Trang thông tin điện tử

Công an tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên

em>Kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát của Chi bộ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (HSNV); là giải pháp quan trọng giúp tổ đảng, đảng viên kịp thời nhận rõ ưu điểm để phát huy, đồng thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm; không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm ít nghiêm trọng thành vi phạm nghiêm trọng, vi phạm của một người thành vi phạm của nhiều người.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, cấp ủy lãnh đạo đơn vị đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 03 đảng viên. Nội dung kiểm tra: việc chấp hành quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; việc giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương.

Khó khăn, vướng mắc: Qua thực tế công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm gặp phải những vấn đề khó khăn, phức tạp và gặp nhiều trở ngại vì đối tượng kiểm tra sợ bị kiểm tra, sợ ảnh hưởng đến uy tín, sợ mất thành tích, thường xuất hiện tâm lý mặc cảm, lo lắng. Còn tình trạng một số đảng viên chưa phát huy được sức chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình, do đó, không chủ động cung cấp thông tin cho đoàn kiểm tra, có trường hợp còn quanh co, che giấu vi phạm của đối tượng kiểm tra; một số cán bộ, đảng viên có vi phạm nhưng không tự giác, có hành vi đối phó, che giấu khuyết điểm, vi phạm, phản ứng, thiếu hợp tác với đoàn kiểm tra. Tổ chức, cá nhân có liên quan còn tâm lý nể nang, ngại va chạm nên thường e ngại, không muốn cộng tác trong quá trình kiểm tra.

Công tác kiểm tra còn lúng túng, bị động cả về nhận thức và tổ chức thực hiện, nhất là chưa chủ động khảo sát nắm thông tin, nhận diện dấu hiệu vi phạm. Việc xác định đối tượng, nội dung kiểm tra còn thiếu cụ thể, chưa kịp thời, kỹ năng nghiệp vụ còn hạn chế, nên chất lượng, hiệu quả kiểm tra chưa cao.

Nguyên nhân chủ yếu là do còn thiếu chủ động, không nắm chắc diễn biến tư tưởng của đảng viên để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm ngay từ khi mới manh nha; chưa khắc phục được những biểu hiện hữu khuynh, né tránh, ngại va chạm... thậm chí còn thờ ơ khi có nguồn thông tin phản ánh của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Do đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ này chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm mà Điều lệ Đảng qui định.

Qua thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của chi bộ có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau:

Thứ nhất, phải chủ động nắm tình hình, phát hiện chính xác, kịp thời dấu hiệu vi phạm ngay từ lúc mới manh nha

Phải có biện pháp, giải pháp cụ thể để chủ động nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, dựa trên cơ sở phân tích, sàng lọc thông tin để xác định đúng và trúng nội dung, đối tượng có dấu hiệu vi phạm và quyết định kiểm tra kịp thời, đạt yêu cầu, mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tình trạng chạy theo thành tích, số lượng nên làm lướt, mang lại hiệu quả thấp, không có tác dụng giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm. Nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của đảng viên phải tuyệt đối bảo mật thông tin, không được gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho đối tượng kiểm tra. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng kiểm tra trên tinh thần đồng chí, đồng đội thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, không định kiến cá nhân, xa lánh, cũng không vị nể, bốc đồng tiết lộ thông tin quá sớm khi chưa có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thứ hai, trong quá trình kiểm tra phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc, phương pháp công tác đảng và quy trình, thủ tục do Điều lệ Đảng quy định

Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng và tập trung dân chủ là nguyên tắc lãnh đạo cơ bản của Đảng, do đó trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, các chủ thể kiểm tra phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, luôn trung thực, công tâm, khách quan, công khai minh bạch, tôn trọng ý kiến của tập thể. Trong quá trình thẩm tra, xác minh cũng như đóng góp ý kiến trong các cuộc hội nghị tổ chức đảng, chi bộ quản lý đảng viên được kiểm tra phải bảo đảm đúng phương pháp công tác đảng, chủ yếu lấy giáo dục, thuyết phục, động viên để phát huy tối đa tinh thần tự giác chịu trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên, không nên quá nặng nề tác phong hành chính, tạo áp lực căng thẳng, dùng lời lẽ nặng nề, hăm dọa hoặc xúc phạm đối với đảng viên được kiểm tra.

