Truy cập nội dung luôn

​Những dấu chân nặng tình đưa các anh về đất Mẹ: Những người ngã xuống trên đường đi tìm đồng đội

27/07/2017 12:00    419

Trong hành trình đưa đồng đội về đất Mẹ, nhiều đội quy tập liệt sĩ đã mất mát vô cùng lớn. Những năm gần đây, chỉ tính riêng Đội quy tập Quân khu 4 đã có 19 quân nhân nằm lại trên những cánh rừng xa thẳm của đất nước Triệu Voi...

Bài 2: Những người ngã xuống khi đi tìm đồng đội trên đất nước Triệu Voi

Sự vất vả, gian nan của các đội quy tập hài cốt liệt sĩ thì làm sao chúng ta có thể kể hết. Riêng về Đội quy tập 584 của Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, cả tập thể và nhiều cá nhân đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là đội quân phụ trách tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn 3 tỉnh: Khăm Muộn, Xa-la-van, Xa-vẳn-na-khệt (Lào). Chỉ tính riêng Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An những năm qua đã có sự mất mát vô cùng lớn- với 9 quân nhân hy sinh.. 

Những khó khăn khi sang đất bạn Lào tìm kiếm hài cốt là vào mùa mưa thì muỗi, vắt, nước độc, sốt rét; mùa khô nắng như đổ lửa, khắp các khe suối đều cạn kiệt nước, nhiều lúc cán bộ, chiến sĩ phải hành quân cả ngày đường mới tìm được khe suối sâu, đầy xác súc vật nhưng vẫn phải ăn uống và sinh hoạt. 

Nhiều lần không tìm thấy nước, anh em lại chặt cây chuối vắt lấy nước để nấu cơm, như các khu vực: Phù-xeng-he, La-hạp, Phu-cà-tôn và một số địa bàn của huyện Sê Pôn... Địa bàn huyện Sê Pôn cực kỳ hiểm trở, khó khăn. Các chuyến đi đều gặp nhiều nguy hiểm. Để đến với nơi chôn cất liệt sĩ, anh em phải chặt tre làm thang, dùng dây để chui vào hang, phải đi bộ từ 50 đến 70 cây số...

1.1.TB.27.07.2017.jpg

Đại tá Vũ Đình Thắm, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 4

Nhắc đến gian khổ, hiểm nguy không thể không kể đến những lần cán bộ, chiến sĩ trong Đội 584, BCHQS tỉnh Quảng Trị phải đối mặt với sốt rét rừng, thiếu ăn, giặc lửa bủa vây. 

Trong gần 30 năm  đi làm nhiệm vụ, các anh đã quy tập được hàng ngàn liệt sĩ,  nhưng chuyến nào cũng vậy, anh em trong Đội thường xuyên vượt qua mọi hiểm nguy, hay mắc phải những căn bệnh nan y... 

Đó là căn bệnh sốt rét kinh niên, những người lính đi tìm liệt sĩ rồi chính mình trở thành liệt sĩ như: Đồng chí Phạm Viết Hòa, hy sinh năm 1997, khi chuyển hài cốt vượt sông về vị trí tập kết, anh Hòa đã giữ nguyên vẹn được hài cốt liệt sĩ rồi bị đuối sức; đồng chí Trương Quang Thanh, hy sinh năm 2005 do bị cây rừng gãy đổ, bị xe trượt dốc làm bị thương nặng...

Được đồng đội gọi biệt danh là “lão làng bản địa” của nhân dân các bộ tộc Lào, Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Hữu Lưu hôm nay ngồi ôn lại cũng cảm thấy rờn rợn với những gì anh và đồng đội từng trải qua. 

Nước bạn Lào quá mênh mông, nguồn nước, khí hậu độc, địa bàn tỉnh Xa-vẳn-na-khệt chủ yếu là rừng rậm, lẫn tre nứa. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây là chiến trường ác liệt, là nơi diễn ra cuộc hành quân “Lam Sơn 719 của Mỵ-ngụy”, “Chiến dịch Đường 9-Nam Lào”, số bộ đội ta hy sinh trên địa bàn này nhiều, an táng nhiều nơi khác nhau. Địa bàn đặc biệt ấy đồng nghĩa việc các anh phải đối diện với nhiều gian nan, vất vả. 

