Truy cập nội dung luôn

Loạt bài: Chuyện ghi từ Ba Lế (Kỳ 2)

27/02/2024 15:31    1053

 Kỳ 2: CÕNG CHỮ VƯỢT SÔNG, LÊN ĐỈNH NÚI

Tiếng ê a đánh vần trên đỉnh núi giữa đêm, tiếng người đàn ông trấn an bọn trẻ rồi cõng từng đứa vượt sông Liên đến trường. Những hình ảnh thân thuộc ấy, ít ai biết là hành trình đưa đồng bào Hre vượt qua khó nghèo của Công an xã Ba Lế.

Nơi đỉnh núi, những đứa trẻ du mục theo gia đình đi khai thác gỗ keo thoát khỏi cảnh mù chữ khi Công an xã Ba Lế cõng chữ lên đỉnh núi. Giữa lán trại trên núi cao lộng gió, nghe tiếng ê a đánh vần của tụi nhỏ vọng niềm tin về phía tương lai.

Khao khát con chữ nơi đỉnh núi

Ì ạch “tha” chiếc xe máy vượt con dốc trơn trượt lên đỉnh núi, Đại úy Phạm Văn Đành thở phì phò, nói "Một năm thì khoảng 8 tháng, nhiều cặp vợ chồng đùm túm dắt con cái lên rừng dựng chòi làm nghề khai thác gỗ keo". Đó là bảng tóm tắt ấn tượng về những gia đình mà chúng tôi sắp gặp.

Theo hướng tay của Đại úy Đành chỉ về đỉnh núi khu vực giáp ranh giữa huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) với huyện An Lão (tỉnh Bình Định) là những tấm bạt chòi của các gia đình du mục theo cây keo. Hết đoạn dốc trượt, chiếc xe máy cà tàng lại phát huy công năng, gồng mình đèo chúng tôi trên con đường xập xình. Vừa lái xe, Đại úy Đành vừa kể chuyện những đứa trẻ du mục nơi đây trong cảm thương.

Các gia đình du mục dựng lều bạt trên đỉnh núi mưu sinh khai thác gỗ keo

Do thiếu đất sản xuất, nhiều gia đình đồng bào Hre ở xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ sống đời làm thuê, rong ruổi khắp núi rừng mưu sinh. "Muốn giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, trước hết phải giúp bà con xóa mù chữ để biết tính toán, làm ăn" Đại úy Đành chia sẻ.

Con chữ trên núi cao không dễ dàng, muốn cha mẹ cũng tham gia học chữ cùng con mình. Công an xã Ba Lế phải có mặt lúc chiều tà. Khi chiếc xe tải chở gỗ keo gầm gừ xuống núi, bà con cũng về lại lán trại nghỉ ngơi sau một ngày đừ đẫn.

Vợ chồng anh Phạm Văn Vân quần áo lấm lem vội cầm 2 can nước ra con suối tít đằng xa lấy nước về dùng. Trong căn chòi lá tạm bợ được vá víu bằng tấm bạt, anh Vân cho hay: “Trên 20 lều chòi nơi đây đều là người dân xã Ba Khâm và Ba Trang đi làm gỗ keo. Chúng tôi đi cả nhà, làm từ sáng sớm đến chiều mới nghỉ, về trại nấu ăn”.

Những người dân chọn đời du mục theo cây keo trên đỉnh núi đều mù chữ, vài người may mắn hơn thì chữ nghĩa sấp ngửa. Ít học, thiếu đất sản xuất, họ chọn đời du mục như một sinh kế.

Người lớn khai thác gỗ keo, trẻ con ở chòi học bài

Anh Phạm Văn Vân nói: “Vợ chồng đều không biết chữ nên có việc làm là tốt lắm rồi. Nên ráng làm kiếm tiền”. Anh Vân hiểu rõ tính quan trọng của cái chữ, nên vẫn cho con đến trường. “Mùa hè tôi và bà con mới dẫn tất cả con cái lên núi. Còn thời gian các cháu đến trường thì gửi nội ngoại, hàng xóm theo dõi, chăm sóc. Vợ chồng tôi chở mấy đứa nhỏ 5 tuổi, 4 tuổi này vào rừng để tiện chăm sóc" vợ anh Vân tiếp lời.

Vừa đi vừa nói chuyện, chốc lát tới khu vực đông lều trại nhất. Đám trẻ ùa ra vây kín Đại úy Phạm Văn Đành hỏi đủ chuyện: "Thầy lên rồi. Thầy mang tập truyện cho em không?"… Những cuốn sách vở, truyện cột kỹ yên xe được Đại úy Đành phân phát từng em.

