Truy cập nội dung luôn

Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh Quảng Ngãi gồm đồng chí Đại tá Phan Công Bình, Giám đốc Công an tỉnh – Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh làm Trưởng đoàn; đồng chí Đại tá Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh – Tổ phó Tổ Công tác Đề án 06 làm Phó Trưởng đoàn và các thành viên Tổ Công tác Đề án 06 là đại diện các Sở, ngành, các Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh.

Tiếp đón, cùng làm việc với Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh Quảng Ngãi tại UBND thành phố Hà Nội có đồng chí Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính – Thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính – chuyển đổi số - Đề án 06 thành phố Hà Nội. Làm việc tại UBND thành phố Hà Nội, Đoàn đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số nhiệm vụ Đề án 06 tại địa phương, điển hình như: Công tác bố trí kinh phí phục vụ triển khai Đề án 06; việc triển khai thực hiện các mô hình: “Hồ sơ sức khỏe điện tử”, “Sổ sức khỏe điện tử”, “Kiosk đăng ký khám chữa bệnh”, “Kiosk hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm phục vụ kiểm soát thủ tục hành chính”; công tác số hóa sổ hộ tịch  và Ban chỉ đạo Cải cách hành chính – Chuyển đổi số - Đề án 06 thành phố Hà Nội cũng đã trao đổi kinh nghiệm trong triển khai thực hiện những nhiệm vụ này.

Quang cảnh buổi làm việc với Ban chỉ đạo cải cách hành chính – chuyển đổi số - Đề án 06 thành phố Hà Nội

Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh – Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh  phát biểu trao đổi tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo cải cách hành chính – chuyển đổi số - Đề án 06 thành phố Hà Nội

Đại diện Ban chỉ đạo cải cách hành chính – chuyển đổi số - Đề án 06 thành phố Hà Nội trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện các nhiệm vụ mà tỉnh Quảng Ngãi đang gặp khó khăn, vướng mắc

Ngoài ra, Đoàn còn tham quan thực tế các mô hình “Sổ sức khỏe điện tử” và “Kiosk đăng ký khám chữa bệnh”, “kiosk hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm phục vụ kiểm soát thủ tục hành chính” tại thành phố Hà Nội.

Đoàn tham quan mô hình “Kiosk đăng ký khám chữa bệnh” tại Bệnh viện Xanh Pôn, thành phố Hà Nội

Đoàn tham quan tại mô hình “Kiosk hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm phục vụ kiểm soát thủ tục hành chính”

Sau khi tham quan, học tập kinh nghiệm tại UBND thành phố Hà Nội, Đoàn công công tác tiếp tục làm việc, tham quan tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiếp đón Đoàn công tác tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư có đại diện Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương- Cục trưởng và đại diện lãnh đạo Trung tâm. Tại buổi làm việc, đồng chí Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đã giới thiệu với Đoàn về hệ thống quản trị, điều hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên nền tảng Bản đồ số của Việt Nam, những kết quả đạt được cũng như dự báo sắp tới liên quan đến tình hình dân cư, cư trú của Việt Nam để phục vụ hoạch định xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Giám đốc đã trao đổi với Đoàn về những kết quả đã đạt được, bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và triển khai 02 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; Triển khai, thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06/CP), Định danh diện tử VNeID.

Quang cảnh buổi làm việc tại Hội trường Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư

Thành viên trong đoàn trao đổi về những khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 tại tỉnh Quảng Ngãi

Bên cạnh đó, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh – Tổ Phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã cùng thành viên trong Đoàn có những trao đổi đối với những khó khăn, vướng mắc của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Quảng Ngãi về các vấn đề phát sinh khi triển khai Đề án 06 của các Sở, ban, ngành tại địa phương.

07/12/2024

Quy chuẩn này quy định về cấu tạo, quy cách, yêu cầu kỹ thuật, thử nghiệm, lưu mẫu, bảo quản, sản xuất biển số xe; công nhận kết quả thử nghiệm và tổ chức thực hiện đối với biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở hoặc cư trú hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến sản xuất, cung ứng, đặt hàng sản xuất, sử dụng biển số xe thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.

