Truy cập nội dung luôn

CHƯƠNG I: Công an Quảng Ngãi ra đời, đấu tranh chống phản cách mạng, góp phần xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ (8/1945 - 12/1946)

30/12/2009 12:00    2903

Lịch sử công an tỉnh Quảng Ngãi

CHƯƠNG I

  CÔNG AN QUẢNG NGÃI RA ĐỜI, ĐẤU TRANH CHỐNG PHẢN CÁCH MẠNG, GÓP PHẦN XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN NON TRẺ   (8/1945 - 12/1946)   I HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐỘI TỰ VỆ ĐỎ, ĐỘI TUYÊN TRUYỀN XUNG PHONG, GÓP PHẦN CHO CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG   Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Nghiêm chủ trì cuộc họp thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi và trở thành Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của Đảng bộ Quảng Ngãi. Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ Quảng Ngãi đã lập tức lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi trong quần chúng nhân dân toàn tỉnh. Nhiều cuộc biểu tình thị uy của hàng ngàn quần chúng cách mạng đã nổ ra. Truyền đơn, biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện tại thị xã Quảng Ngãi và nhiều nơi khác trong tỉnh. Cùng với việc xây dựng, củng cố các đoàn thể cách mạng như Công hội đỏ, Hội thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cứu tế đỏ… Đảng bộ Quảng Ngãi đã chú ý thành lập ngay các đội “Tự vệ đỏ” (Xích vệ) ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Sau khi được thành lập, lực lượng tự vệ đỏ đã được Đảng bộ tổ chức huấn luyện thành nhiều đợt, mỗi đợt hàng trăm người, tại núi An Bàng (Tư Nghĩa). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Tự vệ đỏ đã tiến hành các hoạt động cảnh cáo, khống chế hoặc diệt trừ một số tên phản động gian ác nhất ở làng, xã để hỗ trợ phong trào, bảo vệ nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình, diễn thuyết, rãi truyền đơn, treo cờ, tuần hành của quần chúng cách mạng trong cao trào 1930 – 1931, như: cuộc đấu tranh làm chủ huyện đường, tiêu huỷ hồ sơ, tài liệu địch, giải thoát tù chính trị… từ đêm 07/10/1930 đến 8 giờ ngày 08/10/1930 của nhân dân huyện Đức Phổ. Tự vệ và nhân dân huyện Mộ Đức đã hưởng ứng, phối hợp lập các chướng ngại vật ngăn chặn quân địch các nơi chi viện đàn áp cuộc biểu tình; hoặc như cuộc biểu tình của quần chúng nhân dân tổng Châu (Sơn Tịnh)… Từ cuối năm 1930 đến đầu năm 1931, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai tại Quảng Ngãi đã phát triển rộng khắp các huyện đồng bằng trong tỉnh, đánh dấu bước trưởng thành nhảy vọt của phong trào cách mạng của nhân dân tỉnh nhà. Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi phát triển bằng nhiều hình thức, từ thấp đến cao. Tất cả các cuộc mít tinh, biểu tình tập trung hay tuần hành đều có lực lượng tự vệ đỏ bảo vệ cuộc đấu tranh và tấn công địch khi cần thiết. Lực lượng Tự vệ đỏ tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở những vùng mà cơ sở của bọn thực dân, phong kiến bị tan rã. Thời kỳ này, tuy chưa tách khỏi lực lượng chính trị của quần chúng, song, Tự vệ đỏ đã xuất hiện như một lực lượng vũ trang cách mạng. Cùng với sự phát triển không ngừng của các đoàn thể cách mạng như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Hội phụ nữ, Hội thanh niên học sinh, Hội cứu tế đỏ,… các Đội Tự vệ đỏ trong toàn tỉnh ngày càng được xây dựng, củng cố và lớn mạnh. Đánh giá về vai trò của Đội Tự vệ đỏ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất (3/1935) khẳng định: “Không có một sản nghiệp nào, một làng nào có cơ sở của Đảng, của Đoàn, của các hội quần chúng cách mạng mà không có tổ chức Đội tự vệ”(1) Hoảng hốt trước phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, thực dân Pháp và chính quyền tay sai tập trung đàn áp và khủng bố dữ dội. Hàng trăm cán bộ, đảng viên, hàng ngàn quần chúng và chiến sĩ Tự vệ bị địch bắt, tra tấn, bắn giết hoặc cầm tù,… Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian, các cơ sở Đảng và số đảng viên tránh được khủng bố của địch vẫn kiên cường trụ bám và khôi phục lại các tổ chức cách mạng. Các Đội Tự vệ đỏ lúc này chuyển vào hoạt động bí mật với nhiệm vụ bảo vệ cán bộ Đảng và cơ sở cách mạng. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách ác liệt, phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi dần dần được khôi phục và phát triển, làm nên cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945) thắng lợi, mở đầu cho cao trào vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân. Đến tháng 7/1945, ở Quảng Ngãi, thế và lực của Việt Minh đã áp đảo hầu hết các hoạt động của những tổ chức phản động thân Nhật. Vùng cách mạng làm chủ được mở rộng, phạm vi kiểm soát của Nhật bị co lại. Trong tháng 7/1945, đại biểu Đảng bộ các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà họp hội nghị liên tỉnh tại Sơn Tịnh để bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí Tố Hữu, phái viên của Trung ương về dự hội nghị và phổ biến một số chủ trương, chính sách mới của Đảng. Khoảng cuối tháng 7/1945, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có những điều kiện cơ bản cho cuộc nổi dậy giành chính quyền. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng, các Đội Tự vệ đỏ (Xích vệ) từng bước được củng cố và phát triển(2). Công tác tổ chức, chỉ huy ngày một chặt chẽ, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ vũ trang tự vệ, bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng; chống lại sự phá hoại của các tổ chức, đảng phái phản động, bọn phản động đội lốt tôn giáo, bọn mật thám, chỉ điểm và bọn cường hào gian ác. Bên cạnh việc thực thi những nhiệm vụ khó khăn trên, lực lượng Tự vệ đỏ còn tích cực chuẩn bị về mọi mặt, cùng với các tổ chức cách mạng khác chờ thời cơ giành chính quyền trong toàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 6, ngày 20 tháng 6 Ất Dậu (28/7/1945) của Uỷ ban Vận động cứu quốc Quảng Ngãi của Tổng bộ Việt Minh(3). Trong những ngày giữa tháng 8/1945, tình thế cách mạng ở Quảng Ngãi đã đến độ chín mùi. Tin Liên Xô đại thắng, phát xít Nhật liên tiếp thua trận và tổn thất nghiêm trọng dồn dập đến với nhân dân Quảng Ngãi. Đồng bào vô cùng phấn khởi. Ngược lại, bộ máy cai trị của phát xít Nhật và bọn tay sai hoang mang dao động, bị phân hoá sâu sắc. Sáng ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện. Chấp