Những người chọn đời du mục đều quen thuộc với sự xuất hiện của Đại úy Đành. Họ xem Công an xã như “ngọn đuốc” thắp sáng đời mình. Lớp học được mở ra cho trẻ con, nhưng có cả người lớn cùng ngồi học. Khát khao con chữ chưa bao giờ dừng lại, có chăng vì cuộc mưu sinh quá vất vả mà họ tạm lãng quên.

Đại úy Đành bảo đã sàng lọc chữ nghĩa của già trẻ lớn bé đang du mục. Trừ những học sinh học bậc tiểu học và trung học cơ sở, còn lại là những người chưa bao giờ biết đến cái chữ nên rất vất vả. "Cùng ăn, cùng ở mới cảm nhận rõ bất cập của bà con khi không biết chữ. Vậy nên, tôi cố gắng xóa mù chữ cho bà con” Đại úy Đành trăn trở.

Lớp học của Đại úy Phạm Văn Đành trên đỉnh núi

Lớp học đèn pin giữa rừng

Lớp học đơn sơ, tấm bảng nhựa mỏng treo trên thân cây, bọn trẻ xúm lại viết chữ. Xóa rồi lại viết, nhịp điệu ấy được neo giữ bởi người Công an xã, bất đắc dĩ thành thầy giáo.

Suốt buổi, Đại úy Đành hết lên bảng rồi khòm lưng chỉ tận tay từng trò. Thời gian như ngừng trôi trong khoảnh khắc yêu thương ấy. Thầy Đành vẫn miệt mài tỉ mỉ chỉ bảo các trò ê a đánh vần con chữ bên lán trại. Những đôi mắt ngây thơ nhìn vào trang vở, miệng líu lo đành vần. Các cháu hồn nhiên đọc chữ, đùa vui giữa núi rừng.

14 tuổi học lớp 7, em Phạm Văn Vương vừa tranh thủ lột vỏ keo cho đủ ngày công và chạy vội về trại học chữ. Vương và các bạn chú lắng nghe thầy Đành giảng bài. Đứa trẻ nào cũng chăm chú nhìn lên bảng, vẻ mặt đầy háo hức. "Ngày hè em theo cha mẹ và các em vào rừng. Vừa có thêm tiền công lột vỏ keo em còn được thầy Đành dạy thêm kiến thức" em Vương hớn hở. Lời nói ngây thơ của đứa trẻ vừa thương vừa xót xa. Có lẽ, Vương không biết anh Đành đã sống bằng tất cả yêu thương và trách nhiệm của một người Công an cơ sở mới lặn lội vào rừng dạy chữ cho chúng.

Đại úy Phạm Văn Đành dạy học cho các cháu nhỏ

19 giờ đêm sau cơm tối mỗi gia đình, lần lượt cha mẹ tay cầm đèn pin lần dẫn các cháu tới chòi trung tâm để học. Đây là thời gian đông học trò nhất. Ánh đèn pin của thầy, trò lập lòe sáng theo con chữ. Dần dần, âm thanh vang vọng giữa đêm hoang vu nơi góc núi. Cả cha mẹ, con cái đều đánh vần con chữ. Cha mẹ chẳng khác nào con cái, họ đều tập chững con chữ vỡ lòng của đời mình. Đại úy Đành nói hơn 90% người khai thác keo không biết chữ. Vậy nên, lớp học ở đây có đủ các lứa tuổi, có cả các bà, các mẹ U60 tuổi cũng hăng hái đến học.

Để giúp mọi người nơi đỉnh núi này nhanh biết đọc, biết viết, tận dụng lợi thế bản thân là người Hre, “thầy Đành” phiên dịch, dạy song song cả tiếng Hre và tiếng phổ thông để uốn nắn từng cái chữ, con số nên mọi người tiếp thu bài nhanh hơn.

Đại úy Phạm Văn Đành dí dỏm: "Có lẽ tôi chỉ có duyên được làm thầy giáo dạy các em trên đỉnh núi thôi". Vui vì được bà con ghi nhận, bà con được biết chữ, trăn trở vì đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số mưu sinh nơi đỉnh núi này còn nhiều gian nan, vất vả. “Tôi luôn mong muốn những con chữ tôi đem đến cho bà con có thể giúp họ học được, áp dụng được. Thế nên chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ dừng lại công việc này, với hy vọng tương lai bà con sẽ có cuộc sống ấm no hơn” Đại úy Phạm Văn Đành nỗi niềm.

