Truy cập nội dung luôn

MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN CỦA TỘI PHẠM LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN QUA KHÔNG GIAN MẠNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

29/08/2022 14:00    313

Hiện nay, kẻ xấu thực hiện một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng đã và đang gây bức xúc trong Nhân dân. Do đó cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo và khuyến cáo các giải pháp phòng ngừa để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm này.

 

Cảnh báo lừa đảo trên không gian mạng

Thủ đoạn, phương thức tuyển cộng tác viên bán hàng online để hưởng hoa hồng:

* Thủ đoạn: Các đối tượng đăng các tin, bài viết về việc tuyển cộng tác viên bán hàng online, người bán hàng không cần vốn, không cần đến công ty, bán hàng mọi nơi, làm việc trong thời gian rảnh rỗi, thu nhập từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng,… Các đối tượng chủ động nhắn tin, hướng dẫn mua các đơn hàng ảo bằng cách lập trình tạo một hóa đơn thanh toán cho một sản phẩm thành công, yêu cầu người tham gia làm nhiệm vụ chuyển trước tiền để mua các đơn hàng nhưng không nhận được hàng (đơn hàng này để quảng cáo sản phẩm được nhiều người tiêu dùng tin và mua hàng), sau khi hệ thống bán được hàng thì người tham gia sẽ nhận được phần trăm hoa hồng là từ 8% đến 20% của đơn hàng bán được, đơn hàng của các đối tượng gửi đến để làm nhiệm vụ thường là mũ bảo hiểm, giày dép, đồng hồ, nước hoa, túi xách, ti vi, tủ lạnh… trị giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng. Ở nhiệm vụ thứ 1, thứ 2 đơn hàng có giá trị thấp khoảng vài trăm nghìn đồng, người tham gia chuyển tiền lần 1, lần 2 sẽ được đối tượng nhanh chóng thanh toán đầy đủ nên sẽ muốn làm nhiều đơn hàng hơn. Từ nhiệm vụ thứ 3 các đối tượng gửi những đơn hàng giá trị cao hơn và yêu cầu thanh toán để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền thanh toán xong hóa đơn, đối tượng báo đơn hàng xử lý bị chậm, quá thời gian quy định nên đơn hàng đã bị đóng băng, người tham gia chưa hoàn thành nhiệm vụ và phải tiếp tục mua thêm đơn hàng khác (thực hiện nhiệm vụ bù lỗi) thì mới được nhận tiền, người tham gia tiếp tục chuyển tiền thì các đối tượng chiếm đoạt.

* Khuyến cáo: Đề nghị người dân không tham gia làm cộng tác viên. Không chuyển bất cứ khoản tiền nào để mua đơn hàng hoặc xác minh thông tin theo yêu cầu của đối tượng.

Thủ đoạn, phương thức vay tiền qua ứng dụng (APP)