hành mệnh lệnh khởi nghĩa của Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Ngãi, vào hồi 16 giờ, ngày 14/8/1945, tiếng trống đã vang lên từ làng Thi Phổ Nhất, mở đầu cơn bão táp cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi. Lập tức, hàng vạn quần chúng cách mạng mà nòng cốt là đội du kích Ba Tơ đã ào ạt nổi dậy khởi nghĩa. Tại thị xã Quảng Ngãi, đêm 15/8/1945, Tự vệ đỏ, Tự vệ cứu quốc, Đội Tuyên truyền xung phong và quần chúng nhân dân đã phối hợp với các chi hội binh nhân cứu quốc(4) chiếm đồn khố xanh, khố đỏ, thu súng đạn cùng nhiều quân trang, quân dụng khác; tịch thu tài liệu, ấn tín giao cho cách mạng. Cũng trong đêm 15/8, quân khởi nghĩa đã chiếm Sở Mật thám Pháp, tịch thu toàn bộ tài liệu(5). Tiếp đó, đêm 16/8, lực lượng khởi nghĩa chiếm dinh tỉnh trưởng và các cơ quan đầu não thuộc nguỵ quyền cấp tỉnh, kể cả kho bạc. Tên tỉnh trưởng Lương Trọng Hối và bố chánh Phạm Như Phiên đầu hàng, giao toàn bộ vũ khí, tài liệu, tiền bạc, ấn tín cho cách mạng. Lực lượng Tự vệ đỏ, Tự vệ cứu quốc và Tuyên truyền xung phong nhanh chóng chia nhau canh gác, bảo vệ các công sở, giữ gìn trật tự đường phố. Truyền đơn, biểu ngữ xuất hiện trên khắp các nẻo đường. Cả thị xã tỉnh lỵ và các vùng ven rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Chỉ trong ba đêm hai ngày (kể từ ngày 14 đến đêm 16 rạng 17/8/1945), cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân Quảng Ngãi nổ ra đúng thời cơ đã giành được thắng lợi. Toàn bộ bộ máy thực dân, phát xít, phong kiến trong tỉnh đã bị đánh đổ, chấm dứt nền thống trị của chủ nghĩa thực dân phong kiến kéo dài gần một thế kỷ ở Quảng Ngãi. Bộ máy chính quyền từ miền núi đến hải đảo, từ đồng bằng nông thôn đến thành thị, từ các làng, xã đến tổng, phủ, huyện, tỉnh đều thuộc về cách mạng. Lực lượng Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc đảm nhận việc quản lý thôn, xã. Chính quyền các cấp lần lượt được thành lập theo Chỉ thị số 10, ngày 15/8/1945, của Uỷ ban Vận động cứu quốc Quảng Ngãi. Ra đời từ phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các lực lượng cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa đã được tập dượt và thử thách qua việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ các cơ sở cách mạng và các cuộc đấu tranh của quần chúng, qua việc vận dụng các chủ trương lớn của Đảng vào cuộc đấu tranh diệt trừ, vô hiệu hoá bọn Việt gian tay sai Pháp, Nhật. Hoạt động của các Đội Tự vệ đỏ mà sau đó là Đội Tuyên truyền xung phong đã gây được tiếng vang và có ảnh hưởng lớn, phát huy được khí thế cách mạng của quần chúng, góp phần đáng kể trong việc nâng cao uy tín của Mặt trận Việt Minh, tiến tới cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công nhanh chóng tại Quảng Ngãi. Với chức năng, nhiệm vụ được giao và phương thức hoạt động trong quá trình vận động cách mạng từ khi Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Ngãi được thành lập đến Cách mạng Tháng 8/1945, các Đội Tự vệ đỏ đã được Đảng bộ tỉnh xác định là tổ chức tiền thân của lực lượng vũ trang Quảng Ngãi, công cụ bạo lực trọng yếu của chính quyền dân chủ nhân dân.     II CÔNG AN QUẢNG NGÃI RA ĐỜI, ĐẤU TRANH CHỐNG PHẢN CÁCH MẠNG, GÓP PHẦN XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN NON TRẺ   (8/1945-12/1946)   Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 thắng lợi, chính quyền đã về tay nhân dân. Thực hiện tinh thần Chỉ thị số 10, ngày 15/8/1945, của Uỷ ban Vận động cứu quốc Quảng Ngãi, ngày 18/8/1945, lực lượng Công an Quảng Ngãi (lúc bấy giờ gọi là Ty Trinh sát Lê Trung Đình) được thành lập, có 15 - 20 đồng chí, do đồng chí Cao Kế(6) phụ trách. Trụ sở ban đầu của Ty Trinh sát Lê Trung Đình đặt tại Ty Liêm phóng (Sở Mật thám Pháp)(7). Về tổ chức bộ máy, gồm ba bộ phận chủ yếu là: Ban Chính trị (Ban Điều tra), Ban Trật tự, Văn phòng. Ban Chính trị chuyên trách công tác đấu tranh chống phản cách mạng. Ban Trật tự chuyên trách công tác điều tra, canh gác và giữ gìn trật tự trị an công cộng. Trụ sở Ban Trật tự đặt tại sở Cò(8). Bộ phận Văn phòng có nhiệm vụ tổng hợp tình hình, báo cáo, hướng dẫn công tác, tuyên huấn, lưu trữ hồ sơ, căn cước, tài vụ,… Đến tháng 11/1945, Ty Trinh sát Lê Trung Đình có thêm Ban Tư pháp với nhiệm vụ điều tra xét hỏi vụ án, lập hồ sơ xử lý đối tượng phạm tội. Bộ phận di động từ 10 người được tăng cường lên 30 người. Ban Trật tự được bổ sung lên hơn 50 người với trang phục chỉnh tề. Bên cạnh các ban nghiệp vụ trên, Ty Trinh sát Lê Trung Đình còn lựa chọn, xây dựng thêm một đại đội Cảnh vệ(9) để thay thế lực lượng Vệ quốc đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu, địa bàn trọng điểm và canh gác trại giam. Trong thời gian ngắn sau khi được thành lập, Ty Trinh sát Lê Trung Đình một mặt tranh thủ xây dựng, phát triển lực lượng cả về tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ, tuyển chọn bổ sung vào đội ngũ của mình nhiều đảng viên, thanh niên ưu tú; một mặt thực hiện công tác đấu tranh bài trừ nội phản, chống các thế lực phản cách mạng, giữ gìn trật tự xã hội, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Đến cuối năm 1945, biên chế Ty trinh sát có hơn 100 người. Ở mỗi huyện điều có đặc phái viên trinh sát. Trong những ngày cuối tháng 8/1945, Ty Trinh sát Lê Trung Đình đã bắt hàng trăm tên phản cách mạng nguy hiểm. Qua công tác phát động quần chúng và kiểm tra tạm trú, đã phát hiện, bắt được một số tên Quốc dân đảng(10), khi chúng đang trên đường từ Bắc vào Nam để củng cố tổ chức. Từ công tác kiểm tra khách sạn, quán trọ tại Cống Kiểu (thị xã Quảng Ngãi), lực lượng trinh sát đã phát hiện, bắt giữ Tạ Thu Thâu, một trong những thủ lĩnh của bọn Tờ-rốt-xkít vừa từ Huế vào để chỉ đạo tay chân tại Quảng Ngãi hoạt động chống phá cách mạng. Cùng thời gian này, Ty Trinh sát Lê trung Đình đã chặn bắt được các tên: Phan Thúc Ngô, Tôn Nữ Hoàng Phái, Võ Đình Dzi và Tráng Cư, Tráng Liệt(11) là những tên cầm đầu trong nhóm Đông phương đại hội của Ngô Đình Diệm vừa dự họp ở miền Nam, đang trên đường ra Huế thực hiện âm mưu lập chính phủ mới chống lại cách mạng. Đến ngày 18/8/1945, về cơ bản, lực lượng khởi nghĩa đã kiểm soát toàn bộ tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, vẫn còn một đơn vị lính Nhật đóng giữ trong thị xã tỉnh lỵ. Bộ máy cai trị của