Theo đó, Quy chuẩn quy định, Biển số xe được sản xuất bằng hợp kim nhôm; có màng, mực (hoặc sơn) phản quang; ký hiệu bảo mật Công an hiệu đóng chìm rõ nét; các chữ, số và ký hiệu được dập nổi có chiều cao: (1,7 ± 0,1) mm.

Biển số xe đảm bảo đúng kích thước, chất lượng và bảo mật; nét chữ và số sắc gọn, không nhòe mực, dễ dàng nhận biết thông tin; màng phản quang được dán vào tấm hợp kim nhôm không có vết rỗ khí. Toàn bộ các dãy chữ, số được bố trí cân đối trên biển số xe.

Hình dạng và kích thước biển số xe ô tô, biển số xe mô tô.

Biển số xe ô tô

Biển số ngắn: kích thước (330 x 165) mm, bốn góc được bo tròn. Vị trí Công an hiệu được dập ở giữa 2 hàng chữ, số trên và dưới, cách mép trái 5 mm.

Biển số dài: kích thước (520 x 110) mm, bốn góc được bo tròn. Vị trí Công an hiệu dập phía trên của nét gạch ngang, mép trên Công an hiệu thẳng hàng với mép trên của dãy chữ và số.

Vị trí và kích thước chữ, số, ký hiệu trên biển số xe ô tô được quy định tại mục 1.1, mục 1.2 và mục 1.3 Phụ lục ban hành kèm Quy chuẩn này.

Biển số xe mô tô

Kích thước biển số xe mô tô: (190 x 140) mm, bốn góc được bo tròn. Ký hiệu bảo mật Công an hiệu được dập ở vị trí phía trên nét gạch ngang hàng trên của biển số xe mô tô, cách mép trên của biển số xe mô tô 5 mm.

Vị trí và kích thước chữ, số, ký hiệu trên biển số xe mô tô được quy định tại mục 2.1, mục 2.2 và mục 2.3 Phụ lục ban hành kèm theo Quy chuẩn này.

Màu sắc biển số xe

Bên cạnh đó, Quy chuẩn này cũng quy định về màu sắc biển số xe, như sau:

Biển số xe nền màu trắng; viền ngoài, chữ, số và ký tự màu đen.

Biển số xe nền màu vàng; viền ngoài, chữ, số và ký tự màu đen.

Biển số xe nền màu xanh; viền ngoài, chữ, số, các ký tự màu trắng.

Biển số xe nền màu trắng; chữ màu đỏ; viền ngoài, số và ký tự màu đen.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025; bãi bỏ Quyết định số 6368/QĐ-BCA ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành Tiêu chuẩn cơ sở của Bộ Công an.

Mời xem toàn văn Thông tư và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển số xe tại file đính kèm./.

07/12/2024

Theo đó, Thông tư này quy định về: Trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; Trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới cải tạo, xe máy chuyên dùng cải tạo thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; Trình tự, thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; Cơ quan thực hiện kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân; điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực thực hiện kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.

Thông tư quy định về chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, cải tạo và kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; áp dụng từ 01/01/2025.

Trình tự cấp chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu, phụ tùng nhập khẩu

Thông tư quy định, việc cấp chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu, phụ tùng nhập khẩu được thực hiện theo trình tự sau:

Đơn vị nhập khẩu lập hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận chất lượng xe nhập khẩu, phụ tùng nhập khẩu theo quy định tại Điều 7 Thông tư này, gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Cục Cảnh sát giao thông.