1.2.TB.27.07.2017.jpg

Cất bốc hài cốt liệt sĩ trên đất Lào. Ảnh: Dân trí

Ngày nhận nhiệm vụ các anh phải tập trung học tập và huấn luyện để đối mặt với các sự cố như tai nạn, rủi ro, rắn độc cắn, gặp phỉ phục kích... Nhớ lại những năm tháng ấy “người hùng” Trần Hữu Lưu nhớ nhất là cuộc chiến với giặc lửa trên đỉnh đồi Phù-xeng-he, huyện Sê Pôn để bảo vệ bộ đội và 13 hài cốt liệt sĩ. 

Hôm ấy, cả đội đang hành quân nghỉ lại qua đêm thì bất ngờ giặc lửa ở đâu ập tới, bao vây 4 phía, anh phát hiện thấy 1 hố bom chỉ còn vài gầu nước. Không còn cách nào khác, các anh vừa lấy cây dập lửa, vừa đưa hài cốt xuống hố nước và múc nước giội lên người và hài cốt để chống chết cháy... Còn chuyện bị cô lập giữa dòng nước, ăn lá bứa rừng qua ngày, chuyện rắn cắn với các anh là chuyện thường ngày. 

Năm 1999, trong đợt đi 6 tháng trời, rà soát lại địa bàn ở bản Khai, huyện Phu Cút, tỉnh Xiêng Khoảng cũng là kỷ niệm đáng nhớ. 

Hôm ấy theo nguồn tin của người dân, từng có một liệt sĩ Việt Nam được chôn ngay dưới hố bom. Nay hố bom đã bị thời gian khỏa lấp, việc lấy hài cốt liệt sĩ là vô cùng khó khăn, vất vả, phải đào lấp gần cả trăm khối đất. Nhưng không vì thế mà anh em chùn bước nản chí. Anh em trong đội hạ quyết tâm cố gắng đào xong trong ngày. 

Và cất bốc liệt sĩ xong anh Toản bị cảm, cứ cho rằng là cảm bình thường rồi sẽ qua khỏi. Đến lúc anh Hải đi cùng đoàn nhìn thấy thần sắc và võng mạc của anh Toản có những dấu hiệu bất thường, anh Hải và Bình đưa anh Toản về vị trí tập kết của đội, rồi đưa ra Bệnh viện Xiêng Khoảng điều trị mấy ngày liền. Tất cả anh em trong đoàn lo anh Toản khó qua khỏi nên đưa về Bệnh viện Quân y 4 (Quân khu 4) để cứu chữa. 

1.3.TB.27.07.2017.jpg 

Đưa các anh về đất Mẹ. Ảnh: Dân trí

Về Bệnh viện Quân y  4, mặt Toản xanh ngắt, cơ thể chỉ còn hơn 30kg, các bác sĩ nhìn thấy ai cũng lo lắng nên khẩn trương chuyển anh ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Rất may các y sĩ, bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cấp cứu kịp thời cho anh Toản. 

Ôn lại câu chuyển các bác sĩ giành lại sự sống cho mình, anh Toản nghẹn ngào không kìm được nước mắt: “Tôi sống được hôm nay là nhờ nghĩa tình, trách nhiệm tận cùng của đồng đội, của các y sĩ, bác sĩ. Tôi và gia đình mang ơn họ suốt đời”.

Đại tá Vũ Đình Thắm, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 4: 
“Ngay sau khi Đề án 1237 của Chính phủ ban hành, các ban ngành của quân khu đã thực hiện nghiêm các nội dung quy định. Hiện nay, đơn vị tập trung cho địa bàn Quảng Trị, đầu năm 2017 các đội quy tập trong nước đã tìm kiếm, cất bốc được 34 hài cốt trong nước. Đặc biệt ở Lào, mùa khô 2017, các đội quy tập đã tìm kiếm cất bốc được 139 hài cốt. Đây là cố gắng lớn của mỗi tổ chức cá nhân”. 