thực dân phong kiến tuy đã bị đánh đổ nhưng một bộ phận các thế lực phản động tay sai vẫn ngoan cố tìm mọi cách chống đối quyết liệt. Lực lượng Trinh sát Lê Trung Đình cùng các lực lượng tự vệ vũ trang tiếp tục tập trung đấu tranh, đè bẹp sự phản kháng của chúng. Đến ngày 27/8/1945, Uỷ ban Vận động cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh và Ban lãnh đạo khởi nghĩa làm nhiệm vụ của chính quyền cách mạng tỉnh về đóng trong thị xã Quảng Ngãi và trực tiếp chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cách mạng các phủ, huyện, tổng, xã vận hành các mặt hoạt động của hệ thống. Sáng ngày 28/8/1945, hàng vạn người dân từ khắp các vùng trong tỉnh cùng với băng cờ, biểu ngữ,… đã cuồn cuộn đổ về thị xã Quảng Ngãi tham dự cuộc mit-tinh và lễ diễu hành chào mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng 8/1945; đồng thời chứng kiến lễ ra mắt đồng bào của Uỷ ban nhân dân Cách mạng tỉnh Lê Trung Đình. Cuộc mit-tinh và diễu hành ngày 28/8/1945 thực sự là một cuộc biểu dương lực lượng cách mạng hùng hậu lần đầu tiên trong lịch sử Quảng Ngãi, gây xúc động và phấn khích hàng vạn trái tim người dân Quảng Ngãi. Lực lượng trinh sát Lê Trung Đình vinh dự được góp phần bảo vệ thành công cuộc biểu dương lực lượng ấy. Sau khi ta giành được chính quyền, những phần tử tay sai của Pháp, phát xít Nhật nằm trong các đảng phái “Đại Việt quốc gia xã hội đảng” và “Đại Việt quốc dân đảng” vẫn tiếp tục câu kết với quân Pháp, Tưởng hoạt động phá hoại cách mạng, âm mưu lật đổ chính phủ ta. Trước tình hình đó, ngày 05/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký Sắc lệnh số 8 về việc giải tán các đảng phái phản động. Sắc lệnh nêu rõ: “Xét theo các cuộc điều tra của Ty Liêm phóng Bắc Bộ, “Đại Việt quốc gia xã hội đảng” đã tư thông với ngoại quốc để mưu những việc có hại cho sự độc lập của Việt Nam và “Đại Việt quốc dân đảng” đã âm mưu những việc có hại cho sự độc lập quốc gia và nền kinh tế của Việt Nam” nên “giải tán Đại Việt quốc gia xã hội đảng và Đại Việt quốc dân đảng. Nếu hai đảng ấy còn tụ họp và hoạt động thì những người can phạm sẽ bị đem ra toà án chiểu luật nghiêm trị”. Ngày 12/9/1945, Chính phủ tiếp tục ra Sắc lệnh số 30 về việc giải tán “Việt Nam hưng quốc thanh niên” và “Việt Nam ái quốc thanh niên”. Sắc lệnh số 8 và Sắc lệnh số 30 đã đặt các đảng phái phản động ra ngoài vòng pháp luật, là cơ sở pháp lý cho việc trấn áp phản cách mạng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn bởi thù trong giặc ngoài. Nhiệm vụ cấp bách mà Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi phải giải quyết lúc này là: ổn định tình hình chính trị, kiện toàn và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, chống giặc đói, diệt giặc dốt, tích cực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương. Thực hiện các sắc lệnh của Chính phủ, được sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Cách mạng tỉnh và Sở Trinh sát Trung Bộ, Ty Trinh sát Lê Trung Đình đã kiên quyết trừng trị những tên đầu sỏ, lập hồ sơ đề nghị đưa đi cải tạo những tên nguy hiểm, làm tan rã các tổ chức phản động. Sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc khai thác hồ sơ, tài liệu của địch để lại nên ngay sau khi chiếm lĩnh các cơ quan, công sở của chế độ cũ, lực lượng Trinh sát Lê Trung Đình đã tịch thu và bảo quản được khá nhiều hồ sơ, tài liệu này. Được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ cùng với sự hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn của Sở Trinh sát Trung Bộ, Ty Trinh sát Lê Trung Đình đã tập trung khai thác, nghiên cứu các hồ sơ của địch để lại, từ đó phát hiện được nhiều tên phản cách mạng chưa bị lộ mặt, đấu tranh vạch trần tội trạng của chúng và nhanh chóng củng cố hồ sơ, phục vụ cho Toà án Quân sự(12) Lê Trung Đình mở các phiên toà xét xử công khai trước sự chứng kiến của hàng ngàn quần chúng nhân dân. Mặc dù có 3 tủ hồ sơ của địch đã bị cạy phá trước khi lực lượng cách mạng vào chiếm lĩnh Sở Mật thám, nhưng qua khai thác 4 tủ hồ sơ còn lại, lực lượng Trinh sát Lê Trung Đình đã phát hiện nhiều hồ sơ, tài liệu quan trọng. Đặc biệt, có hai loại hồ sơ gồm hàng trăm bản báo cáo với nhiều bí danh và chữ ký khác nhau nói về hoạt động của các tổ chức Đảng ta và danh sách các đồng chí chủ chốt của Đảng trong thời kỳ 1936-1937 và những năm sau đó. Sau khi nghiên cứu kỹ các hồ sơ, tài liệu trên, kết hợp với việc khai thác các tên cầm đầu mật thám Pháp đang bị giam giữ, quản thúc(13), lực lượng Trinh sát Lê Trung Đình đã phát hiện, làm rõ được hai tên nội gián nguy hiểm là Lâm Tài và tên Phụ. Lâm Tài quê ở Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936. Năm 1938, bị địch bắt, y đã đầu hàng, nhận làm tay sai cho địch; được địch huấn luyện và chui vào hàng ngũ cách mạng, dưới sự chỉ đạo của tên Li-véc-xê (Liverset) và Bùi Trọng Lệ - hai tên trùm mật thám Pháp ở tỉnh Quảng Ngãi. Từ ngày nhận làm việc cho mật thám Pháp, Lâm Tài đã chỉ điểm cho địch bắt nhiều cán bộ của Đảng. Nghiêm trọng nhất là trường hợp y báo cho địch bắt đồng chí Nguyễn Năng Lự (tức Độ), một thành viên của Xứ uỷ Trung kỳ lúc bấy giờ. Tháng 9/1945, Ty Trinh sát Lê Trung Đình tiến hành bắt Lâm Tài - cán bộ phụ trách Ban quân sự huyện Sơn Tịnh. Lúc đầu, Lâm Tài ngoan cố, không chịu khai báo quá trình làm tay sai cho địch, nhưng với những tài liệu, chứng cứ mà ta đã thu thập được, đặc biệt khi ta tổ chức đối chất với Bùi Trọng Lệ, Lâm Tài mới chịu khai nhận quá trình làm tay sai cho địch. Cùng thời gian bắt Lâm Tài, Ty Trinh sát tiến hành bắt tên Phụlà nhân viên tình báo địch cài vào bộ phận văn thư ấn loát của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi. Từ 1935 đến khi ta phát hiện, bắt giữ (9/1945), y đã gửi nhiều bản báo cáo cho mật thám Pháp, với gần 20 bí danh và chữ ký khác nhau. Đặc biệt, trong số tài liệu y báo cáo cho mật thám Pháp, có nhiều bản sao các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn quan trọng của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi gửi cho các tổ chức Đảng cơ sở. Ty Trinh sát tập trung phân loại, phân hoá kẻ thù, thực hiện sách lược mềm dẻo trong đấu tranh, tranh thủ cảm hoá những đối tượng có thể lôi kéo được; đồng thời kiên quyết lập hồ sơ trừng trị những tên đầu sỏ nguy hiểm, chống phá cách mạng. Lập hồ sơ phục vụ Toà án quân sự tỉnh mở liên tục 5 phiên toà trong tháng 12/1945, công khai xét xử nhiều phần tử phản cách mạng nguy hiểm bị bắt giữ trong và sau cách mạng Tháng Tám(14), trước sự chứng kiến của hàng ngàn quần chúng nhân dân đến dự, góp phần củng cố uy thế của chính quyền cách mạng tại Quảng Ngãi. Bên cạnh công tác bài trừ nội gián và đấu tranh chống các thế lực phản cách mạng, vấn đề giải quyết hệ thống nhà tù của chế độ cũ để lại đã được đặt ra. