Truy cập nội dung luôn

CHƯƠNG II - PHẦN I: Tiếp tục củng cố tổ chức ... bảo vệ ANTT những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (01/1947-12/1949)

30/12/2009 12:00    2009

Lịch sử công an tỉnh Quảng Ngãi

CHƯƠNG II ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ LỰC LƯỢNG, ĐẤU TRANH TRẤN ÁP PHẢN CÁCH MẠNG VÀ CÁC LOẠI TỘI PHẠM, GIỮ GÌN AN NINH - TRẬT TỰ VÙNG TỰ DO, TÍCH CỰC GÓP PHẦN CÙNG CẢ TỈNH, CẢ NƯỚC KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP   (1947 - 1954)   Thực dân Pháp cố tình thực hiện các vụ khiêu khích ở Hải Phòng, Lạng Sơn và Nam Bộ, mở rộng chiến tranh ra khắp cả nước, hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa. Chúng vi phạm Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Sau nhiều lần nhân nhượng, hoà hoãn với thực dân Pháp nhằm cứu vãn hoà bình, tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, nhưng ta càng nhân nhượng thì giặc Pháp càng lấn tới, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là phải đứng lên cầm vũ khí chống giặc để bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Đúng 20 giờ, ngày 19/12/1946, mệnh lệnh chiến đấu của Thường vụ Trung ương Đảng được phát qua Đài tiếng nói Việt Nam. Cuộc kháng chiến toàn quốc chính thức bắt đầu. Đêm 19/12, tiếng súng tiến công quân xâm lược đồng loạt nổ ở khắp các thành phố, thị xã, nơi có quân Pháp chiếm giữ. Ngày 20/12/1946, Hồ Chủ tịch đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 22/12/1946, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” và đề ra đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta là: “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, Đảng bộ Quảng Ngãi đã phát động phong trào toàn dân tiến hành “du kích chiến tranh” nhằm giữ vững vùng tự do - hậu phương chiến lược, trực tiếp của cuộc kháng chiến ở miền Trung Trung Bộ.                                                     

 