Còn anh Phạm Văn Vân khẳng định: "Nhờ có Công an xã Phạm Văn Đành mà chúng tôi càng quí con chữ. Có ăn học kiếm cái nghề thì đời mới bớt cơ cực. Nếu không thì chỉ quẩn quanh, làm thuê trong rừng, biết bao giờ mới hết khổ!”.

Các em dùng đèn pin học bài trong căn chòi ban đêm

Cõng chữ qua sông dữ

Thôn Làng Tốt có trên 40 học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học, Trung học xã Ba Lế, đa phần là người dân tộc Hre. Để đến được 2 điểm trường, hàng ngày ngoài việc phải đi bộ 12 km, các em phải vượt qua 2 con sông Vả Lết và sông Liên. Ngày nắng, con đường các em đến lớp vẫn còn dễ đi hơn một chút. Những ngày mưa, ngày lũ là cả một hành trình gian nan với trò thôn Làng Tốt.

Năm 2023, chiếc cầu mới bắt qua sông Vả Lết đã xây dựng xong. Nhưng vẫn còn đó sông Liên dữ tợn, đe dọa học sinh đến trường. Chị Phạm Thị Hòa, ở xóm Vả Gia Ri, thôn Làng Tốt kể rằng, xóm Vả Gia Ri có khoảng 20 hộ dân nằm bên kia dòng sông Liên. Muốn qua bên này phải lội qua sông.

Mùa mưa bão việc qua lại sông Liên như đánh đu với thủy thần. Nước hung tợn quá, học sinh phải nghỉ học. Nỗi khổ nữa là hai nhánh sông Liên bao vây Làng Tốt thường xuyên thay đổi thất thường trong ngày. Có khi buổi sáng trời quang mây tạnh, cha mẹ học sinh cõng con qua sông đến trường, nhưng mặt trời chưa kịp đứng bóng, đột ngột nước sông ào ào dâng lên, cuồn cuộn chảy do có mưa ở phía thượng nguồn.

"Nếu buổi sáng cõng con qua sông, khi đón con về được thì trời đã gần trưa, vậy là sắp hết nửa ngày công làm ăn. Chúng tôi còn phải lo lên rẫy kiếm cái ăn. Nước lớn không qua được sông thì đành nghỉ học" Chị Phạm Thị Hòa giãi bày.

Thượng úy Phạm Văn Đành - Công an xã Ba Lế đưa học sinh qua sông kịp đến trường

Khi nhận công tác địa bàn Làng Tốt, Thượng úy Phạm Văn Nãy - Công xã Ba Lế xót xa chứng kiến các em phải nghỉ học hay nguy hiểm lội qua sông nước lớn đến trường. "Tôi tranh thủ sắp xếp công việc của cơ quan để vào Làng Tốt đưa đón các em qua sông. Khi cõng các em trên lưng, đó không chỉ là những học trò nhỏ thân yêu mà trên đôi vai tôi còn là thế hệ măng non - tương lai của quê hương mình" Thượng úy Nãy bộc bạch.

          Thượng úy Phạm Văn Nãy cõng học sinh qua sông Liên đến trường

Ước mơ có được một chiếc cầu vững chắc vẫn là điều quá xa xôi của người dân Làng Tốt nhưng tình yêu thương, hết lòng phục vụ nhân dân của Công an xã chính là sợi dây kết nối người dân Làng Tốt đến với bến bờ tương lai.

Hơn 2 năm qua, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Công an xã Ba Lế hỗ trợ đưa các em qua sông. Hình ảnh “Công an xã Ba Lế cõng học sinh qua sông đến trường” đã quá quen thuộc với người dân Làng Tốt nhiều năm qua. "Có lần tình cờ người dân ghi lại hình Công an xã cõng học sinh qua sông và đưa lên mạng xã hội. Hình ảnh lan tỏa và được bầu chọn là hình ảnh lan tỏa đứng vị trí thứ nhì tại Chương trình “Ấn tượng VTV Award” năm 2022, nhằm tôn vinh những câu chuyện, nhân vật, hình ảnh đẹp, lan tỏa trên truyền hình VTV" Đại úy Phạm Văn Đành chia sẻ.

“Chúng ta học để tự viết được cái tên, biết làm phép tính. Biết chữ rồi, dù đi đâu trên đất nước này cũng tự tin, không phải lo lắng” những lời chia sẻ của Đại úy Phạm Văn Đành với bà con đồng bào Hre trên đỉnh núi cứ vang vọng theo tôi ngược con dốc ngoằn ngoèo vạch màn sương dày đặc khi rời núi về lại miền xuôi./.

