Truy cập nội dung luôn

CHƯƠNG II- PHẦN IV: Giữ vững ANTT, phục vụ nhiệm vụ giảm tô, ..., kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (1953-1954)

30/12/2009 12:00    1655

Lịch sử công an tỉnh Quảng Ngãi

IV   GIỮ VỮNG AN NINH - TRẬT TỰ, PHỤC VỤ NHIỆM VỤ GIẢM TÔ, CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT, TÍCH CỰC GÓP PHẦN CÙNG CẢ TỈNH, CẢ NƯỚC KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP   (1953 - 1954)   Rút kinh nghiệm những thành công và thiếu sót, tồn tại của năm 1952, Công an Quảng Ngãi xác định công tác trọng tâm trong năm 1953 là: 1. Tích cực trấn áp do thám, phản động để bảo vệ nội bộ, bảo vệ mặt trận đoàn kết ở nông thôn. 2. Tích cực trấn áp trộm cắp lưu manh để bảo vệ hoa màu, bảo vệ trật tự an ninh cho nhân dân. 3. Rèn luyện tư tưởng kháng chiến trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh nhưng nhất định thắng lợi; đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, trau dồi nghiệp vụ để bảo vệ công tác cứu đói, thuế nông nghiệp, bố phòng, sản xuất và tiết kiệm. 4. Xây dựng ngoại cần, phát triển cơ sở, kiện toàn Công an xã, phát triển Công an nhân dân để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Công an Quảng Ngãi kịp thời rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tăng cường tuần tra kiểm soát và điều tra xét hỏi công khai, tuyên truyền giáo dục nhân dân ý thức phòng gian bảo mật, phát giác những hiện tượng tình nghi gián điệp, chỉ điểm với công tác đặc tình, trinh sát ngoại tuyến và đã thu được nhiều kết quả. Công tác chống địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng cũng được chú trọng nhiều hơn trước. Sau khi ta xử vụ “gián điệp” tại nhà thờ Kim Chua, tỉnh Bình Định, hoạt động lợi dụng đạo Thiên Chúa có phần co lại, các chức sắc chỉ lo củng cố giáo dân, cứu tế, tương trợ cho giáo dân bần cố nông và tiến hành xây dựng lại nhà nguyện của một số chi họ, địa sở. Ngày 05/6/1952, Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 10-CT/TW về việc tích cực phá âm mưu của bọn phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa, vạch rõ âm mưu của bọn phản động đồng thời chỉ thị những công tác cần kíp phải thực hiện để đánh bại âm mưu này. Học tập, quán triệt Chỉ thị số 10 của Trung ương Đảng, nhận thức và chất lượng đấu tranh chống phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa của lực lượng Công an Quảng Ngãi, từ đây, đã được nâng lên một bước quan trọng. Bước sang năm 1953, trong khi ta đang tiến hành tổng động viên nhân tài, vật lực chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, thực hiện chủ trương “triệt để giảm tô, cải cách ruộng đất”, số phản động cầm đầu đạo Thiên Chúa tỏ ra hết sức tức tối và chống đối ta quyết liệt. Số linh mục phản động tổ chức dạy kinh cho thiếu nhi, truyền dạy những bài hát cũ đã bị chính quyền cách mạng cấm. Trước sự đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của nhân dân, cũng như sự giác ngộ ngày một nâng cao của quần chúng tín đồ, âm mưu đội lốt tôn giáo để lừa bịp, phá hoại cách mạng ngày càng bị lột mặt dần. Ngoài số phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa, nổi lên trong thời gian này là số phản động lợi dụng đạo Tin Lành. Tại Quảng Ngãi, tín đồ Tin Lành không nhiều, ở rải rác, không tập trung một số vùng như đạo Thiên Chúa. Sau Cách mạng Tháng Tám, hầu hết tín đồ tham gia trong các tổ chức quần chúng, làm công tác cách mạng. Đến năm 1953, khi ta thực hiện chính sách ruộng đất, tín đồ Tin Lành Quảng Ngãi đã phân hoá rõ rệt. Đa phần tín đồ hoan nghênh cách mạng đã đem lại quyền lợi thiết thực. Song, một vài tín đồ địa chủ, phú nông bất mãn, số công chức cũ, tiểu tư sản và một ít tiểu chủ tỏ thái độ lưng chừng. Nổi lên trong số phản động đội lốt tôn giáo nguy hiểm nhất là Ông Văn Trung và Lê Tấn Đang. Mục sư Ông Văn Trung phụ trách Hội thánh thị xã Quảng Ngãi. Giúp việc cho ông ta có một Ban Trị sự gồm Bùi Khương, Mai Tho, Trần Sự, Nguyễn Thị Ni, Bùi Tảo, Phan Thị Châu. Mục sư Lê Tấn Đang phụ trách nhà giảng Phổ Hoà. Sau khi ta bắt Ông Văn Trung (9/1953), những tên cốt cán phản động đội lốt đạo Tin Lành tìm cách xuyên tạc làm cho quần chúng tín đồ xôn xao, Công an Quảng Ngãi đã tổ chức thông báo về những hành động phản cách mạng của Ông Văn Trung cho tín đồ biết, đồng thời cho đồng bào phát giác thêm. Nhờ vậy, đã giải toả được những thắc mắc và tranh thủ được sự đồng tình của tín đồ đối với việc làm của Chính phủ.   Những biện pháp bảo vệ bên trong đã được khởi động quyết liệt từ nửa cuối năm 1952 tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn. Công tác quản lý hộ khẩu, nắm tình hình quán xá, những người tản cư buôn bán dọc đường, đặc biệt ở những nơi dân cư tập trung đông đúc như Châu Ổ, thị xã, Sông Vệ, Thi Phổ, Thạch Trụ, Sa Huỳnh… được tăng cường. Ở những bến đò lớn, các đồn Công an phối hợp với địa phương tổ chức việc đưa đò và phòng không. Biện pháp kiểm soát việc ra vào vùng địch tạm chiếm nhằm phong toả tin tức, ngăn chặn sự thâm nhập, hoạt động của do thám, phản động được tiến hành kịp thời. Ty Công an chỉ đạo và phối hợp với Công an các huyện tổ chức 6 lớp học tập (có 240 người dự) cho số thương nhân và những người thường ra vào vùng tạm bị chiếm, nhằm giáo dục cho những đối tượng này thấy được âm mưu của gián điệp địch, có ý thức và biết cách giữ bí mật, cảnh giác đề phòng gián điệp ẩn nấp dưới hình thức buôn bán để phá hoại kháng chiến ([1]). Sau lớp học, việc tuyên truyền có lợi cho địch ở những nơi tập trung thương nhân giảm nhiều, số người buôn bán ra vào vùng địch tạm chiếm cũng giảm. Từ đầu năm 1953, Ty đã chuyển các đồn Sơn Trà, Cổ Luỹ thành những đội lưu động với nhiệm vụ nắm tình hình và giáo dục nhân dân ven biển phòng gian bảo mật, chống âm mưu địch bắt đồng bào để khai thác tình hình và tổ chức gián điệp. Tháng 6/1953, Ty tiến hành tổng hợp, đúc kết những câu tra khảo mà địch thường sử dụng và kinh nghiệm khai báo của đồng bào đối phó khi bị địch bắt, biên soạn thành tài liệu phổ biến rộng rãi cho nhân dân, nhất là vùng ven biển học tập. Từ đó, nâng cao ý thức cảnh giác, khả năng chủ động đối phó với địch (chuẩn bị trước các câu trả lời, dặn dò nhau giữ bí mật khi bị địch bắt…). Đặc biệt, có nơi, người dân đã có ý thức lợi dụng lúc bị địch bắt để làm công tác địch vận và chú ý tìm hiểu tình hình địch về báo cho ta (các xã Tịnh Hoà, Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh), có người bị địch tra tấn đến chết vẫn không khai báo (ở Phổ Quang, huyện Đức Phổ). Ty một mặt, hướng dẫn Công an các huyện, đồn, xã chú ý phát hiện, theo dõi những người có tư tưởng muốn trốn vào vùng địch tạm chiếm, đề nghị với chính quyền gọi đến cảnh cáo, răn đe. Mặt khác, tiến hành bắt và truy tố những tên cầm đầu, tổ chức, lôi kéo