I   TIẾP TỤC CỦNG CỐ TỔ CHỨC VÀ LỰC LƯỢNG, TÍCH CỰC ĐẤU TRANH BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ NHỮNG NĂM ĐẦU CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP   (01/1947-12/1949)   Được sự chỉ đạo của Công an Trung Bộ, của Tỉnh uỷ, Ty Công an Quảng Ngãi đã tiến hành mở hội nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ: - Nắm vững tình hình, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, đề ra chủ trương, đối sách kịp thời, chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra… - Kiên quyết trấn áp những phần tử có âm mưu và hành động phá hoại công cuộc kháng chiến. - Làm trong sạch địa bàn, chuẩn bị địa điểm cho lãnh đạo và các cơ quan, ban ngành của tỉnh chuyển đến khi cần thiết. - Bố trí lực lượng bảo vệ, phục vụ cùng các lực lượng vũ trang khác chiến đấu khi có địch. - Tổ chức vận động nhân dân thực hiện tốt việc tản cư và tiếp cư, đồng thời bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của đồng bào. Sau hội nghị, những nội dung công tác trên đã được tích cực triển khai thực hiện. Thông qua công tác phát động quần chúng, lực lượng Công an tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân tiến hành việc tản cư, tiếp cư, tiêu thổ kháng chiến, đồng thời đấu tranh với những phần tử xấu tung ra những luận điệu phản cách mạng. Ban chỉ đạo tản cư, tiếp cư các cấp được thành lập, chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng sơ tán những nơi dân cư đông đúc (thị xã, thị trấn), nơi gần các cầu lớn, nhà ga… Ban ngày không họp chợ, không đội nón trắng, không mặc quần áo trắng khi ra đường, tránh máy bay địch đánh phá. Các xưởng quân giới(1), xưởng in bạc tín phiếu được di dời lên vùng trung du, miền núi để tiếp tục sản xuất phục vụ chiến đấu. Lực lượng Công an đã phối hợp cùng lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ và nhân dân xây dựng phòng tuyến chiến đấu ở đèo Mỹ Trang, núi Dâu (Đức Phổ), Đám Toái (Bình Châu, Bình Sơn) và nhiều nơi khác trong tỉnh, đồng thời phát động phong trào xây dựng thôn, xã chiến đấu rộng khắp. Nhiều thôn, xã rào các đường chính vào làng, mở các ngõ mới, đào hầm hào giao thông, hầm bí mật, lập vọng gác, tổ chức hệ thống báo động dây chuyền… Nhiều loại vũ khí thô sơ, chất nổ được bố trí thành bẫy để đánh địch. Trên các bãi trống, gò đồi, những bãi cọc nhọn được cắm san sát chống địch nhảy dù. Chỉ riêng sân bay Quảng Ngãi đã có hàng vạn gốc tre già và cọc gỗ được cắm. Nhân dân miền Tây Quảng Ngãi còn bố phòng bằng nhiều vũ khí lợi hại như mang cung, bẫy đá, gài thò… Các tổ chức bạch đầu quân, mẹ chiến sĩ, cứu thương được thành lập và phát triển mạnh. Ty Công an Quảng Ngãi còn tổ chức cho lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ hoá trang làm chiến sỹ các lực lượng vũ trang di chuyển liên tục ban đêm, nghi binh để bọn gián điệp lầm tưởng, cung cấp tin sai sự thật làm cho quân Pháp hoang mang không dám tiến quân vào địa bàn tỉnh. Chủ trương vũ trang toàn dân được Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh phát động. Mỗi người dân là một người lính với khẩu hiệu “vũ khí bất ly thân”, khi đi ra đường hay đi sản xuất đều mang dao găm, mã tấu, đao kiếm,… sẵn sàng tham gia chiến đấu, vây bắt biệt kích. Công tác phòng gian, bảo mật, cảnh giác chống bọn gián điệp xâm nhập vùng tự do, thực hiện khẩu hiệu “ba không” (không nghe, không biết, không thấy) được công an phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều “trạm canh gác bí mật” của công an, trật tự xã và của dân quân tự vệ được thiết lập ở những nơi hiểm yếu. Những người lạ mặt đều bị quần chúng theo dõi, giám sát chặt chẽ. Nhiều cụ già, em nhỏ, phụ nữ đã phát hiện cho lực lượng công an bắt giữ nhiều tên gián điệp, biệt kích. Mạng lưới thông tin nhân dân và hệ thống báo động liên hoàn được xây dựng và củng cố từng bước. Suốt dọc tuyến bờ biển của tỉnh từ Bình Sơn đến Đức Phổ, lực lượng dân quân đều tổ chức treo “bồ tín hiệu” để thông báo tình hình tàu thuyền địch hoạt động ngoài biển[2). Ban đêm, công an, du kích cùng với nhân dân ở các vùng ven biển thay phiên nhau tuần tra, canh gác, lập nên một phòng tuyến an ninh tin cậy suốt chiều dài bờ biển tỉnh nhà.  Ty Công an đã tiến hành lên danh sách, phân loại số đối tượng có biểu hiện phản động hiện hành trong bọn Quốc dân đảng, bọn lợi dụng tôn giáo, bọn mật thám công chức cũ của Pháp và bọn địa chủ ngoan cố, chưa chịu cải tạo, còn tư tưởng mong chờ thực dân Pháp quay trở lại, có những hành động chống lại cuộc kháng chiến. Đặc biệt là việc đối phó với bọn phản động trong số người Hoa. Được sự chỉ đạo của bọn đặc vụ Tưởng trong “Hội Hoa liên” ở Đà Nẵng, những người này không chấp hành tiêu thổ kháng chiến, treo cờ Quốc dân đảng Trung Hoa Dân quốc trước nhà, vận động, lôi kéo người Hoa không đi sơ tán, không tham gia đào hầm hào tác chiến. Mỗi khi có tàu chiến Pháp ngoài biển lăm le đổ bộ vào đất liền, chúng lại kích động đồng bào người Hoa hạ ảnh Hồ Chí Minh xuống, treo ảnh Tưởng Giới Thạch lên… Lực lượng Công an Quảng Ngãi vừa tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục những người bị bọn xấu xúi giục, vừa áp dụng các biện pháp kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu của bọn phản động này. Bên cạnh việc tiếp tục đưa đi cải tạo những tên nguy hiểm, Công an Quảng Ngãi đã đưa ra nhân dân kiểm điểm, giáo dục những đối tượng còn lại, đồng thời chú ý xây dựng nhiều cơ sở, tai mắt quần chúng tiếp cận giám sát các đối tượng nguy hiểm nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những cá nhân, tổ chức phản động mới. Do tư tưởng công thần, địa vị, tự phụ cá nhân, từ một chiến sĩ tham gia cách mạng rất sớm, Trần Cừ(3) trở thành một trong những kẻ cầm đầu chống đối lại chính quyền cách mạng. Từ giữa năm 1946, Trần Cừ đã tích cực liên kết, lôi kéo, tập hợp số đối tượng bất mãn, số địa chủ, một số phần tử trí thức quan lại cũ, bọn phản động đội lốt tôn giáo nhen nhóm tổ chức âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng lấy danh xưng là “Liên Hiệp đoàn” gồm 62 đối tượng. Ngoài Trần Cừ, những tên cầm đầu, cốt cán của tổ chức này còn có Trịnh Hoài Ân (linh mục chánh xứ địa sở Bàu Gốc, xã Đức Chánh), Vũ Đình Yên (ở xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành - đội viên khố đỏ cũ) và một số tay chân quan trọng như: Trần Hào (viên chức ngân hàng Mộ Đức), Nguyễn Đức Vạn (Bát Gấm), Phan Thọ (ở xã Đức Thạnh), Nguyễn Tấn Lữ (ở Đức Tân), Trịnh Kinh (ở Đức Phong)... Tổ chức này phát triển mở rộng chủ yếu nhằm vào số tín đồ Thiên Chúa giáo, địa chủ, cường hào, quan lại của chế độ cũ và một số cán bộ bất mãn… Chúng chọn lựa nhân sự trong số giáo dân, bí mật lập ra các đội tự vệ để làm nội ứng khi quân Pháp đổ bộ vào Quảng Ngãi, tổ chức đưa người trốn ra vùng tạm bị địch chiếm Quảng Nam để câu móc, bàn tính kế hoạch làm tay sai cho Pháp. Chúng cũng đặt ra các tiểu ban ám sát cán bộ, chiến sỹ, đốt phá kho tàng…, tuyên truyền lung lạc ý chí cách mạng của nhân dân. Hoạt động của tổ chức này ngày càng táo bạo, nguy hiểm.   Lực lượng Công an Quảng Ngãi bố trí đến 3 cơ sở nội tuyến đi sâu tìm hiểu về âm mưu, hoạt động của tổ chức này(4). Cụ Nguyễn Công Phương, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Hành chính tỉnh lúc bấy giờ đặc biệt quan tâm đến vụ án. Sau thời gian theo dõi, điều tra, Công an Quảng Ngãi thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ phạm tội của bọn chúng. Phương châm chỉ đạo của cấp trên là khẩn trương phá án, không cho gây bạo loạn, không cho những tên cầm đầu trốn thoát. Được sự chỉ đaọ của Thường vụ Tỉnh uỷ và Sở Công an Trung Bộ, đầu năm 1947, Ty Công an Quảng Ngãi, do đồng chí Nguyễn Bân - Trưởng Ty(5), trực tiếp chỉ đạo đã chủ động phá án, bắt toàn bộ bọn cầm đầu tổ chức và lập hồ sơ truy tố. Phiên toà xét xử bọn chúng được mở tại sân vận động Diên Hồng trong hai đêm, do ông Phạm Phú Tiết chủ toạ, đồng chí Chu Đình Xương giữ quyền công tố và linh mục Nguyễn Bá Ngoan (chánh xứ nhà thờ thị xã Quảng Ngãi) - Tuyên uý “Thanh niên Công giáo” ngồi ghế bào chữa. Trần Cừ và Vũ Đình Yên bị tuyên án tử hình. Trịnh Hoài Ân, thầy Mười (tu sĩ xuất ở Bầu Gốc) mỗi tên lãnh án phạt mười năm tù giam; Nguyễn Tấn Lữ, Trịnh Kinh, Lê Hoàng và một số tên khác từ 01 đến 05 năm tù.