Cảnh giác với tội phạm lừa đảo qua không gian mạng
1. Lừa đảo qua mạng xã hội (zalo, messenger, viber….): Tội phạm mạng sử dụng các nền tảng mạng xã hội, các phần mềm giả dạng gương mặt (deepface) để giả danh người thân, bạn bè hoặc thậm chí các tổ chức uy tín như công an, quân đội, viện kiểm sát… với lý do khẩn cấp hoặc đe dọa, dụ dỗ bằng những thông tin giả mạo của cơ quan tổ chức, yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân như: căn cước, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng.
2. Lừa đảo bằng trang web: Tội phạm mạng tạo ra trang web giả mạo trông giống như trang web chính thức của các tổ chức uy tín. Khi người dùng truy cập và nhập thông tin cá nhân hoặc tài khoản tài chính thì những thông tin này sẽ bị đánh cắp. Tội phạm mạng cũng có thể tạo ra các trang web mua sắm trực tuyến yêu cầu người dùng tạo tài khoản, nạp tiền làm nhiệm vụ để hưởng hoa hồng nhưng khi nạp đủ số tiền thì người dùng bị yêu cầu nạp thêm và sau đó đánh sập tài khoản người dùng không cho đăng nhập để chiếm đoạt số tiền đã nạp.
3. Lừa đảo qua điện thoại: Tội phạm lừa đảo sử dụng cuộc gọi giả mạo từ các ngân hàng, các công ty, cơ quan tổ chức uy tín để yêu cầu người nghe cung cấp thông tin mã OTP, mật khẩu hoặc chuyển tiền. Tội phạm cũng có thể thông báo thông tin giả mạo cho người nghe đã trúng thưởng hoặc được tặng quà bởi cá nhân, công ty hoặc tập đoàn lớn yêu cầu người nghe cung cấp địa chỉ và thông tin các nhân để nhận quà.
Hậu quả của lừa đảo qua không gian mạng:
Lừa đảo qua không gian mạng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân. Đầu tiên là mất tài sản, tiền bạc bị chiếm đoạt hoặc tài khoản ngân hàng bị rút tiền mà không có sự cho phép của nạn nhân. Thứ hai, thông tin cá nhân của nạn nhân có thể bị làm dụng để thực hiện các hoạt động trái pháp luật như mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký dịch vụ tín dụng dưới danh nghĩa nạn nhân. Cuối cùng, nạn nhân có thể phải đối mặt với những rắc rối pháp lý và mất mát tinh thần khi phải xử lý hậu quả vụ lừa đảo.
Cách phòng chống lừa đảo qua không gian mạng:
1. Xác minh nguồn gốc thông tin: Trước khi cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào, hãy xác minh nguồn gốc yêu cầu. Nếu nhận được email hoặc tin nhắn nghi ngờ hãy liên hệ trực tiếp với tổ chức liên quan thông qua các kênh chính thức để kiểm tra hoặc tố giác lên cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
2. Sử dụng mật khẩu mạnh và thay đổi định kỳ: Đảm bảo sử dụng mật khẩu phức tạp bao gồm chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt. Thay đổi mật khẩu định kỳ và không sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản.
3. Cảnh giác với các đường link lạ: Không nên nhấp vào các đường link trong email hoặc tin nhắn từ người lạ. Hãy luôn kiểm tra và tránh nhập thông tin cá nhân lên các trang web không an toàn.
4. Giữ bí mật thông tin cá nhân: Không nên chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân và cũng như người thân quá nhiều trên mạng xã hội, hạn chế việc công khai các thông tin như ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ, nơi làm việc.
Lừa đảo qua không gian mạng là một vấn đề nghiêm trọng và đang ngày càng phổ biến. Việc nâng cao nhận thức và trang bị cho bản thân các biện pháp phòng chống là rất cần thiết để bảo vệ bản thân trước những rủi ro từ không gian mạng. Luôn cẩn trọng và hành động có suy nghĩ là chìa khóa để không trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo./.
Minh Cát