người trốn theo giặc (ta đã bắt, truy tố 3 tên, tổ chức bình nghị kiểm điểm trước dân 2 tên). Bằng việc vận dụng những đối sách có phân hoá trên, Công an Quảng Ngãi đã làm thất bại âm mưu của gián điệp địch trong thủ đoạn câu kết, lôi kéo người trốn khỏi vùng tự do, làm tay sai cho chúng (cả năm 1953 chỉ có 19 tên trốn thoát; trong đó, 6 tháng cuối năm chỉ có 3 tên trốn). Lực lượng trinh sát được củng cố, được tuyển chọn trong số những cán bộ nhân viên có năng lực gửi đi dự các khoá chỉnh Đảng của Công an Liên khu V. Công tác xây dựng đặc tình được chú ý hơn. Từ tháng 6/1953, nhiều đặc tình được xây dựng, tổ chức (trong Thiên Chúa giáo, Tin Lành, trong giới thương nhân, quân nhân xuất ngũ, phạm binh được tha về, trong Nhật kiều,…) và đa phần phát huy được tác dụng. Hàng chục vụ gián điệp của Pháp và bọn “Công an quốc gia” tổ chức từ Đà Nẵng, Hội An, Lý Sơn tung vào tỉnh Quảng Ngãi đã bị phát hiện. Tháng Giêng năm 1953, “Công an” nguỵ ở Hội An đưa tên Nguyễn Mậu Chánh (nguyên nhân viên Công an Quảng Ngãi bị sa thải năm 1951) thâm nhập địa bàn Châu Ổ (xã Bình Thới, huyện Bình Sơn) tìm cách liên lạc câu móc chiến sỹ lực lượng vũ trang, bị đồn Công an Châu Ổ phát hiện, bắt giữ. Tháng 3/1953, Công an Quảng Ngãi bắt tên Đặng Me, làm tay sai cho địch. Y đã lôi kéo một số thư ký Công an xã lấy cắp tài liệu, hai lần dùng thuyền bơi ra biển để liên lạc với địch; bắt tên Nguyễn Hữu Du làm gián điệp cho Pháp ([2]). Hàng loạt vụ khống chế, mua chuộc, lợi dụng các mối quan hệ thân nhân giữa vùng địch tạm chiếm với vùng tự do của cơ quan Công an Pháp và tay sai ở Đà Nẵng, Hội An, Lý Sơn để tổ chức các hoạt động gián điệp đã bị Công an Quảng Ngãi khám phá, bắt giữ.6 tháng cuối năm 1953, Công an Quảng Ngãi phát hiện, bắt giữ 24 tên gián điệp do tình báo Pháp và Công an nguỵ ở Đà Nẵng, Hội An, Lý Sơn tổ chức đánh vào tỉnh Quảng Ngãi. Trong số này, hầu hết xuất thân từ quân nhân, giáo viên, nhân viên bị ta thải hồi, đã làm việc cho chúng hoặc có quan hệ thân nhân ở vùng tự do bị khống chế, mua chuộc… để thu thập tin tức tình báo, tuyên truyền lôi kéo người thân đang làm việc trong các cơ quan của ta (như Sở Quân giới Liên khu V, bộ phận mật mã của Tỉnh đội Quảng Ngãi…), thu thập tin tức, lấy cắp kế hoạch, mật mã… cung cấp cho địch. Công an Quảng Ngãi, tổ chức đưa ra dân bình nghị nhiều trường hợp xuyên tạc chính sách, không nộp thuế nông nghiệp, nói xấu Chính phủ, phao tin nhảm, phá công tác bố phòng của ta…([3]). Mỗi cuộc bình nghị có khoảng 1.500 đến 3.000 người dự, phát biểu đấu tranh, phê phán, vạch trần âm mưu, hành động phản cách mạng, của các đối tượng. Sau bình nghị, những tên có tội nặng như Nguyễn Long, Nguyễn Lựu ([4]) bị truy tố trước toà. Số còn lại sau khi nhận tội và cam kết sửa chữa, được tha về, chịu sự quản chế, cải tạo của chính quyền và nhân dân địa phương.  Đối với bọn lưu manh trộm cắp, trong tháng giêng 1953, sau khi bình nghị, Công an đã xét tha 412 người, đề nghị an trí 38 đối tượng, quản chế tại xã 72 trường hợp. Nhiều nơi đã biết kết hợp việc bình nghị quản chế lưu manh với việc củng cố Công an xã và giáo dục nhân dân phòng gian, bảo mật. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ năm 1953 - 1954, biện pháp “bình nghị” lưu manh được Ty Công an Quảng Ngãi tổ chức triển khai trong toàn tỉnh và duy trì cho đến ngày chính quyền Mỹ - Nguỵ tiếp quản theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Sau Hội nghị lần thứ tư (khoá II) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 01/1953), đặc biệt là từ sau khi có Nghị quyết Hội nghị Tỉnh uỷ (tháng 4/1953), tổ chức Nông hội được đề cao và củng cố mạnh ở các vùng nông thôn Quảng Ngãi. Tổ chức này không những đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp đoàn kết giai cấp nông dân tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, cung cấp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến mà thực sự là một lực lượng đóng vai trò to lớn trong công cuộc đấu tranh, trấn áp và giáo dục, cảm hoá các loại đối tượng chính trị, hình sự tại cộng đồng cơ sở. Đến tháng 6/1953, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã đánh giá, rút kinh nghiệm những ưu, khuyết trong công tác quản chế, tìm biện pháp chấn chỉnh; đồng thời phối hợp với Nông hội soát xét lại những đối tượng còn trong diện quản chế ở các xã giao lại cho các tổ Nông hội giáo dục. Công an tỉnh Quảng Ngãi còn chú trọng tăng cường công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân. Toàn tỉnh có 3 cơ sở giam giữ, cải tạo phạm nhân, gồm: Trại An Ba, Trại Phú Châu và trại giam tại Ty Công an. Trong năm 1953, số can phạm và phạm nhân đã bị Công an bắt giữ đưa vào các cơ sở này là 811 người ([5]). Tuy nhiên, công tác giam giữ can phạm, giáo dục, cải tạo phạm nhân có một số sơ hở. Việc canh gác ở các trại vẫn còn giao cho số phạm nhân tự giác đảm nhận, nhân viên Công an chỉ kiểm tra, đôn đốc. Nhiều phạm nhân lợi dụng sơ hở này để trốn trại, lực lượng Công an phải tốn nhiều công sức để truy bắt lại ([6]). Từ giữa năm 1953 đến nửa đầu năm 1954, các trại này đã được chỉnh đốn lại. Công tác quản lý, kỷ luật giam giữ được củng cố chặt chẽ. Việc xây dựng cơ sở vật chất của trại và cải thiện điều kiện sinh hoạt, sức khoẻ, cải tạo phạm nhân thông qua lao động sản xuất; việc tổ chức cho phạm nhân lẫn can phạm học tập văn hoá, đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ được quan tâm thường xuyên. Nhờ vậy, ngoài việc đảm bảo tiêu chuẩn khẩu phần ăn được cấp theo qui định, các phạm nhân còn được cải thiện thêm từ kết quả lao động sản xuất ở trại. Từ tháng 10/1953, các trại đã sản xuất tự túc đạt mức trên 10% đến 15% phạm phí ([7]) và được chấn chỉnh dần theo đúng tinh thần Thông tư số 12-VP, ngày 13/9/1953, của Liên bộ Tài chính - Công an. Từ tháng 11/1953 đến đầu tháng 6/1954, riêng Trại giam của tỉnh còn nhận giam giữ số tề gian bị ta bắt ở chiến trường Kon Tum, do Ban Cán sự Miền Tây gửi chờ xét xử (19 vụ, 105 người) và một số can phạm của Phú Yên do Công an Liên khu V giao (95 người) ([8]). Số phạm nhân và can phạm quá đông (có thời điểm như tháng 3/1954, số can phạm lên đến 400 người), trong lúc phòng giam thiếu đã phần nào ảnh hưởng tiêu cực, hạn chế trong việc phục vụ công tác điều tra, giam giữ, mặc dù lực lượng Cảnh vệ đã rất cố gắng. Công tác điều tra, xét hỏi, lập hồ sơ khẩu cung để phân loại xử lý được tiến hành hết sức khẩn trương và tích cực. Việc đảm bảo khẩu phần ăn theo qui định của Chính phủ ([9]) và đặc biệt là việc giải quyết cứu chữa các trường hợp ốm đau của trại viên cũng là mối quan tâm không nhỏ trong điều kiện chung vô cùng khan hiếm thuốc men. Từ tháng 6/1953, theo hướng dẫn của Công an Liên khu V, Ty đã rà soát lại tình hình nhân sự và dựa theo chỉ thị về