Truy cập nội dung luôn

​Người Cộng sản trọn đời vì nước vì dân

06/07/2017 12:00    511

Vào Đảng từ năm 1934, từng bị đày đọa qua nhiều nhà tù của thực dân Pháp kể cả “địa ngục trần gian Côn Đảo” cùng với các vị cách mạng tiền bối như Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng,… đồng chí Phan Trọng Tuệ là người Cộng sản trung kiên, trọn đời vì nước.

Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhớ về người đồng chí thân thiết: “Đồng chí Phan Trọng Tuệ là một người Cộng sản kiên trung, một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước có đức độ, tài năng, hết lòng vì nước vì dân”.

Tròn 100 năm trước (7-7-1917), cậu bé Phan Trọng Tuệ cất tiếng khóc chào đời tại đất nước Triệu Voi. Quê gốc ở Sài Sơn (nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội), thân phụ Phan Trọng Tuệ là cụ Phan Trọng Định phiêu bạt sang Lào, Thái Lan mưu sinh. Sau khi gây dựng được cơ ngơi tại Viêng Chăn, cụ Định đón cụ bà Trịnh Thị Miễn cùng hai người con gái Phan Thị Lạng và Phan Thị Nén sang đoàn tụ. Tại vùng đất mới an lành, hai cụ sinh được thêm 4 người con là Phan Trọng Tuệ, Phan Trọng Quang, Phan Thị Sáng, Phan Thị Suốt. Đúng như tên gọi, cũng là ước nguyện của các bậc sinh thành, những người con trong gia đình cụ Phan Trọng Định – Trịnh Thị Miễn đều thông minh, hiếu học.

Hấp thụ truyền thống yêu nước của gia đình, Phan Trọng Tuệ sớm tham gia hoạt động cách mạng và năm 1934 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1935, Phan Trọng Tuệ tham gia lãnh đạo cuộc mít tinh lớn phản đối thực dân Pháp, nên bị bắt giam 4 tháng. Sự việc này, cùng với ảnh hưởng và những việc làm yêu nước của gia đình họ Phan khiến chính quyền sở tại lo ngại, trục xuất cả gia đình về quê gốc Sài Sơn để quản thúc. Tháng 10-1940, Đảng bộ tỉnh Sơn Tây được thành lập, đồng chí Phan Trọng Tuệ trở thành Bí thư đầu tiên, sau làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông, Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ… những người em trong gia đình đồng chí cũng đều tham gia công tác cách mạng.

Bị địch bắt, đày ra Côn Đảo, đồng chí Phan Trọng Tuệ luôn giữ gìn khí tiết của người Cộng sản, tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Theo hồi ức của vị lão thành cách mạng Đào Văn Trường (từng có thời gian là Bí thư Chi bộ Đảng trong nhà tù Hỏa Lò năm 1943), tại địa ngục Côn Đảo, ngoài nhiệm vụ là chi ủy viên tham gia lãnh đạo chung ở khu vực cấm cố Banh III, đồng chí Phan Trọng Tuệ còn là “chuyên gia” về quân sự. Ngoài sự lanh lợi và hào hoa, đồng chí còn là cây sáng kiến, cây văn nghệ không thể thiếu trong sinh hoạt của anh em tù chính trị Côn Đảo…

Trong số những người bạn chiến đấu thân thiết của đồng chí Phan Trọng Tuệ, có các vị Hoàng Quốc Việt và Trần Tử Bình – những nhà cách mạng tên tuổi đã giữ vai trò lãnh đạo của Đảng ngay từ khi Đảng thành lập. Tháng 2-1951, họ cùng là đại biểu dự Đại hội lần thứ II của Đảng tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang. 

Gặp lại nhau sau bao năm xa cách, ba anh em bồi hồi nhớ lại kỉ niệm vào đầu tháng 5-1943, đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) chủ trì Hội nghị xứ uỷ Bắc Kỳ tại một địa điểm thuộc huyện Bình Lục, Hà Nam, có sự tham dự của hai xứ uỷ viên Trần Tử Bình và Phan Trọng Tuệ. Cuộc họp tiến hành nhanh gọn, kết thúc vào ngay buổi chiều. 

Để đảm bảo bí mật, cơ sở sắp xếp 3 vị nghỉ qua đêm trên võng tại một trang trại giữa cánh đồng. Bỗng nửa đêm, có tiếng chó sủa rát, Trần Tử Bình thức giấc, vừa hô vừa giật võng báo động “Trốn, mật thám vây!”, rồi cõng “thượng cấp” Hạ Bá Cang (có tật ở chân vì bị giặc tra tấn, không chaỵ bộ được) thoát khỏi vòng vây; riêng Phan Trọng Tuệ bị bắt tại chỗ…

1.1.TB.06.07.2017.jpg

Các đồng chí Phan Trọng Tuệ (ngoài cùng bên trái), Hoàng Quốc Việt, Trần Tử Bình tại Đại hội II của Đảng. (Việt Bắc, tháng 2-1951).