Cục Cảnh sát giao thông tổ chức kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn đơn vị nhập khẩu xe bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định; Kiểm tra xe nhập khẩu theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư này, kiểm tra hồ sơ phụ tùng nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này; nếu đảm bảo yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu (sau đây viết gọn là Giấy chứng nhận chất lượng xe nhập khẩu) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phụ tùng xe cơ giới nhập khẩu (sau đây viết gọn là Giấy chứng nhận phụ tùng nhập khẩu). Trường hợp xe nhập khẩu, phụ tùng nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu thì đề nghị đơn vị nhập khẩu tiến hành khắc phục trước khi Cục Cảnh sát giao thông tổ chức kiểm tra lại.

Giấy chứng nhận chất lượng xe nhập khẩu có giá trị 12 tháng kể từ ngày cấp, được lập thành 03 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản để làm thủ tục đăng ký, 01 bản để làm thủ tục kiểm định, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông. Riêng Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu được lập thành 02 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản dùng để đăng ký, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông.

Giấy chứng nhận chất lượng phụ tùng nhập khẩu được lập thành 02 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản cấp cho đơn vị nhập khẩu, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông.

Trình tự cấp chứng nhận chất lượng xe, phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp

Về trình tự cấp chứng nhận chất lượng xe, phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp, khoản 1 Điều 10 Thông tư quy định các bước được thực hiện như sau:

- Đơn vị thiết kế xe (sau đây viết gọn là đơn vị thiết kế) lập hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế xe sản xuất, lắp ráp theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này hoặc hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận chất lượng phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp theo quy định tại khoản 3 Điều 14, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Cục Cảnh sát giao thông;

- Thành viên Hội đồng thẩm định thiết kế xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp, cải tạo (sau đây viết gọn là Hội đồng thẩm định) theo quy định tại Điều 22 Thông tư này tổ chức thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật xe sản xuất, lắp ráp theo quy định tại Điều 12 Thông tư này. Nếu hồ sơ thiết kế đảm bảo yêu cầu thì Chủ tịch Hội đồng thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp (sau đây viết gọn là Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế);

- Đơn vị thi công sản xuất, lắp ráp (sau đây viết gọn là đơn vị thi công) theo quy định tại Điều 13 Thông tư này sau khi thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được Hội đồng thẩm định phê duyệt, đơn vị thi công lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 14 Thông tư này, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Cục Cảnh sát giao thông đề nghị tổ chức kiểm tra chất lượng xe sản xuất, lắp ráp;

- Cục Cảnh sát giao thông tổ chức kiểm tra, đánh giá và chứng nhận sự phù hợp của kiểu loại xe sản xuất, lắp ráp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 15 Thông tư này. Nếu đạt yêu cầu thì Cục Cảnh sát giao thông cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới sản xuất, lắp ráp hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp (sau đây viết gọn là Giấy chứng nhận chất lượng xe sản xuất, lắp ráp). Giấy chứng nhận chất lượng xe sản xuất, lắp ráp có giá trị 12 tháng kể từ ngày cấp, được lập thành 03 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản để làm thủ tục đăng ký, 01 bản để làm thủ tục kiểm định, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông. Riêng Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp được lập thành 02 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản để làm thủ tục đăng ký, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông;

- Đối với phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp: Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận chất lượng phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Thông tư này, đánh giá sự phù hợp của các loại phụ tùng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phụ tùng xe cơ giới. Nếu đạt yêu cầu thì Cục Cảnh sát giao thông cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phụ tùng xe cơ giới sản xuất, lắp ráp (sau đây viết gọn là Giấy chứng nhận chất lượng phụ tùng sản xuất, lắp ráp). Giấy chứng nhận chất lượng phụ tùng sản xuất, lắp ráp có giá trị 36 tháng kể từ ngày cấp, được lập thành 02 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản cấp cho đơn vị sản xuất, lắp ráp, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông.

07/12/2024

Theo đó, Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, bao gồm: Cấp mới chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; cấp chứng nhận đăng ký xe trong trường hợp thay đổi chủ xe; đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký xe tạm thời; thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe. Thông tư này không điều chỉnh đối với việc đăng ký xe cơ giới, xe máy chuyên dùng do Bộ Quốc phòng quản lý.

Cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới.