Thủ đoạn: Các đối tượng đã tạo ra các ứng dụng (APP) giả mạo, từ hình ảnh, logo, địa chỉ, đăng ký kinh doanh đến mẫu hợp đồng tín dụng và các thông tin của những công ty, tổ chức tín dụng đã được nhà nước cấp phép hoạt động để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, các đối tượng tung lên các ứng dụng xã hội trực tuyến như: Facebook, Zalo, Telegram,… kèm các lời quảng cáo có cánh như: “giải ngân nhanh trong 05 phút, không cần thẩm định hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng có tiền”,... Khi người dân có nhu cầu vay vốn, liên hệ với các đối tượng quản lý các ứng dụng (APP) giả mạo nêu trên, sau khi trao đổi nhu cầu vay vốn, các đối tượng dựng lên các bước tiếp nhận giả mạo, xét duyệt cho vay một cách tinh vi (sử dụng các câu hỏi nghiệp vụ tín dụng về mục đích vay, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ cư trú, nghề nghiệp, mức thu nhập,...). Người có nhu cầu vay vốn được đối tượng gửi cho các đường dẫn tới các website, ứng dụng điện thoại và hướng dẫn thực hiện cung cấp thông tin, đăng ký tài khoản vay và các thủ tục khác để “hoàn thiện hồ sơ cấp tín dụng”. Tóm lại, chúng giả mạo như một hình thức cho vay của một tổ chức tín dụng đã được nhà nước cấp phép để yêu cầu khách hàng ký kết hợp đồng vay. Khi đã hoàn tất việc giao kết hợp đồng, đối tượng yêu cầu người vay vốn chuyển trước cho chúng một khoản phí tương ứng (từ 10% đến 50% giá trị khoản vay) vào tài khoản ngân hàng đã được chỉ định sẵn tại thông báo tín dụng (giả mạo) với lý do nhằm xác thực thông tin ngân hàng của người vay, tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin, số tiền vay vượt quá định mức vay,.... Trong trường hợp người vay không hợp tác chuyển khoản phí xác thực theo yêu cầu, đối tượng dựng chuyện về khoản vay đã được kích hoạt, tiền trong tài khoản của khách hàng sẽ bị trừ hàng tháng theo hợp đồng đã được ký kết và chúng sẽ “xếp thông tin của người vay vào danh sách lừa đảo”. Đồng thời, chúng đe dọa sẽ tung thông tin cá nhân của khách hàng lên các mạng xã hội và các thông tin liên hệ trong danh bạ, các đối tượng luôn yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản mà chúng cung cấp để chiếm đoạt tài sản. Còn người vay, sau khi chuyển khoản tiền phí theo yêu cầu, đối tượng “vẽ” ra nhiều thứ phí khác và cuối cùng không nhận được bất kỳ khoản tiền vay nào từ chúng. Sau khi nạn nhân đã chuyển tiền, các đối tượng khóa tất cả các sim và tài khoản liên hệ trước đó.

* Khuyến cáo: Để tránh bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo, khuyến cáo người dân không nên thực hiện các giao dịch tương tự như trên qua các ứng dụng (APP) khi chưa xác định được độ tin cậy. Không chuyển bất cứ khoản tiền nào để làm thủ tục vay tiền hoặc chứng minh tài chính. Khi có nhu cầu vay vốn, đề nghị người dân trực tiếp đến các trụ sở giao dịch của Ngân hàng, các tổ chức tín dụng có uy tín được nhà nước cấp phép để thực hiện nhu cầu vay vốn nhằm hạn chế thấp nhất mức rủi ro không đáng có.

Thủ đoạn, phương thức hack Zalo, Facebook của người thân quen sau đó nhắn tin vay mượn tiền, nạp thẻ điện thoại, chuyển khoản hộ

Thủ đoạn: Các đối tượng thường thực hiện theo các bước: Đầu tiên đối tượng thực hiện thao tác chiếm quyền sử dụng tài khoản Zalo, Facebook của người sử  dụng hoặc thông báo trúng thưởng, nâng cấp tài khoản, sau đó gửi đường link lạ để người sử dụng kích vào và làm theo hướng dẫn, người sử dụng điền các thông tin cá nhân và bị đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản Zalo, Facebook, sau đó giả danh chủ tài khoản nhắn tin cho những người quen biết trong nhóm bạn bè (thông thường là bạn bè, các mối quan hệ có uy tín của người bị hại,…) để mượn tiền hoặc nhờ nạn nhân chuyển tiền giúp vào một tài khoản (không phải tên chủ tài khoản Zalo, Facebook) ở một ngân hàng, vì nhiều lý do, vướng mắc nào đó mà chủ tài khoản Facebook, Messenger không thể tự mình nhận tiền. Khi nạn nhân gọi video Zalo, Facebook nhưng hình ảnh bị nhoà và nhiễu, chất lượng âm thanh không rõ, sau đó tắt máy với lý do mạng yếu, đang làm việc, đang đi ngoài đường,… Với chiêu trò này, người nhận được những tin nhắn thường không nghi ngờ gì vì cứ nghĩ bên kia đúng là bạn bè người thân của mình và họ đang cần giúp đỡ về tiền bạc. Sau đó, có thể thực hiện việc chuyển khoản tiền ngay cho các đối tượng này. Khi đã chuyển tiền, nạn nhân mới liên lạc với chủ tài khoản Zalo, Facebook thì phát hiện mình bị lừa, không thể liên lạc với chủ tài khoản tại ngân hàng.

