Trang thông tin điện tử

Công an tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiểu và chấp hành đúng quy định của pháp luật để không bị “tiền mất, tật mang”

Thực tế hiện nay: (1) Rất nhiều người dân thắc mắc và có thái độ phản ứng tiêu cực khi thấy không vi phạm nhưng vẫn bị Cảnh sát giao thông (CSGT) vẫy vào kiểm tra. (2) Nhiều người khi bị CSGT kiểm tra, vì sợ mắc các lