Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi tăng cường phát hiện, điều tra, xử lý tình trạng mua bán trái phép hóa đơn GTGT
Trong thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đang có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Không chỉ gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước, hành vi này còn tiếp tay cho các hoạt động rửa tiền, gian lận thuế, tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Đây là một trong những vấn đề cần sự quan tâm, cảnh giác của toàn xã hội.
Thực tế đấu tranh tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, các đối tượng lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh với mục đích chính là mua bán hóa đơn, không phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế. Nhiều doanh nghiệp chỉ “hoạt động” trên giấy tờ, không có trụ sở, không có hàng hóa, không có nhân sự nhưng vẫn xuất bán hàng nghìn hóa đơn GTGT cho nhiều đơn vị khác để hợp thức hóa đầu vào – đầu ra, giúp bên mua kê khai khống chi phí, khấu trừ thuế hoặc chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nêu trên, thời gian qua Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường công tác phát hiện, điều tra xử lý tình trạng mua bán trái phép hóa đơn GTGT của một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 03 vụ án, khởi tố 10 bị can để điều tra xử lý về hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT, hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra các vụ án để điều tra xử lý các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật. Ngoài các vụ án đã khởi tố, Cơ quan điều tra đang tiến hành kiểm tra, xác minh nhiều vụ việc khác có dấu hiệu của hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT liên quan đến một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức
Trong quá trình điều tra các vụ việc tương tự, Cơ quan điều tra nhận thấy nhiều “công ty ma” được thành lập chỉ để phục vụ mục đích xuất hóa đơn, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế, không có hàng hóa, kho bãi hay nhân lực. Một số doanh nghiệp “thật” – vốn đang hoạt động bình thường – cũng có hành vi mua hóa đơn khống từ các công ty “ma” để hợp thức chi phí, giảm số thuế phải nộp hoặc nhận lại tiền hoàn thuế từ Nhà nước. Một số trường hợp khác lại sử dụng hóa đơn đầu vào giả mạo để nâng giá vốn hàng hóa, hợp thức dòng tiền. Một số đối tượng còn dùng công nghệ cao, lập các phần mềm “in hóa đơn nội bộ” trông rất giống hóa đơn hợp pháp, khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, vô tình tiếp tay cho hành vi phạm pháp.
Pháp luật hiện hành: Khung quy định chặt chẽ – nhưng cần cảnh giác cao
Để kiểm soát và xử lý các hành vi mua bán hóa đơn trái phép, Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ và ngày càng chặt chẽ hơn. Cụ thể:
Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020: Quy định về hóa đơn, chứng từ, áp dụng với cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 20/3/2025 (hiệu lực từ 01/6/2025): Sửa đổi Nghị định 123, quy định rõ thời điểm lập hóa đơn, hóa đơn xuất khẩu, hóa đơn thương mại điện tử.
Thông tư số 32/2025/TT-BTC ngày 31/5/2025 (hiệu lực từ 01/6/2025): Thay thế Thông tư 78/2021/TT-BTC, hướng dẫn chi tiết về hóa đơn điện tử theo quy định mới.
Nghị định số 125/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP): Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn, mức phạt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): Quy định tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, với khung hình phạt lên đến 7 năm tù và phạt tiền tối đa 500 triệu đồng, hoặc đình chỉ hoạt động của pháp nhân vi phạm.
Pháp luật đã quy định rõ ràng, chặt chẽ nhưng kẽ hở vẫn tồn tại. Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi về hoàn thuế, hoặc chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch để lách luật. Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố hậu kiểm, dẫn đến tình trạng “trục lợi trước – phát hiện sau”.
Hệ lụy nghiêm trọng đến xã hội và nền kinh tế
Việc mua bán hóa đơn trái phép không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của môi trường kinh doanh trong nước. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải cạnh tranh không công bằng với những đơn vị dùng hóa đơn giả để trốn thuế, giảm chi phí ảo. Ngân sách Nhà nước bị thất thu, các chính sách an sinh bị ảnh hưởng.
Đáng lo ngại hơn, một số vụ án còn cho thấy dòng tiền từ mua bán hóa đơn được “rửa” cho các hoạt động phi pháp khác như cờ bạc, tín dụng đen, buôn lậu, thậm chí tài trợ cho các đường dây tội phạm xuyên quốc gia.
Cần sự chung tay từ cả hệ thống chính trị và người dân
Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh vai trò của lực lượng Công an và cơ quan thuế, rất cần sự cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật từ chính các doanh nghiệp và người dân. Tuyệt đối không mua hóa đơn trôi nổi trên thị trường “để hợp thức hóa chi phí” hay vì tiện lợi trước mắt. Doanh nghiệp cần tự bảo vệ mình bằng cách kiểm tra kỹ thông tin hóa đơn điện tử qua cổng thông tin của Cục Thuế, xác minh thông tin đối tác kỹ càng trước khi ký hợp đồng.
Các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống hóa đơn điện tử, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành: công an, thuế, ngân hàng để phát hiện sớm các giao dịch bất thường. Đồng thời, cần xử lý nghiêm minh, công khai các vụ việc điển hình để răn đe, làm gương.
Tình trạng mua bán hóa đơn trái phép không chỉ là vấn đề pháp lý đơn thuần, mà còn là một “vết rạn” trong đạo đức kinh doanh. Đấu tranh với loại tội phạm này cần sự kiên quyết từ các cơ quan chức năng và sự đồng lòng từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Mỗi người dân khi nâng cao ý thức pháp luật, mỗi doanh nghiệp khi tuân thủ đúng quy định – là đã góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh và giữ gìn sự công bằng cho nền kinh tế đất nước.
Việt Hà