Trang thông tin điện tử

Công an tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong mùa khô, nắng nóng

Tại tỉnh Quảng Ngãi, thời điểm mùa khô từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm thường kèm theo tình trạng nắng nóng gay gắt, nền nhiệt cao kéo dài, độ ẩm không khí thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ

Các khu vực có nguy cơ cao bao gồm:

- Khu dân cư đông đúc, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, chứa nhiều vật liệu dễ cháy như gỗ, nhựa, vải, xốp, gas…

- Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, tập trung nhiều hàng hóa dễ bén lửa, hệ thống điện phức tạp.

- Rừng, đồi, khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thường xuyên xảy ra cháy rừng trong các đợt nắng nóng kéo dài.

- Cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, nơi tập trung thiết bị sử dụng điện công suất lớn, vận hành liên tục, có nhiều vật liệu dễ bắt lửa.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ cháy lớn tại Quảng Ngãi trong những năm gần đây xảy ra trong thời điểm nắng nóng cao điểm, chủ yếu do chập điện, bất cẩn khi sử dụng lửa, hoặc cháy lan từ cỏ khô, rơm rạ, đốt thực bì, phế phẩm lâm nghiệp.

Vụ cháy cơ sở sản xuất nhựa tại xã Mỏ Cày, tỉnh Quảng Ngãi ngày 18/7/2025

 

Cháy nổ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hậu quả lâu dài đối với cá nhân, cộng đồng và địa phương:

- Ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe con người: Những vụ cháy lớn thường dễ gây tử vong, thương tích do ngạt khói, bỏng, khí độc.

-Thiệt hại tài sản: Cháy có thể thiêu rụi toàn bộ cơ sở vật chất, máy móc, hàng hóa.

- Tác động đến môi trường: Các vụ cháy phát thải nhiều chất độc hại vào khí quyển, gây khói bụi, phá vỡ sinh thái tự nhiên.

- Làm gián đoạn sản xuất - kinh doanh: Ảnh hưởng chuỗi cung ứng, lao động, và tạo áp lực phục hồi hậu thảm họa.

- Gây hoang mang trong cộng đồng: Làm mất an toàn xã hội và tạo ra sự lo lắng, bất an trong người dân.

Để chủ động phòng ngừa cháy nổ cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:

- Đảm bảo an toàn hệ thống điện: Kiểm tra định kỳ hệ thống điện; không dùng thiết bị kém chất lượng, không cắm nhiều thiết bị vào một ổ điện. Tắt hết thiết bị điện khi ra khỏi nhà hoặc khi không sử dụng.

- Quản lý nguồn nhiệt, lửa trần: Tuyệt đối không đốt rác, rơm rạ, nấu ăn ngoài trời gần khu dân cư, khu rừng. Không hút thuốc, hàn cắt kim loại tại nơi chứa vật liệu dễ cháy nếu không có biện pháp bảo vệ.

- Trang bị, bảo dưỡng phương tiện PCCC: Trang bị bình chữa cháy, nội quy, biển báo thoát hiểm tại hộ gia đình, cơ sở kinh doanh. Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC tự động định kỳ (đối với nhà xưởng, siêu thị, kho bãi…).

- Xây dựng lối thoát hiểm thứ hai: Thiết kế và xây dựng lối thoát hiểm thứ hai đảm bảo phương án thoát nạn khi xảy ra sự cố. Không xây dựng chuồng cọp kín. 

- Phòng cháy rừng, khu dân cư giáp rừng: Phát dọn thực bì, tạo đường băng cản lửa, tăng cường tuần tra trong thời điểm nắng nóng. Không để trẻ em chơi lửa trong rừng; tuyên truyền bằng loa phát thanh tại địa phương. Đảm bảo biện pháp an toàn và chuẩn bị phương tiện để xử lý sự cố khi đốt thực bì, phế phẩm lâm nghiệp.

Trang bị bảng nội quy, tiêu lệnh và bình chữa cháy cầm tay

 

Khi xảy ra cháy, việc xử lý ban đầu đúng cách có thể hạn chế thiệt hại:

- Bình tĩnh, hô hoán lớn để thông báo và cảnh báo mọi người xung quanh.

- Ngắt cầu dao điện nếu có thể, nhằm tránh chập cháy lan truyền.

- Sử dụng bình chữa cháy, nước hoặc cát để dập lửa bước đầu (nếu lửa chưa quá lớn).

- Gọi ngay 114 để báo cháy, cung cấp thông tin địa điểm, tình hình, số người mắc kẹt (nếu có).

- Tiến hành chữa cháy, cứu hộ ban đầu theo phương án “4 tại chỗ”.

- Di tản người ra khỏi vùng cháy, ưu tiên người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật. Dùng khăn ướt bịt mũi miệng, cúi thấp khi thoát khỏi đám cháy.

- Tuyệt đối không mở cửa khi chưa kiểm tra có khói/nhiệt phía sau, tránh cháy lan hoặc bùng phát ngọn lửa.

Phòng cháy hơn chữa cháy, đây không chỉ là khẩu hiệu mà còn là nguyên tắc sống còn. Để bảo vệ tính mạng, tài sản và môi trường sống, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các quy định PCCC và chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác phòng ngừa và xử lý sự cố.

Thế Linh


Tác giả: Nguyễn Thế Linh
Nguồn:Phòng Tham mưu Sao chép liên kết