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, lực lượng Trinh sát đã nhanh chóng giải phóng những chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đang bị địch giam cầm trong các nhà tù; trả tự do cho những người vô tội hoặc phạm tội hình sự nhẹ; tiếp tục giam giữ, quản thúc những phần tử lưu manh chuyên nghiệp và bọn tội phạm hình sự nguy hiểm, không để chúng lọt ra ngoài gây rối trật tự trị an; tổ chức công tác giam giữ những tên ác ôn - tay sai chế độ thực dân Pháp và phát xít Nhật, những phần tử phản cách mạng nguy hiểm đã bị ta bắt trong và sau khởi nghĩa, bố trí lực lượng cảnh vệ canh gác rất chặt chẽ. Tại nhà lao Quảng Ngãi lúc bấy giờ, không chỉ là nơi tập trung giam giữ những phần tử phản động trong tỉnh mà còn là nơi giam giữ nhiều tên đầu sỏ phản cách mạng nguy hiểm của các tỉnh Nam Trung Bộ chuyển đến(15). Ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” xác định rõ kẻ thù và nhiệm vụ cách mạng của Đảng trong giai đoạn mới và nhiệm vụ chủ yếu trước mắt lúc này là: “củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”(16). Trong đó, nhiệm vụ củng cố chính quyền là nhiệm vụ hàng đầu. Bởi vậy, về nội chính, một mặt xúc tiến việc đi đến Quốc hội để qui định hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức, xử trí cho xong bọn đối lập (Đại Việt, Việt Nam quốc dân đảng, Nguyễn Hải Thần) để thủ tiêu phong trào phân liệt và thống nhất chính quyền nhân dân… Quán triệt Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ cuối năm 1945, tại tỉnh Quảng Ngãi, Uỷ ban Hành chính lâm thời các cấp đã tiến hành tịch thu ruộng đất của bọn Việt gian phản động, chia cho dân nghèo theo nguyên tắc dân chủ, chia đều cho mọi người, tạm giao hết số ruộng đất bỏ hoang cho nông dân thiếu ruộng; thực hiện việc giảm tô cho tá điền, xoá bỏ các khoản nợ lâu đời của nông dân, bãi bỏ thuế thân cùng các sắc thuế vô lý khác; xoá bỏ các hủ tục mê tín dị đoan; thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và quyền bình đẳng giữa các dân tộc anh em; thực hiện nền văn hoá - giáo dục mới, phát động rộng rãi phong trào bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ;… Chủ trương “quân cấp công điền” (chia lại ruộng đất công theo hướng bình quân) thực sự là đòn tấn công đầu tiên của cách mạng vào chế độ chiếm hữu ruộng đất của bọn địa chủ phong kiến. Trong khi người nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo nhiệt liệt hoan nghênh, hưởng ứng và ngày càng gắn bó với cách mạng thì ngược lại, số địa chủ, cường hào ác bá vô cùng căm tức, hằn học. Họ tỏ thái độ thù địch và tìm mọi cách chống phá ở nhiều nơi. Lãnh đạo Ty Trinh sát Lê Trung Đình đã phân công, bố trí lực lượng xuống từng huyện, xã nắm tình hình, kiên quyết đấu tranh trấn áp những phần tử cực đoan và cùng các đoàn thể, Mặt trận tiến hành công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động những đối tượng còn lại chấp hành chủ trương và việc làm của chính quyền cách mạng. Nhờ vậy, việc thực hiện chủ trương “quân cấp công điền” trong toàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt kết quả. Khối liên minh công - nông ngày càng được củng cố. Mặt trận Dân tộc thống nhất ngày càng được mở rộng. Khối đoàn kết toàn dân được tăng cường. Nhiệm vụ cách mạng đặt ra được đa số nhân dân ủng hộ và thực hiện một cách hăng hái. Trong hoàn cảnh đất nước vừa giành được độc lập, thù trong giặc ngoài và thiên tai dồn dập, nhân dân ở nhiều nơi đã lâm vào hoàn cảnh thiếu đói. Tháng 11 năm 1945, khi nạn đói xảy ra ở một số huyện: Ba Tơ, Trà Bồng, một số xã ven biển Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ,… lực lượng Trinh sát Lê Trung Đình đã thực hiện tiết kiệm lương thực, nhường cơm, sẻ áo cho đồng bào; đồng thời tham gia phát động nhân dân trong tỉnh thực hiện “ngày đồng tâm”, “hũ gạo tiết kiệm”, tích cực khai hoang, phục hoá với khẩu hiệu “không một tấc đất bỏ hoang”, “tấc đất, tấc vàng”,… khuyến khích việc khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công, làm ra các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống. Lực lượng Trinh sát Lê Trung Đình còn tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ. Song song với việc thực hiện các mặt công tác trên, lực lượng Trinh sát Lê Trung Đình cũng đã tham gia vận động nhân dân xây dựng đời sống mới, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu lao động; xây dựng lối sống “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” sâu rộng trong cán bộ và nhân dân. Nhiều thói hư tật xấu, nhiều tập tục lạc hậu và các luật lệ không bình đẳng giữa các dân tộc được xoá bỏ. Chính sách bình đẳng dân tộc của Đảng được thực hiện trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những quyền cơ bản về tự do, dân sinh, dân chủ do cách mạng đem lại có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn. Nó thể hiện tính ưu việc của nền dân chủ mới, tạo điều kiện để quần chúng phát huy quyền làm chủ, gắn bó, tin tưởng vào cách mạng, hăng hái tham gia làm tròn các nghĩa vụ đối với chế độ dân chủ mới, đối với công cuộc bảo vệ an ninh trật tự, góp phần bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân. Để xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền dân chủ nhân dân, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu bầu Quốc hội và thành lập Chính phủ, bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và xã (không có Hội đồng nhân dân cấp huyện, thị xã). Trong khi người dân phấn khởi, náo nức chuẩn bị tham gia bầu cử thì các thế lực phản cách mạng tìm mọi cách hoạt động phá hoại. Chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc cuộc bầu cử, nói xấu các ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu và tìm đủ mọi cách đưa người của chúng vào danh sách ứng cử để tranh ghế trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời chúng xúi giục bọn tay chân hoạt động gây rối ở các khu vực đặt hòm phiếu nhằm phá hoại cuộc bầu cử. Ngày 06/01/1946, cuộc tổng tuyển cử được tiến hành khắp cả nước. Để bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử, công tác giữ gìn an ninh trật tự đã được tăng cường. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, các đoàn thể và cơ quan, lực lượng trinh sát Lê Trung Đình đã nhanh chóng phát hiện, kịp thời đấu tranh chặn đứng mọi âm mưu, hành động phá hoại của bọn phản động. Ngày 06/01/1946, cùng cả nước, 271.187 cử tri Quảng Ngãi (trong tổng số 350.000 dân toàn tỉnh) nô nức đến các điểm bỏ phiếu, lần đầu tiên thực hiện quyền công dân của một nước độc lập bầu người đại diện cho mình tại Quốc hội. Có 8 ứng cử viên tại Quảng Ngãi trúng cử đại biểu Quốc hội: Phạm Văn Đồng, Phạm Quang Lược, Hồ Thiết, Lê Hồng Long, Nguyễn Trí, Nguyễn Duân, Hà Văn Tính, Đinh May. Hơn một tháng sau, ngày 17/02/1946, 280.000 cử tri Quảng Ngãi lại tiếp tục đến các điểm bỏ phiếu bầu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Tiếp đó, ngày 14/4/1946, Hội đồng nhân dân xã cũng đã được nhân dân bầu ra. Các cuộc bầu phiếu đã diễn ra thuận lợi, an toàn. Hội đồng nhân dân các cấp đã bầu ra Uỷ ban Hành chính các cấp, thay thế cho các Uỷ ban Hành chính lâm thời được thành lập trước đó. Ngày 15/4/1946, Uỷ ban Hành chính tỉnh chính thức được thành lập và tiếp tục điều hành mọi hoạt động trong tỉnh. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử và bầu cử Hội đồng nhân dân thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ và Mặt trận Việt Minh, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí và quyền làm chủ của nhân dân. Thắng lợi đó còn là đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ, xuyên tạc, phá hoại và lật đổ của kẻ thù, góp phần nâng cao uy thế của chính quyền cách mạng, uy thế chính trị của nhân dân. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn công tác nắm tình hình nhằm chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra ở cơ sở, cuối năm 1945, đầu năm 1946, Ty Trinh sát Lê Trung Đình đã đề xuất việc thành lập Trinh sát huyện và Trật tự xã, chỉ đạo và phân công cán bộ phối hợp cùng với địa phương xây dựng, tổ chức lực lượng trinh sát ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Đầu năm 1946, do yêu cầu công tác, đồng chí Cao Kế được trên điều đi tăng cường cho tỉnh Bình Định, đồng chí Hồ Độ được cử về thay đồng chí Cao Kế làm Trưởng ty Trinh sát. Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và các Sở Liêm phóng toàn quốc thành một cơ quan đặt tên là “Việt Nam công an vụ”. Sắc lệnh qui định Việt Nam Công an vụ có nhiệm vụ: 1- Tìm kiếm và tập trung các tin tức và tài liệu liên can đến sự an toàn của quốc gia hoặc bề trong hoặc bề ngoài. 2- Đề nghị và thi hành các phương pháp đề phòng những sự hành động có thể làm rối việc trị an và mất trật tự trong nước, bất cứ sự hoạt động đó là do người Việt Nam hay người ngoại quốc. 3- Điều tra về những hành động trái phép nói trên và truy tầm người can phạm để giúp toà án trong sự trừng trị.” Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định 121-NĐ về tổ chức của Việt Nam Công an vụ, gồm ba cấp: Công an Trung ương, Công an kỳ và Công an tỉnh. Thực hiện Sắc lệnh số 23 của Chủ tịch nước và Nghị định số 121 của Bộ Nội vụ, ở Trung Bộ, Sở Trinh sát đổi thành Sở Công an Trung Bộ. Ty Trinh sát Lê Trung Đình được đổi thành Ty Công an Quảng Ngãi, do đồng chí Hồ Độ làm Trưởng ty. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp tục bổ sung nhiều đảng viên và thanh niên ưu tú cho Ty Công an. Nhờ vậy, đến tháng 3/1946, hệ thống tổ chức làm công tác giữ gìn an ninh trật tự đã nhanh chóng được hình thành từ tỉnh đến huyện, xã(17). Công an thị xã Quảng Ngãi đã được thành lập trong thời gian này, với biên chế ban đầu gồm 8 đồng chí. Ở mỗi huyện, lực lượng Công an ít nhất có 4 đồng chí, do một đồng chí Trưởng Công an huyện phụ trách. Các đồn Công an được hình thành ở thị xã, thị trấn và các đầu mối giao thông quan trọng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an. Lực lượng Cảnh sát(18) đã có sắc phục, sắc hàm thống nhất, qui chế trật tự Cảnh sát (điều lệnh nội vụ) rất nghiêm. Đến tháng 4/1946, hệ thống tổ chức của Ty Công an Quảng Ngãi đã được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở theo đúng hướng dẫn của Công an Trung ương. Tháng 5/1946, đồng chí Nguyễn Sanh Châu được Đảng bộ cử thay đồng chí Hồ Độ, giữ chức Trưởng ty. Đi đôi với việc chọn lựa, bổ sung cán bộ chiến sĩ và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, Ty Công an Quảng Ngãi đã cử các cán bộ trưởng, phó ban đi thụ huấn ở Huế do Sở Công an Trung Bộ tổ chức(19) nhằm trang bị những kiến thức cần thiết về công tác công an cho cán bộ lãnh đạo; cử nhiều đồng chí đảng viên chủ chốt tham dự các khoá huấn luyện do Xứ uỷ Trung Bộ và Tỉnh uỷ mở tại địa phương; đồng thời tiến hành mở một số lớp bổ túc ngắn hạn bồi dưỡng chính trị và huấn luyện nghiệp vụ tại chỗ cho cán bộ chiến sĩ. Qua các lớp huấn luyện này, không những cán bộ, đảng viên Công an Quảng Ngãi bước đầu nhận thức được quan điểm, lập trường cơ bản của chủ nghĩa cộng sản mà nhận thức xã hội và năng lực tuyên truyền vận động quần chúng, năng lực công tác nghiệp vụ cũng được nâng lên một bước. Đặc biệt, việc nhận thức rõ bản chất người Công an cách mạng là một vấn đề cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa to lớn. Nó định hướng quan điểm xử lý, giải quyết mọi công việc, giúp lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ và nhân dân giao phó. Từ đầu năm 1946 trở đi, công tác xây dựng Đảng trong lực lượng Công an được đặc biệt chú ý, nhất là từ sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I (tháng 6/1946). Chi bộ Đảng ở Ty được thành lập, do đồng chí Huỳnh Hữu Tài làm bí thư. Tổ chức Đảng ở Công an các huyện lần lượt được hình thành, trực thuộc các Đảng bộ địa phương. Việc hình thành chi bộ Đảng và các tổ Đảng là bước phát triển quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng bộ tỉnh. Đến cuối năm 1946, về xây dựng lực lượng, Công an Quảng Ngãi đã đạt được những bước tiến quan trọng, sẵn sàng cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến kiến quốc thần thánh của dân tộc ta, chống lại quân Pháp xâm lược. Trong khi đó, bên cạnh các thế lực phản động, đối