(6). Vụ án được khám phá và đưa ra xét xử công khai kịp thời là đòn giáng mạnh vào ý chí làm tay sai cho thực dân Pháp nhằm phục hồi chế độ cũ của những phần tử có tư tưởng bất mãn, chống đối chính quyền dân chủ nhân dân lúc bấy giờ. Việc khám phá vụ án phản động “Liên Hiệp đoàn” ở Mộ Đức thể hiện bước trưởng thành về trình độ nghiệp vụ của Công an Quảng Ngãi trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự vùng tự do. Từ đầu năm 1947 về sau, nhiều cơ quan lãnh đạo, các ban ngành của Liên khu V, Ban đại diện Chính phủ, cơ quan đại diện Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Trung Bộ tại Nam Trung Bộ, Bộ Tư lệnh Liên khu V và nhiều xưởng quân giới, quân nhu, xưởng in bạc tín phiếu, trại giam tù binh Pháp, Đài Tiếng nói Nam Bộ đóng ở các huyện trong tỉnh. Do đó, bọn do thám, gián điệp, tình báo quân sự của địch, cũng từ nhiều hướng, đặc biệt từ Đà Nẵng tìm đủ mọi cách xâm nhập vào Quảng Ngãi hoạt động thu thập tin tức để đánh phá. Vì vậy, cuộc đọ sức trên mặt trận chống do thám, gián điệp để bảo vệ vùng tự do, căn cứ kháng chiến diễn ra hết sức quyết liệt. Ty Công an Quảng Ngãi dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Công an Trung Bộ đã lập nhiều kế hoạch nhằm tăng cường công tác bảo vệ vùng tự do căn cứ. Tiểu ban bảo vệ cơ quan, căn cứ của Ty Công an Quảng Ngãi đã được thành lập để đáp ứng nhiệm vụ này và được trên đánh giá cao. Bằng mọi biện pháp phòng chống, ta đã chủ động hạn chế được những thiệt hại về người và tài sản do kẻ địch gây ra.  Qua nhiều đợt ta truy quét, xử lý trong năm 1946 bọn lưu manh chuyên nghiệp và gái mại dâm còn sót lại không nhiều. Tuy nhiên, bước qua năm 1947, lợi dụng lúc Đảng, chính quyền tập trung thực hiện việc tản cư, tiếp cư, tiêu thổ kháng chiến,… những đối tượng này lại từ các vùng nông thôn trở về thị xã, thị trấn tiếp tục hoạt động cướp giật, trộm cắp,… gây nên tình trạng phức tạp về trị an xã hội. Lực lượng Công an đã tiến hành công tác nắm tình hình, lên danh sách, phân loại số đối tượng đã có tiền án, tiền sự, số nguy hiểm để bắt đưa ra truy tố hoặc lập hồ sơ đưa đi cải tạo, bắt buộc cư trú ở một số nơi nhất định, chuyển đến các trại sản xuất ở An Ba (Nghĩa Hành) để cải tạo bằng lao động hoặc phối hợp với chính quyền địa phương quản lý, giáo dục. Công tác tuần tra kiểm soát được tăng cường. Các biện pháp nghiệp vụ được áp dụng kết hợp với việc sử dụng lực lượng trật tự xã tiến hành phục kích bắt quả tang nhiều vụ, nhiều tên. Nổi bật là vụ phát hiện bắt giữ và kết án tử hình các tên Kiều Tấn Dụ, Trần Đức Đệ ở Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) can tội làm bạc giả và một số tên chỉ điểm khác. Ở một số nơi, trật tự xã còn tổ chức các buổi họp để nhân dân tham gia phát hiện, “bình nghị”(7) số lưu manh, đồng thời có biện pháp giám sát chặt chẽ bọn chúng. Nhờ vậy, đã làm giảm đáng kể tình hình hoạt động của bọn tội phạm hình sự và các tệ nạn xã hội. An ninh, trật tự ở Quảng Ngãi ổn định. Để chủ động về tài chính trong điều kiện bị thực dân Pháp bao vây kinh tế, ngày 12/6/1947, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại miền Nam Trung Bộ ra Nghị định số 01/CP-NĐ, cho phép phát hành tín phiếu ở Liên khu V. Đồng tín phiếu được lưu hành trong toàn Liên khu V dựa trên cơ sở tín nhiệm của nhân dân đối với Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng tín phiếu được lưu hành thay cho đồng bạc Việt Nam do Bộ Tài chính phát hành, có tác dụng đảm bảo nhu cầu về tài chính phục vụ kháng chiến, tạo điều kiện phát triển sản xuất, xây dựng một nền kinh tế tự túc tự cấp ở Liên khu V, tạo thuận lợi đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Cũng từ đây, lực lượng Công an Quảng Ngãi có thêm nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm kinh tế nhằm bảo vệ đồng tín phiếu. Đồng tín phiếu được bảo vệ, tạo được uy tín trên thị trường, an ninh, trật tự ổn định góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân. Cán bộ và nhân dân càng tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng, của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính, hăng hái tham gia phục vụ công cuộc kháng chiến. Để phục vụ kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, việc chấn chỉnh đội ngũ, sắp xếp lại tổ chức, biên chế, nhằm nâng cao sức chiến đấu của toàn lực lượng được Công an Quảng Ngãi bắt đầu được chú trọng. Từ tháng 01/1947, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc bấy giờ là đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại miền Nam, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ đã quyết định thành lập Sở Công an miền Nam Trung Bộ. Đồng chí Chu Đình Xương, Phó Giám đốc Công an Trung Bộ được Nha Công an Trung ương cử làm Giám đốc. Chức năng chủ yếu của Sở Công an Nam Trung Bộ là chỉ đạo Công an các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ tiến hành cuộc đấu tranh trấn áp phản cách mạng và các loại tội phạm khác, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức huấn luyện ngắn ngày về công tác tàng thư, công tác điều tra, chấp pháp. Cũng trong năm này, theo hướng dẫn của Sở, Ty Công an Quảng Ngãi đã thành lập bộ phận theo dõi trại giam trực thuộc Ban Chấp pháp của Ty, thành lập thêm Trại cải tạo Phú Châu, mở rộng Trại giam An Ba (xã Hành Thịnh, Nghĩa hành), phát triển các ngành nghề thủ công trong trại như: may mặc, rèn, mộc và chăn nuôi trâu bò… nhằm thông qua đó mà cải tạo phạm nhân, đồng thời góp phần trang trải kinh phí cho các hoạt động của Ty. Công tác phát triển Đảng trong lực lượng được đẩy mạnh. Việc đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng giáo dục đảng viên được coi trọng. Nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt đã được cử đi học ở các trường văn hoá, bồi dưỡng chính trị của Liên khu, tỉnh, huyện… Nhiều cán bộ, chiến sĩ ưu tú được kết nạp vào Đảng và nhanh chóng trở thành hạt nhân lãnh đạo ở các đơn vị. Ngày 23/01/1948, đồng chí Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 11- CP/NĐ, về việc thành lập Ban Công an lưu động đặt tại Sở Công an miền Nam Trung Bộ (thay cho phòng Chính trị và Tư pháp của Sở)(8). Cũng theo Nghị định này, ở mỗi phủ, huyện trong các tỉnh miền Nam Trung Bộ thành lập một Ban Công an dưới quyền điều khiển trực tiếp của Ty Công an tỉnh. Ty Công an đã tích cực phối hợp với Huyện uỷ, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính các huyện tiến hành củng cố tổ chức lực lượng Công an huyện theo mô hình này. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II (từ ngày 25 đến ngày 29/01/1948), tổ chức Ty Công an Quảng Ngãi được cải tổ một bước. Trưởng ty kiêm Trưởng ban Chính trị, chức Bí thư được thay bằng Trưởng Văn phòng kiêm Phó trưởng Ban Chính trị, Trưởng Ban Trật tự kiêm Tư pháp. Bộ phận Văn phòng đã có sự phân công hợp lý hơn và các phần hành đều có chuyên trách. Từ tháng 01 đến tháng 9 trở về đầu năm 1948, hoạt động điều tra và di động được chia theo hai ngành: Chính trị và Tư pháp và từ tháng 10 năm 1948, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an Miền Nam Trung Bộ, được cải tổ và chia thành 3 bộ phận (Bộ phận giải quyết công việc hằng ngày; bộ phận nghiên cứu; bộ phận di động). Bộ máy chỉ huy của Ban Trật tự có một trưởng ban, một phó ban và một thư ký. Từ tháng 10/1948, Ban Trật tự không có văn phòng riêng mà tập trung về Văn phòng Ty. Khác hơn năm 1947, năm 1948, lực lượng công an trật tự được tổ chức thành hai bộ phận: một bộ phận đóng đồn cố định ở những nơi đông dân cư, thị trấn, đầu mối giao thông; một bộ phận lưu động, gọi là trật tự lưu động làm nhiệm vụ tuần tra, tổ chức các trạm kiểm soát không cố định ở những địa bàn xét cần thiết để kiểm soát giấy tờ người đi lại. Bộ phận này chia làm nhiều tổ, mỗi tổ có từ 3-5 cán bộ, chiến sĩ(9). Tuy nhiên, một số công an trật tự chưa được đào tạo kịp nên chuyên môn và thái độ ứng xử với nhân dân còn