Truy cập nội dung luôn

​Những việc cần làm ngay để đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống

25/08/2016 12:00    701

Nhớ lại ba mươi năm trước, sau khi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được phát động, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết một loạt bài dưới tiêu đề “Những việc cần làm ngay” để khắc phục những việc sai trái trong xã hội. Nay, Đại hội XII của Đảng một lần nữa khẳng định chủ trương “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”. “Những việc cần làm ngay” để đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống chính là cụ thể hóa và tổ chức thực hiện ráo riết, nếu không rất có thể cơ hội lại trôi qua. Thời gian là vàng, nếu chậm trễ thì sự tụt hậu càng xa hơn.

Nếu ví quy trình hành xử của con người như một hình tháp thì đỉnh cao là tư duy, tầng giữa là kế hoạch hành động, còn bề mặt chân đế là hành vi. Tiếc rằng, trong không ít trường hợp, cái hình tháp ấy bị lộn ngược: các cuộc tranh luận về khái niệm choán quá nhiều thời gian, công sức; trái lại, khâu cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách hay bị chậm trễ; đặc biệt khâu triển khai thực hiện khá mờ nhạt, lơi lỏng. Do đó, việc cần làm ngay lúc này là cụ thể hóa các ý tưởng được nêu ra tại Đại hội XII của Đảng càng chi tiết càng tốt và bắt tay vào triển khai thực hiện thật rốt ráo.
Nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng rất phong phú, liên quan tới mọi lĩnh vực cuộc sống; ở đây chỉ nêu vấn đề thể chế kinh tế. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh ý tưởng “Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành  đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường … Đó là nền kinh tế thị trường  hiện đại và hội nhập quốc tế ”. Vì thế, việc cần làm ngay là giải mã những khái niệm trên thành những công việc cụ thể trên cả ba phương diện: những thành tố thị trường, những quy luật vận hành của thể chế kinh tế thị trường và sự “ phân vai ” giữa các chủ thể tham gia, đồng thời làm rõ những việc gì đã làm được, còn thiếu việc gì và khía cạnh nào còn chưa hiện đại.

Rà soát, bổ sung các thành tố thị trường

Nhìn bề ngoài, mọi thành tố của kinh tế thị trường đến nay đã có cả: thị trường hàng hóa, thị trường dịch vụ, thị trường tiền tệ, thị trường lao động, thị trường khoa học – công nghệ. Tuy nhiên, nội hàm mỗi loại thị trường lại thiếu và yếu về nhiều mặt, nhất là chưa đáp ứng yêu cầu “hiện đại”. Vì vậy, vấn đề không nằm ở chỗ phải xây dựng thêm loại thị trường mới nào mà chủ yếu là hoàn thiện và hiện đại hóa mỗi loại thị trường và tạo ra sự liên thông, liên kết giữa chúng với nhau.

Về thị trường hàng hóa có thể là những việc như:

- Hoàn thiện chuỗi phân phối từ sản xuất tới tiêu dùng theo hướng giảm bớt khâu trung gian;

- Hiện đại hóa hệ thống phân phối trong nước theo quy luật thị trường chứ không theo kiểu quan liêu – bao cấp như xây chợ hiện đại nhưng không có người mua, người bán. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển và hiện đại hóa dần hệ thống bán buôn hiện còn đang yếu và gia tăng hệ thống phân phối ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi các doanh nghiệp trong nước có lợi thế lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhân đây xin lưu ý rằng, trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, không nên và không thể kỳ thị các doanh nghiệp nước ngoài, ngược lại nên học tập, tiếp thu cách làm ăn hiện đại của họ, tiến tới cạnh tranh bình đẳng như một số doanh nghiệp nước ta đã làm được.

- Tạo dựng sự liên thông tốt hơn với thị trường quốc tế, tức là đưa nền sản xuất và hệ thống lưu thông – phân phối của nước ta “tham gia chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu”. Khâu đáng quan tâm nhất là làm sao sản xuất trong nước đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của bên “cầu” là thị trường thế giới về chất lượng, vệ sinh an toàn, mẫu mã... Một hướng khác cần làm là đi ra thị trường bên ngoài không chỉ thông qua việc xuất khẩu sản phẩm mà cả sự hiện diện thương mại tại các nước khác mà nay còn quá ít.