tượng nổi lên tranh giành ảnh hưởng với Mặt trận Việt Minh, chống lại chính quyền cách mạng non trẻ tại Quảng Ngãi là tổ chức mệnh danh “Thế giới cách mạng đảng” do Trần Kỳ Truyện, ở làng Lệ Thuỷ, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn cầm đầu. Trần Kỳ Truyện là con của cụ tú Trần Kỳ Phong. Bản thân Trần Kỳ Truyện cũng đã từng tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 10/1925, đồng chí Nguyễn Nghiêm cùng đồng chí Nguyễn Thiệu và Trần Kỳ Truyện lập ra “Công ái xã”, cùng lo xây dựng phong trào yêu nước chống Pháp tại Quảng Ngãi. Về sau, do tư tưởng địa vị cá nhân, muốn làm lãnh tụ, không chịu dưới quyền người khác, từ trước khởi nghĩa tháng 8/1945, Trần Kỳ Truyện đã có hành vi chống lại phong trào cách mạng, tập hợp, nhen nhóm, hoạt động phản tuyên truyền, lôi kéo quần chúng, tranh giành ảnh hưởng với Mặt trận Việt Minh. Đến tháng 01/1946, đảng “Thế giới cách mạng ” của ông ta mới chính thức được thành lập, có cương lĩnh, nội dung và chương trình hành động. Đặc biệt, sau Hiệp định sơ bộ ngày 06/3, Trần Kỳ Truyện cho rằng chính phủ ta bất lực, đầu hàng, để Pháp chiếm Nam Bộ, bán nước ta cho Pháp. Ông ta nêu khẩu hiệu: “giải tán chính phủ, giải ngũ quân đội”, chủ trương “chung ruộng đất làm ăn, tiến hành cách mạng thế giới, thủ tiêu biên giới quốc gia, xoá bỏ binh đao chiến tranh,…” Tối 31/3/1946, Ty Trinh sát Lê Trung Đình đã cử đồng chí Nguyễn Sanh Châu, Phó Ty chỉ huy một tổ Trinh sát 5 đồng chí đến bắt Trần Kỳ Truyện. Lập tức, bọn cầm đầu tổ chức đảng “Thế giới cách mạng” kích động dân làng (chủ yếu là số thanh niên) kéo đến giải thoát cho Trần Kỳ Truyện và bắt giữ cán bộ ta. Những kẻ quá khích đem số đồng chí này ra bãi biển định hành quyết. Trước tình hình cấp bách đó, Ty Trinh sát Lê Trung Đình cử một trung đội cảnh vệ đến hỗ trợ, kịp thời giải thoát các đồng chí của ta. Lực lượng Trinh sát một mặt tiến hành vận động quần chúng, tập hợp nhân dân để giải thích, vạch trần những hành vi chống đối cách mạng của Trần Kỳ Truyện, phân hoá mạnh lực lượng chống đối: khoan hồng đối với những người bị lừa gạt, bị ép buộc, truy bắt những tên đầu sỏ. Tuy nhiên, Trần Kỳ Truyện và một số tên cốt cán đã kịp trốn thoát vào Gò Hội (huyện Đức Phổ). Tại đây, Trần Kỳ Truyện tiếp tục móc nối, tuyên truyền phản cách mạng nhằm khôi phục lại “đảng” của ông ta. Ông ta đã bí mật tổ chức nhiều cuộc họp, viết, rải nhiều truyền đơn chống chính quyền cách mạng. Được đông đảo quần chúng ủng hộ, giúp đỡ, tháng 6/1946, lực lượng trinh sát đã phát hiện được nơi ẩn náu và hoạt động của Trần Kỳ Truyện đã tổ chức bao vây, bắt gọn Trần Kỳ Truyện và 9 tên cầm đầu khác. Tháng 7/1946, Toà án quân sự tỉnh quyết định đưa Trần Kỳ Truyện và một số tay chân khác đi an trí tại Trà Bồng(20). Số quần chúng bị lừa gạt được ta giáo dục và tha. Từ đó, nhân dân càng thấy rõ đường lối đúng đắn của chính quyền cách mạng, tin tưởng vào Hồ Chủ Tịch, tích cực tham gia phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.(21)   Cùng thời gian này, bọn Việt Nam Quốc dân đảng cũng ngóc đầu dậy, tiến hành các hoạt động khôi phục và phát triển tổ chức, chống phá chính quyền cách mạng. Từ Đà Nẵng, bọn Quốc dân đảng chỉ mới phát triển vào Quảng Ngãi trước cách mạng tháng 8/1945, thông qua số công chức cũ của thực dân Pháp. Trong thời gian ta chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, bọn chúng đã vận động phát triển lực lượng nhằm tranh giành ảnh hưởng với Mặt trận Việt Minh. Tuy nhiên, do tổ chức chưa hình thành và lực lượng ít, nên mặc dù hoạt động của chúng có gây cho ta một số khó khăn nhưng chưa đáng kể.   Đầu năm 1946, từ Châu Ổ (Bình Sơn), bọn Quốc dân đảng bắt đầu nhen nhóm ở một số nơi thuộc Sơn Tịnh, thị xã Quảng Ngãi, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ, tập hợp một số địa chủ, quan lại, trí thức, công chức chế độ cũ… do Nguyễn Hoàng (Trạm trưởng khí tượng Quảng Ngãi), Phạm Đình Nghị (Thẩm phán toà sứ cũ), Nguyễn Biên (tức tú Biên), Võ Loát, Trang Ngọc Diêu, Hồ Đệ… cầm đầu. Các phần tử này có liên hệ với nhóm Quốc dân đảng ở Hà Nội và Quảng Nam, nhận tài liệu, chương trình, điều lệ Quốc dân đảng về Quảng Ngãi hoạt động. Chúng tiến hành tuyên truyền, kết nạp đảng viên. Chúng tuyên truyền, ca tụng chế độ Quốc dân đảng, thế lực Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, nói xấu chế độ ta… Hoạt động của chúng mạnh nhất ở Bình Sơn và thị xã Quảng Ngãi. Số lượng lên đến hơn 100 đảng viên.   Tháng 7/1946, chúng tổ chức đại hội tại Bình Sơn, bầu ra “Tỉnh uỷ lâm thời”, gồm các tên: Nguyễn Hoàng, Trang Ngọc Diêu, Phạm Đình Nghị, Võ Bào, Võ Loát,… do Võ Loát(22) làm chủ tịch, Nguyễn Hoàng làm bí thư.   Ngay khi bọn Quốc dân đảng tổ chức đại hội, lực lượng Trinh sát (Công an) Lê Trung Đình đã nhanh chóng xác lập chuyên án đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Sanh Châu, Trưởng Ty Công an Quảng Ngãi­(23) trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Lê Phác, Trưởng ban Điều tra cùng đồng chí Đỗ Tấn Kiệt trực tiếp thụ lý. Ta đã sử dụng một cơ sở nội tuyến đánh vào nhen nhóm này để thu thập tài liệu chứng cứ về âm mưu, hoạt động của bọn chúng. Đến tháng 8/1946, lực lượng Công an đã tiến hành phá án, bắt hầu hết số cầm đầu, cốt cán, trong đó có Nguyễn Hoàng, Võ Loát, Nguyễn Biên, Võ Bào, Trang Ngọc Diêu, Tống Viết Xuân, Tạ Đình Mỹ(24)… Tổ chức Quốc dân đảng vừa hình thành tại Quảng Ngãi đã hoàn toàn bị tan rã(25).   Ra đời từ Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, lực lượng Công an nhân dân Quảng Ngãi đã nhanh chóng hình thành và phát triển đến cơ sở. Tuy số lượng nhân viên còn ít, trình độ, năng lực còn non, chưa được đào tạo, công việc lại mới mẻ, phức tạp, nhưng với lòng nhiệt tình cách mạng và biết dựa vào dân, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, các tổ chức, đoàn thể… Công an Quảng Ngãi đã trấn áp kịp thời các thế lực phản cách mạng và bọn phạm tội khác, giữ vững an ninh, trật tự, góp phần đáng kể vào việc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng mới thành lập, phục vụ tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, củng cố uy thế của chính quyền dân chủ nhân dân. Đó là bước khởi đầu tốt đẹp của lực lượng Công an Quảng Ngãi, là nguồn động viên, cổ vũ lớn đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược.    