yếu. Cấp huyện được bổ sung một số công an viên trật tự và một hoặc hai thư ký, đổi tên gọi Trưởng Ban Công an huyện thành Trưởng Quận Công an huyện. Riêng các huyện miền núi chưa đặt Quận Công an riêng mà giao các quận đồng bằng tiếp giáp phụ trách. Đội Cảm tử được thành lập gồm 13 người, tuyển trong lực lượng Công an (7 người) và lực lượng dân quân bổ sung (6 người). Sau khi thành lập, Đội được Ty Công an tổ chức huấn luyện một lớp sơ cấp về lý thuyết và võ thuật rồi đưa ra mặt trận Quảng Nam thực tập. Vượt qua muôn vàn khó khăn, các đồng chí trong Đội Cảm tử đã lập nhiều thành tích: Tại trận Châu Phong (Điện Bàn), các đồng chí đã tham gia diệt được 8 ác ôn và làm bị thương một tên khác; giết tên Việt gian Đỗ Thương ở xã Cộng Hoà (Điện Bàn) và bắt sống một tên Việt gian ở Bình Long (Thăng Bình)… Tham gia tập kích nhà tên tỉnh trưởng và cơ quan cảnh sát nguỵ ở Hội An… Từ trung tuần tháng 8 đến cuối năm 1948, Trật tự xã bắt đầu được kiện toàn tổ chức và phát triển mạnh mẽ về số lượng. Mỗi xã là một đơn vị, có một uỷ viên và một thư ký chịu trách nhiệm điều hành. Mỗi thôn có một tổ trưởng. Toàn tỉnh có 3.230 trật tự viên(10), đa phần xuất thân từ bần nông và một ít thân hào. Sau khi kiện toàn mô hình tổ chức của lực lượng này, mỗi Quận Công an huyện đều mở một lớp huấn luyện sơ cấp cho toàn thể tổ trưởng, uỷ viên, thư ký và một số trật tự viên thời gian từ 5 đến 7 ngày. Đặc biệt, huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa còn mở thêm một lớp căn cước cho tổ trưởng, uỷ viên và thư ký trật tự xã. Từ thời gian này, công tác trị an ở hương thôn có chuyên trách hẳn hoi. Việc bài trừ trộm cắp, cờ bạc, rượu lậu… đạt kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào thành tích thi đua ái quốc của lực lượng Công an tỉnh nhà. Đi đôi với việc cải tổ bộ máy, cơ cấu lại tổ chức, công tác đào tạo, huấn luyện cho toàn lực lượng, nhất là đội ngũ cốt cán và những bộ phận nghiệp vụ then chốt được quan tâm đúng mức. Một số đồng chí được cử đi dự các lớp đào tạo (huấn luyện bổ túc) quận trưởng, tổ trưởng điều tra, cảnh giới, hành động,… Mặc dù điều kiện vật chất và phương tiện công tác vô cùng thiếu thốn, sức khoẻ cán bộ và nhân viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng (có thời điểm có tới 1/3 quân số ốm đau), nhưng phong trào thi đua “rèn cán bộ, lập chiến công” do Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II phát động được cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Ngãi hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều đồng chí lập công xuất sắc. Tình hình chung tại tỉnh Quảng Ngãi trong năm 1948 diễn biến có nhiều thuận lợi hơn so với năm 1947. Thanh niên nam nữ đã được xoá nạn mù chữ. Chính quyền cùng các đoàn thể đã rất nỗ lực trong việc thanh toán nạn mù chữ trong nhân dân. Lực lượng Công an là một trong những thành viên tích cực thực hiện cuộc vận động này. Bốn huyện đồng bằng đã có trường trung học; hầu hết các xã có trường tiểu học. Sản xuất phát triển, đời sống của người nông dân được cải thiện. Bên cạnh việc bỏ mía để dành đất trồng cấy lúa và các loại ngũ cốc, bông vải, chăn nuôi và các nghề thủ công, mỹ nghệ như dệt vải, làm giấy… cũng rất phát triển. Các cấp Uỷ ban Kháng chiến Hành chính được mở rộng, tập hợp đoàn kết đông đảo các thân sĩ. Nhân viên các cơ quan chuyên môn phần nhiều được huấn luyện, tác phong công chức được cải tiến, công tác tiến triển. Hoạt động phục vụ chuẩn bị kháng chiến cũng được đẩy mạnh thành phong trào toàn dân. Dân quân được tổ chức, củng cố và huấn luyện. Thực hiện thi đua luyện quân lập công, dân quân đã có tiến bộ về mặt kỹ thuật. Vũ khí chủ yếu là lựu đạn, gươm, giáo mác,… Công tác tản cư, tiếp cư tiếp tục được tiến hành. Các đoàn tản cư, tiếp cư, các trạm cháo, các trại dời súc vật đã đi vào hoạt động, tuy còn rời rạc. Lực lượng Công an đã tích cực tham gia vận động nhân dân nhường cơm sẻ áo giúp đỡ đồng bào, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, nhất là các khu vực có nhiều đồng bào đến sinh sống như: Châu Ổ (Bình Sơn), Chợ Chùa (Nghĩa Hành), Sông Vệ (Tư Nghĩa), Sa Huỳnh (Đức Phổ), Trà Bồng. Hầu hết các thôn, xã đều có hầm liên lạc và được sửa chữa thường xuyên, có nơi đã có hầm bí mật. Nhà nhà đều có hầm trú ẩn, tuy còn sơ sài. Sau thắng lợi Việt Bắc - Thu Đông 1947 của ta và trước sự bất lực của các tổ chức bù nhìn do giặc Pháp cố tạo ra, phần đông thân hào, nhân sĩ, trí thức, công chức tin tưởng hơn vào kháng chiến. Tuy nhiên, việc tham gia công tác kháng chiến chỉ có tính chiếu lệ, thiếu tích cực. Từ nửa cuối năm 1948, nhận thấy tinh thần dân chủ được mở rộng trong các cơ quan chính quyền, đoàn thể cùng với phong trào thi đua ái quốc được phát động, phần lớn những người thuộc tầng lớp này đã tham gia công tác kháng chiến tích cực hơn. Tuyệt đại bộ phận công nhân và nông dân từng bước được hưởng những thành quả của cách mạng, đời sống được cải thiện nên phấn khởi, tin tưởng Chính phủ và sự thắng lợi của công cuộc kháng chiến trường kỳ, hăng hái tham gia các hoạt động do chính quyền và đoàn thể tổ chức, phát động. Tầng lớp thương gia, phú nông và ngoại kiều (chủ yếu là người Hoa) tuy tin tưởng và ủng hộ kháng chiến, ủng hộ nền dân chủ mới, nhưng cầu an, thiếu tích cực. Trong công tác chống địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng, lực lượng Công an Quảng Ngãi đặc biệt chú ý đến hoạt động của một số tên phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa và đạo Cao Đài hoạt động chống phá cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám, trong vài năm đầu, số đầu sỏ phản động trong Thiên Chúa giáo chưa rõ thực chất cuộc cách mạng như thế nào nên chưa có chủ trương gì để phá hoại, để mặc cho giáo dân tham gia xây dựng chính quyền, tham gia kháng chiến. Dần dần, chúng nhận ra bản chất cuộc cách mạng, bắt đầu chủ trương chống lại. Chúng lập ra cái gọi là “Liên đoàn Công giáo tiến hành”, tách rời khỏi Mặt trận Liên Việt, ra sức đầu độc giáo dân, tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu cách mạng, chống kháng chiến, chống Việt Minh Cộng sản, làm cho giáo dân sợ cách mạng, sợ Cộng sản mà phải sống chết “bảo vệ Chúa”, rèn luyện tinh thần “tử vì đạo”. Một mặt, chúng câu kết với bọn Trần Cừ, âm mưu bắt tay với Pháp lật đổ chính quyền cách mạng. Ở Bầu Gốc, những phần tử phản động đầu sỏ chủ trương cho giáo dân rèn vũ khí, lập đội tự vệ để “bảo vệ” nhà thờ, lập Ban ám sát, sắp đặt người làm tỉnh trưởng, huyện trưởng, bang tá,… Ở Cù Và (xã Tịnh Giang, Sơn Tịnh), chúng lập dân quân du kích, đưa người vào trong Ban Chỉ huy dân quân, âm mưu nắm quân sự làm nội ứng cho Pháp, lập đoàn thể thanh niên Công giáo, lấy tên “Thanh niên đồng phục”. Linh mục Tô Đình Sơn ở địa sở Trung Tín (xã Bình Trị, Bình Sơn), câu kết với số đối tượng tham gia trong án nhà thờ Kim Chua (thường gọi là vụ gián điệp Bình Định), nhận nhiệm vụ gây cơ sở gián điệp tại đây. Những phần tử đầu sỏ ở địa sở Châu Me (xã Hành Đức, Nghĩa Hành) lập ra “Đoàn thanh niên tiền phong bảo vệ Chúa” và tuyên truyền trong giáo dân rằng “quân đội Pháp là quân đội của Toà thánh, Giáo hoàng La-Mã phái qua cứu Chúa, cứu con chiên thoát khỏi vòng áp bức của Cộng sản”… Mặc khác, bọn đầu sỏ phản động còn cho người gia nhập Quốc dân đảng, cho người ra vùng Pháp tạm chiếm để liên lạc với Pháp, định ngày đổ bộ và chúng sẽ làm nội ứng lật đổ chính quyền ta. Câu kết với phản động bên trong và đế quốc bên ngoài âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, giết cán bộ để “tiêu diệt Cộng sản” là hoạt động nổi bật nhất của bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo thời kỳ này. Sau khi ta truy tố linh mục Trịnh Hoài Ân trong vụ án “Liên hiệp đoàn”, các linh mục khác trong tỉnh rất dè dặt. Bề ngoài họ tỏ ra tuân phục chính quyền, song, bên trong vẫn ngấm ngầm chống lại. Nổi bật nhất là linh mục Tô Đình Sơn ở nhà thờ Trung Tín. Bên ngoài, ông ta thúc đẩy giáo dân tham gia công tác kháng chiến, bên trong ngấm ngầm tuyên truyền cho con chiên ý thức bài Cộng, thân Mỹ, củng cố, huấn luyện lực lượng