Những hy sinh thầm lặng

1.4.TB.27.07.2017.jpg

Bữa cơm giữa rừng. Ảnh: Dân trí

Một con số bao trùm lên mọi đánh giá nhận xét về những cực nhọc, hiểm nguy của người lính đi tìm, cất bốc hài cốt liệt sĩ từ năm 1984 đến nay, đó là có 19 liệt sĩ đã hy sinh trên đất bạn Lào anh em...

Khi chúng tôi về Bộ CHQS tỉnh Nghệ An được biết các anh trong Ban Chính sách và những người từng đi tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ với liệt sĩ Phạm Đức Lục ở Lào. Các anh vừa về huyện Nam Đàn để thắp hương cho liệt sĩ Phạm Đức Lục và liệt sĩ Lê Công Đường ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn. 

Điều đặc biệt là các anh cùng thôn, cùng tham gia một mũi và cùng anh dũng hy sinh trong một lần ngược rừng tìm đồng đội giữa đêm mưa. Hôm các anh về, vừa dâng hương viếng liệt sĩ Phạm Đức Lục và liệt sĩ Lê Công Đường; vừa mừng cho con gái đầu của liệt sĩ Phạm Đức Lục lên xe hoa. Trong niềm vui ấy, các anh, những đồng đội của anh năm xưa lại nhớ đến ngày anh hy sinh, bỏ lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ dại. Nhìn con gái anh mặc bộ váy cưới ai cũng mừng, những đồng đội của anh đã chấm những giọt nước mắt hạnh phúc, chắc chắn ở nơi suối vàng anh Lục cũng sẽ an lòng...

1.5.TB.27.07.2017.jpg

Tỷ mẩn tìm lại từng di vật của liệt sĩ

Câu chuyện của đồng chí Lương Khắc Lược, hy sinh năm 2005 do một trận sét đánh, chúng tôi đã được vợ anh-chị Nguyễn Thị Bình kể lại: Anh ra đi bỏ lại người vợ và 2 con nhỏ, chị không có việc làm. 

Được sự giúp đỡ, quan tâm chu đáo của Bộ tư lệnh Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, chị Bình được nhận vào làm công tác nuôi quân ở Ban CHQS huyện Nông Cống, đến nay 2 cháu đã trưởng thành, đứng trong hàng ngũ quân đội. 

Điều làm chị xúc động, hằng năm đến ngày giỗ anh, những đồng đội cùng đơn vị với anh năm xưa đều nhớ về dâng hương cho anh và động viên 3 mẹ con. Chị Bình xúc động: “Anh ra đi là sự mất mát vô cùng lớn cho 3 mẹ con tôi, nhưng 3 mẹ con tôi đã luôn có sự đồng hành, cưu mang của tình đồng chí, đồng đội, sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy cấp trên dành cho thân nhân liệt sĩ”.

Gần 3 thập niên, những người lính Quân khu 4 tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Lào anh em, đã có tới 19 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Chắc chắn ít người biết đến công việc thầm lặng, hiểm nguy, điều kiện lao động, sinh hoạt của họ. Với chúng tôi, lần đầu tiên được tiếp cận con số này chúng tôi thực sự cảm phục và thấu hiểu hơn sự xả thân của những người lính “mò kim đáy bể” trên rừng thiêng nước độc của bạn Lào, để quyết tâm đưa hài cốt đồng đội mình về với Đất Mẹ..   

(Còn nữa...)

Hồng Vân - Văn Hạnh (theo cand.com.vn)


02/05/2024

Nội dung trong file đính kèm 22/12/2023

Qua xác minh, N.guyễn T.hị L.ệ T.hương (sinh 1994, cư trú tại: xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) Nhân viên tiếp thị sản phẩm trên cho biết: Khoảng 12h30' cùng ngày nhận yêu cầu từ L.ê T.ấn H.ải (sinh 1988, cư trú tại xã Nghĩa ‎Thuận, huyện Tư Nghĩa) - Quản lý sản phẩm N.. của nhãn hiệu N..., T.hương đến ‎Công ty TNHH MTV T.uyết K.a (88 B.à T.riệu, TP Quảng Ngãi) nhận sản phẩm đến Trường Tiểu học ‎Trần Văn Trà tiếp thị, gồm: 19 lốc sữa nhãn nhiều N... và 01 túi 50 gói thạch trái ‎cây N... (tặng kèm khi bán sữa).
Sau khi bán được 11 lốc sữa và tặng túi 50 gói ‎thạch rau cau, thì có nhiều học sinh sử dụng bị ngộ độc phải chuyển cấp cứu ‎tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.‎
Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp Quản lý thị trường, Y tế, Chi cục vệ sinh ATTP và CDC Quảng Ngãi điều tra, làm rõ.
Hiện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đang khám và theo dõi sức khỏe cho các em, chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển biến nặng.
Vụ việc trên là bài học cảnh tỉnh về đồ ăn thức uống trước các cơ sở giáo dục khi bán cho học sinh sử dụng. Trước đó, ngày 02/12/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 6476/VC-PV01(TMCS) chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hàng quán trước cổng trường mua bán các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi có chứa chất ma tuý./.