 

(1): Văn kiện Đảng toàn tập - tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.96.    ( 2): Theo đồng chí Tôn Diêm: trong báo cáp của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi gửi Xứ uỷ do đồng chí Vũ Ngọc Oanh mang đi, thì tại Quảng Ngãi lúc bấy giờ có 500 Tự vệ đỏ (Xích vệ), 3.000 đảng viên trong 110 xã bộ và 17.000 người tham gia trong các đoàn thể quần chúng khác.   (3): Chỉ thị nêu rõ: “Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tự vệ chẳng những có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan cách mệnh, chiến sĩ cách mệnh, mà cần phải võ trang để bảo vệ cho các cuộc tranh đấu. Vậy từ nay trở đi, chi hội nào cũng nên kiếm thầy võ, tập sự đánh đỡ cho thạo, rồi theo chương trình tập tự vệ mà tập lần đi, lúc nào có người quân sự về sẽ chỉ vẽ thêm.” (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, 1929-1945, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, năm 2005, trang 236, 237)   (4): Đó là những binh nhân trong hàng ngũ địch được cách mạng giác ngộ, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.   ( 5): Theo đồng chí Cao Kế, Trưởng ban Tuyên truyền xung phong lúc bấy giờ, thì: trong 7 két hồ sơ ta thu của địch lúc đó, có 3 két bị cạy phá, một số tài liệu bị đốt hoặc tẩu tán. Đến ngày 17/8 ta mới bắt được Bùi Trọng Lệ, Phó mật thám Pháp, khi y đang trốn tại nhà tên giám thú Lưỡng ở Vạn Tượng (Tư Nghĩa).    (6): Lúc này, đồng chí Cao Kế là Trưởng Ban Tuyên truyền xung phong được phân công làm Nguyên cáo Biện lý kiêm Uỷ viên Trinh sát Toà án quân sự tỉnh Lê Trung Đình.   (7): Nay là khu vực chợ Quảng Ngãi   (8): Nay thuộc phường Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi, gần ngã tư đường Lê Trung Đình – Ngô Quyền. Trưởng ban Trật tự (Cảnh sát trưởng) là đồng chí Nguyễn Trân, anh ruột đồng chí Nguyễn Chánh. Người giúp việc đắc lực cho đồng chí Nguyễn Trân là ông Nguyễn Kỳ, nguyên thầy cai police, có liên hệ với Việt Minh trước khởi nghĩa.   (9): Đến năm 1946, Đại đội Cảnh vệ này phát triển thành Tỉnh đoàn Cảnh vệ trực thuộc Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh. Tháng 5/1949, Tỉnh đoàn Cảnh vệ giải thể, chuyển giao cho Ban Trật tự thuộc Ty Công an Quảng Ngãi.   (10) Đỗ Hy Sinh (quê ở Thu Xà, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), Nguyễn Tự Do (quê ở Huế, y là một võ sĩ và là nhân viên mật thám Pháp)...   ( 11): Tráng Cư, Tráng Liệt là con của Cường Để (Tư liệu thu thập qua Hội thảo khoa học và toạ đàm lịch sử Công an nhân dân, ngày 21/2/1945, tại Công an thị xã Quảng Ngãi)      (12): Trước tình hình hoạt động của các đảng phái phản động và bọn tay sai cũ của thực dân Pháp, phát-xít Nhật và quân đội Tưởng Giới Thạch chống phá cách mạng, đe doạ độc lập chủ quyền và an ninh của nước ta, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra sắc lệnh thiết lập các toà án quân sự. Theo đó, ở Trung Bộ, toà án quân sự được lập tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi.   (13): Tên Bùi Trọng Lệ - nguyên phó mật thám Pháp; tên Tạ Ảnh – nguyên Chánh Văn phòng Sở Mật thám bị ta bắt giữ trong Cách mạng Tháng 8/1945.   (14): Toà án quân sự tỉnh đã tuyên án tử hình Nguyễn Bá Trác, Tuần vũ Quảng Ngãi, một phần tử phản động nguy hiểm, do lực lượng Trinh sát Quảng Nam bắt, di lý vào Quảng Ngãi sau khởi nghĩa.   (15): Riêng Ngô Đình Diệm, được quản thúc tại nhà Tú Thao (Sơn Tịnh), sau đó, có lệnh của Trung ương, Diệm được tha.   (16): Văn kiện Đảng, tập 1 (1945-1954), Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, 1978, tr.28.   (17): Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Quảng Ngãi có 679 làng, sau khi nhập lại theo Sắc lệnh của Chính phủ (tháng 02/1946), toàn tỉnh còn hơn 100 xã, không còn cấp tổng. Các “sách” của đồng bào miền núi cũng nhập thành 26 làng lớn. (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi 1945- 1975, NXB Chính trị quốc gia, 1999, tr. 28).   (18): Lúc này, sau khi học xong khoá huấn luyện ở Công an Trung Bộ về, đồng chí Trương Quang Địch được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Trật tự, đứng đầu lực lượng Cảnh sát.   (19):  Từ cuối năm 1945, Ty Trinh sát Lê Trung Đình đã cử đồng chí Trương Quang Địch, Nguyễn Khương (học lực Diplome) đi học lớp Cảnh sát do Sở Trinh sát Trung Bộ mở.   (20): Đến tháng 4/1947, Trần Kỳ Truyện được cách mạng ân xá, cho về địa phương sinh sống.   (21): Trích trong tập hồ sơ số 6 “Phản động ở Quảng Ngãi 1946-1954” và Báo cáo sơ kết 9 năm (1945-1954) của Ty Công an Quảng Ngãi.   (22): Võ Loát là cha của Võ Bào, vì già yếu không đi họp được, bọn chúng bầu vắng mặt.   (23): Đ/c Nguyễn Sanh Châu làm Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Ngãi từ tháng 5/1946-1947.   (24): Lúc bấy giờ ta chưa bắt Võ Loát, còn Phạm Đình Nghị sau đại hội, y đi buôn xa, nên đầu tháng 12/1946 mới bị ta bắt.   (25): Sau khi ra tù, nhóm Nguyễn Hoàng vào Sông Vệ mở hiệu xuất bản “Tự Lực”, có liên hệ một số giáo viên và trí thức bất mãn nhưng không phát triển được tổ chức. Công an Quảng Ngãi đã bố trí cơ sở giám sát mọi động thái của những đối tượng này. Các tên Phạm Đình Nghị, Võ Bào, Lê Giám, Trần Hoàng, Lương Duy Ủy và Phan Văn Đức (Quốc dân đảng người Quảng Nam, dạy trường Trung học Bình dân) có tham gia công tác nhằm tránh sự theo dõi của ta và chờ thời cơ.