vũ trang của nhà thờ, liên lạc câu kết với bọn Trần Hoàng, Phạm Đình Nghị, Huỳnh Tấn Đối, Nguyễn Biên để nhận định tình hình và đưa người ra vùng địch tạm chiếm. Tuy nhiên, thực tế hồi sinh của dân tộc và nền dân chủ mới đã thức tỉnh những người dân nghèo nói chung và các tín đồ Thiên Chúa nói riêng, làm cho đa số giáo dân hoài nghi bọn cầm đầu. Phần lớn trong số họ đã đứng ra đấu tranh đòi giáo hội giao ruộng của nhà Thánh cho giáo dân nghèo cày (Nghĩa Hành, Mộ Đức). Lợi dụng việc Chính phủ ta công nhận Cao Đài là một tôn giáo hợp pháp, bọn cầm đầu phản động bắt đầu hoạt động. Nguy hiểm nhất lúc bấy giờ là các tên: Nguyễn Chơn Long (quê Quảng Nam), Lê Minh Châu, Trần Thị Triêm (trong Hội truyền giáo Cao Đài Miền Nam), Trần Lạt (ở Mộ Đức), Huỳnh Thảo, Trần Đình Yên (ở Nghĩa Hành)… Số này lo nắm lại các tín đồ cũ, mở nhiều lớp học để tuyên truyền giáo lý, tiến tới khiêu gợi hận thù ngày khởi nghĩa, nói xấu Chính phủ… Hoạt động của chúng mạnh nhất ở các huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức. Cơ quan truyền giáo Cao Đài Trung Bộ cũng có những hoạt động nhằm phục hồi tổ chức đạo Cao Đài tại Quảng Ngãi. Từ tháng 6/1948, cơ quan này phái người vào truyền đạo, mở các lớp huấn luyện, tổ chức ra cái gọi là “Tân thanh đoàn”, kết nạp tín đồ các chi phái, gây cho tín đồ ý thức bất hợp tác với chính quyền, không tham gia công cuộc kháng chiến bằng sự nguỵ biện: “Cao Đài chỉ tu hành, chống chiến tranh”. Tại những buổi lễ cầu siêu, chúng nhắc lại những tín đồ đã chết trong khởi nghĩa Tháng Tám (1945) nhằm khơi dậy lòng uất hận, bất mãn của giáo dân đối với cách mạng. Tên Nguyễn Quang Chấn, Giám đạo Thánh thất An Tráng (huyện Thăng Bình), đã liên lạc cấu kết với quân Pháp ở Đà Nẵng đã bí mật triệu tập hội nghị Cao Đài miền Trung tại Châu Ổ (Bình Sơn) để chống lại cách mạng, đề cao thanh thế của lực lượng Cao Đài ở Trung Trung Bộ. Qua công tác điệp báo, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng đã phát hiện được âm mưu và hành động của Nguyễn Quang Chấn và đồng bọn. Công an hai tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã kịp thời phá án, bắt toàn bộ tổ chức phản động này khi chúng chưa kịp gây tác hại cho cách mạng. Vào khoảng cuối 1948 đầu 1949, tại đảo Lý Sơn (bấy giờ thuộc quận Công an Bình Sơn) hình thành một tổ chức Quốc dân đảng danh xưng “Bảo Tín”, do Huỳnh Bút cầm đầu. Thành phần Bảo Tín gồm những phần tử địa chủ, Cao Đài, hương lý cũ, cán bộ bất mãn. Chúng tập hợp được khoảng vài chục người và có liên hệ với Quốc dân đảng Quảng Nam, âm mưu cướp chính quyền đảo Lý Sơn và liên lạc làm tay sai cho Pháp. Hoạt động của Bảo Tín được Công an xã Lý Sơn nhanh chóng phát hiện và báo cáo kịp thời cho lãnh đạo Quận Công an Bình Sơn. Đồng chí Nguyễn Chơn, Trưởng Công an xã được giao nhiệm vụ bí mật tiếp xúc và đưa thư khuyến dụ của đồng chí Tạ Văn Minh, Trưởng quận Công an cho Nguyễn Đình Long, một thành viên của tổ chức này. Kết quả: ta đã nắm đầy đủ chứng cứ về âm mưu, hoạt động của tổ chức Quốc dân đảng Bảo Tín ở Lý Sơn và vai trò từng tên trong bọn chúng. Ta đã tiến hành bắt Huỳnh Bút(11) và một số tên cốt cán. Số còn lại ta cho khai báo, giáo dục cảm hoá cho về, lấy khoan hồng làm chính. Từ đó, tình hình Lý Sơn tạm yên. Ảnh hưởng tích cực từ những thắng lợi thu được của công cuộc kháng chiến và phong trào đoàn kết rộng rãi trong Mặt trận Liên Việt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, thanh thế của thực dân Pháp và bù nhìn tay sai sụt giảm, đặc biệt từ sau khi ta truy tố tổ chức phản động Liên hiệp đoàn đã làm cho tình hình hoạt động của những đối tượng có tư tưởng bất mãn, phản cách mạng… lo sợ, thủ thế. Vì vậy, công tác công an năm 1948 chỉ tập trung hai nội dung chính là: - Giáo dục, giác ngộ và đưa những đối tượng này vào công tác trong các đoàn thể để họ có điều kiện được giáo dục thêm về chủ trương của Chính phủ ta. - Dùng trật tự xã, cộng tác viên bí mật giám sát chặt chẽ hoạt động hằng ngày của những đối tượng này. Từ tháng 5 đến tháng 7/1948, ảnh hưởng bởi mất mùa, giá sinh hoạt lên cao, đồng bạc mất giá, trong bối cảnh kháng chiến thiếu công ăn việc làm, tình trạng tập trung những người buôn bán ở các thị trấn, bến tàu, nhà ga… đã nảy sinh thêm nhiều đối tượng trộm cắp mới gia nhập vào hàng ngũ của bọn lưu manh, du thủ du thực. Giải quyết tình hình này, Ty Công an Quảng Ngãi vừa tích cực vận động thực hiện các kế hoạch của Chính phủ như tìm việc làm cho đồng bào thất nghiệp và tản cư, phát triển cứu tế xã hội, nâng cao đời sống bằng cách tăng gia sản xuất, vừa tiến hành phân loại bọn trộm cắp, lưu manh (thành hai hạng: chuyên nghiệp và mới nảy nở) và xử lý từng loại một cách thích hợp. Đó là: - Tập trung hoặc củng cố hồ sơ truy tố bọn trộm cắp chuyên nghiệp nguy hiểm; - Kiềm chế và giám sát mọi hành vi của những phần tử mới nảy nở; - Tăng cường công tác bài trừ tại các đô thị, khu tập trung đầu mối giao thông, buôn bán; - Tăng cường lực lượng Trật tự xã, tạo thành màng lưới rộng khắp tại các thôn, xã… Với những giải pháp tương đối đồng bộ được vận dụng, tình hình trật tự xã hội nói chung, tình trạng trộm cắp nói riêng mới chớm phát triển đã được ngăn chặn, đẩy lùi. Thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch nước về việc nghiêm khắc bài trừ nạn cờ bạc, nhiều vụ cờ bạc được phát hiện, truy tố và phạt nặng đã có tác dụng răn đe đáng kể. Hầu hết các con bạc đã giải nghệ. Nạn rượu lậu sau thời gian lắng dịu, bắt đầu phát triển trở lại từ tháng 5, đòi hỏi ta phải có biện pháp đối phó kiên quyết và hữu hiệu. Ty Công an Quảng Ngãi đã tăng cường hoạt động của các đội Công an trật tự lưu động trong các ngõ hẻm thôn quê, huy động trật tự xã và quần chúng nhân dân vào việc phát hiện, đấu tranh; tập trung đánh mạnh vào những nơi sản xuất, truy tố trước toà những đối tượng sản xuất và buôn bán rượu lậu có qui mô, số lượng lớn… Nhờ vậy, từ tháng 10/1948 trở đi, tình trạng rượu lậu đã giảm hẳn. Hoạt động mại dâm vẫn còn một số nhỏ hoạt động lén lút trên các chuyến tàu, trong các phòng ngủ… bị lực lượng Công an lần lượt bắt tập trung vào các Trại Cứu tế hoặc giao cho nhân dân địa phương bảo lãnh. Đến cuối năm 1948, hoạt động mại dâm tại Quảng Ngãi hầu như không còn. Công tác đấu tranh chống tham nhũng, hối lộ cũng được Ty Công an Quảng Ngãi đưa vào trọng tâm hoạt động của mình. Tuy nhiên, việc truy tố các đối tượng phạm tội này là thực sự khó khăn. Lực lượng Công an chủ yếu làm công tác phòng ngừa. Sau khi ta truy tố vụ Đoàn Nhất Tinh, chủ sự Thuế quan Sơn Trà(12) can tội nhận hối lộ, tình trạng tham nhũng, hối lộ đã được đẩy lùi một bước. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, trong năm 1948, lực lượng Công an Quảng Ngãi đã đấu tranh, khám phá hàng chục vụ án chính trị, hình sự lớn(13); bắt, xử lý 89 đối tượng chính trị(14), 648 đối tượng vi phạm hình sự, kinh tế, truy tầm, truy nã được 17 can cứu, phạm nhân trốn trại; lập hồ sơ căn cước cho hơn 80 nhân viên và 396 phạm nhân; phát được 16.600 giấy thông hành, 23 giấy phép dùng súng; phát hiện và tịch thu hơn 100 tờ tín phiếu giả; tập trung hơn 20 gái mại dâm và 80 đối tượng đi ăn xin, thất nghiệp vào Trại Cứu tế xã hội. Tháng 02/1949, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ II được tổ chức đề ra nhiệm vụ: tiếp tục đẩy mạnh mọi hoạt động với khả năng tự có để xây dựng lực lượng quân sự, chính trị ngày càng mạnh mẽ. Khẩn trương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ngày càng lên cao, xây dựng Quảng Ngãi thành hậu phương vững chắc của chiến trường miền Nam Trung Bộ, đóng góp sức người sức của nhiều nhất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; chấn chỉnh, củng cố và xây dựng Đảng bộ địa phương đủ sức lãnh đạo và chỉ đạo mọi mặt hoạt động trong tình hình mới. Bám sát tình hình và nhiệm vụ chung, quán triệt tinh thần nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II, Ty Công an Quảng Ngãi đã vạch ra chương trình công tác 6 tháng đầu năm là: Bổ sung nhân viên; đào tạo, huấn luyện; nâng cao sinh hoạt tinh thần, vật chất; chỉnh đốn