Truy cập nội dung luôn

​Chuyện kể của một trinh sát vũ trang nội đô An ninh T4

08/09/2017 12:00    459

Hôm đến căn nhà nhỏ ở vùng quê thuộc xã Tân An Hội, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) để thăm thì ông đang nằm trên giường bệnh. Tay tự xoa và nắn nắn hai cẳng chân bị teo tóp dần, ông lạc quan nói mình còn sống sau cơn bạo bệnh đã là điều kỳ diệu rồi.

Nghe tôi hỏi chuyện vào sinh ra tử thời ông còn trai trẻ, ông nghẹn ngào đến suýt khóc thành tiếng: “Tôi nằm trong số người may mắn hơn nhiều so với anh em khác”. “Anh em” mà ông nói chính là những trinh sát vũ trang nội đô thuộc lực lượng An ninh Sài Gòn - Gia Định (quen gọi là An ninh T4), tổ chức tiền thân của Công an TP Hồ Chí Minh hôm nay.

Trần Hoàng Sinh là dân gốc Củ Chi. Cả cha, chú và bác của ông đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Đầu năm 1962, khi vừa 18 tuổi, Sáu Sinh tình nguyện nhập ngũ. Sau 6 tháng tại trường quân sự L19 đặt tại căn cứ Bời Lời (nay thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), Sáu Sinh được phân công về Tiểu đoàn Vinh Quang, với nhiệm vụ xây dựng căn cứ, đưa rước cán bộ và chiến đấu bảo vệ Quân khu ủy khu Sài Gòn - Gia Định.

5.1.TB.08.09.2017.jpg

Trinh sát Trần Hoàng Sinh (người thứ hai từ trái sang, hàng sau) cùng một số đồng đội chung đơn vị Trinh sát vũ trang B5 - An ninh T4. Ảnh do gia đình cung cấp.

Ông kể: “Dù thời gian đó tôi đã tham gia nhiều trận chống càn ác liệt, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo nhưng nói thiệt, tới khi được điều về làm trinh sát vũ trang (B5) của Ban An ninh T4 vào gần cuối năm 1964, tôi mới được học cách sử dụng súng ngắn, gầy dựng cơ sở”.

Cuối năm 1965, Sáu Sinh được lệnh trở về căn cứ nhận chỉ thị: “Trở vào Sài Gòn theo dõi quy luật hoạt động và tìm cách diệt tên Trần Văn Văn”. Theo lời ông, Văn là tên chống cộng cực kỳ nguy hiểm, được Mỹ tin cậy, đưa lên làm chủ tịch hội đồng quân dân vào đầu tháng 7-1966, hai tháng sau trở thành dân biểu quốc hội.  Văn có khả năng còn leo cao hơn nữa trong bộ máy của chính quyền Sài Gòn.

“Sau thời gian theo dõi, tìm hiểu quy luật đi lại của mục tiêu, tôi gặp Võ Văn Em, tức Tám  Em, đảng viên, chiến sĩ Ban điệp báo an ninh phân khu 5 bàn bạc cùng tôi tham gia trận đánh. Khi được anh Tám Em đồng ý, chúng tôi thống nhất phương án ra tay”, ông kể.

Khoảng 7h sáng 7-12-1966, khi xe của Trần Văn Văn từ đường Phan Kế Bính quẹo vào đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), thì chạy chậm lại, Tám Em lao xe máy ra cản đường. Xe chở Văn khựng lại, Sáu Sinh nhào tới bắn bể kính rồi thọc súng vào xe, tiếp tục siết cò. Trần Văn Văn gục tại chỗ...

Anh Tám Em lái xe máy chở Sáu Sinh ra khỏi hiện trường. Địch rất đông bắn theo, Sáu Sinh xoay mình bắn lại. Đến ngã tư Phùng Khắc Khoan - Tự Đức (nay là đường Nguyễn Văn Thủ), hai tên cảnh sát công lộ dùng chiếc môtô 750 phân khối đâm thẳng vào xe máy làm họ té nhào. Súng hết đạn, Tám Em bị bắt, Sáu Sinh nhanh chân chạy thoát.

Đây là trận đánh chấn động đầu tiên của an ninh vũ trang nội đô, đánh vào bọn đầu sỏ của chính quyền Sài Gòn.