biên chế của Bộ Công an, tạm thời sắp xếp lại bộ máy để đáp ứng yêu cầu công tác trước mắt, trong thời gian chờ đợi hoàn thành việc chỉnh Đảng cho cán bộ, nhân viên. Ban Chấp pháp được thành lập đảm nhận chức năng điều tra xét hỏi công khai theo thủ tục tố tụng. Lực lượng Cảnh vệ được tăng cường cả quân số lẫn chất lượng đáp ứng yêu cầu canh gác, bảo vệ các trại ([10]). Tại thời điểm này, quân số cán bộ chiến sĩ ngành là 173 người, gồm: Lãnh đạo Ty (1), Văn phòng (11), Ban Chính trị Bảo vệ (20), Ban Trị an Hành chính (40), Ban Chấp pháp (5), Đội Cảnh vệ (57) ([11]), Công an các huyện (30) và 9 đồng chí được cử đi học nghiệp vụ ở Bộ ([12]). Sau các đợt tinh giản biên chế năm 1952, Ty đã sa thải, đưa ra ngoài biên chế 62 người kém về lập trường tư tưởng, đạo đức. Năm 1953, Ty tiếp tục thải loại 33 người cũng với lý do trên; đồng thời bổ sung nhiều nhân sự mới đảm bảo tiêu chuẩn, có lập trường tư tưởng và đạo đức tốt. Trong tổng số 173 cán bộ, chiến sĩ Công an toàn tỉnh, có tới 156 đảng viên, đa số xuất thân từ thành phần bần cố và trung nông ([13]), một số ít công nhân, tiểu tư sản và phú nông. Song song với chấn chỉnh tổ chức, công tác giáo dục chính trị, đào tạo, bồi dưỡng được cấp uỷ Đảng và lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Cho đến ngày 15-11-1953, đã có 70 cán bộ (gồm Trưởng Ty, các trưởng ban và 4/6 trưởng Công an huyện và nòng cốt ở các đơn vị…) được dự các khoá chỉnh huấn do Bộ Công an, Khu uỷ và Công an Liên khu V mở ([14]). 103 cán bộ, chiến sĩ (phần lớn là Cảnh vệ vũ trang, Công an viên ban Trị an Hành chính và Công an các huyện) được theo dự các lớp chỉnh huấn cán bộ cơ quan do Tỉnh uỷ hoặc Ty Công an tự tổ chức. Trong các lớp tập huấn này, cán bộ chiến sĩ được tập trung học tập những kết luận của Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 7 và các tài liệu về tổ chức và nhiệm vụ công an. Lớp tập huấn cho cán bộ chiến sĩ cấp huyện, đồn và trưởng Công an xã tập trung học những kết luận về Công an xã, công tác bắt, hỏi cung, quản chế và xét xử… Trong các lớp tập huấn, những vấn đề lớn đã được đối chiếu, kiểm thảo, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ những sai lầm chung, nhận rõ biện pháp, đối sách nghiệp vụ không thể tách rời đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, giải toả được phần lớn những khúc mắc, lúng túng trong công tác bắt, điều tra, xét hỏi, xét xử và quản chế đối tượng… Sau các khoá học, hầu hết đều phấn khởi, tin tưởng, công tác tích cực và đạt hiệu quả hơn. Ty đã biết phối hợp với các phong trào chung, nhất là phong trào đấu tranh của nông dân, kết quả của các đợt chỉnh Đảng và những chính sách bồi dưỡng của Chính phủ để tiến hành giáo dục, động viên cán bộ chiến sĩ an tâm, tích cực, tận tuỵ công tác. Các phong trào thi đua được đẩy mạnh. Sinh hoạt bình công, báo công, bầu “cá nhân xuất sắc” được duy trì thường xuyên. Những trường hợp vi phạm phẩm chất đạo đức được xử lý nghiêm khắc. Những căn bệnh về háo danh, địa vị, tự phụ, cầu an tồn tại ở một vài đơn vị, bộ phận (Trại cải tạo An Ba, Đội Cảnh vệ, Đồn Châu Ổ, Đồn thị xã) làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết nội bộ được cấp uỷ và lãnh đạo Ty phối hợp với các địa phương xử lý triệt để. Nhờ vậy, tinh thần cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi được nâng cao hơn. Nhiều đồng chí Công an được các cấp khen thưởng. Trong năm đã có 18 cá nhân xuất sắc và một chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Trong 6 tháng cuối năm 1953, phần lớn cán bộ, chiến sĩ đều đi dự lớp chỉnh Đảng, chỉ còn số ít ở lại trực cơ quan. Với tinh thần hăng hái, tích cực công tác, Ty được Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh khen tặng danh hiệu “Cơ quan xuất sắc tỉnh” ([15]). Để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho cuộc kháng chiến, việc xây dựng, củng cố hậu phương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố khối liên minh công nông là việc làm rất quan trọng và cấp thiết. Là một tỉnh nghèo, hơn 90% dân số sống bằng nghề nông, nhưng diện tích canh tác nông nghiệp rất ít. Số địa chủ chiếm nhiều ruộng đất không bao nhiêu. Trong tầng lớp địa chủ sở hữu trên dưới 20 mẫu, có một số xuất thân từ trung nông hoặc bần nông, do cần cù lao động mà có ruộng. Những người này tuy có phát canh thu tô, nhưng bản thân và gia đình đều tham gia lao động sản xuất trực tiếp. Phần nhiều trong số này có tinh thần yêu nước, có tham gia đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Nhiều gia đình có con em đi bộ đội, tham gia công tác các cơ quan từ xã đến tỉnh. Quán triệt tinh thần nghị quyết Trung ương, dựa trên tình hình thực tế ở địa phương, tháng 4/1953, tỉnh Quảng Ngãi đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng bộ: “phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện cải cách ruộng đất, nhằm đáp ứng nhiều hơn nữa những yêu cầu kinh tế, chính trị của quần chúng cơ bản ở vùng nông thôn, củng cố Nông hội, củng cố và mở rộng Mặt trận thống nhất ở nông thôn. Đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến, tất cả các công tác khác đều phải kết hợp và phục vụ cho công tác giảm tô và cải cách ruộng đất” ([16]). Tuy nhiên, do trình độ và năng lực của một số cán bộ các cấp, các ngành còn thấp, tiếp thu chưa đầy đủ tinh thần chủ trương của Đảng lại thiếu kinh nghiệm nên việc lãnh đạo, chỉ đạo giảm tô, cải cách ruộng đất ở Quảng Ngãi thời gian đầu chưa được chặt chẽ, phạm nhiều thiếu sót. Có nơi, buộc địa chủ giảm tô quá cao, từ 80 đến 90%. Một số nơi qui thành phần chưa sát đúng với thực tế, như qui phú nông thành địa chủ, trung nông thành phú nông… dẫn đến một số người phải lâm nợ. Những động thái trên tuy có làm giảm uy thế chính trị và tiềm lực kinh tế của giai cấp địa chủ phong kiến, nhưng đã không phân hoá được hàng ngũ địa chủ, cô lập được bọn cường hào phản động gian ác, mà trái lại, làm cho họ liên kết lại với nhau. Phú nông có một số ngả theo địa chủ, trung nông thì nghi ngờ, hàng ngũ nông dân không được củng cố, đời sống nông dân chưa được cải thiện, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách đại đoàn kết của Đảng. Có nơi, chia ruộng đất theo tinh thần “công bằng” một cách máy móc, lấy bớt ruộng công điền của một thôn thuần nông chia cho dân các thôn khác trong xã, rất bất tiện trong việc canh tác và đụng chạm đến lợi ích lâu đời của người nông dân, gây bất bình, phản ứng mạnh tại một số nơi như thôn Văn Bân, xã Đức Chánh (Mộ Đức). Ngành đã điều động một trung đội Cảnh vệ cùng với bộ đội đến trấn áp và hoạt động gần hai tuần để bảo vệ cuộc chia công điền ở đây theo yêu cầu của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Mộ Đức. Một số nơi khác ban đầu cũng phản ứng mạnh nhưng nhờ ta rút kinh nghiệm từ vụ Văn Bân nên đã lắng nghe và giải quyết hợp tình hợp lý hơn. Với tinh thần cách mạng triệt để, Tỉnh uỷ, ngành tiến hành kiểm điểm, nghiêm túc nhìn nhận những sai lầm, kịp thời rút kinh nghiệm, uốn nắn những lệch lạc trong chỉ đạo thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ toàn tỉnh quán triệt tinh thần “Nghị quyết Hội nghị Liên khu uỷ lần thứ tư” và “Vấn đề sách lược của Đảng ở nông thôn”. Một mặt, Ty cử cán bộ tham gia các đoàn phát động giảm tô, cải cách ruộng đất của tỉnh vừa để bảo vệ vừa đi sâu điều tra, lên danh sách phân loại chính xác từng loại địa chủ, cường hào ở từng vùng ([17]), giúp cho việc đấu tranh có phân hoá, có đối sách thích hợp, trấn áp đúng đối tượng; mặt khác, đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng trong toàn lực lượng, tăng cường xây dựng, kiện toàn công an xã làm nòng cốt phục vụ công cuộc giảm tô, cải cách ruộng đất ở cơ sở. Khi Đảng chủ trương thực hiện triệt để giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất, nhiều cán bộ, nhân viên (cả trong Công an) xuất thân từ các thành phần nhân sỹ, trí thức, địa chủ và tiểu tư sản bị động chạm đến quyền lợi kinh tế, nảy sinh tư tưởng bất mãn, tìm cách cản trở, chạy chính sách và chống đối lại. Do vậy, từ tháng 6/1953, Ty hướng dẫn công an các huyện rà soát lại tình hình cán bộ, công an viên các xã, thanh lọc dần những thành phần không đảm bảo, bắt đầu từ trưởng công an xã đến tổ trưởng và công an viên. Đến cuối năm 1953, những trưởng công an xã là phú nông, hào lý đã được thay thế, còn lại một số trung nông (24 người), và đa phần là bần-cố nông (58 người). Về mặt Đảng, có 64 trưởng công an xã là chi uỷ viên và 18 người khác có trình độ tương đương. Toàn tỉnh có 3.091 cán bộ, công an viên; trong đó có 2.595 đảng viên. Đi đôi với kiện toàn tổ chức, Ty mở hai khoá học tập cho trưởng, phó công an xã, với các nội dung về trị an và kinh nghiệm xây dựng công an xã, về công tác bắt, xét hỏi, quản chế, xét xử. Mỗi khoá có từ 95 đến 120 học viên tham dự. Sau các khoá học này là các khoá học do Công an huyện, xã mở cho các công an viên với các kết luận về công an xã, 4 nhiệm vụ và 10 công tác của công an xã. Đến cuối năm 1953, có 59 trong tổng số 82 xã đã tổ chức xong việc học tập, với 4.847 học viên tham dự (có cả cán bộ quân, dân, chính xã tham gia học). Việc tổng kết, rút kinh nghiệm công tác xây dựng công an xã cũng được song song tiến hành. Sau khi được kiện toàn sơ bộ về thành phần và bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ lực lượng công an xã đã tiến bộ rõ rệt. Công an Quảng Ngãi chấp hành nghiêm chỉnh “9 điều kỷ luật của ngành” ([18]), góp phần đáng kể trong việc ổn định tình hình ở nông thôn, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đoàn phát động, thực hiện đúng đắn chính sách ruộng đất của Đảng, hỗ trợ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của quần chúng, cô lập và đánh đúng đối tượng chủ yếu. Việc thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương phát động quần chúng đấu tranh đòi triệt để giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng đất cho nông dân cày cấy chẳng những đáp ứng một phần quyền lợi về kinh tế và nâng cao uy thế chính trị cho người nông dân mà còn thu hẹp đáng kể sự chiếm hữu ruộng đất và sự bóc lột tô tức nặng nề của giai cấp địa chủ phong kiến địa phương. Bầu không khí phấn khởi thi đua lao động sản xuất, hăng hái đóng góp cả nhân, tài, vật, lực cho kháng chiến bao trùm lên khắp các vùng nông thôn Quảng Ngãi. Khối đoàn kết toàn dân, dựa trên nền tảng liên minh công – nông được củng cố vững chắc. Các cơ quan chính quyền, đoàn thể, công an và các lực lượng vũ trang khác được tăng cường mọi mặt. Toàn Đảng bộ, toàn quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho các chiến trường của Liên khu V đánh thắng trong cuộc tổng phản công chiến lược Đông – Xuân 1953-1954, góp phần cùng cả nước tiến lên kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, từ tháng 11/1952, Thường vụ Liên khu uỷ V đã ra chỉ thị về việc mở chiến dịch 1953 - 1954 trên chiến trường Nam Trung Bộ. Liên khu uỷ V giao cho lực lượng Công an nhiệm vụ bảo vệ các chiến dịch tấn công quân sự. Đây là một nhiệm vụ, nặng nề, song rất vẻ vang đối với lực lượng Công an. Trong công tác chuẩn bị chiến dịch, vấn đề mở đường, tổ chức hành lang vận chuyển quân sự, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, góp phần lớn vào thắng lợi trên chiến trường. Việc bảo đảm bí mật, an toàn nơi bộ đội trú quân, kho tàng, hướng, tuyến di chuyển bộ đội, dân công, lương thực, thuốc men, đạn dược… được đặt lên hàng đầu và thực hiện nghiêm ngặt trong nhiệm vụ phục vụ chiến dịch. Đây là mục tiêu số một mà tình báo, gián điệp Pháp hướng đến. Các đội công an di động, các đồn công an trật tự… phối hợp chặt chẽ với công an các huyện, công an xã tiến hành các biện pháp bảo vệ theo yêu cầu của chiến dịch, nhất là những địa phương có các đơn vị bộ đội, dân công trú chân, các kho tàng và tuyến hành lang vận chuyển đi qua. Trên các sông, cầu lớn như Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ đều có các tổ công an lưu động tuần tra, kiểm soát. Với khẩu hiệu “Toàn dân phòng gian bảo mật”, “Mỗi người dân là một trật tự viên”… cán bộ và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã nghiêm chỉnh chấp hành nội qui phòng gian bảo mật như: tuyệt đối giữ bí mật về quân số, tên người chỉ huy, phiên hiệu đơn vị, nơi đóng quân, vũ khí, khí tài, tuyến đường vận chuyển; những người lạ, những vật lạ, hiện tượng lạ khi phát hiện đều được theo dõi và tìm cách báo ngay cho công an, giúp lực lượng công an điều tra, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu hoạt động do thám, gián điệp và phá hoại của địch, bảo vệ an toàn quá trình chuẩn bị chiến dịch. Nam luôn đảm bảo thông suốt từ Quảng Nam – Đà Nẵng đến chiến trường Tây Nguyên. Hàng ngàn thanh niên nam, nữ, trẻ, già được huy động tham gia lực lượng dân công hoả tuyến phục vụ chiến trường. Dân công hoả tuyến được tổ chức theo hệ thống như quân đội, có ban chỉ huy đại đội, do đảng uỷ viên xã, xã đội, công an xã chỉ huy. Nhiệm vụ của Công an là đảm bảo bí mật trong hành quân, có kế hoạch đối phó khi địch phát hiện, vận động nhân dân thực hiện “Ba không” để giữ bí mật chiến dịch. Nhờ những cố gắng trên, sau 12 ngày đêm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đến đêm 20/1/1953, toàn bộ cứ điểm của địch tại An Khê đã bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Đây là một chiến thắng lớn, chiến thắng mở màn chiến dịch Tổng phản công của quân và dân Nam Trung Bộ. Chiến thắng An Khê bắt nguồn tự sự hợp đồng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, lực lượng dân công hoả tuyến, trong đó có đóng góp không nhỏ của quân dân Quảng Ngãi, của Công an tỉnh nhà. Đến thời điểm này, cục diện chiến tranh ngày càng có lợi cho ta. Quân Pháp ngày càng rơi vào thế bị động đối phó ở nhiều nơi, nhất là chiến trường Tây Nguyên buộc phải điều chỉnh kế hoạch hành quân lấn chiếm. Tháng 5/-1953, thực dân Pháp vội vã cử tướng Nava, nguyên Tổng tham mưu trưởng lục quân khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp. Thực hiện kế hoạch Nava, từ cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, Pháp chủ trương giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, rút một phần quân dự bị chiến lược (hơn 50.000 tên, tăng gần 1/3 quân số so với năm 1952) để tiến công miền Nam Trung Bộ nhằm chiếm đóng tất cả những vùng căn cứ du kích và vùng tự do Liên khu V. Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã huy động một lực lượng cơ động lớn cùng nhiều máy bay, tàu chiến mở cuộc hành quân Át-lăng với ý đồ bất ngờ tiến công đánh chiếm hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi – vùng tự do, nơi tập trung phần lớn các cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến và là kho hậu cần to lớn của Liên khu V, nơi cung cấp sức người và của cải cho chiến trường Nam Trung Bộ. Trong cuộc hành quân Át-lăng, một bộ phận hợp thành của kế hoạch Nava được chia làm ba bước, trong đó, bước quyết định cuối cùng của chiến dịch là tập trung binh lực từ 4 hướng tiến công Quảng ngãi, lấy thị xã Quảng Ngãi làm hợp điểm, hoàn thành mục tiêu đánh chiếm vùng tự do Nam Trung Bộ.  Chuẩn bị cho chiến dịch này, ngay từ đầu năm 1953, Pháp đã tăng cường dùng máy bay, tàu thuỷ hoạt động trên vùng trời và vùng biển Quảng Ngãi đánh phá các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông, kho tàng của ta, đốt phá ghe mành, ngư cụ của dân; rải truyền đơn xuyên tạc, hù doạ, bắt khủng bố, tra xét nhằm gây tâm lý hoang mang trong cán bộ và nhân dân. Chỉ trong ba tháng đầu năm 1953, thực dân Pháp đã thả 1.000 quả bom, 266 thùng xăng, phá sập 6 cầu, 325 mét đường sắt, giết chết 200 người, làm bị thương 186 người, đốt cháy 655 nhà, 16 tấn lúa, giết chết 340 trâu bò của dân. Song song với việc tung gián điệp, biệt kích xâm nhập vào vùng tự do để thu thập tin tức tình báo, câu móc nhen nhóm các tổ chức phản động, chuẩn bị cơ sở gây bạo loạn từ bên trong… là các vụ đổ bộ đột kích nhỏ ở vùng ven biển để thăm dò thực lực quân sự và khả năng bố phòng của địa phương. Trong khi địch ráo riết chuẩn bị lực lượng để thực hiện kế hoạch đánh chiếm vùng tự do Liên khu V, từ đầu tháng 3/1953, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Liên khu V về việc “phòng địch đánh phá hậu phương”, nhấn mạnh việc sẵn sàng đối phó với kế hoạch Nava, đề phòng địch đánh chiếm vùng tự do ven biển Liên khu V. Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân (1953 - 1954) bằng ba hướng khác nhau nhằm phân tán và tiêu hao sinh lực địch. Riêng chiến trường Liên khu V, Bộ Chính trị dự kiến: khi ta đánh mạnh ở hướng Tây Nguyên thì địch có thể đánh vào vùng tự do. Trong trường hợp đó, nhiệm vụ phát triển lên Tây Nguyên vẫn là quan trọng nhất, việc bảo vệ vùng tự do giao cho Đảng bộ, quân và dân địa phương đảm nhiệm. Chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và căn cứ tình hình tương quan lực lượng địch ta trên chiến trường Nam Trung Bộ, Hội nghị Thường vụ Liên khu uỷ V (12/1953) quyết định tập trung binh lực đánh vào những hướng mà quân địch yếu và sơ hở, hướng chính là Bắc Kon Tum. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các lực lượng vũ trang, công an, các ngành, các đoàn thể trong tỉnh đã đẩy mạnh phát triển nhân dân du kích chiến tranh, tăng cường bảo mật phòng gian. Nhiều biện pháp tích cực được đề ra nhằm ngăn ngừa những hành động phá hoại của địch. Hầm trú ẩn được đào khắp nơi, mọi sinh hoạt của nhân dân được chuyển vào ban đêm. Công tác tuần tra, canh phòng máy bay, tàu chiến địch (bắn phá, đổ bộ tiến công bất ngờ) được thực hiện triệt để… Làng chiến đấu được xây dựng nhiều nơi; hầm chông, cạm bẫy được bố trí ở những nơi có nhiều khả năng địch sẽ đổ bộ, tiến công ([19]). Các cơ quan, kho tàng, công binh xưởng, trường học được sơ tán và bảo vệ nghiêm ngặt, đề phòng bọn do thám, gián điệp phát hiện, chỉ điểm. Ngoài các đồn, đội lưu động của công an huyện, tỉnh, còn có các tổ công an, dân quân xã, thôn tích cực hoạt động suốt ngày đêm, giám sát việc ra vào thôn xóm của những người lạ. Việc kiểm tra giấy tờ tuỳ thân được tiến hành rất gắt gao. Những hiện tượng khả nghi đều được phát hiện, bắt giữ, giải giao cho công an ([20]). Tuy nhiên, việc bắt giữ người của lực lượng công an xã, dân quân và nhân dân có nơi diễn ra bừa bãi, thiếu căn cứ ([21]). Trước tình hình đó, đầu tháng 4/1954, Ty đã phối hợp với Toà án tỉnh tiến hành Hội nghị (do Đảng Đoàn chính quyền tỉnh chủ trì và được chia làm hai địa điểm: Nam - Bắc tỉnh) để học tập “đường lối trấn áp bọn Việt gian phản động, gián điệp, biệt kích, địa chủ cường hào gian ác” kết hợp tổng kết rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những lệch lạc đầu năm trong công tác bắt, giam giữ của địa phương. Thành phần dự hội nghị học tập gồm các cán bộ Toà án, Công an tỉnh, Đảng Đoàn chính quyền huyện, cán bộ và nhân viên Toà án, Công an huyện, Đảng Đoàn chính quyền xã, đại biểu dân quân và trưởng Công an xã. Từ đây, việc bắt giữ đã có căn cứ, đúng người đúng tội hơn. Song song với việc tăng cường các mặt công tác bố phòng, giữ vững an ninh trật tự, Ty còn tích cực thực hiện nhiệm vụ phục vụ tiền tuyến, huy động và bảo vệ an toàn nhân tài, vật lực cung cấp cho chiến trường Tây Nguyên. Hàng ngàn dân công lao động suốt ngày đêm gấp rút hoàn thành các tuyến hành lang tiếp tế; hàng vạn dân công hoả tuyến với tất cả các phương tiện vận chuyển từ thô sơ đến cơ giới nườm nượp vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí đạn dược ra mặt trận và thu hồi, vận chuyển về hậu phương những chiến lợi phẩm thu được… Ngày 26/01/1954, chiến dịch Bắc Kon Tum mở màn, có sự tham gia trực tiếp của quân và dân tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 07/02/1954, ta giải phóng Kon Tum, phá tan thế uy hiếp của địch đối với miền tây Quảng Ngãi, đồng thời tập kích Plây-ku, khiến Bộ chỉ huy viễn chinh Pháp bối rối, bị động đối phó. Nava buộc phải ra lệnh cho quân Pháp tháo chạy khỏi Kon Tum và tạm ngừng cuộc hành quân Át-lăng. Trong lúc thực dân Pháp lâm vào thế bị động đối phó trước đòn tấn công quân sự bất ngờ của ta ở chiến trường Bắc Tây Nguyên, lực lượng Công an Quảng Ngãi phối hợp cùng với quân dân toàn Liên khu tranh thủ thời gian tập trung truy quét tàn quân địch, tham gia củng cố vùng mới giải phóng, động viên hơn nữa sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Hơn một tháng sau khi ta giải