Nhắc lại chuyện xưa, Phan Trọng Tuệ hỏi: “Lần đó, các anh chạy nhanh quá. Biết bị vây, sao anh Bình không báo tôi?”. Trần Tử Bình phá lên cười: “Tôi đã giật võng báo ông, rồi phải đưa “thượng cấp” chuồn ngay không thì bị bắt cả lũ. Ít lâu sau, tôi còn nghe trong nhân dân truyền miệng rằng: đêm đó, bị mật thám vây tứ phía mà ông Cang “thọt” vẫn bình tĩnh bật người, túm lấy ngọn tre, vọt ra ngoài biết mất!”. 

Hiểu ra căn nguyên, Phan Trọng Tuệ mới hết “ấm ức”: “Thấy bị rơi xuống đất, tưởng mình nằm mơ, tôi lại trèo lên võng và ngủ tiếp. Ai ngờ…”. Đến lúc này, đồng chí Hoàng Quốc Việt vui vẻ xen vào: “Tại ngày ấy chú Tuệ còn trẻ quá, mới 26, đang tuổi ăn, tuổi ngủ”… Cả ba vị cười giòn tan trong tình đồng chí thắm thiết.

Cuộc đời Tướng quân Phan Trọng Tuệ (đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng tháng 11-1955) gắn với Đường 559 anh hùng, gắn với những mặt trận, lĩnh vực gay go, ác liệt. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị) trong hồi ức của mình nhớ lại: Đầu năm 1965, anh Phan Trọng Tuệ được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ Đoàn 559 và anh Đinh Đức Thiện là Phó tư lệnh. 

Mang tấm lòng sâu nặng đối với chiến trường miền Nam, hai anh đã chủ trương thí điểm vận tải cơ giới có quy mô cấp tiểu đoàn (mùa khô năm 1965) để làm cơ sở đẩy mạnh vận tải cơ giới, đáp ứng nhu cầu của chiến trường. Đây là một chủ trương táo bạo, đúng đắn, kịp thời… 

Sau này, tuyến đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn mà điểm đầu là Tân Kỳ tỉnh Nghệ An, điểm cuối là Lộc Ninh tỉnh Bình Phước (Đông Nam Bộ) cũng là một nhân tố quan trọng dẫn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975 – mà trong đó, sự đóng góp của đồng chí Phan Trọng Tuệ có ý nghĩa rất lớn.

Phan Trọng Tuệ cũng là con người nghĩa tình, thủy chung với anh em, đồng đội. Từng là Bí thư riêng của đồng chí Phan Trọng Tuệ (thời kì là Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải), ông Đặng Văn Cán nhớ lại: Trước khi anh Phan Trọng Tuệ chuyển ngành đi nhận công tác ở Campuchia, anh bảo tôi đến nhà riêng gặp anh. Tôi đến, thấy anh Bôi (cán bộ tổ chức) của Văn phòng Bộ cũng ở đó. Anh Tuệ nói với tôi nhiều chuyện vui vẻ và thân tình. Sau đó, anh đưa bản nhận xét và nói với tôi: “Tôi gửi anh bản nhận xét này, dù thế nào chăng nữa cũng giúp tổ chức hiểu được về anh trong thời gian làm việc với tôi”… Tôi vô cùng xúc động trước sự quan tâm của anh. Đọc xong bản nhận xét, tôi phấn khởi nói cảm ơn anh nhiều và mãi mãi không quên anh. Sau đó anh Tuệ nói thêm với tôi: “Anh có hai bằng đại học, làm việc cực nhọc, được tôi rất tin cậy, giúp tôi được nhiều việc nhưng tôi chưa giúp được gì cho anh”. Tôi vô cùng cảm động nói với anh Tuệ: “Tôi biết anh rất tin tôi, giúp anh được nhiều việc, tôi rất mừng. Nhưng anh đã chỉ bảo giúp đỡ tôi được nhiều, về nhân cách, tầm nhìn, cách suy nghĩ và phương pháp làm việc. Chính điều đó sẽ giúp tôi trưởng thành trong công tác, cuộc sống sau này”.

Người Cộng sản mẫu mực Phan Trọng Tuệ đã đi xa 26 năm (ông mất năm 1991 tại TP Hồ Chí Minh) nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn mãi là tấm gương sáng đẹp. Ghi nhận công lao và đóng góp to lớn của ông với sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước đã truy tặng ông Huân chương Sao Vàng. Tên ông đã được đặt cho nhiều đường phố tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.