08/12/2023

I. Đối tượng tuyển chọn

Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ cao hơn, chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện - điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điện công nghiệp.

II. Phương thức tuyển chọn: Xét tuyển

III. Số lượng cần tuyển

- 11 chỉ tiêu cán bộ công nghệ thông tin (Quản trị mạng; Máy chủ; Quản trị cơ sở dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Phần mềm, ứng dụng).

- 01 chỉ tiêu cán bộ kỹ thuật (điện, điều hòa chính xác, ắc quy, bể dầu và phòng cháy, chữa cháy hệ thống công nghệ thông tin). 

*Toàn văn Thông báo xem tại file đính kèm./.

08/12/2023

Ba cảnh báo phát đi chưa ráo mực, ngày 03/12/2023, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thủ đoạn mới lừa đảo trực tuyến bằng việc "điều chỉnh dữ liệu quốc gia cấp 2", cụ thể:

Khoảng 10h00' sáng ngày 03/12/2023, một người dân (gốc Quảng Ngãi) hiện cư trú ở TP. Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số 0395.719.46... thông báo "dữ liệu cấp 2" do phường cập nhật chuyển lên quận bị nghẽn, đề nghị lên quận điều chỉnh, hoặc sẽ có người hỗ trợ qua zalo.

Khoảng 30' sau, có 02 số máy 0866.656.46..., 0394.999.24... giới thiệu là "nhân viên hướng dẫn" ở quận hỗ trợ người dân tải App "dichvucong" bằng cách đăng nhập Google tải "dichvucong.lgov.net" (Hình 1) với điều kiện máy smatphone có hệ điều hành Android.

Hình 1

Do máy smatphone người dân này không trùng hệ điều hành, nên mượn tạm máy của người cha ruột (mới nghỉ hưu, từ Quảng Ngãi vào thăm con) thao tác. 

Khi tải được ứng dụng, "nhân viên hướng dẫn" yêu cầu đăng nhập kích hoạt ứng dụng bằng số điện thoại cá nhân và tự tạo một mật khẩu (Hình 2).

Hình 2

Khi ứng dụng dichvucong.lgov.net được kích hoạt, máy hiện tỷ lệ % kích hoạt (Hình 3).

Hình 3

Kích hoạt xong, không liên lạc được với "nhân viên hướng dẫn" để làm bước tiếp theo.

Người cha nghi ngờ, kiểm tra lại tài khoản ngân hàng VCB trên máy smatphone thì toàn bộ 83 triệu tiền lương tích cóp đã mất.

Kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng, thì thời điểm kích hoạt ứng dụng cũng là lúc hai lần tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng của kẻ gian.

Vụ việc đang được kiểm tra, xác minh.

KHUYẾN CÁO:

1. Lực lượng Công an hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VNeID trực tiếp.

2. Mọi trường hợp khi kích hoạt thì không có lỗi, trừ trường hợp người dân cung cấp sai số điện thoại hoặc thay số điện thoại thì phải đăng ký lại trực tiếp tại Đội CSQLHC về TTXH Công an cấp huyện hoặc báo trực tiếp cho Công an cấp xã để cấp xã báo Công an cấp huyện điều chỉnh, hoàn toàn không hỗ trợ qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. 

3. Mọi trường hợp thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân cần liên hệ với công an cơ sở nơi cư trú để được hỗ trợ./.

 

04/12/2023

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1944

Tổng số lượt xem: 8165581