Trần Hoàng Sinh còn kể cho tôi nghe lần ông cùng đồng đội chặn đánh tướng Nguyễn Văn Kiểm, tham mưu trưởng biệt bộ phủ tổng thống, vào đầu năm 1969. “Ban chỉ huy B5 lệnh cho tôi cùng các đồng chí Hai Đường, Út Cạn, Chín Thôn và các đồng chí khác thực hiện kế hoạch. Ngày 1-2-1969, tôi chở Hai Đường, Chín Thôn chở Út Cạn. Đến ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) gặp đèn đỏ, đoàn xe của Kiểm dừng lại, tôi và Chín Thôn tiếp cận hợp lý để cho Hai Đường và Út Cạn ném mìn vào xe rồi tăng ga rút lui an toàn. Tướng Kiểm bị thương nặng; nhiều tên bảo vệ chết và bị thương. Trận đánh xảy ra trong nội thành này đã gây tiếng vang lớn, góp phần củng cố lại niềm tin của nhân dân vào cách mạng trong bối cảnh sau Tổng tấn công tết Mậu Thân 1968”, Sáu Sinh kể.

5.2.TB.08.09.2017.jpg

Trần Hoàng Sinh thời còn là Trinh sát vũ trang nội đô An ninh T4.

Một tháng sau, ông nhận được lệnh của Trung ương Cục miền Nam: “Tiêu diệt thủ tướng Trần Văn Hương”. Sáu Sinh được lệnh của lãnh đạo B5 cùng Hai Đường, Út Cạn và một số đồng chí khác chặn đánh Hương ở ngã ba Nguyễn Du - Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng).

Họ thống nhất, Út Cạn bắn tên cảnh sát, Hai Đường cho nổ quả mìn định hướng 2kg chất nổ C4 được ngụy trang trong nệm tựa lưng của một chiếc xích lô, Sáu Sinh đánh quả mìn 2kg thuốc C4 ngụy trang trong hộp sơn vào xe chở Trần Văn Hương; còn chị Chín Tợn đánh trái nổ 2kg để phân tán địch.

Kế hoạch được thực hiện đúng dự kiến nhưng cả ba trái mìn đều... không nổ. Trận đánh không thành, nhưng vẫn gây chấn động dư luận, Trần Văn Hương đã bị chặn đánh giữa ban ngày tại một nơi không xa phủ thủ tướng. Sáu Sinh rút lui an toàn, còn Hai Cường và Út Cạn bị bắt, sau đó bị kết án chung thân đày ra Côn Đảo.

Công tác phát triển lực lượng, tìm, chọn cơ sở tin cậy nhằm chiến đấu lâu dài, hiệu quả cho từng “phi vụ” là việc rất quan trọng. Nếu không khéo, nhiệm vụ không hoàn thành mà khả năng bị lộ, bị bắt rất cao. Một trong những chiến sĩ mà Sáu Sinh giác ngộ và kết nạp vào B5 là Triệu Thị Hồng Liên, bí danh là Hồng, nữ sinh 18 tuổi, con một thiếu tá cảnh sát Sài Gòn.

Tháng 2-1970, lãnh đạo B5 đề ra phương án đánh bãi giữ xe nha cảnh sát đô thành. Người thực hiện phương án này là chị Hồng Liên.

Từ căn cứ của An ninh T4 ở Bến Tre, Sáu Sinh lái xe máy hộ tống cho Hồng Liên đi bằng xe máy khác với hai lốp xe nhét đầy 4 ký chất nổ C4, có đặt kíp định giờ về Sài Gòn. Gần đến giờ G, Hồng Liên đưa xe máy “đặc biệt” của mình vào bãi xe của nha cảnh sát đô thành (nay ở đường Nguyễn Cảnh Chân, Q.I) rồi ra khỏi hiện trường bằng một cổng khác để Sáu Sinh chở đi. Cảnh sát tan sở, ra lấy xe thì mìn nổ khiến 23 tên chết, 54 tên bị thương và hơn 100 xe bị cháy. Hồng Liên còn tỏ ra hiệu quả trong một số trận đánh khác.

Có một câu chuyện mà theo Sáu Sinh, dù không nằm trong mệnh lệnh của cấp trên nhưng khi gặp, ông đã nghĩ đến đồng chí, đồng đội và mau lẹ xử lý tình huống. Với thành tích này ông đã được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Ông kể: “Năm 1967, tôi ra cứ để nhận chỉ thị, trên đường thì gặp Mỹ, do một y tá chiêu hồi dẫn đường, đổ quân đánh vào trạm quân y Gò Môn. Biết tin, nhiều bác sĩ và thương binh nhẹ đã kịp rút, còn lại 16 thương binh nặng, địch càn vào sẽ khó tránh tổn thất. Tôi vào đơn vị quân khí của quân khu, mượn 1 khẩu súng Garant 100 viên đạn và 4 trái lựu đạn. Sau đó, tôi cùng đồng chí Thái và Mười Lùng nổ súng đánh diệt hơn chục tên Mỹ. Số còn lại hoảng quá rút chạy. Thương binh được bảo vệ an toàn”.