Phân cấp Cơ quan đăng ký xe theo 04 cấp Công an

Thông tư quy định các cơ quan đăng ký xe gồm:

Cục Cảnh sát giao thông đăng ký xe của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an; xe ô tô, xe máy chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này; xe ô tô của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại thành phố Hà Nội và xe ô tô của người nước ngoài làm việc trong cơ quan đó.

Phòng Cảnh sát giao thông đăng ký các loại xe sau đây (trừ các loại xe quy định tại khoản 1 Điều này): Xe ô tô, rơmoóc, sơ mi rơmoóc, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, các loại xe có kết cấu tương tự xe ô tô (sau đây viết gọn là xe ô tô) và xe máy chuyên dùng của tổ chức, cá nhân có trụ sở, cư trú tại quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tại thành phố, huyện, thị xã thuộc tỉnh nơi Phòng Cảnh sát giao thông đặt trụ sở; Xe ô tô đăng ký gắn biển số xe trúng đấu giá; xe mô tô đăng ký biển số trúng đấu giá đối với biển số xe do Phòng Cảnh sát giao thông quản lý; Xe có nguồn gốc tịch thu, xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên; Xe ô tô, xe máy chuyên dùng, xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự xe mô tô (sau đây viết gọn là xe mô tô) của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Công an cấp huyện đăng ký các loại xe: Xe mô tô đăng ký biển số xe trúng đấu giá; xe ô tô, xe máy chuyên dùng, xe mô tô của tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở, cư trú tại địa phương (trừ các loại xe quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều này).

Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Công an cấp xã) thực hiện đăng ký xe mô tô (trừ xe có nguồn gốc tịch thu, xe có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên và xe đăng ký biển số xe trúng đấu giá) như sau: Công an cấp xã của các huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký xe mô tô của tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở, cư trú tại địa phương; Công an cấp xã của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (trừ Công an cấp xã nơi Phòng Cảnh sát giao thông, Công an huyện, thị xã, thành phố đặt trụ sở) có số lượng đăng ký mới từ 150 xe/năm trở lên (trung bình trong 03 năm gần nhất) thực hiện đăng ký xe mô tô của tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở, cư trú tại địa phương.

Đối với cấp xã có địa bàn đặc thù, căn cứ tình hình thực tế số lượng xe đăng ký, tính chất địa bàn, khoảng cách địa lý, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh) thống nhất với Cục Cảnh sát giao thông quyết định tổ chức đăng ký xe như sau: Đối với cấp xã có số lượng xe mô tô đăng ký mới dưới 150 xe/năm, giao Công an cấp xã đó trực tiếp đăng ký xe hoặc giao cho Công an huyện, thị xã, thành phố hoặc Công an cấp xã đã được phân cấp đăng ký xe tổ chức đăng ký xe theo cụm; Đối với cấp xã có số lượng xe vượt quá khả năng đăng ký thì ngoài Công an cấp xã đó trực tiếp đăng ký xe, giao Công an huyện, thị xã, thành phố, Công an cấp xã liền kề đã được phân cấp đăng ký xe hỗ trợ tổ chức đăng ký xe theo cụm cho tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở, nơi cư trú tại địa bàn.

Cơ quan đăng ký xe có trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất, bố trí địa điểm thuận tiện để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục đăng ký xe. Địa điểm đăng ký xe phải có sơ đồ chỉ dẫn, thời gian làm việc, biển chức danh của cán bộ đăng ký xe, có chỗ ngồi, chỗ để xe, có hòm thư góp ý và niêm yết công khai các quy định về thủ tục đăng ký xe, lệ phí đăng ký xe.

Trách nhiệm của chủ xe khi thực hiện đăng ký xe

Thông tư quy định trách nhiệm của chủ xe khi thực hiện đăng ký xe tại Điều 6, cụ thể như sau:

1. Chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký xe; kê khai trung thực, đầy đủ, chính xác thông tin quy định về đăng ký xe; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của xe và hồ sơ xe; chủ xe có tài khoản ngân hàng khi nộp, nhận hoàn trả trực tuyến lệ phí đăng ký xe.

2. Đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra khi làm thủ tục cấp mới chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trừ trường hợp đăng ký xe trực tuyến toàn trình), cấp chứng nhận đăng ký xe khi thay đổi chủ xe, đổi chứng nhận đăng ký xe khi cải tạo, thay đổi màu sơn.

3. Trường hợp làm thủ tục cấp mới chứng nhận đăng ký xe, biển số xe của công dân Việt Nam cho xe sản xuất, lắp ráp và xe nhập khẩu bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chủ xe sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 kê khai, nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công hoặc Ứng dụng định danh quốc gia, không phải đưa xe đến để kiểm tra, khi nhận kết quả phải nộp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng có dán bản chà số máy, số khung của xe được đóng dấu giáp lai của cơ sở sản xuất xe (đối với xe sản xuất lắp ráp) hoặc giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu hoặc thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu có dán bản chà số máy, số khung của xe được đóng dấu giáp lai của đơn vị nhập khẩu xe (đối với xe nhập khẩu) cho cơ quan đăng ký xe.

Trường hợp không có bản giấy thì nộp bản in từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng có dán bản chà số máy, số khung xe đóng dấu giáp lai của cơ sở sản xuất xe (đối với xe sản xuất lắp ráp) hoặc chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe nhập khẩu hoặc thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe nhập khẩu có dán bản chà số máy, số khung xe đóng dấu giáp lai của đơn vị nhập khẩu xe (đối với xe nhập khẩu).

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo hoặc thay đổi thông tin về tên chủ xe, số định danh của chủ xe hoặc khi hết thời hạn chứng nhận đăng ký xe, chủ xe phải đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục đổi hoặc thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (sau đây viết gọn là thủ tục thu hồi) theo quy định.

5. Khi chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe (sau đây viết gọn là chuyển quyền sở hữu xe):

a) Chủ xe phải giữ lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (không giao cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe) và nộp cho cơ quan đăng ký xe khi làm thủ tục thu hồi; trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá thì chủ xe nộp chứng nhận đăng ký xe cho cơ quan đăng ký xe khi làm thủ tục thu hồi;

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe đứng tên trong chứng nhận đăng ký xe phải làm thủ tục thu hồi; trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết người có thẩm quyền thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; trường hợp chủ xe không đến làm thủ tục thu hồi thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ xe và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu được ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và ký vào các giấy tờ có liên quan đến thủ tục thu hồi;

c) Sau khi cơ quan đăng ký xe làm thủ tục thu hồi, tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định.

6. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày xe hết niên hạn sử dụng, xe hư hỏng không sử dụng được, xe bị thải bỏ, chủ xe phải khai báo trên cổng dịch vụ công hoặc kê khai trực tiếp tại cơ quan đăng ký xe và nộp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho cơ quan đăng ký xe hoặc Công an cấp xã (không phụ thuộc trụ sở, nơi cư trú của chủ xe) để làm thủ tục thu hồi.

7. Tổ chức, cá nhân đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe tiếp tục chịu trách nhiệm của chủ xe khi chưa thực hiện thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe đối với trường hợp phải thu hồi theo quy định.

Giấy tờ quy định trong Hồ sơ đăng ký sang tên xe

Thông tư quy định, Hồ sơ đăng ký sang tên xe bao gồm Hồ sơ thu hồi và Hồ sơ đăng ký, cụ thể:

Hồ sơ thu hồi gồm: Giấy khai thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; Giấy tờ của chủ xe theo quy định tại Điều 10 Thông tư này; 02 bản chà số máy, số khung của xe; Bản sao chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định; Chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; trường hợp mất chứng nhận đăng ký xe hoặc mất biển số xe thì phải ghi rõ lý do trong giấy khai thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe. Trong thời gian chờ nhận kết quả thu hồi, chủ xe được giữ lại biển số xe để sử dụng và phải nộp lại khi nhận chứng nhận thu hồi; trường hợp chủ xe không nộp lại biển số xe thì cơ quan đăng ký xe hủy kết quả và yêu cầu chủ xe làm lại thủ tục thu hồi trong trường hợp mất biển số xe theo quy định.

