Truy cập nội dung luôn

​Manh nha “xã hội đen” mang yếu tố nước ngoài

05/11/2018 12:00    421

Đa phần những vụ án, những vụ phạm pháp hình sự có yếu tố người nước ngoài thời gian qua đều dính đến các vụ lừa đảo liên quan đến mạng xã hội, buôn bán ma túy, buôn người. Tuy nhiên, cũng đã có trường hợp người nước ngoài phạm pháp tại Việt Nam liên quan đến mâu thuẫn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, mâu thuẫn trong tình cảm, đối tác làm ăn... dẫn đến các vụ ẩu đả, giết người.

Thực tế cho thấy, khi Việt Nam hội nhập quốc tế, mở cửa thông thương với các nước, việc du khách nước ngoài vào Việt Nam mỗi lúc mỗi tăng, kèm theo đó là các đối tượng phạm pháp đã xảy ra. Hình thức mâu thuẫn ở nước ngoài sau đó vào Việt Nam giải quyết mâu thuẫn theo kiểu “xã hội đen” đã xuất hiện.

Mới đây nhất là tại TP Hồ Chí Minh, khi một nhóm người Hàn Quốc bay sang giải quyết mâu thuẫn. Loại hình tội phạm này không phải mới bởi 10 năm trước, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã cảnh báo về tình trạng này...

Những ngày qua, người dân ở “khu nhà giàu” phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa quên hình ảnh hàng chục CBCS Công an quận 2 vây bắt nhóm người Hàn Quốc bay sang theo đường du lịch, tập kết ở khách sạn, sau đó lên kế hoạch tấn công gia đình người “đồng hương” để giải quyết mâu thuẫn làm ăn. Đường Thảo Điền là nơi nhiều nước ngoài sinh sống, chủ yếu là người châu Á

2.1.TB.05.11.2018.jpg
Đối tượng người Hàn Quốc giết người ở quận 1 bị Cơ quan Công an bắt giữ 

Nếu như từ trước đến nay họ vẫn hoạt động kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh một cách yên ổn thì vụ bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản này là vụ việc lớn chưa từng xảy ra, khiến nhiều người hoang mang lo lắng. Hoang mang vì tính chất manh động của vụ việc liên quan đến yếu tố người nước ngoài.

Công an quận 2 phối hợp với các phòng nghiệp vụ thuộc Công an TP Hồ Chí Minh đang truy xét nhóm 5 người do Im Tae Won (28 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) dẫn đầu từ Hàn Quốc sang giải quyết mâu thuẫn trong việc làm ăn sau lời “nhờ vả” của Park Gun Huk (lưu trú tại phường Thảo Điền, quận 2). Bước đầu, Công an quận 2 xác định, giữa Park Gun Huk và Min Kyung Man xảy ra mâu thuẫn trong lúc làm ăn. Park Gun Huk gọi điện về Hàn Quốc nhờ Im Tae Won bay sang giải quyết mâu thuẫn.

Nhận “lời mời” của Park Gun Huk, Im Tae Won kéo theo 5 người gồm Lee San Ha, Kim Young Jeam, Lee Moyng Woon, Park Gan Min và Kim Jung Hoon từ Hàn Quốc nhập cảnh vào TP Hồ Chí Minh, thuê một khách sạn ở phường An Bình, quận 2, làm nơi “đóng quân” rồi bàn bạc với Park Gun Huk phương án “giải quyết” Min Kyung Man.

Sau khi thống nhất phương án và tìm được căn nhà ở KP1, đường Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2, nơi Min Kyung Man cùng những người trong gia đình trú ngụ, nhóm Im Tae Won ra chợ sắm 6 cây búa và một bó dây nhựa rồi chờ thời điểm thích hợp ra tay. Khoảng 3h30’ ngày 23-10, cả nhóm Im Tae Won mang theo dụng cụ thuê taxi đến nhà của Min Kyung Man phá cửa xông vào.

Tại thời điểm này, Min Kyung Man không có nhà. Mọi người trong nhà Min Kyung Man đang ngủ say thì các đối tượng xông vào từng phòng dựng dậy, lôi xuống tầng trệt. 6 thành viên trong nhà Min Kyung Man không hiểu chuyện gì xảy ra, hoảng hốt kêu cứu thì bị nhóm Im Tae Won trói, bịt miệng, dọa giết. Một số thành viên trong nhà Min Kyung Man chống cự thì bị nhóm của Im Tae Won dùng búa gây thương tích.

2.2.TB.05.11.2018.jpg

Im Tae Won, đối tượng cầm đầu nhóm người Hàn Quốc đến TP Hồ Chí Minh giải quyết mâu thuẫn, bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản.