phóng Bắc Tây Nguyên, với nhận định chủ quan rằng cuộc tiến công của ta đã kết thúc, chủ lực ta hết khả năng tiến công lên Tây Nguyên, ta sắp lui quân về hậu phương để củng cố, Nava hạ lệnh tiếp tục mở lại chiến dịch Át-lăng. Suốt từ tháng 2 - 4/1954, cùng với việc tăng cường đổ bộ tập kích ven biển đốt phá nhà cửa, ngư cụ của dân, tung nhiều gián điệp, biệt kích, bắt ngư dân để khai thác tin tức, khủng bố tinh thần dân chúng, Pháp cho nhiều máy bay, tàu chiến ném bom, bắn phá các cầu Sông Vệ, cầu Cây Bứa (Tư Nghĩa), bắn phá dữ dội xuống thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), Thi Phổ (Mộ Đức) và những nơi mà chúng nghi có kho tàng dự trữ của ta, như: Bình Tân (Bình Sơn), Hành Thịnh (Nghĩa Hành), Phổ Nhơn (Đức Phổ)… Do có sự chỉ đạo chu đáo, kịp thời của các cấp uỷ, chính quyền nên nhân dân không bị động, lúng túng, nhanh chóng khắc phục hậu quả, cất giấu tài sản an toàn… Nhờ những nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn của lực lượng Công an, nhận thức của phần đông dân chúng (nhất là đồng bào ven biển) về âm mưu, thủ đoạn và tình thế của địch cùng với niềm tin về ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến đã tiến bộ rõ rệt. Người dân không còn hoang mang, dao động trước những hoạt động mang tính chất phá hoại, khủng bố của địch và đã biết cách đề phòng, chống lại. Dựa vào nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang tại chỗ, ngành một mặt tăng cường công tác bố phòng tại các vùng xung yếu, bẻ gãy nhiều cuộc đổ bộ tập kích của địch; mặc khác, đẩy mạnh phong trào phòng gian bảo mật, phát hiện kịp thời và truy bắt nhiều tên gián điệp, biệt kích khi chúng xâm nhập vùng tự do, như các tên: Tống Văn Minh, Nguyễn Hoà, Lê Văn Chánh… do cơ quan GCMA tung vào bờ biển Quảng Ngãi, góp phần làm thất bại âm mưu mở lại chiến dịch Át-lăng của quân viên chinh Pháp. Với những nỗ lực không mệt mỏi và vận dụng đúng đắn sách lược đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm hình sự, biết dựa vào dân và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang địa phương, Công an Quảng Ngãi đã cùng một lúc hoàn thành tốt hai nhiệm vụ quan trọng: vừa giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ an toàn các cơ quan, cơ xưởng, kho tàng của Liên khu V đặt tại địa phương và của tỉnh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; vừa phục vụ cuộc phát động đòi giảm tô, cải cách ruộng đất, phục vụ có hiệu quả quá trình chuẩn bị và tiến hành thắng lợi chiến dịch Bắc Tây Nguyên, cùng cả nước tiến lên kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 07/5/1954, quân dân ta giành thắng lợi hoàn toàn tại Điện Biên Phủ; với thất bại thảm hại này, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 20/7/1954), tôn trọng quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, ngừng bắn trên toàn chiến trường Đông Dương, rút khỏi phía bắc vĩ tuyến 17. Với chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trải qua 9 năm gian khổ, lực lượng công an Quảng ngãi dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng đã ngày càng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho. Mỗi bước trưởng thành của Công an Quảng Ngãi luôn gắn liền với sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng: Đảng đào tạo, tuyển chọn và cử sang Công an những đảng viên trung kiên làm hạt nhân lãnh đạo, làm nòng cốt để tiến hành các mặt công tác. Đó là sự quan tâm chỉ đạo, huấn luyện về nghiệp vụ của Công an cấp trên, trực tiếp là Công an Trung Bộ, Công an Liên khu V. Kết hợp giữa đào tạo tại chỗ với chọn cử những đồng chí có triển vọng, kết hợp giữa đào tạo nghiệp vụ với bổ sung kiến thức văn hoá, trang bị và từng bước nâng cao lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ thể hiện tầm nhìn chiến lược của cấp uỷ Đảng và những đồng chí lãnh đạo Ty Công an Quảng Ngãi thời bấy giờ. Khen thưởng và kỷ luật gắn với phong trào rèn luyện, kiểm thảo (chỉnh Đảng) là những biện pháp tích cực trong công tác xây dựng lực lượng, làm cho Công an Quảng Ngãi ngày càng mạnh hơn. Các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy đều được trao cho những người có phẩm chất cách mạng, tuyệt đối trung thành, tận tuỵ hết mình vì nước vì dân. Thấy sai thì sửa. Lắng nghe để thấu hiểu nhân dân và cầu thị. Qua chín năm phấn đấu, bản lĩnh chính trị của đại bộ phận cán bộ chiến sĩ Công an Quảng Ngãi đã được tôi luyện. Đại bộ phận những đồng chí được tập kết ra Bắc, dù ở Công an hay chuyển sang các ngành khác đều giữ được cốt cách Công an, được tín nhiệm cao và khi Đảng điều về Nam chiến đấu đều hăng hái lên đường, đóng vai trò tích cực trong quá trình phục hồi tổ chức và hoạt động của An ninh Quảng Ngãi, An ninh khu V trong thời kỳ chống Mỹ - nguỵ. Số đồng chí được Đảng chọn ở lại trong thời kỳ này đều giữ vững lập trường, khí tiết và hoạt động tốt. Đó thực sự là thành quả về xây dựng lực lượng suốt chín năm kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, là truyền thống đáng tự hào của Công an tỉnh Quảng ngãi. Bài học thành công nổi bật nhất trong chín năm kháng chiến của Công an Quảng Ngãi là vận dụng nhuần nhuyễn biện pháp phát động quần chúng trong công tác đấu tranh chống chiến tranh gián điệp, do thám, chống chiến tranh tâm lý của địch trong đấu tranh trấn áp các phần tử phản động, trong việc bài trừ lưu manh, trộm cắp. “Bình nghị” là một biện pháp vừa mang tính trấn áp vừa có tác dụng răn đe, giáo dục được vận dụng phổ biến và đã tỏ hiệu quả. Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình trưởng thành, Công an Quảng Ngãi cũng còn một số hạn chế. Hạn chế bởi trình độ văn hoá (hậu quả của chế độ thực dân nô dịch), trình độ nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm đã ảnh hưởng tiêu cực đến lề lối, cách thức hành xử trong một số vụ việc, dẫn tới kết quả không được như mong đợi. Với khẩu hiệu “Bảo mật phòng gian”, “Bảo vệ chiến dịch”, tình trạng bắt giữ người một cách vội vàng diễn ra ở cơ sở trong một thời gian gây nên tâm trạng căng thẳng không đáng có. Những năm đầu kháng chiến, lối hỏi cung bằng nhục hình, tra tấn của mật thám Pháp còn ảnh hưởng nặng trong tư duy cán bộ, nhân viên điều tra. Việc áp dụng biện pháp hỏi cung bằng nhục hình đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm chết người (nghi can cắt trộm dây điện thoại), dẫn đến phản ứng của cả một dòng họ ở địa phương (xã Nghĩa Phương), phải nhờ đến uy tín của cụ Nguyễn Công Phương mới dàn xếp ổn thoả. Trong một vài trường hợp, cán bộ thụ lý điều tra còn nôn nóng, bắt đối tượng tình nghi khi chưa thu thập đủ chứng cứ, áp dụng hình thức mớm cung, bức cung, lấy lời cung thay cho chứng cứ… dẫn đến vụ án bế tắc. Trong công tác xây dựng lực lượng, việc thay đổi mô hình tổ chức cho phù hợp với diễn biến tình hình và nhiệm vụ là cần thiết. Tuy nhiên, việc bỏ cấp Công an huyện và buông lỏng quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp Công an xã (Trật tự xã), lập Công an quận (gồm nhiều huyện) những năm 1949-1951, trong khi trình độ quản lý, điều hành và điều kiện phương tiện vô cùng thiếu thốn, là một sai lầm. Hậu quả là công tác nắm tình hình, quản lý an ninh trật tự ở cơ sở lỏng lẻo. Vụ Sơn Hà nổ ra, Công an không phát hiện sớm có nguyên nhân từ sự vận hành mô hình này. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm l ư ợc đã kết thúc thắng lợi, nhưng một nữa đất nước vẫn còn chia cắt, cán bộ, chiến sỹ Công an Quảng Ngãi còn phải tiếp tục chiến đấu với một kẻ thù mới, hung bạo và xảo quyệt gấp nhiều lần. Song với tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng, lực lượng Công an Quảng Ngãi vững vàng bước vào cuộc chiến đấu mới với ý chí quyết thắng, góp phần vào thắng lợi chung trong cuộc đấu tranh giải phóng tỉnh nhà, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước./.
    ([1]):  Tên Huỳnh Hoành, người Huế, tạm cư ở Sông Vệ, đã trốn ra Đà Nẵng từ năm 1952, ở nhà người cô ở Hội An, xin phép “Công an” nguỵ ở Hội An vào vùng tự do đem gia đình về, bị “Công an” nguỵ buộc phải điều tra tình hình bộ đội từ An Tân (Quảng Nam) đến Sông Vệ cho chúng. Qua lớp học, Hoành đã tự kiểm thảo khai nhận, đồng thời phát giác thêm một số trường hợp khác. ([2]): Du là em ruột Nguyễn Hữu Hoàng, địa chủ phản động ở Nghĩa Hành, làm thừa phái của chế độ thực dân phong kiến. Tên này nguyên là giáo viên bất mãn ở Nghĩa Hành bị sa thải, trốn ra Lý Sơn đầu hàng giặc hồi tháng 9/1952 . ([3]): Như Trần Hoàng, Tạ Đình Mỹ, Trang Ngọc Diêu, Lê Trung Nghiệp, Lưu Don Dị, Trần Kỳ Truyện (ở Bình Sơn), nhóm Nguyễn Long, Nguyễn Lựu (ở Đức Nhuận, Mộ Đức). ([4]):  Nguyễn Long, Nguyễn Lựu là những trùm họ đạo Thiên Chúa xứ Bồ Đề, nguyên kỳ hào xã, có nhiều hoạt động chống đối nguy hiểm. Phiên toà mở vào cuối năm 1952, tuyên xử tử hình Nguyễn Long và 10 năm tù đối với Nguyễn Lựu. ([5]): Trong số can phạm, phạm nhân mà các cơ sở này tiếp nhận có: 51 tên gián điệp, tình nghi gián điệp (trong tổng số 250 đối tượng chính trị), 3 đối tượng can tội giết người, 141 tên trộm, 31 tên lừa đảo, bội tín, 45 tên lưu manh du đãng, 105 quân nhân đào ngũ… ([6]):  Trong năm 1953, có 82 phạm nhân trốn trại, lực lượng Công an truy bắt lại 75 phạm nhân. ([7]):  Ngoài tiêu chuẩn Chính phủ qui định và cung cấp, phụ thực (lương thực, thực phẩm phụ thêm) nhờ tăng gia sản xuất được sử dụng cho các trại cải tạo và trại giam của Công an tỉnh Quảng Ngãi trong năm 1953 là 101.118, 64 kg gạo và 11.338.690 đồng. ([8]):  Số này, đến đầu tháng 6/1955, tỉnh Phú Yên đã nhận lại. ([9]):   Đến tháng 10/1953, xuất ăn của một phạm nhân thành án cũng như can phạm đang bị giam cứu được Chính phủ qui định là 19,500kg gạo/1tháng. ([10]):  Đến tháng 11-1953, Trại cải tạo An Ba có 17 giám thị và chiến sĩ canh gác, bảo vệ (trong đó có 14 đảng viên), Trại Phú Châu có 11 cán bộ chiến sĩ (có 8 đảng viên), nhà tạm giam của Ty có 6 cán bộ, chiến sĩ và đều là đảng viên Đảng Công sản Việt Nam. ([11]):  Đội Cảnh vệ (Công an nhân dân vũ trang) làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ các trại cải tạo, trại giam và tạm giam của Công an tỉnh, vũ trang giải quyết những tình huống đột xuất về an ninh trật tự. ([12]): Trong số này, nhiều đồng chí sau đó được Bộ Công an trưng tập tham gia Công an xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, lập nhiều thành tích và được Bộ tặng Giấy khen. ([13]):  Trong đó: số đảng viên xuất thân từ thành phần bần cố nông có 141 người (chiếm 81,5%), trung nông có 22 người (chiếm 12,7%), công nhân 4 người, tiểu tư sản 5 người và phú nông 1 người (~ 0,06%) ([14]): Gồm các khoá học: khoá Chỉnh Đảng cán bộ tỉnh (khoá1), khoá Chỉnh Đảng cán bộ huyện (khoá 1 và 2),khoá Chỉnh Đảng cán bộ ngành Công an do Khu uỷ phụ trách (có 46 cán bộ Công an Quảng Ngãi dự), lớp chỉnh huấn chiến sĩ của Tỉnh đội Quảng Ngãi (Công an có 4 người), lớp chỉnh huấn cơ quan ở Bộ Công an (có 2 cán bộ) và lớp bổ túc nghiệp vụ (có 9 cán bộ chiến sĩ Công an Quảng Ngãi dự). ([15]): Theo Báo cáo tổng kết năm 1953 của Ty Công an tỉnh Quảng Ngãi, ngày 18/11/1953, tài liệu lưu tại Cục Hồ sơ Bộ Công an và bộ phận nghiên cứu lịch sử Công an tỉnh Quảng Ngãi. ([16]):  Nghị quyết Hội nghị Tỉnh uỷ, tháng 4/1953. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1945-1975), trang 107. ([17]): Công an Quảng Ngãi tiến hành điều tra, lập hồ sơ 77 tên địa chủ gian ác và nguy hiểm của tỉnh (6 huyện đồng bằng), trong đó có 40 tên địa chủ, cường hào lớn nhất. ([18]):  “9 điều kỷ luật của Ngành” đề ra cho cán bộ Công an khi tham gia phát động là: 1. Không che chở, bênh vực cho bọn địa chủ và kẻ xấu, thông đồng với chúng cản trở nông dân đấu tranh, không được che chở bênh vực cho gia đình, thân thuộc, bạn bè là cường hào phản động. Phải theo ý kiến của nông dân mà xử lý. 2. Đứng trên lập trường vô sản, không để cho bọn địa chủ, kẻ xấu mua chuộc lợi dụng. Không được ăn hối lộ của địa chủ và kẻ xấu, nếu chúng hối lộ thì phải báo cáo ngay lên cấp trên. 3. Phải trung thành với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân, thẳng tay trừng trị bọn Việt gian, phản động, địa chủ ngoan cố, cường hào gian ác. Nhưng cấm bắt ẩu, đánh ẩu, giết ẩu. 4. Không được báo thù riêng mà mưu hại người khác. 5. Nghiêm chỉnh và gương mẫu chấp hành chế độ và kỷ luật của đoàn phát động. Phải vận động và thúc đẩy những người khác chấp hành. 6. Không được tham ô, lạm dụng, lãng phí những thứ nông dân đấu tranh được. Không được hủ hoá. 7. Không được kìm hãm quyền dân chủ của nông dan, phải thành thực nghe ý kiến của nông dân, kịp thời phản ánh lên cấp trên, không được che dấu tình hình, dấu sai lầm khuyết điểm. 8. Không được lộ bí mật, bất cứ trường hợp nào. 9. Nếu phạm những điều trên đây thì tuỳ theo nặng, nhẹ sẽ bị nghiêm ngặt thi hành kỷ luật. ([19]):  Toàn tỉnh có 32 bãi chông, mỗi bãi dài từ 100m đến 500m, rộng từ 200m đến 300m. Riêng xã Phổ An có 325 hầm chông, 90% gia đình có hầm bí mật ( Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, sách đã dẫn, tr. 119) ([20]): Tình trạng bắt giữ người diễn ra khá phổ biến, có tháng bắt giữ cả trăm người: tháng 6/1953, bắt giữ 74 người; tháng 02/1954, bắt giữ 108 người; từ tháng 5-7/1954, mỗi tháng trung bình bắt giữ 18 trường hợp. ([21]): Từ tháng 11/1953 – 20/7/1954, Ban Chấp pháp Công an tỉnh đã thụ lý 546 can cứu do lực lượng Công an và quần chúng bắt, chuyển lên (290 trường hợp chính trị). Trong số đó, Công an tỉnh giải quyết tha 249 trường hợp, truy tố và chuyển lên Ban bảo vệ Liên khu V 130 trường hợp (35 can phạm chính trị, 95 can cứu về tư pháp).