* Khuyến cáo: Người dân khi nhận được bất kỳ tin nhắn vay, mượn tiền trên mạng xã hội, nhất là Zalo, Facebook thì cần phải trực tiếp xác minh bằng cách gọi điện thoại vào số điện thoại của người vay, mượn tiền để xác thực, kiểm tra thông tin thật kỹ trước khi chuyển tiền. Tuyệt đối không được click vào các link lạ bất kỳ qua tin nhắn trên mạng xã hội. Thường xuyên kiểm tra, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội và thay đổi mật khẩu đảm bảo độ mạnh của mật khẩu. Khi tham gia vào các nhóm trên mạng xã hội, cần lựa chọn, không nên tham gia đại trà. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội như: địa chỉ nhà ở, số điện thoại, cơ quan làm việc… để kẻ gian lợi dụng phạm tội, chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn, phương thức giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát

Thủ đoạn: Các đối tượng gọi điện thoại đến số điện thoại nạn nhân hiển thị số 113 (sử dụng kỹ thuật) xưng là Cán bộ điều tra, Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên thuộc Cơ quan điều tra của Công an hoặc của Viện kiểm sát và thông báo nạn nhân đang bị điều tra liên quan đến một vụ án: Rửa tiền, Buôn bán ma tuý, Buôn lậu, Tai nạn giao thông,... yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền vào một tài khoản khác để xác minh nếu không sẽ bị khởi tố, bắt giam. Các đối tượng khởi tạo giả mạo các Lệnh bắt giữ hình sự và phong tỏa tài sản trong đó nêu đích danh thông tin nạn nhân nhằm làm cho nạn nhân tin là thật, nếu không chuyển tiềnn để phục vụ công tác điều tra, xác minh thì sẽ bị bắt giữ và phong tỏa tài khoản. Nạn nhân chuyển tiền đến số tài khoản mà đối tượng cung cấp, sau đó đối tượng sẽ cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân.

* Khuyến cáo: Người dân không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng. Cơ quan Công an, Viện kiểm sát không bao giờ làm việc qua điện thoại, không bao giờ yêu cầu chuyển bất cứ số tiền nào vào tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức để phục vụ công tác điều tra, xác minh.

Thủ đoạn, phương thức giả mạo người nước ngoài để kết bạn làm quen và tặng quà, vật phẩm có giá trị

Thủ đoạn: Các đối tượng khởi tạo các tài khoản mạng xã hội trên mạng Internet lấy tên tiếng nước ngoài và nói đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài chủ động nhắn tin, kết bạn làm quen với nạn nhân, đối tượng nói với nạn nhân rằng rất yêu mến con người Việt Nam, muốn sinh sống và làm ăn ở Việt Nam, đối tượng sẽ tặng nạn nhân một món quà: tiền, trang sức, vàng bạc,… hoặc sẽ gửi một số tiền từ nước ngoài về Việt Nam để đầu tư làm ăn, nhân viên của Công ty chuyển phát bưu phẩm quốc tế sẽ liên lạc chuyển quà tặng hoặc số tiền cho nạn nhân. Sau đó các đối tượng giả danh nhân viên bưu điện, sân bay,… liên lạc với nạn nhân yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do nhân viên cung cấp thì mới nhận được bưu phẩm, với nhiều lý do như: nạn nhân cần phải đóng tiền thuế hải quan, đóng tiền phạt vì soi máy chiếu thấy có nhiều tiền, trang sức, vàng bạc… Do nhẹ dạ, cả tin nên nạn nhân đã nhiều lần chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng do nhân viên của Công ty chuyển phát bưu phẩm cung cấp. Sau khi chuyển tiền nhiều lần, nạn nhân vẫn không nhận được bưu phẩm.