Không thấy Min Kyung Man, nhóm Im Tae Won đập phá, đánh đập những người trong nhà rồi lục từng phòng lấy đi nhiều tài sản. Các thành viên trong nhà Min Kyung Man phản ứng thì tiếp tục bị đánh. Vì tiếng la hét cầu cứu của những người trong nhà Min Kyung Man phát ra lớn, sợ bị lộ, nhóm Im Tae Won thu dọn đồ đạc, rời khỏi hiện trường.

Xui cho nhóm Im Tae Won, khi vừa ra khỏi hiện trường thì bị tổ bảo vệ dân phố tuần tra, nghe động tìm đến nên cả nhóm bỏ chạy theo nhiều hướng. Tổ bảo vệ dân phố đã gọi bộ đàm báo với Công an phường Thảo Điền và ban chỉ huy Công an quận 2. Hàng chục CBCS nhanh chóng có mặt tại hiện trường, vây bắt được 2 đối tượng. Công an quận 2 đã nhanh chóng giải cứu cho các thành viên trong nhà Min Kyung Man và đưa vào bệnh viện chữa trị.

Vụ giải quyết mâu thuẫn theo kiểu “xã hội đen” của nhóm người Hàn Quốc xuất phát từ mâu thuẫn làm ăn khiến người dân liên tưởng đến các vụ án liên quan đến người nước ngoài trước đây, trong đó có vụ nhóm người của Hồ Minh Thông (quốc tịch Đài Loan) dẫn nhiều người từ Đài Loan đến Bình Dương thanh toán 2 đồng hương vì mâu thuẫn trong việc buôn bán ma túy. Một người bị bắn chết, một người bị nhóm Hồ Minh Thông bắt về Thủ Đức tra tấn, chặt tay sau đó sát hại và đốt xác. Hay vụ Chen Jsung Ming (người Đài Loan, lưu trú quận 8) bị người đồng hương đâm nhiều nhát chí mạng chỉ vì mâu thuẫn không đáng.

Nếu như những nhóm tội phạm người nước ngoài được cho là có tổ chức xâm nhập vào Việt Nam chỉ là các vụ manh nha cho một loại phạm pháp hình sự mới thì việc người nước ngoài gây án vì mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày như mâu thuẫn tình cảm, nợ nần, xung đột trên đường phố dẫn đến ẩu đả, chết người lại xảy ra liên tục. Cái khó trong việc xử lý của công an địa phương là những người vi phạm pháp luật này lại biết cách chống chế bằng đủ mọi phương thức.

Một cán bộ ở khu “phố Tây” Phạm Ngũ Lão từng chia sẻ với phóng viên về việc bất hợp tác của những người nước ngoài khi gây án. Nhiều đối tượng biết tiếng Anh khi qua Việt Nam du lịch nhưng khi cán bộ điều tra lấy lời khai thì những đối tượng này tuôn ra hàng loạt ngôn ngữ lạ. Mặc dù công an phường đã kết hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hay đại sứ quán của các đối tượng để làm việc nhưng có nhiều trường hợp chây lỳ không khai thác được, hoặc thời gian điều tra bị kéo dài. Ngoài bất đồng ngôn ngữ thì việc xác minh nhân thân của đối tượng người nước ngoài cũng không dễ dàng gì.

“Phố Tây” Phạm Ngũ Lão hằng ngày có từ 500-1.000 lượt khách, đa phần là người nước ngoài đến lưu trú nên việc giải quyết các vụ xung đột, mâu thuẫn, ẩu đả, giải quyết đối tượng người nước ngoài phạm tội lẩn trốn thường xuyên diễn ra.

“Có những vụ người nước ngoài mâu thuẫn với người Việt dẫn đến ẩu đả, sau khi xác minh làm rõ, người đứng đầu UBND phường phải đứng ra xin lỗi du khách để cho thấy thiện chí của người Việt Nam đối khách du lịch nước ngoài. Nhưng, chẳng ai có thể nắm được nhân thân lai lịch cũng như bản tính của du khách đó, để rồi khi diễn ra vụ việc thứ 2 mới xác định được cái gì cũng có nguyên nhân của nó, không có lửa làm sao có khói”, một cán bộ phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, cho hay.