Tin liên quan


Nội dung trong file đính kèm 22/12/2023

Qua xác minh, N.guyễn T.hị L.ệ T.hương (sinh 1994, cư trú tại: xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) Nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết: Khoảng 12h30' cùng ngày nhận yêu cầu từ L.ê T.ấn H.ải (sinh 1988, cư trú tại xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa) - Quản lý sản phẩm N.. của nhãn hiệu N..., T.hương đến ‎Công ty TNHH MTV T.uyết K.a (88 B.à T.riệu, TP Quảng Ngãi) nhận sản phẩm đến Trường Tiểu học ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm: 19 lốc sữa nhãn nhiều N... và 01 túi 50 gói thạch trái ‎cây N... (tặng kèm khi bán sữa).
Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau cau, thì có nhiều học sinh sử dụng bị ngộ độc phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.‎
Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh ATTP và CDC Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.
Hiện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đang khám và theo dõi sức khỏe cho các em, chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.
Vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh về đồ ăn thức uống trước các cơ sở giáo dục khi bán cho học sinh sử dụng. Trước đó, ngày 02/12/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 6476/VC-PV01(TMCS) chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hàng quán trước cổng trường mua bán các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi có chứa chất ma tuý./.

08/12/2023

I. Đối tượng tuyển chọn

Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ cao hơn, chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện - điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điện công nghiệp.

II. Phương thức tuyển chọn: Xét tuyển

III. Số lượng cần tuyển

- 11 chỉ tiêu cán bộ công nghệ thông tin (Quản trị mạng; Máy chủ; Quản trị cơ sở dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Phần mềm, ứng dụng).

- 01 chỉ tiêu cán bộ kỹ thuật (điện, điều hòa chính xác, ắc quy, bể dầu và phòng cháy, chữa cháy hệ thống công nghệ thông tin). 

*Toàn văn Thông báo xem tại file đính kèm./.

08/12/2023

Ba cảnh báo phát đi chưa ráo mực, ngày 03/12/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thủ đoạn mới lừa đảo trực tuyến bằng việc "điều chỉnh dữ liệu quốc gia cấp 2", cụ thể:

Khoảng 10h00' sáng ngày 03/12/2023, một người dân (gốc Quảng Ngãi) hiện cư trú ở TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số 0395.719.46... thông báo "dữ liệu cấp 2" do phường cập nhật chuyển lên quận bị nghẽn, đề nghị lên quận điều chỉnh, hoặc sẽ có người hỗ trợ qua zalo.

Khoảng 30' sau, có 02 số máy 0866.656.46..., 0394.999.24... giới thiệu là "nhân viên hướng dẫn" ở quận hỗ trợ người dân tải App "dichvucong" bằng cách đăng nhập Google tải "dichvucong.lgov.net" (Hình 1) với điều kiện máy smatphone có hệ điều hành Android.

Hình 1

Do máy smatphone người dân này không trùng hệ điều hành, nên mượn tạm máy của người cha ruột (mới nghỉ hưu, từ Quảng Ngãi vào thăm con) thao tác. 

Khi tải được ứng dụng, "nhân viên hướng dẫn" yêu cầu đăng nhập kích hoạt ứng dụng bằng số điện thoại cá nhân và tự tạo một mật khẩu (Hình 2).

Hình 2

Khi ứng dụng dichvucong.lgov.net được kích hoạt, máy hiện tỷ lệ % kích hoạt (Hình 3).

Hình 3

Kích hoạt xong, không liên lạc được với "nhân viên hướng dẫn" để làm bước tiếp theo.

Người cha nghi ngờ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng VCB trên máy smatphone thì toàn bộ 83 triệu tiền lương tích cóp đã mất.

Kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng, thì thời điểm kích hoạt ứng dụng cũng là lúc hai lần tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng của kẻ gian.

Vụ việc đang được kiểm tra, xác minh.

KHUYẾN CÁO:

1. Lực lượng Công an hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID trực tiếp.

2. Mọi trường hợp khi kích hoạt thì không có lỗi, trừ trường hợp người dân cung cấp sai số điện thoại hoặc thay số điện thoại thì phải đăng ký lại trực tiếp tại Đội CSQLHC về TTXH Công an cấp huyện hoặc báo trực tiếp cho Công an cấp xã để cấp xã báo Công an cấp huyện điều chỉnh, hoàn toàn không hỗ trợ qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. 

3. Mọi trường hợp thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân cần liên hệ với công an cơ sở nơi cư trú để được hỗ trợ./.

 

04/12/2023

1. Phòng Cảnh sát giao thông: chuyển đến làm việc tại trụ sở số 200 Trường Chinh, phường Chánh Lộ, Tp. Quảng Ngãi​.

2. Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh và Phòng An ninh mạng: chuyển đến làm việc tại trụ sở số 403 Lê Lợi, phường Nghĩa Lộ, Tp. Quảng Ngãi.

Số điện thoại, fax và các thông tin liên quan khác của các đơn vị nêu trên vẫn không thay đổi.

Công an tỉnh thông báo để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân biết, liên hệ công tác./. 

27/11/2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1106

Tổng số lượt xem: 7901432