và củng cố các ban, quận; tổ chức Đội Công an xung phong; củng cố Trật tự xã; tổ chức và phát triển Ban Phòng điệp; bao vây kinh tế địch; đề phòng và đối phó với các hành động phá hoại của bọn phản động trong các tôn giáo, ngoại kiều, bất mãn... thanh toán trộm cắp, lưu manh, cờ bạc, rượu lậu, mại dâm và hối lộ. Cuối năm 1948, các Đội Trật tự xã đã được thành lập như là một tổ chức cơ sở của Công an cấp xã nhưng chưa có qui củ và đa số trật tự viên chưa được huấn luyện về chuyên môn. Thực hiện chương trình công tác 6 tháng đầu năm, đến cuối tháng 6/1949, các Đội Trật tự xã đều đã hình thành, có tính chất bán quân sự, có quĩ tự túc để phục vụ công tác. Các Đội Trật tự xã đã đóng vai trò rất tích cực trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở hương thôn. Tháng 3/1949, Đội cảm tử được đổi tên thành Đội Công an xung phong, bổ sung thêm quân số được tuyển lựa trong số Trật tự viên từ các xã giới thiệu lên. Năm 1949, tình hình Quảng Ngãi tếp tục ổn định. Niềm tin của cán bộ, nhân dân được củng cố bởi những thành quả kinh tế, xã hội cùng những thắng lợi trên chiến trường. Đường lối chiến tranh nhân dân đã được thực hiện thành nề nếp(15). Phong trào luyện quân lập công của dân quân tiến bộ đáng kể, phong trào phòng gian bảo mật được phát động cùng với những biện pháp kiên quyết của lực lượng Công an trong năm 1948 đã ảnh hưởng tích cực đến tình hình an ninh, trật tự năm 1949. Các đối tượng bất mãn, phản động hầu hết nằm im, chưa có động thái gì đáng kể. Hoạt động buôn lậu hàng ngoại hoá, hoạt động lừa đảo (làm và sử dụng tín phiếu giả) còn xuất hiện và bị lực lượng Công an kịp thời đấu tranh, ngăn chặn. Nhờ có Trật tự xã hoạt động tích cực cùng với Công an các quận, đồn Công an Trật tự, nhiều vụ án hình sự lớn, nhiều ổ lưu manh được phát hiện, truy tố. Nạn lưu manh, trộm cắp, cờ bạc, nấu và kinh doanh rượu lậu, mại dâm, hối lộ đã được bài trừ triệt để. Bộ phận phòng điệp và bộ phận chuyên trách bao vây kinh tế địch đã được thành lập và củng cố, có cơ sở ở những nơi xung yếu trong tỉnh. Mạng lưới theo dõi, giám sát các đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo, ngoại kiều, bất mãn, buôn lậu… tiếp tục được củng cố và phát triển. Nhờ đó, lực lượng Công an đã kịp thời phát hiện, truy tố, ngăn chặn phần lớn các vụ tuồn lậu hàng nông sản của tỉnh Quảng Ngãi ra vùng tạm bị chiếm và nhập lậu hàng ngoại hoá vào tỉnh. Đến cuối năm 1949, hệ thống tổ chức bộ máy Ty Công an tỉnh Quảng Ngãi có mô hình: Trưởng Ty(16), Ban Văn phòng, Ban Điều tra, Ban Trật tự, 03 Quận Công an, các Đồn Công an Trật tự và lực lượng cơ sở là Trật tự xã. Cơ quan đóng tại xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa. Tất cả cán bộ, nhân viên ở Ty đều sinh hoạt chung. Văn phòng (17) (có 15 cán bộ, nhân viên), gồm: Trưởng Văn phòng, bộ phận hành chính, kế toán, tiếp phát công văn, đánh máy, quản lý nhà ăn, tuyên huấn, thi đua, y tế, liên lạc, lao công. Ban Điều tra (có 25 cán bộ, nhân viên), gồm: Trưởng ban phụ trách chung; bộ phận tư toà (lập hồ sơ truy tố), căn cước và truy tầm, truy nã; bộ phận Phòng điệp (với 10 nhân viên, do đồng chí Trương Thăng Minh phụ trách) và bộ phận Di động (với 10 nhân viên, do đồng chí Phạm Giao phụ trách). Ban Trật tự, ngoài Trưởng ban phụ trách chung, có các bộ phận: Bao vây kinh tế địch (có một đội trưởng và một thư ký); các đồn Công an Trật tự; bộ phận phụ trách quân trang, vũ khí, lương bổng, thuyên chuyển, giấy phép và nhân viên đánh máy. Từ 6 quận Công an huyện, sau một thời gian ngắn tồn tại, toàn tỉnh lại chia làm 03 quận với tên gọi: Công an quận 1, 2, 3(18), do các đồng chí Đỗ Tấn Kiệt, Nguyễn Thành, Nguyễn Quì làm Trưởng Quận. Cách tổ chức Văn phòng Công an quận gần giống mô hình tổ chức Ty, gồm: Trưởng Quận và các bộ phận: Văn phòng, Di động, Thi đua, Tư toà (lập hồ sơ truy tố), tiếp phát công văn, đánh máy, liên lạc. Đến cuối năm 1949, toàn tỉnh có 23 Đồn Công an Trật tự, trong đó, trực thuộc Ty (Ban Trật tự) 5 đồn, trực thuộc Công an quận 18 đồn (quận 1: 7 đồn, quận 2: 7 đồn, quận 3: 4 đồn). Đồn Công an lại được phân theo 3 loại: 1, 2, 3. Tổng biên chế 289 người. Trong đó, quân số tại Ty, các ban, quận là 90, các đồn là 199 cán bộ nhân viên. Trong năm, Ty Công an Quảng Ngãi đã sa thải 37 người và thuyên chuyển 10 người khác. Cuối năm 1949, việc bổ sung nhân viên đã được Uỷ ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ cho phép tuyển dụng. Tất cả nhân viên tối thiểu được dự qua một lớp huấn luyện. Đa số các cấp chỉ huy được bổ túc chuyên môn và chính trị. Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, nhân viên được chú ý thường xuyên. Việc tổ chức sinh hoạt tập thể giúp mọi người học hỏi lẫn nhau. Bếp ăn tập thể đã góp phần làm giảm bớt khó khăn, tốn kém từng cá nhân và làm cho nội bộ gắn kết nhau hơn. Ty Công an Quảng Ngãi rất tích cực trong việc tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm công tác điều tra của lực lượng. Thực hiện Chỉ thị số 124 (ngày 25/01/1949) của Nha Công an Trung ương qui định về nội dung chuẩn bị cho hội nghị cán bộ điều tra toàn quốc “nhằm mục đích thu lượm mọi kinh nghiệm đã rút được trong công tác điều tra của các nơi, kể cả những kinh nghiệm của nước ngoài đã áp dụng có kết quả trong hoàn cảnh nước ta, tổng kết tất cả các kinh nghiệm đó lại để xây dựng một lý thuyết điều tra hoàn toàn việt Nam”, Ty đã tiến hành tổ chức Hội nghị điều tra lần thứ nhất tại thôn Bách Mỹ, xã Nghĩa Phương, Tư Nghĩa. Hội nghị tập trung thảo luận và rút kinh nghiệm hai nội dung chính: tổ chức các bộ phận điều tra ở cơ sở và kinh nghiệm công tác điều tra ở các khâu. Trong hội nghị, các đại biểu đi sâu nghiên cứu về tổ chức điều tra chính trị, tư pháp, phản gián; thảo luận về tổ chức các bộ phận khám nghiệm, điều tra, hỏi cung, nghiên cứu hồ sơ. Các đại biểu hết sức chú ý đến báo cáo kinh nghiệm của các địa phương, đơn vị. Tuy chất lượng báo cáo chưa cao, song, khẳng định phong trào do Nha Công an Trung ương khởi xướng đã được đông đảo cán bộ chiến sĩ hưởng ứng, là những kinh nghiệm ban đầu quí báu làm cơ sở xây dựng lý luận về công tác điều tra của ngành và địa phương sau này. Hội nghị này là hội nghị chuyên đề qui mô và được chuẩn bị chu đáo đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp của Công an tỉnh Quảng Ngãi, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, trau dồi kinh nghiệm nghiệp vụ, góp phần tăng cường hiệu quả công tác điều tra, đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm hình sự khác, bảo vệ an toàn tỉnh nhà cho đến ngày hoàn thành việc chuyển giao cho đối phương tạm tiếp quản theo Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Trong thời gian từ tháng 01/1947 đến tháng 12/1949, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Liên khu uỷ V và đặc biệt là sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Văn Đồng, Đảng bộ Quảng Ngãi đã quán triệt sâu sắc và cụ thể hoá đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, lãnh đạo nhân dân địa phương tích cực xây dựng và bảo vệ quê hương, đóng góp nhiều sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến. Bằng những chủ trương thích hợp và sáng tạo, Đảng bộ Quảng Ngãi đã lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo đói, lạc hậu, vươn lên mạnh mẽ, phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, cần cù và sáng tạo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đông đảo các tầng lớp nhân dân ngày một tin tưởng hơn vào chế độ mới, vào sự thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày càng gắn bó mật thiết hơn đối với Đảng và khối đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố. Với thành quả đạt được, ngày 31/10/1949, Đảng bộ Quảng Ngãi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra “Nghị quyết khen thưởng” và ngày 30/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 149 tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì cho cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Công an Quảng Ngãi tự hào đã góp phần xứng đáng làm nên thành tích chung ấy./.
 