* Khuyến cáo: Người dân không kết bạn làm quen với đối tượng lạ, đối tượng là người nước ngoài nếu không rõ mối quan hệ, chưa từng gặp mặt. Không chuyển bất cứ khoản tiền, chi phí nào để nhận bưu phẩm. Hiện nay không cho phép chuyển gửi tiền, trang sức, vàng bạc...qua đường bưu điện, qua chuyển phát nhanh nên sẽ không có thùng hàng, bưu phẩm nào ở sân bay cả. Khi thanh toán các khoản phí phải có hóa đơn chứng từ có dấu đỏ của cơ quan nhà nước, không thanh toán qua tài khoản ngân hàng của cá nhân.

Thủ đoạn, phương thức nhắn tin qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook,… thông báo trúng thưởng

Người dùng sẽ nhận được tin nhắn với nội dung: Chúc mừng bạn đã may mắn trúng giải đặc biệt là số tiền mặt lớn, xe Vespa hoăc xe SH trong chương trình tri ân khách hàng của Zalo, Facebook,.... Sau đó các đối tượng yêu cầu người trúng thưởng nộp tiền phí vào tài khoản ngân hàng cá nhân hoặc truy cập vào địa chỉ trang web do đối tượng cung cấp, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để đăng ký nhận thưởng. Khi nạn nhân truy cập vào các trang web lạ sẽ bị mất hết tiền trong tài khoản.

* Khuyến cáo: Người dân không liên lạc lại, không nộp bất cứ khoản tiền nào làm hồ sơ nhận thưởng. Không đăng nhập vào đường link lạ do đối tượng cung cấp. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác biết.

Thủ đoạn, phương thức lừa bán hàng trên mạng xã hội Zalo, Facebook,…

Các đối tượng đưa những thông tin, quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm, món hàng,… với giá thấp hoặc siêu khuyến mãi,… trên các mạng xã hội như: Zalo, Facebook,… khi có người mua đặt hàng thì thỏa thuận và yêu cầu người mua phải chuyển tiền trước rồi mới gửi hàng sau. Đối tượng thường tung ra các chiêu trò khuyến mãi, giảm giá đặc biệt trong khung thời gian nhất định để hối thúc người mua chuyển tiền đặt mua hàng. Sau khi chuyển các khoản tiền để mua hàng nhưng không nhận được hàng và không liên lạc được với đối tượng.

* Khuyến cáo: Người dân cần cảnh giác khi tìm mua các mặt hàng hoặc nhập hàng từ người khác trên mạng xã hội, cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp bất thường hoặc siêu khuyến mãi. Nên mua hàng của các nhà cung cấp dịch vụ có uy tín, có thương hiệu, đăng ký hoạt động kinh doanh và đã được cơ quan chức năng cấp phép, có thông tin liên lạc rõ ràng như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế,...

Khi phát hiện các thông tin, hành vi vi phạm có liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đề nghị người dân thông báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xác minh làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./. Trung Tẩn

Tin liên quan


02/05/2024

Nội dung trong file đính kèm 22/12/2023

Qua xác minh, N.guyễn T.hị L.ệ T.hương (sinh 1994, cư trú tại: xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) Nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết: Khoảng 12h30' cùng ngày nhận yêu cầu từ L.ê T.ấn H.ải (sinh 1988, cư trú tại xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa) - Quản lý sản phẩm N.. của nhãn hiệu N..., T.hương đến ‎Công ty TNHH MTV T.uyết K.a (88 B.à T.riệu, TP Quảng Ngãi) nhận sản phẩm đến Trường Tiểu học ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm: 19 lốc sữa nhãn nhiều N... và 01 túi 50 gói thạch trái ‎cây N... (tặng kèm khi bán sữa).
Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau cau, thì có nhiều học sinh sử dụng bị ngộ độc phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.‎
Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh ATTP và CDC Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.
Hiện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đang khám và theo dõi sức khỏe cho các em, chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.
Vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh về đồ ăn thức uống trước các cơ sở giáo dục khi bán cho học sinh sử dụng. Trước đó, ngày 02/12/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 6476/VC-PV01(TMCS) chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hàng quán trước cổng trường mua bán các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi có chứa chất ma tuý./.