Đó là trường hợp của Patrick Mullen (quốc tịch Ireland). Patrick Mullen đến TP Hồ Chí Minh du lịch theo hình thức tự túc, nhiều tháng lưu trú tại “phố Tây” Phạm Ngũ Lão. Khuya 18-3-2018, Patrick Mullen đến một quán nhậu ở ngã ba Bùi Viện-Đỗ Quang Đẩu kêu một chai bia Sài Gòn nhưng thấy Patrick Mullen đã say nên nhân viên của quán từ chối bán. Patrick Mullen quay ra dùng những lời thô tục nhục mạ rồi thẳng tay đấm vào mặt một nhân viên trong quán. Do quá bức xúc, 3 nhân viên trong quán đã quây lại đánh Patrick Mullen.

2.3.TB.05.11.2018.jpg

Một người nước ngoài quậy phá trên “phố tây” Phạm Ngũ Lão.

Bị đánh đau, Patrick Mullen bỏ đi. Vì nơi này tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài, việc đánh du khách trên tạo ra hình ảnh phản cảm nên Công an phường Phạm Ngũ Lão đã đưa 3 nhân viên của quán nhậu trên về trụ sở làm việc, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hành vi gây rối trật tự công cộng. Chủ quán nhậu này đã cho 3 nhân viên trên nghỉ việc.

Lực lượng Công an, UBND phường Phạm Ngũ Lão đã đi tìm du khách Patrick Mullen để xin lỗi. Khi làm việc với Công an, chủ quán, Patrick Mullen vui vẻ viết tường trình cho rằng một phần lỗi cũng do mình say xỉn, quậy phá. Nhưng, đến trưa 20-4-2018, cũng tại đường Bùi Viện, có một vị khách nước ngoài biểu hiện say xỉn quậy phá một số cửa hàng, quán ăn nên những người buôn bán ở đây gọi điện báo công an. Khi lực lượng Công an đến giải quyết, đưa về trụ sở thì vị khách này chửi bới và phun nước miếng. Qua làm việc, vị khách Tây say xỉn quậy phá trên lại chính là Patrick Mullen, người từng bị nhân viên quán nhậu hành hung lần trước!

Mâu thuẫn tình cảm, mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày dẫn đến ẩu đả, giết người liên quan đến người nước ngoài cũng thường xuyên xảy ra tại TP Hồ Chí Minh. Người dân trên đường Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1, vẫn nhớ đến vụ Noh Daerong (40 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) sát hại chị L.T.N.H. (33 tuổi, quê Cà Mau) cướp tài sản chỉ vì mâu thuẫn tức thời. Khi đến phòng trọ thăm người yêu nhưng người yêu không có ở nhà, Noh Daerong đã qua phòng của chị H. (bạn thân của bạn gái) trò chuyện “vui vẻ” rồi lăn ra ngủ. Một lúc sau, Noh Daerong thức dậy và muốn “tâm sự” tiếp nhưng chị H. không đồng ý dẫn đến mâu thuẫn. Bực tức, Noh Daerong đã bóp cổ chị H. tử vong, sau đó lấy đi một số tài sản rồi lẩn trốn.

TP Hồ Chí Minh là nơi thu hút giới đầu tư khắp nơi tìm đến và cũng là nơi lý tưởng để khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, sinh sống. Việc mở cửa đón nhà đầu tư, đón du khách tạo cơ hội phát triển thành phố nhưng đó cũng là cơ hội cho các đối tượng phạm pháp xâm nhập. Các vụ lừa đảo qua mạng xã hội, các vụ ẩu đả, giải quyết mâu thuẫn, thanh toán giết người liên tục xảy ra trong thời gian qua.

Việc quản lý người nước ngoài sinh sống, làm việc và đến du lịch tại TP Hồ Chí Minh đang gặp không ít khó khăn, đó là việc có rất nhiều thành phần người nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh nhưng không thông qua con đường nhập cảnh, không có thông tin khai báo nên khi xảy ra vụ việc rất khó truy xét. Nhiều người nước ngoài không khai báo tạm trú, làm giả giấy tờ để gia hạn thời gian ở Việt Nam và chỉ đến khi họ phạm pháp mới bị phát hiện.

Theo nhận định của Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, phạm pháp hình sự, tội phạm liên quan đến yếu tố người nước ngoài đang có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp hơn, trong đó đáng lo ngại là tình trạng giải quyết mâu thuẫn theo kiểu “xã hội đen” gây bất an cho tình hình an ninh trật tự chung của thành phố.

Công an TP Hồ Chí Minh đã tăng cường khuyến cáo người dân về các hình thức phạm tội của các đối tượng người nước ngoài câu kết với người trong nước lừa đảo và những cách thức phòng chống tội phạm cướp của, giết người để người dân chung tay cảnh giác, trình báo Công an TP kịp thời xử lý.