Tin liên quan


Nội dung trong file đính kèm 22/12/2023

Qua xác minh, N.guyễn T.hị L.ệ T.hương (sinh 1994, cư trú tại: xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) Nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết: Khoảng 12h30' cùng ngày nhận yêu cầu từ L.ê T.ấn H.ải (sinh 1988, cư trú tại xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa) - Quản lý sản phẩm N.. của nhãn hiệu N..., T.hương đến ‎Công ty TNHH MTV T.uyết K.a (88 B.à T.riệu, TP Quảng Ngãi) nhận sản phẩm đến Trường Tiểu học ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm: 19 lốc sữa nhãn nhiều N... và 01 túi 50 gói thạch trái ‎cây N... (tặng kèm khi bán sữa).
Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau cau, thì có nhiều học sinh sử dụng bị ngộ độc phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.‎
Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh ATTP và CDC Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.
Hiện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đang khám và theo dõi sức khỏe cho các em, chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.
Vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh về đồ ăn thức uống trước các cơ sở giáo dục khi bán cho học sinh sử dụng. Trước đó, ngày 02/12/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 6476/VC-PV01(TMCS) chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hàng quán trước cổng trường mua bán các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi có chứa chất ma tuý./.

08/12/2023

I. Đối tượng tuyển chọn

Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ cao hơn, chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện - điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điện công nghiệp.

II. Phương thức tuyển chọn: Xét tuyển

III. Số lượng cần tuyển

- 11 chỉ tiêu cán bộ công nghệ thông tin (Quản trị mạng; Máy chủ; Quản trị cơ sở dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Phần mềm, ứng dụng).

- 01 chỉ tiêu cán bộ kỹ thuật (điện, điều hòa chính xác, ắc quy, bể dầu và phòng cháy, chữa cháy hệ thống công nghệ thông tin). 

*Toàn văn Thông báo xem tại file đính kèm./.

08/12/2023

Ba cảnh báo phát đi chưa ráo mực, ngày 03/12/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thủ đoạn mới lừa đảo trực tuyến bằng việc "điều chỉnh dữ liệu quốc gia cấp 2", cụ thể:

Khoảng 10h00' sáng ngày 03/12/2023, một người dân (gốc Quảng Ngãi) hiện cư trú ở TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số 0395.719.46... thông báo "dữ liệu cấp 2" do phường cập nhật chuyển lên quận bị nghẽn, đề nghị lên quận điều chỉnh, hoặc sẽ có người hỗ trợ qua zalo.

Khoảng 30' sau, có 02 số máy 0866.656.46..., 0394.999.24... giới thiệu là "nhân viên hướng dẫn" ở quận hỗ trợ người dân tải App "dichvucong" bằng cách đăng nhập Google tải "dichvucong.lgov.net" (Hình 1) với điều kiện máy smatphone có hệ điều hành Android.

Hình 1

Do máy smatphone người dân này không trùng hệ điều hành, nên mượn tạm máy của người cha ruột (mới nghỉ hưu, từ Quảng Ngãi vào thăm con) thao tác. 

Khi tải được ứng dụng, "nhân viên hướng dẫn" yêu cầu đăng nhập kích hoạt ứng dụng bằng số điện thoại cá nhân và tự tạo một mật khẩu (Hình 2).

Hình 2

Khi ứng dụng dichvucong.lgov.net được kích hoạt, máy hiện tỷ lệ % kích hoạt (Hình 3).

Hình 3

Kích hoạt xong, không liên lạc được với "nhân viên hướng dẫn" để làm bước tiếp theo.

Người cha nghi ngờ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng VCB trên máy smatphone thì toàn bộ 83 triệu tiền lương tích cóp đã mất.

Kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng, thì thời điểm kích hoạt ứng dụng cũng là lúc hai lần tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng của kẻ gian.

Vụ việc đang được kiểm tra, xác minh.

KHUYẾN CÁO:

1. Lực lượng Công an hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID trực tiếp.

2. Mọi trường hợp khi kích hoạt thì không có lỗi, trừ trường hợp người dân cung cấp sai số điện thoại hoặc thay số điện thoại thì phải đăng ký lại trực tiếp tại Đội CSQLHC về TTXH Công an cấp huyện hoặc báo trực tiếp cho Công an cấp xã để cấp xã báo Công an cấp huyện điều chỉnh, hoàn toàn không hỗ trợ qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. 

3. Mọi trường hợp thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân cần liên hệ với công an cơ sở nơi cư trú để được hỗ trợ./.

 

04/12/2023

1. Phòng Cảnh sát giao thông: chuyển đến làm việc tại trụ sở số 200 Trường Chinh, phường Chánh Lộ, Tp. Quảng Ngãi​.

2. Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh và Phòng An ninh mạng: chuyển đến làm việc tại trụ sở số 403 Lê Lợi, phường Nghĩa Lộ, Tp. Quảng Ngãi.

Số điện thoại, fax và các thông tin liên quan khác của các đơn vị nêu trên vẫn không thay đổi.

Công an tỉnh thông báo để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân biết, liên hệ công tác./. 

27/11/2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1601

Tổng số lượt xem: 7909149