Cần tránh xu hướng hành chính hóa phương pháp, quy trình kiểm tra; biểu hiện dễ thấy là máy móc, vận dụng thiếu sáng tạo. Hiệu quả của cuộc kiểm tra cao hay thấp là tùy thuộc rất lớn vào cán bộ kiểm tra có nắm vững nguyên tắc, phương pháp và quy trình hay không. Phương pháp, quy trình kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm phải gắn với nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, tính chất công tác đảng. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần bám sát quy trình, nghiệp vụ công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm bảo đảm đủ 3 bước theo quy định, trong đó đặc biệt chú ý làm tốt bước chuẩn bị và bước tiến hành. Công tác thẩm tra, xác minh phải được tiến hành một cách cẩn trọng, khoa học và chặt chẽ bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, trung thực, chính xác, không định kiến cá nhân, tình cảm riêng tư, thiên vị...

Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra có đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có dũng khí và tinh thông nghiệp vụ

Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, thì đối tượng kiểm tra chủ yếu là cán bộ đảng viên. Do đó, đòi hỏi phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ kiểm tra (kể cả cấp huyện và cơ sở) có phẩm chất đạo đức trong sáng, đủ năng lực, trình độ; có bề dày kinh nghiệm và đặc biệt quan trọng là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, chịu được áp lực tâm lý trong khi làm nhiệm vụ, có dũng khí, tinh thông nghiệp vụ, dám thẳng thắn đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng và phải biết giữ mình trước sự cám dỗ của đồng tiền.

Bản lĩnh người cán bộ kiểm tra ở đây được hiểu dưới góc độ kiên định lập trường quan điểm giai cấp công nhân, lập trường tư tưởng vững vàng; rèn luyện tinh thần thép của người cộng sản với ý thức kỷ luật cao. Dũng khí vừa là yêu cầu, vừa là phẩm chất cần có của cán bộ kiểm tra. Cán bộ kiểm tra có dũng khí cao thì càng có cơ sở đấu tranh với những đảng viên tìm cách biện bạch, che giấu khuyết điểm. Dũng khí của cán bộ kiểm tra được thể hiện qua tính chiến đấu trong công tác được phát huy sẽ tạo ra sự cộng hưởng sức mạnh của tập thể chi bộ, cấp ủy. Trong một tập thể tổ chức đảng đoàn kết, có ý thức đấu tranh cao thì sẽ hậu thuẫn cho cán bộ kiểm tra. Ngược lại, một tổ chức đảng mất đoàn kết nội bộ, thủ tiêu đấu tranh tự phê bình và phê bình, thậm chí còn làm chỗ dựa cho những đảng viên tiêu cực, đối phó với công tác kiểm tra thì cán bộ kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Thứ tư, khi tiến hành kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm, phải làm tốt công tác tư tưởng cho đối tượng được kiểm tra

Khi tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm, đối tượng kiểm tra thường có diễn biến tâm lý phức tạp, cho rằng mình “bị kiểm tra” là đã có vấn đề, nếu “bị kiểm tra” thì mất uy tín, thể diện, gặp nhiều khó khăn trong công tác, thậm chí lo sợ bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng... Bởi vậy thường có biểu hiện lo lắng, hoang mang, thậm chí nhiều trường hợp còn tìm cách đối phó, gây trở ngại cho công tác kiểm tra. Chính vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra cần phải chủ động làm tốt công tác tư tưởng đối với đảng viên, tổ chức đảng trước, trong và sau kiểm tra. Sự khai thông về tư tưởng sẽ làm cho đối tượng vơi đi tâm lý căng thẳng, mặc cảm, khắc phục cách nhìn thiên lệch một chiều, định kiến về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và coi việc tiến hành kiểm tra là công việc thường xuyên của ủy ban kiểm tra các cấp do Điều lệ Đảng quy định, mọi đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành. Mục đích chính của kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là để xem xét, kết luận làm rõ đúng, sai, kịp thời phát hiện ngăn ngừa không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng, chứ không phải kiểm tra là để bới móc khuyết điểm, trừng trị, kỷ luật. Bên cạnh đó, cần kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng đối với tập thể hoặc cá nhân làm tốt. Công tác tư tưởng phải hướng vào đánh thức tính tự giác, thành khẩn ở đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong việc tự phê bình, tiếp thu ý kiến phê bình, trình bày đầy đủ, trung thực các sai phạm khuyết điểm của mình trước chủ thể kiểm tra. Hiệu quả của công tác tư tưởng không chỉ dừng lại ở việc tự giác tự phê bình, tiếp nhận các ý kiến phê bình mà còn có ý thức khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, không tái phạm, không khiếu nại và không tố cáo ở đảng viên được kiểm tra. Không chỉ làm tốt công tác tư tưởng cho đối tượng kiểm tra mà còn làm tốt công tác tư tưởng cho tổ chức đảng quản lý đảng viên để cùng làm tốt công tác tư tưởng cho đối tượng được kiểm tra. 

Trần Văn Đính