Hồ sơ đăng ký gồm: Giấy khai đăng ký xe; Giấy tờ của chủ xe quy định; Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định; Chứng từ lệ phí trước bạ xe theo quy định; Chứng nhận thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Bãi bỏ các văn bản: Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 01 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới; Điều 2 Thông tư số 28/2024/TT-BCA ngày 29 ngày 6 tháng 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 01 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 01 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.

Xem chi tiết Thông tư số 79/2024/TT-BCA tại đây.

07/12/2024

Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; các điểm nóng xung đột, căng thẳng trên thế giới tiềm ẩn nguy cơ lan rộng; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện trên các lĩnh vực, cả về địa chính trị, kinh tế, công nghệ, thương mại, hàng hóa chiến lược; kinh tế thế giới phục hồi chậm và thiếu vững chắc; thiên tai, bão lũ, hạn hán, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tác động nặng nề đến nhiều quốc gia. Ở trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.

Trong bối cảnh đó, cùng với nhu cầu tiêu dùng của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện sẽ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, khó phát hiện trên tất cả các tuyến, lĩnh vực; nhất là tuyến biên giới đất liền phía Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ, vùng biển, cảng biển, cảng hàng không quốc tế và địa bàn nội địa trọng điểm trong cả nước.

Để tăng cường kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Kế hoạch nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển, cảng biển, cảng hàng không quốc tế; các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, mua bán trực tuyến hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Các lực lượng triển khai thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu

Nhiệm vụ chung của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 theo lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách. Chủ động phương án bố trí lực lượng, thiết bị, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới; cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá vào nội địa; trong đó tập trung vào hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng thuế suất cao, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát theo lĩnh vực, địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn thương mại điện tử (đặc biệt là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới), các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) mua, bán trực tuyến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Thành lập các Đoàn, Tổ công tác liên ngành tăng cường kiểm tra

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thành lập các Đoàn, Tổ công tác liên ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai các biện pháp đấu tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.

Chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết hiệu quả tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện nghiêm việc chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu tội phạm qua công tác thanh tra, kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả tới người dân (trọng tâm là các tỉnh biên giới, dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi...) tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật; nâng cao tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm tới các lực lượng chức năng có thẩm quyền nếu phát hiện các dấu hiệu nghi vấn.

Tăng cường chống thất thu thuế đối với sàn thương mại điện tử

Kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng Ban Chỉ đạo 389 các bộ.

Trong đó, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính có nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm chắc địa bàn; triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng sông, cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới... thuộc địa bàn hoạt động hải quan; tăng cường lực lượng, thiết bị kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của hành khách và phương tiện xuất nhập cảnh; xây dựng và triển khai các phương án cụ thể nhằm đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, rửa tiền.

Chỉ đạo lực lượng Thuế: Các đơn vị nghiệp vụ, Cục Thuế các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của tổ chức, cá nhân nộp thuế; chống gian lận thương mại về thuế, trốn thuế đối với các lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro; quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng hoá đơn... Trong đó, tăng cường quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với các lĩnh vực có rủi ro cao như: sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng số; hoàn thuế, miễn giảm, gia hạn tiền thuế, chuyển giá...

Không để tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương tham mưu Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng,...

Ban Chỉ đạo 138 Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả đối với các đối tượng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung tại các tuyến biên giới đất liền phía Bắc, miền Trung, Tây Nam bộ và tại thị trường nội địa các đô thị lớn...

Ban Chỉ đạo 389 các địa phương chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các cấp nắm chắc tình hình địa bàn quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để phát sinh các kho, bãi, điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

07/12/2024

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1150

Tổng số lượt xem: 11428920