(1): Xưởng quân giới Từ Nhại ở chiến khu Vĩnh Sơn (Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh) được xây dựng từ cuối tháng 11/1945, trên diện tích hàng ngàn mét vuông.   (2): “Bồ tín hiệu” được qui ước như sau: Bồ được kéo lên nửa cột là tàu địch chạy ngang qua, kéo đến đỉnh cột là tàu địch đậu lại, có hai bồ trên đỉnh cột là tàu địch chuẩn bị đổ bộ, nhân dân bắt đầu sơ tán, công an, du kích cùng chiến sỹ lực lượng vũ trang chuẩn bị triển khai đánh địch và bảo vệ nhân dân theo phương án đã vạch sẵn.   (3): Trần Cừ quê ở Mộ Đức, tham gia cách mạng từ năm 1928. Năm 1931, bị Pháp bắt và chịu án. Tháng 3/1946, Trần Cừ ra Hà Nội, tiếp xúc Khái Hưng và Nguyễn Tường Tam, nhận tài liệu “Liên hiệp quốc dân” về Quảng Ngãi và bắt đầu vận động những phần tử bất mãn với chính quyền, bí mật hình thành tổ chức phản động lấy tên “Liên Hiệp đoàn”. Trong số đồng phạm với Trần Cừ có Bát Gấm (bát phẩm lính Tây) là một địa chủ lớn ở Mộ Đức, là đồ đệ của Phan Khôi và Ngô Đình Diệm.    (4): Đồng chí Thanh Hà và đồng chí Trần Đức Can (ở Thi Phổ, sau này là Vụ phó Vụ Tổ chức Bộ Ngoại giao) là hai trong 3 cơ sở nội tuyến của ta được bố trí đi sâu vào tổ chức này.   (5) Đồng chí Nguyễn Bân làm Trưởng Ty Công an trong năm 1947.   ( 6): Sau khi ra tù, một số tiến bộ, lương thiên làm ăn, một số khác vẫn tiếp tục bí mật hoạt động như: Nguyễn Tấn Lữ, Trịnh Hoài Ân (tham gia vụ gián điệp Bình Định). Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, các tên Nguyễn Đức Vạn, Trịnh Kinh, Nguyễn Tề (Thuỵ) tích cực tuyên truyền cho Ngô Đình Diệm, nói xấu Chính phủ ta, ca tụng Pháp… Tuy nhiên, hoạt động của bọn chúng chỉ ảnh hưởng trong số dư đảng cũ trong vụ Trần Cừ, không ảnh hưởng nhiều trong quần chúng nhân dân.   (7): Là một hình thức tổ chức họp định kỳ hàng tuần, hàng tháng để nhân dân tham gia phát hiện, bình nghị bọn lưu manh tại nơi cư trú.   (8): Trích những văn bản của Nhà nước về an ninh trật tự- (Viện khoa học Công an)- NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 344-345   (9): Cụ thể toàn tỉnh có: 03 đồn kiểm soát ở các chốt cố định (Sông Vệ, Thị xã, Thu Xà), 06 đồn lưu động phụ trách 06 quận Công an huyện, 01 đồn lưu động ứng trực tại Ty. Ngoài ra, 03 cửa biển và 06 nhà ga lớn đều có một công an viên thường trực kiểm soát.   (10):   Số Trật tự viên từng huyện cụ thể như sau:           Nghĩa Hành:     243 người;                  Tư Nghĩa:      387 người;                     Mộ Đức:         506 người;           Sơn Tịnh:          527 người;                  Đức PHổ:       617 người;                    Bình Sơn:        950 người.   (11): Toà án quân sự Liên khu V đã tuyên xử Huỳnh Bút 5 năm tù. Thời kỳ Mỹ - nguỵ, Huỳnh Bút cầm đầu một nhóm Quốc dân đảng miền Trung.   (12): Vũng Quít, cảng Dung Quất ngày nay.   (13): Trong đó, có 12 vụ tín phiếu giả, vụ đốt trường ở Lý Sơn, vụ rượu lậu ở xã Nghĩa Hà   (14): Trong số này, đã truy tố 320 đối tượng, đề nghị an trí 20 đối tượng khác; số còn lại được giải thích, cảnh cáo và tha về địa phương.   (15): Đã thực hiện được việc vũ trang nhân dân, tổ chức những ngày tản cư giả, đánh giặc (tập trận) giả, củng cố những vùng tương đối an toàn, củng cố chiến hào, hầm bí mật, đóng góp quĩ kháng chiến, tham gia “rèn cán chỉnh cơ”…   (16):  Trưởng Ty:                    Đồng chí Huỳnh Anh (từ năm 1948-1950)           Trưởng Văn phòng:     Đồng chí Lê Phác           Trưởng Ban Điều tra:  Đồng chí Trương Quang Địch           Trưởng Ban Trật tự:     Đồng chí Hoàng Thượng Đẳng   (17): Trong năm, Văn phòng Ty Công an Quảng Ngãi đã tiếp nhận 680 công văn và phát hành 4407 công văn đảm bảo an toàn. Ngoài ra, Văn phòng còn đảm nhận công tác quản lý vũ khí, cấp giấy thông hành cho nhân dân.   (18) - Quận 1 gồm các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Sơn Hà         - Quận 2 gồm các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Minh Long và thị xã Quảng Ngãi         - Quận 3 gồm các huyện: Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ.

