“MANG THEO ĐỒ PHÒNG THÂN” - CẨN THẬN VI PHẠM PHÁP LUẬT
Hiện nay, một số người, đặc biệt là các thanh, thiếu niên khi tham gia giao thông đã chuẩn bị cho mình những vật dụng để tự vệ như dao, bình xịt hơi cay, côn,… Các “đồ phòng thân” này thường được bỏ trong xe ô tô, cốp xe máy. Nhiều trường hợp sau khi kiểm tra hành chính, lực lượng chức năng phát hiện các “đồ phòng thân” mang tính sát thương cao như: mã tấu, kiếm tự chế, gậy sắt, gậy điện… Việc tự vệ là cần thiết nhưng liệu như vậy có đúng pháp luật?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công vụ hỗ trợ năm 2024 (Luật QL, SD VK, VLN và CCHT):
- Vũ khí thô sơ là gồm: Kiếm, giáo, mác, thương, dao găm, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
- Công cụ hỗ trợ bao gồm: Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh; ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Công cụ khác có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại điểm a khoản này, không thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Theo Điều 4 Luật QL, SD VK, VLN và CCHT năm 2024 thì pháp luật nghiêm cấm cá nhân sở hữu VK, VLN, CCHT, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. Do đó, cá nhân không thuộc đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ quy định tại Điều 18, Luật QL, SD VK, VLN và CCHT năm 2024 , nhưng lại sử dụng các “vật dụng phòng thân” làm vũ khí tự vệ thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Việc mang theo “đồ phòng thân” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với cá nhân; còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì sẽ chịu mức phạt từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích, mà còn tái phạm thì có thể cấu thành tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ theo Điều 306 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, hiện nay, một số người khi tham gia giao thông thường mang trên mình “cái tôi” cá nhân quá lớn, chỉ cần một mâu thuẫn rất nhỏ, là các "anh chị" này sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết. Việc mang theo “đồ phòng thân” như một động lực tăng thêm sự liều lĩnh, manh động rất dễ dẫn đến các vụ ẩu đả thậm chí hỗn chiến, gây mất an ninh, trật tự./.
BOM