Năm 1970, trong điều kiện khó khăn về vũ khí và đạn dược, ông tự tạo 4 trái lựu đạn (3 nổ bằng nụ xòe, 1 gắn kíp hẹn giờ). Từ một hẻm đối diện với nha cảnh sát đô thành, hai đồng đội ông đã dùng ná (giàn thun) bắn trái nổ vào sân bóng chuyền - nơi cảnh sát đang tập trung. 3 trái đầu nổ, làm chết và bị thương nhiều cảnh sát. Giữa lúc chúng đang dọn dẹp thì trái thứ tư (có kíp hẹn giờ) nổ, diệt và làm bị thương thêm một số nữa.

Trước đó, vào cuối năm 1968, khi được giao tiêu diệt tên đại úy Hòa, trưởng chi cảnh sát quận 8, trên đường rút lui ông bị địch bắt. Hơn 2 tháng bị tra tấn, ông vẫn kiên quyết không khai nhận, chỉ nói mình trốn quân dịch. Không đủ bằng cớ, địch đưa ông lên quân trường Quang Trung, bắt học quân sự 3 tháng rồi điều xuống Cần Thơ làm lính sư đoàn bộ binh 21.

Trong một trận càn ở Sóc Trăng, sư đoàn này bị quân ta chặn đánh. Thấy một thiếu úy và một thượng sĩ VNCH dùng đại liên bắn về phía quân ta, ông đã bí mật tiêu diệt 2 tên này rồi thay chúng chĩa đại liên lên trời bắn vu vơ. Địch không biết việc ông vừa bắn chết 2 tên, chỉ thấy chuyện ông tích cực sử dụng đại liên nên thưởng ông “Anh dũng bội tinh”. Trong thời gian này, ông đã bí mật tuyên truyền giác ngộ 14 lính VNCH. Khi ông bỏ ngũ, 14 người lính này cũng đào ngũ, một số trở thành trinh sát vũ trang của ta...

Năm 1972, Ban An ninh T4 chuyển trinh sát vũ trang làm nhiệm vụ an ninh khu vực, ông đánh địch ở vùng ven đô. Trong một trận đánh cuối năm 1974, ông bị gãy xương đùi, được đưa ra miền Bắc để chữa trị. Tháng 9-1975, ông trở lại TP Hồ Chí Minh, công tác tại Phòng Cảnh sát bảo vệ (PC22). Đến năm 1983, ông bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, được cho nghỉ mất sức.

Trên giường bệnh, ông Sáu Sinh rất nhớ đồng chí, đồng đội, nhớ những con đường, góc phố, cơ sở... mà ông đã hoạt động, bám trụ. Và điều ông tự hào nhất về bản thân mình là trong điều kiện cực kỳ khó khăn ác liệt của 11 năm chiến đấu, ông đã nỗ lực lượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ mà tổ chức giao cho; đối mặt với bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng một lòng sắt son, trung thành với Đảng.

5.3.TB.08.09.2017.jpg
5.4.TB.08.09.2017.jpg

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND cùng lãnh đạo Cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh thăm, tặng quà cho đồng chí Trần Hoàng Sinh - nguyên Trinh sát vũ trang B5, An ninh T4 - nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập lực lượng CAND (19-8-1945 – 19-8-2017).

Ông chỉ tiếc là khi đất nước thống nhất, mới sắp bước vào tuổi 40, đang ở cấp hàm đại úy, ông đã phải nói lời chia tay với anh em đồng đội. Bệnh tình của ông ngày càng nặng nên năm 2010, con trai của ông - anh Trần Hoàng Vinh - khi đó đang là cán bộ của một đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hồ Chí Minh đã phải nghỉ việc để tiện bề chăm sóc ông.

Đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Ủy viên Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, lúc đó nhận xét về đồng chí Trần Hoàng Sinh: “Từ cuối năm 1971 đến năm 1975, tôi làm Trưởng Ban An ninh T4, tôi thấy đồng chí Sáu Sinh là một con người chịu thương, chịu khó, dũng cảm trong chiến đấu, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Đồng chí Trần Quốc Hương xác nhận: “Sau khi tiêu diệt tên Trần Văn Văn thì nội bộ chính quyền Thiệu mâu thuẫn lẫn nhau, tạo cơ hội cho ta khoét sâu”. Sáu Sinh kể thêm, sau khi tiêu diệt Trần Văn Văn, để gây mâu thuẫn nội bộ địch và giải cứu đồng đội, ông đã viết thư nặc danh gửi cho người nhà của đối tượng này.

Vợ của Văn đã tin rằng Thiệu - Kỳ (tức Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ - PV) đã giết chồng mình; và rất sợ với nội dung đe dọa trong thư: “Nếu Tám Em bị giết thì sau đám tang chúng tôi không đảm bảo tính mạng của gia đình bà”. Thiệu - Kỳ đã tuyên án tử hình Tám Em nhưng không dám thi hành án mà chỉ đày ra Côn Đảo.