Tin liên quan


Nội dung trong file đính kèm 22/12/2023

Qua xác minh, N.guyễn T.hị L.ệ T.hương (sinh 1994, cư trú tại: xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) Nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết: Khoảng 12h30' cùng ngày nhận yêu cầu từ L.ê T.ấn H.ải (sinh 1988, cư trú tại xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa) - Quản lý sản phẩm N.. của nhãn hiệu N..., T.hương đến ‎Công ty TNHH MTV T.uyết K.a (88 B.à T.riệu, TP Quảng Ngãi) nhận sản phẩm đến Trường Tiểu học ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm: 19 lốc sữa nhãn nhiều N... và 01 túi 50 gói thạch trái ‎cây N... (tặng kèm khi bán sữa).
Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau cau, thì có nhiều học sinh sử dụng bị ngộ độc phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.‎
Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh ATTP và CDC Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.
Hiện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đang khám và theo dõi sức khỏe cho các em, chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.
Vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh về đồ ăn thức uống trước các cơ sở giáo dục khi bán cho học sinh sử dụng. Trước đó, ngày 02/12/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 6476/VC-PV01(TMCS) chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hàng quán trước cổng trường mua bán các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi có chứa chất ma tuý./.

08/12/2023

I. Đối tượng tuyển chọn

Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ cao hơn, chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện - điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điện công nghiệp.

II. Phương thức tuyển chọn: Xét tuyển

III. Số lượng cần tuyển

- 11 chỉ tiêu cán bộ công nghệ thông tin (Quản trị mạng; Máy chủ; Quản trị cơ sở dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Phần mềm, ứng dụng).

- 01 chỉ tiêu cán bộ kỹ thuật (điện, điều hòa chính xác, ắc quy, bể dầu và phòng cháy, chữa cháy hệ thống công nghệ thông tin). 

*Toàn văn Thông báo xem tại file đính kèm./.

08/12/2023

Ba cảnh báo phát đi chưa ráo mực, ngày 03/12/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thủ đoạn mới lừa đảo trực tuyến bằng việc "điều chỉnh dữ liệu quốc gia cấp 2", cụ thể:

Khoảng 10h00' sáng ngày 03/12/2023, một người dân (gốc Quảng Ngãi) hiện cư trú ở TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số 0395.719.46... thông báo "dữ liệu cấp 2" do phường cập nhật chuyển lên quận bị nghẽn, đề nghị lên quận điều chỉnh, hoặc sẽ có người hỗ trợ qua zalo.

Khoảng 30' sau, có 02 số máy 0866.656.46..., 0394.999.24... giới thiệu là "nhân viên hướng dẫn" ở quận hỗ trợ người dân tải App "dichvucong" bằng cách đăng nhập Google tải "dichvucong.lgov.net" (Hình 1) với điều kiện máy smatphone có hệ điều hành Android.

Hình 1

Do máy smatphone người dân này không trùng hệ điều hành, nên mượn tạm máy của người cha ruột (mới nghỉ hưu, từ Quảng Ngãi vào thăm con) thao tác. 

Khi tải được ứng dụng, "nhân viên hướng dẫn" yêu cầu đăng nhập kích hoạt ứng dụng bằng số điện thoại cá nhân và tự tạo một mật khẩu (Hình 2).

Hình 2

Khi ứng dụng dichvucong.lgov.net được kích hoạt, máy hiện tỷ lệ % kích hoạt (Hình 3).

Hình 3

Kích hoạt xong, không liên lạc được với "nhân viên hướng dẫn" để làm bước tiếp theo.

Người cha nghi ngờ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng VCB trên máy smatphone thì toàn bộ 83 triệu tiền lương tích cóp đã mất.

Kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng, thì thời điểm kích hoạt ứng dụng cũng là lúc hai lần tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng của kẻ gian.

Vụ việc đang được kiểm tra, xác minh.

KHUYẾN CÁO:

1. Lực lượng Công an hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID trực tiếp.

2. Mọi trường hợp khi kích hoạt thì không có lỗi, trừ trường hợp người dân cung cấp sai số điện thoại hoặc thay số điện thoại thì phải đăng ký lại trực tiếp tại Đội CSQLHC về TTXH Công an cấp huyện hoặc báo trực tiếp cho Công an cấp xã để cấp xã báo Công an cấp huyện điều chỉnh, hoàn toàn không hỗ trợ qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. 

3. Mọi trường hợp thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân cần liên hệ với công an cơ sở nơi cư trú để được hỗ trợ./.

 

04/12/2023

1. Phòng Cảnh sát giao thông: chuyển đến làm việc tại trụ sở số 200 Trường Chinh, phường Chánh Lộ, Tp. Quảng Ngãi​.

2. Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh và Phòng An ninh mạng: chuyển đến làm việc tại trụ sở số 403 Lê Lợi, phường Nghĩa Lộ, Tp. Quảng Ngãi.

Số điện thoại, fax và các thông tin liên quan khác của các đơn vị nêu trên vẫn không thay đổi.

Công an tỉnh thông báo để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân biết, liên hệ công tác./. 

27/11/2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1132

Tổng số lượt xem: 7900654