08/12/2023

I. Đối tượng tuyển chọn

Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ cao hơn, chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện - điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điện công nghiệp.

II. Phương thức tuyển chọn: Xét tuyển

III. Số lượng cần tuyển

- 11 chỉ tiêu cán bộ công nghệ thông tin (Quản trị mạng; Máy chủ; Quản trị cơ sở dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Phần mềm, ứng dụng).

- 01 chỉ tiêu cán bộ kỹ thuật (điện, điều hòa chính xác, ắc quy, bể dầu và phòng cháy, chữa cháy hệ thống công nghệ thông tin). 

*Toàn văn Thông báo xem tại file đính kèm./.

08/12/2023

Ba cảnh báo phát đi chưa ráo mực, ngày 03/12/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thủ đoạn mới lừa đảo trực tuyến bằng việc "điều chỉnh dữ liệu quốc gia cấp 2", cụ thể:

Khoảng 10h00' sáng ngày 03/12/2023, một người dân (gốc Quảng Ngãi) hiện cư trú ở TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số 0395.719.46... thông báo "dữ liệu cấp 2" do phường cập nhật chuyển lên quận bị nghẽn, đề nghị lên quận điều chỉnh, hoặc sẽ có người hỗ trợ qua zalo.

Khoảng 30' sau, có 02 số máy 0866.656.46..., 0394.999.24... giới thiệu là "nhân viên hướng dẫn" ở quận hỗ trợ người dân tải App "dichvucong" bằng cách đăng nhập Google tải "dichvucong.lgov.net" (Hình 1) với điều kiện máy smatphone có hệ điều hành Android.

Hình 1

Do máy smatphone người dân này không trùng hệ điều hành, nên mượn tạm máy của người cha ruột (mới nghỉ hưu, từ Quảng Ngãi vào thăm con) thao tác. 

Khi tải được ứng dụng, "nhân viên hướng dẫn" yêu cầu đăng nhập kích hoạt ứng dụng bằng số điện thoại cá nhân và tự tạo một mật khẩu (Hình 2).

Hình 2

Khi ứng dụng dichvucong.lgov.net được kích hoạt, máy hiện tỷ lệ % kích hoạt (Hình 3).

Hình 3

Kích hoạt xong, không liên lạc được với "nhân viên hướng dẫn" để làm bước tiếp theo.

Người cha nghi ngờ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng VCB trên máy smatphone thì toàn bộ 83 triệu tiền lương tích cóp đã mất.

Kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng, thì thời điểm kích hoạt ứng dụng cũng là lúc hai lần tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng của kẻ gian.

Vụ việc đang được kiểm tra, xác minh.

KHUYẾN CÁO:

1. Lực lượng Công an hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID trực tiếp.

2. Mọi trường hợp khi kích hoạt thì không có lỗi, trừ trường hợp người dân cung cấp sai số điện thoại hoặc thay số điện thoại thì phải đăng ký lại trực tiếp tại Đội CSQLHC về TTXH Công an cấp huyện hoặc báo trực tiếp cho Công an cấp xã để cấp xã báo Công an cấp huyện điều chỉnh, hoàn toàn không hỗ trợ qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. 

3. Mọi trường hợp thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân cần liên hệ với công an cơ sở nơi cư trú để được hỗ trợ./.

 

04/12/2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 923

Tổng số lượt xem: 8217093