Thái Bình (theo cand.com.vn)

02/05/2024

Nội dung trong file đính kèm 22/12/2023

Qua xác minh, N.guyễn T.hị L.ệ T.hương (sinh 1994, cư trú tại: xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) Nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết: Khoảng 12h30' cùng ngày nhận yêu cầu từ L.ê T.ấn H.ải (sinh 1988, cư trú tại xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa) - Quản lý sản phẩm N.. của nhãn hiệu N..., T.hương đến ‎Công ty TNHH MTV T.uyết K.a (88 B.à T.riệu, TP Quảng Ngãi) nhận sản phẩm đến Trường Tiểu học ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm: 19 lốc sữa nhãn nhiều N... và 01 túi 50 gói thạch trái ‎cây N... (tặng kèm khi bán sữa).
Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau cau, thì có nhiều học sinh sử dụng bị ngộ độc phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.‎
Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh ATTP và CDC Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.
Hiện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đang khám và theo dõi sức khỏe cho các em, chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.
Vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh về đồ ăn thức uống trước các cơ sở giáo dục khi bán cho học sinh sử dụng. Trước đó, ngày 02/12/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 6476/VC-PV01(TMCS) chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hàng quán trước cổng trường mua bán các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi có chứa chất ma tuý./.

08/12/2023

I. Đối tượng tuyển chọn

Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ cao hơn, chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện - điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điện công nghiệp.

II. Phương thức tuyển chọn: Xét tuyển

III. Số lượng cần tuyển

- 11 chỉ tiêu cán bộ công nghệ thông tin (Quản trị mạng; Máy chủ; Quản trị cơ sở dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Phần mềm, ứng dụng).

- 01 chỉ tiêu cán bộ kỹ thuật (điện, điều hòa chính xác, ắc quy, bể dầu và phòng cháy, chữa cháy hệ thống công nghệ thông tin). 

*Toàn văn Thông báo xem tại file đính kèm./.

08/12/2023

Ba cảnh báo phát đi chưa ráo mực, ngày 03/12/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thủ đoạn mới lừa đảo trực tuyến bằng việc "điều chỉnh dữ liệu quốc gia cấp 2", cụ thể:

Khoảng 10h00' sáng ngày 03/12/2023, một người dân (gốc Quảng Ngãi) hiện cư trú ở TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số 0395.719.46... thông báo "dữ liệu cấp 2" do phường cập nhật chuyển lên quận bị nghẽn, đề nghị lên quận điều chỉnh, hoặc sẽ có người hỗ trợ qua zalo.

Khoảng 30' sau, có 02 số máy 0866.656.46..., 0394.999.24... giới thiệu là "nhân viên hướng dẫn" ở quận hỗ trợ người dân tải App "dichvucong" bằng cách đăng nhập Google tải "dichvucong.lgov.net" (Hình 1) với điều kiện máy smatphone có hệ điều hành Android.

Hình 1

Do máy smatphone người dân này không trùng hệ điều hành, nên mượn tạm máy của người cha ruột (mới nghỉ hưu, từ Quảng Ngãi vào thăm con) thao tác. 

Khi tải được ứng dụng, "nhân viên hướng dẫn" yêu cầu đăng nhập kích hoạt ứng dụng bằng số điện thoại cá nhân và tự tạo một mật khẩu (Hình 2).

Hình 2

Khi ứng dụng dichvucong.lgov.net được kích hoạt, máy hiện tỷ lệ % kích hoạt (Hình 3).

Hình 3

Kích hoạt xong, không liên lạc được với "nhân viên hướng dẫn" để làm bước tiếp theo.

Người cha nghi ngờ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng VCB trên máy smatphone thì toàn bộ 83 triệu tiền lương tích cóp đã mất.

Kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng, thì thời điểm kích hoạt ứng dụng cũng là lúc hai lần tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng của kẻ gian.

Vụ việc đang được kiểm tra, xác minh.

KHUYẾN CÁO:

1. Lực lượng Công an hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID trực tiếp.

2. Mọi trường hợp khi kích hoạt thì không có lỗi, trừ trường hợp người dân cung cấp sai số điện thoại hoặc thay số điện thoại thì phải đăng ký lại trực tiếp tại Đội CSQLHC về TTXH Công an cấp huyện hoặc báo trực tiếp cho Công an cấp xã để cấp xã báo Công an cấp huyện điều chỉnh, hoàn toàn không hỗ trợ qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. 

3. Mọi trường hợp thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân cần liên hệ với công an cơ sở nơi cư trú để được hỗ trợ./.

 

04/12/2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1975

Tổng số lượt xem: 8166562