Đối với thị trường dịch vụ, có thể hình dung những việc như:

- Bảo đảm sự tương tích giữa khái niệm của nước ta và thông lệ quốc tế về dịch vụ. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dịch vụ bao gồm 11 lĩnh vực và 150 phân ngành, trong đó “xây dựng” được xếp là một lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, ở nước ta “xây dựng” lại được ghép với “công nghiệp” thành một lĩnh vực. Nếu không điều chỉnh theo thông lệ quốc tế thì sẽ tạo độ vênh khi hội nhập quốc tế và gây ra sự ngộ nhận về trình độ công nghiệp hóa của nước ta so với thế giới.

- Do ở nước ta có nhiều phân ngành dịch vụ còn bỏ ngỏ, nên cần rà soát lại xem chúng ta có tiềm năng thực sự và nhu cầu phát triển phân ngành dịch vụ nào để từ đó có cơ chế, chính sách thích hợp nhằm khuyến khích phát triển, từng bước nâng cao trình độ hiện đại và tiến lên chiếm lĩnh thị trường. Ví dụ, Việt Nam là quốc gia biển, không lẽ gì dịch vụ vận tải biển, trong đó có dịch vụ logistic lại thua kém mãi, hoặc để cho các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh.

- Nâng cao trình độ hiện đại của những dịch vụ vốn có, ví dụ dịch vụ tài chính - tiền tệ, bao gồm cả ngân hàng, các tổ chức tài chính, bảo hiểm, chứng khoán… Đây được coi là một trong ba khâu trọng tâm trong quá trình cấu trúc lại nền kinh tế; nhiều việc đã và đang được tiến hành theo thể chế thị trường và đem lại những thành công ban đầu. Tuy nhiên, cái thiếu cần được bổ sung là bảo đảm sự tương tích trên một số mặt với chuẩn thế giới (ví dụ như nợ xấu, nợ công, bội chi ngân sách…); nâng cao trình độ hiện đại và từng bước liên thông với thị trường khu vực và thế giới, kể cả việc tiến tới biến đồng tiền Việt Nam (VNĐ) thành đồng tiền chuyển đổi - điều đã từng được nêu ra nhưng gần như bị quên lãng. Trình độ hiện đại của dịch vụ tài chính - tiền tệ không chỉ thể hiện trong quản lý kinh doanh, tác nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mà còn ở chỗ gia tăng và đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng bên cạnh hoạt động tín dụng.

Liên quan tới thị trường lao động, hai điều cần đẩy mạnh và đổi mới một cách cơ bản cách làm là khâu đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và cả văn hóa lao động; nối khâu “cung” với khâu “cầu” ở cả thị trường trong nước lẫn khu vực và toàn cầu. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, số lượng lớn cử nhân thất nghiệp sau khi tốt nghiệp và nước ta khó lòng tận dụng được thỏa thuận về di chuyển tự do lao động trong Cộng đồng kinh tế ASEAN do trình độ mọi mặt còn hạn chế cho thấy yêu cầu bức bách của công việc này. Hiện nay, quá trình đổi mới một cách cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục đang được tiến hành song những biện pháp để khắc phục hai điểm yếu trên còn chưa thấy rõ nét.

Thị trường khoa học - công nghệ có lẽ là thị trường có nhiều khiếm khuyết và lạc hậu nhất, cần được khắc phục và hiện đại hóa càng sớm càng tốt, nhất là khi ta chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế. Gần đây đã có một số nỗ lực theo hướng này. Theo riêng tôi, việc cấp bách nhất là đưa nhanh lĩnh vực này ra khỏi cơ chế tập trung - quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang thể chế thị trường; áp dụng cơ chế đãi ngộ theo thị trường thay cho cơ chế hành chính - sự nghiệp để hạn chế tình cảnh “chảy máu” chất xám.

Về các quy luật vận hành của thể chế kinh tế thị trường

Sau 30 năm đổi mới, ngày nay nền kinh tế nước ta về cơ bản đã vận hành theo quy luật cung - cầu và quy luật giá trị. Riêng về giá cả thì chỉ còn giá điện là chưa theo quy luật cung - cầu. Nhà nước đã có kế hoạch tiến tới mục tiêu này; vấn đề còn lại là đẩy nhanh hơn quá trình thực hiện. Liên quan tới vấn đề này, khâu có ý nghĩa quyết định là tạo điều kiện để quy luật cạnh tranh vận hành đầy đủ. Muốn vậy, một trong những việc cần đẩy mạnh hơn nữa là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc hình thành các doanh nghiệp phân phối điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Để phát huy hiệu quả của quy luật cạnh tranh, cần bảo đảm sự bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các văn kiện của Đảng, kể cả Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các văn bản pháp quy của Nhà nước, hay Hiến pháp năm 2013, đều nhấn mạnh yêu cầu này. Tiếc rằng, trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân vẫn chịu sự đối xử thiếu bình đẳng trong tiếp cận vốn, đất đai cũng như chịu những sách nhiễu từ phía một số cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy công quyền. Thêm nữa, theo các cam kết quốc tế, ta dành cho các doanh nghiệp nước ngoài không những sự “đối xử quốc gia” mà còn cả những ưu đãi cao hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước, tạo ra một dạng bất bình đẳng khác. Nếu không lập tức, hoặc chí ít là sớm chấn chỉnh tình hình trên thì quy luật cạnh tranh cũng không vận hành được đầy đủ.

Sự “phân vai” giữa các thành tố tham gia thị trường

Đại hội XII của Đảng đã làm rõ thêm nhiều điều liên quan tới sự “phân vai” này.

Cho dù trong kinh tế thị trường “bàn tay vô hình” của thị trường đóng vai trò quan trọng nhưng “bàn tay hữu hình” của nhà nước cũng có ý nghĩa không kém; vấn đề chỉ là ở chỗ chuyển mạnh từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhất. Theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, điều các doanh nghiệp mong đợi nhất là Nhà nước “tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh”; phân bổ nguồn lực cũng theo thể chế thị trường; đưa ra kịp thời và hợp lý các cơ chế chính sách và các đòn bẩy kinh tế, như thuế suất, lãi suất, tỷ giá… để định hướng cho doanh nghiệp; cung cấp kịp thời thông tin thị trường trong và ngoài nước.

Qúa trình cải cách hành chính tuy đã được khởi động từ khá lâu song vẫn là một trong những khâu yếu nhất. Những nỗ lực để giảm thiểu mạnh mẽ thời gian làm thủ tục thuế và hải quan tương ứng với các nước phát triển trong ASEAN đã được bắt đầu, song khi đi vào thực tế còn gặp không ít trở ngại. Chấn chỉnh thực trạng này có lẽ là môt trong những việc cần làm ngay, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc cần làm ngay trong lúc này là cung cấp thông tin dễ hiểu về những cam kết quốc tế kèm theo sự hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp và người sản xuất, đi đôi với những cơ chế, chính sách nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, bảo hộ nền sản xuất trong nước bằng những biện pháp cam kết quốc tế không cấm.

Về phía mình, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và người sản xuất cũng cần tích cực, chủ động tìm kiếm thông tin, bố trí lại sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới và tự bảo vệ mình bằng cách hạ giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Thời gian từ nay tới khi tất cả các hiệp định về khu vực mậu dịch tự do có hiệu lực không còn nhiều, nếu không triển khai ngay những việc cần làm thì cơ hội sẽ giảm thiểu hoặc thậm chí mất đi, thách thức sẽ ập đến.

Thiết nghĩ, trong mọi lĩnh vực khác cũng cần kiểm kê những việc cần làm ngay và tổ chức thực hiện ráo riết với lộ trình rõ ràng và sự phân công, nhất là phân nhiệm rành mạch cho từng bộ, ngành, trong đó người đứng đầu phải gánh trách nhiệm chủ yếu. Năm 2016, việc sắp xếp lại bộ máy sẽ choán nhiều thời gian, tới năm 2019 lại bắt tay vào việc chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, nếu không khẩn trương triển khai thì chúng ta sẽ lại lỡ nhịp. Chỉ có làm ngay và hết sức rốt ráo thì nghị quyết Đại hội mới đi vào cuộc sống, và chỉ có như vậy mới có cơ sở nói rằng Đại hội XII của Đảng thành công thực sự./.

Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

Theo Tạp chí Cộng sản, số 881 (3-2016)

Tin liên quan


02/05/2024

Nội dung trong file đính kèm 22/12/2023

Qua xác minh, N.guyễn T.hị L.ệ T.hương (sinh 1994, cư trú tại: xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) Nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết: Khoảng 12h30' cùng ngày nhận yêu cầu từ L.ê T.ấn H.ải (sinh 1988, cư trú tại xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa) - Quản lý sản phẩm N.. của nhãn hiệu N..., T.hương đến ‎Công ty TNHH MTV T.uyết K.a (88 B.à T.riệu, TP Quảng Ngãi) nhận sản phẩm đến Trường Tiểu học ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm: 19 lốc sữa nhãn nhiều N... và 01 túi 50 gói thạch trái ‎cây N... (tặng kèm khi bán sữa).
Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau cau, thì có nhiều học sinh sử dụng bị ngộ độc phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.‎
Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh ATTP và CDC Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.
Hiện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đang khám và theo dõi sức khỏe cho các em, chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.
Vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh về đồ ăn thức uống trước các cơ sở giáo dục khi bán cho học sinh sử dụng. Trước đó, ngày 02/12/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 6476/VC-PV01(TMCS) chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hàng quán trước cổng trường mua bán các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi có chứa chất ma tuý./.

08/12/2023

I. Đối tượng tuyển chọn

Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ cao hơn, chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện - điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điện công nghiệp.

II. Phương thức tuyển chọn: Xét tuyển

III. Số lượng cần tuyển

- 11 chỉ tiêu cán bộ công nghệ thông tin (Quản trị mạng; Máy chủ; Quản trị cơ sở dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Phần mềm, ứng dụng).

- 01 chỉ tiêu cán bộ kỹ thuật (điện, điều hòa chính xác, ắc quy, bể dầu và phòng cháy, chữa cháy hệ thống công nghệ thông tin). 

*Toàn văn Thông báo xem tại file đính kèm./.

08/12/2023

Ba cảnh báo phát đi chưa ráo mực, ngày 03/12/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thủ đoạn mới lừa đảo trực tuyến bằng việc "điều chỉnh dữ liệu quốc gia cấp 2", cụ thể:

Khoảng 10h00' sáng ngày 03/12/2023, một người dân (gốc Quảng Ngãi) hiện cư trú ở TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số 0395.719.46... thông báo "dữ liệu cấp 2" do phường cập nhật chuyển lên quận bị nghẽn, đề nghị lên quận điều chỉnh, hoặc sẽ có người hỗ trợ qua zalo.

Khoảng 30' sau, có 02 số máy 0866.656.46..., 0394.999.24... giới thiệu là "nhân viên hướng dẫn" ở quận hỗ trợ người dân tải App "dichvucong" bằng cách đăng nhập Google tải "dichvucong.lgov.net" (Hình 1) với điều kiện máy smatphone có hệ điều hành Android.

Hình 1

Do máy smatphone người dân này không trùng hệ điều hành, nên mượn tạm máy của người cha ruột (mới nghỉ hưu, từ Quảng Ngãi vào thăm con) thao tác. 

Khi tải được ứng dụng, "nhân viên hướng dẫn" yêu cầu đăng nhập kích hoạt ứng dụng bằng số điện thoại cá nhân và tự tạo một mật khẩu (Hình 2).

Hình 2

Khi ứng dụng dichvucong.lgov.net được kích hoạt, máy hiện tỷ lệ % kích hoạt (Hình 3).

Hình 3

Kích hoạt xong, không liên lạc được với "nhân viên hướng dẫn" để làm bước tiếp theo.

Người cha nghi ngờ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng VCB trên máy smatphone thì toàn bộ 83 triệu tiền lương tích cóp đã mất.

Kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng, thì thời điểm kích hoạt ứng dụng cũng là lúc hai lần tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng của kẻ gian.

Vụ việc đang được kiểm tra, xác minh.

KHUYẾN CÁO:

1. Lực lượng Công an hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID trực tiếp.

2. Mọi trường hợp khi kích hoạt thì không có lỗi, trừ trường hợp người dân cung cấp sai số điện thoại hoặc thay số điện thoại thì phải đăng ký lại trực tiếp tại Đội CSQLHC về TTXH Công an cấp huyện hoặc báo trực tiếp cho Công an cấp xã để cấp xã báo Công an cấp huyện điều chỉnh, hoàn toàn không hỗ trợ qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. 

3. Mọi trường hợp thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân cần liên hệ với công an cơ sở nơi cư trú để được hỗ trợ./.

 

04/12/2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1838

Tổng số lượt xem: 8209858