Mạnh Đức (theo cand.com.vn)

02/05/2024

Nội dung trong file đính kèm 22/12/2023

Qua xác minh, N.guyễn T.hị L.ệ T.hương (sinh 1994, cư trú tại: xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) Nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết: Khoảng 12h30' cùng ngày nhận yêu cầu từ L.ê T.ấn H.ải (sinh 1988, cư trú tại xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa) - Quản lý sản phẩm N.. của nhãn hiệu N..., T.hương đến ‎Công ty TNHH MTV T.uyết K.a (88 B.à T.riệu, TP Quảng Ngãi) nhận sản phẩm đến Trường Tiểu học ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm: 19 lốc sữa nhãn nhiều N... và 01 túi 50 gói thạch trái ‎cây N... (tặng kèm khi bán sữa).
Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau cau, thì có nhiều học sinh sử dụng bị ngộ độc phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.‎
Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh ATTP và CDC Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.
Hiện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đang khám và theo dõi sức khỏe cho các em, chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.
Vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh về đồ ăn thức uống trước các cơ sở giáo dục khi bán cho học sinh sử dụng. Trước đó, ngày 02/12/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 6476/VC-PV01(TMCS) chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hàng quán trước cổng trường mua bán các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi có chứa chất ma tuý./.

08/12/2023

I. Đối tượng tuyển chọn

Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ cao hơn, chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện - điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điện công nghiệp.

II. Phương thức tuyển chọn: Xét tuyển

III. Số lượng cần tuyển

- 11 chỉ tiêu cán bộ công nghệ thông tin (Quản trị mạng; Máy chủ; Quản trị cơ sở dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Phần mềm, ứng dụng).

- 01 chỉ tiêu cán bộ kỹ thuật (điện, điều hòa chính xác, ắc quy, bể dầu và phòng cháy, chữa cháy hệ thống công nghệ thông tin). 

*Toàn văn Thông báo xem tại file đính kèm./.

08/12/2023

Ba cảnh báo phát đi chưa ráo mực, ngày 03/12/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thủ đoạn mới lừa đảo trực tuyến bằng việc "điều chỉnh dữ liệu quốc gia cấp 2", cụ thể:

Khoảng 10h00' sáng ngày 03/12/2023, một người dân (gốc Quảng Ngãi) hiện cư trú ở TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số 0395.719.46... thông báo "dữ liệu cấp 2" do phường cập nhật chuyển lên quận bị nghẽn, đề nghị lên quận điều chỉnh, hoặc sẽ có người hỗ trợ qua zalo.

Khoảng 30' sau, có 02 số máy 0866.656.46..., 0394.999.24... giới thiệu là "nhân viên hướng dẫn" ở quận hỗ trợ người dân tải App "dichvucong" bằng cách đăng nhập Google tải "dichvucong.lgov.net" (Hình 1) với điều kiện máy smatphone có hệ điều hành Android.

Hình 1

Do máy smatphone người dân này không trùng hệ điều hành, nên mượn tạm máy của người cha ruột (mới nghỉ hưu, từ Quảng Ngãi vào thăm con) thao tác. 

Khi tải được ứng dụng, "nhân viên hướng dẫn" yêu cầu đăng nhập kích hoạt ứng dụng bằng số điện thoại cá nhân và tự tạo một mật khẩu (Hình 2).

Hình 2

Khi ứng dụng dichvucong.lgov.net được kích hoạt, máy hiện tỷ lệ % kích hoạt (Hình 3).

Hình 3

Kích hoạt xong, không liên lạc được với "nhân viên hướng dẫn" để làm bước tiếp theo.

Người cha nghi ngờ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng VCB trên máy smatphone thì toàn bộ 83 triệu tiền lương tích cóp đã mất.

Kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng, thì thời điểm kích hoạt ứng dụng cũng là lúc hai lần tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng của kẻ gian.

Vụ việc đang được kiểm tra, xác minh.

KHUYẾN CÁO:

1. Lực lượng Công an hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID trực tiếp.

2. Mọi trường hợp khi kích hoạt thì không có lỗi, trừ trường hợp người dân cung cấp sai số điện thoại hoặc thay số điện thoại thì phải đăng ký lại trực tiếp tại Đội CSQLHC về TTXH Công an cấp huyện hoặc báo trực tiếp cho Công an cấp xã để cấp xã báo Công an cấp huyện điều chỉnh, hoàn toàn không hỗ trợ qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. 

3. Mọi trường hợp thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân cần liên hệ với công an cơ sở nơi cư trú để được hỗ trợ./.

 

04/12/2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1778

Tổng số lượt xem: 7966837