Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước”, như vậy việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.

Mống mắt là gì?

Mống mắt là một cấu trúc mỏng, hình tròn nằm trong mắt, có công dụng điều chỉnh đường kính và kích cỡ của đồng tử. Mống mắt bao gồm hai lớp: lớp mạch sợi có sắc tố ở phía trước và lớp tế bào biểu mô chứa sắc tố ở phía dưới. Lớp mạch sợi được nối với cơ thắt đồng tử, cơ này co bóp đồng tử theo chuyển động tròn, và một tổ hợp các cơ giãn đồng tử, kéo rộng mống mắt để đồng tử mở to ra. Ở trong bóng tối, mống mắt sẽ mở to ra để thu nhận ánh sáng còn khi ra trời nắng, mống mắt thu nhỏ lại để tránh chói mắt. Màu mắt của mỗi người được quyết định chính bởi màu của mống mắt, khác biệt ở các chủng tộc khác nhau, có người màu mắt nâu, nâu sẫm nhưng cũng có người màu mắt là xanh lam…

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cấu trúc các đường vân trên mống mắt rất phức tạp, gồm những đường sóng uốn lượn từ trong ra ngoài. Những đường sóng này tạo thành một cấu trúc riêng biệt, được xem là duy nhất với mỗi người (thậm chí khác nhau giữa cả mắt trái và mắt phải của một người). Do đó, mống mắt cũng như vân tay có thể được ứng dụng để xác định một cá nhân cụ thể. 

Việc nhận diện thông qua sinh trắc học mống mắt là xu hướng chuyển đổi số hiện nay

Công nghệ nhận diện mống mắt (hay còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt) là phương pháp sử dụng thuật toán, hình ảnh để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân phức tạp và duy nhất của mống mắt và hiện đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ này để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website... Đồng thời công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp.

Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...). Dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng, là lĩnh vực chủ yếu cho các thiết bị thông minh (di động, app điện tử) đều được trang bị các camera thông minh tránh các trường hợp giả mạo khuôn mặt, video giả mạo khi định danh, xác thực cho các giao dịch. Kết hợp với các yếu tố sinh trắc như khuôn mặt (đảm bảo xác thực 02 yếu tố) sinh trắc là cơ sở triển khai hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (với các thiết bị di động hiện nay rất ít được trang bị modul về đọc, xác thực vân tay) nên việc thu thập thông tin sinh trắc bắt buộc là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, Luật Căn cước 2023 đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân./. 

15/05/2024

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 2031

Tổng số lượt xem: 8143319