Trang thông tin điện tử

Công an tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng loạt khởi công hai tuyến đường sắt trọng điểm quốc gia vào ngày 19/8/2025.

Sáng ngày 09/7/2025, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt - chủ trì hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo.

Kết luận Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đồng loạt tổ chức khởi công các dự án giải phóng mặt bằng cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 19/8/2025 và hoàn thành trong năm 2026.

 

Việc lựa chọn ngày 19/8/2025 - đúng dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Đây không chỉ là dấu mốc khởi đầu cho những đại dự án hạ tầng quốc gia, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị trong việc tạo đột phá chiến lược về giao thông, công nghiệp hóa và phát triển vùng.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, kéo dài hơn 1.500 km, được xác định là xương sống của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia trong thế kỷ 21. Dự án không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai miền đất nước, mà còn thúc đẩy sự phát triển đồng đều, tạo sức bật kinh tế cho hàng loạt địa phương dọc tuyến. Cùng lúc đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, kết nối tam giác chiến lược biên giới - thủ đô - cảng biển, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược logistics và hợp tác kinh tế khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu qua đường bộ và đường biển. Tuyến này cũng là một mắt xích trong hành lang vận tải quốc tế từ Trung Quốc qua Việt Nam ra biển Đông.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án, thu xếp nguồn vốn, giải phóng mặt bằng và chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để khởi công đúng tiến độ. Đặc biệt, phải bảo đảm yếu tố công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí trong quá trình triển khai. Việc tổ chức khởi công đồng loạt hai dự án đường sắt quy mô lớn trong một thời điểm được xem là bước đi chưa từng có tiền lệ, thể hiện tầm nhìn dài hạn và quyết tâm hành động mạnh mẽ của Chính phủ. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.

Các chuyên gia nhận định, việc đầu tư đồng thời hai tuyến đường sắt không chỉ tạo động lực tăng trưởng trong trung hạn mà còn kích thích nhiều lĩnh vực liên quan như công nghiệp vật liệu, chế tạo thiết bị, xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực kỹ thuật cao… Chính phủ cũng khẳng định sẽ bảo đảm phân bổ vốn theo lộ trình và tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đồng thời đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong thiết kế, thi công và vận hành.

Ngày 19/8/2025 vì thế không chỉ là ngày kỷ niệm lịch sử mà còn có thể trở thành mốc mở đầu cho một giai đoạn phát triển hạ tầng đầy tham vọng - nơi đường sắt trở lại với vai trò đầu tàu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Huỳnh Tiến


Tác giả: Huỳnh Tiến
Nguồn:Phòng An ninh đối ngoại Sao chép liên kết