Thành Sự


02/05/2024

Nội dung trong file đính kèm 22/12/2023

Qua xác minh, N.guyễn T.hị L.ệ T.hương (sinh 1994, cư trú tại: xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) Nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết: Khoảng 12h30' cùng ngày nhận yêu cầu từ L.ê T.ấn H.ải (sinh 1988, cư trú tại xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa) - Quản lý sản phẩm N.. của nhãn hiệu N..., T.hương đến ‎Công ty TNHH MTV T.uyết K.a (88 B.à T.riệu, TP Quảng Ngãi) nhận sản phẩm đến Trường Tiểu học ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm: 19 lốc sữa nhãn nhiều N... và 01 túi 50 gói thạch trái ‎cây N... (tặng kèm khi bán sữa).
Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau cau, thì có nhiều học sinh sử dụng bị ngộ độc phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.‎
Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh ATTP và CDC Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.
Hiện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đang khám và theo dõi sức khỏe cho các em, chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.
Vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh về đồ ăn thức uống trước các cơ sở giáo dục khi bán cho học sinh sử dụng. Trước đó, ngày 02/12/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 6476/VC-PV01(TMCS) chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hàng quán trước cổng trường mua bán các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi có chứa chất ma tuý./.

08/12/2023

I. Đối tượng tuyển chọn

Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ cao hơn, chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện - điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điện công nghiệp.

II. Phương thức tuyển chọn: Xét tuyển

III. Số lượng cần tuyển

- 11 chỉ tiêu cán bộ công nghệ thông tin (Quản trị mạng; Máy chủ; Quản trị cơ sở dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Phần mềm, ứng dụng).

- 01 chỉ tiêu cán bộ kỹ thuật (điện, điều hòa chính xác, ắc quy, bể dầu và phòng cháy, chữa cháy hệ thống công nghệ thông tin). 

*Toàn văn Thông báo xem tại file đính kèm./.

08/12/2023

Ba cảnh báo phát đi chưa ráo mực, ngày 03/12/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thủ đoạn mới lừa đảo trực tuyến bằng việc "điều chỉnh dữ liệu quốc gia cấp 2", cụ thể:

Khoảng 10h00' sáng ngày 03/12/2023, một người dân (gốc Quảng Ngãi) hiện cư trú ở TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số 0395.719.46... thông báo "dữ liệu cấp 2" do phường cập nhật chuyển lên quận bị nghẽn, đề nghị lên quận điều chỉnh, hoặc sẽ có người hỗ trợ qua zalo.

Khoảng 30' sau, có 02 số máy 0866.656.46..., 0394.999.24... giới thiệu là "nhân viên hướng dẫn" ở quận hỗ trợ người dân tải App "dichvucong" bằng cách đăng nhập Google tải "dichvucong.lgov.net" (Hình 1) với điều kiện máy smatphone có hệ điều hành Android.

Hình 1

Do máy smatphone người dân này không trùng hệ điều hành, nên mượn tạm máy của người cha ruột (mới nghỉ hưu, từ Quảng Ngãi vào thăm con) thao tác. 

Khi tải được ứng dụng, "nhân viên hướng dẫn" yêu cầu đăng nhập kích hoạt ứng dụng bằng số điện thoại cá nhân và tự tạo một mật khẩu (Hình 2).

Hình 2

Khi ứng dụng dichvucong.lgov.net được kích hoạt, máy hiện tỷ lệ % kích hoạt (Hình 3).

Hình 3

Kích hoạt xong, không liên lạc được với "nhân viên hướng dẫn" để làm bước tiếp theo.

Người cha nghi ngờ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng VCB trên máy smatphone thì toàn bộ 83 triệu tiền lương tích cóp đã mất.

Kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng, thì thời điểm kích hoạt ứng dụng cũng là lúc hai lần tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng của kẻ gian.

Vụ việc đang được kiểm tra, xác minh.

KHUYẾN CÁO:

1. Lực lượng Công an hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID trực tiếp.

2. Mọi trường hợp khi kích hoạt thì không có lỗi, trừ trường hợp người dân cung cấp sai số điện thoại hoặc thay số điện thoại thì phải đăng ký lại trực tiếp tại Đội CSQLHC về TTXH Công an cấp huyện hoặc báo trực tiếp cho Công an cấp xã để cấp xã báo Công an cấp huyện điều chỉnh, hoàn toàn không hỗ trợ qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. 

3. Mọi trường hợp thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân cần liên hệ với công an cơ sở nơi cư trú để được hỗ trợ./.

 

04/12/2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1452

Tổng số lượt xem: 8117308