Trần Duy Hiển (theo cand.com.vn)



02/05/2024

Nội dung trong file đính kèm 22/12/2023

Qua xác minh, N.guyễn T.hị L.ệ T.hương (sinh 1994, cư trú tại: xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) Nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết: Khoảng 12h30' cùng ngày nhận yêu cầu từ L.ê T.ấn H.ải (sinh 1988, cư trú tại xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa) - Quản lý sản phẩm N.. của nhãn hiệu N..., T.hương đến ‎Công ty TNHH MTV T.uyết K.a (88 B.à T.riệu, TP Quảng Ngãi) nhận sản phẩm đến Trường Tiểu học ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm: 19 lốc sữa nhãn nhiều N... và 01 túi 50 gói thạch trái ‎cây N... (tặng kèm khi bán sữa).
Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau cau, thì có nhiều học sinh sử dụng bị ngộ độc phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.‎
Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh ATTP và CDC Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.
Hiện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đang khám và theo dõi sức khỏe cho các em, chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.
Vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh về đồ ăn thức uống trước các cơ sở giáo dục khi bán cho học sinh sử dụng. Trước đó, ngày 02/12/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 6476/VC-PV01(TMCS) chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hàng quán trước cổng trường mua bán các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi có chứa chất ma tuý./.

08/12/2023

I. Đối tượng tuyển chọn

Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ cao hơn, chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện - điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điện công nghiệp.

II. Phương thức tuyển chọn: Xét tuyển

III. Số lượng cần tuyển

- 11 chỉ tiêu cán bộ công nghệ thông tin (Quản trị mạng; Máy chủ; Quản trị cơ sở dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Phần mềm, ứng dụng).

- 01 chỉ tiêu cán bộ kỹ thuật (điện, điều hòa chính xác, ắc quy, bể dầu và phòng cháy, chữa cháy hệ thống công nghệ thông tin). 

*Toàn văn Thông báo xem tại file đính kèm./.

08/12/2023

Ba cảnh báo phát đi chưa ráo mực, ngày 03/12/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thủ đoạn mới lừa đảo trực tuyến bằng việc "điều chỉnh dữ liệu quốc gia cấp 2", cụ thể:

Khoảng 10h00' sáng ngày 03/12/2023, một người dân (gốc Quảng Ngãi) hiện cư trú ở TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số 0395.719.46... thông báo "dữ liệu cấp 2" do phường cập nhật chuyển lên quận bị nghẽn, đề nghị lên quận điều chỉnh, hoặc sẽ có người hỗ trợ qua zalo.

Khoảng 30' sau, có 02 số máy 0866.656.46..., 0394.999.24... giới thiệu là "nhân viên hướng dẫn" ở quận hỗ trợ người dân tải App "dichvucong" bằng cách đăng nhập Google tải "dichvucong.lgov.net" (Hình 1) với điều kiện máy smatphone có hệ điều hành Android.

Hình 1

Do máy smatphone người dân này không trùng hệ điều hành, nên mượn tạm máy của người cha ruột (mới nghỉ hưu, từ Quảng Ngãi vào thăm con) thao tác. 

Khi tải được ứng dụng, "nhân viên hướng dẫn" yêu cầu đăng nhập kích hoạt ứng dụng bằng số điện thoại cá nhân và tự tạo một mật khẩu (Hình 2).

Hình 2

Khi ứng dụng dichvucong.lgov.net được kích hoạt, máy hiện tỷ lệ % kích hoạt (Hình 3).

Hình 3

Kích hoạt xong, không liên lạc được với "nhân viên hướng dẫn" để làm bước tiếp theo.

Người cha nghi ngờ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng VCB trên máy smatphone thì toàn bộ 83 triệu tiền lương tích cóp đã mất.

Kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng, thì thời điểm kích hoạt ứng dụng cũng là lúc hai lần tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng của kẻ gian.

Vụ việc đang được kiểm tra, xác minh.

KHUYẾN CÁO:

1. Lực lượng Công an hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID trực tiếp.

2. Mọi trường hợp khi kích hoạt thì không có lỗi, trừ trường hợp người dân cung cấp sai số điện thoại hoặc thay số điện thoại thì phải đăng ký lại trực tiếp tại Đội CSQLHC về TTXH Công an cấp huyện hoặc báo trực tiếp cho Công an cấp xã để cấp xã báo Công an cấp huyện điều chỉnh, hoàn toàn không hỗ trợ qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. 

3. Mọi trường hợp thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân cần liên hệ với công an cơ sở nơi cư trú để được hỗ trợ./.

 

04/12/2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 2091

Tổng số lượt xem: 8165284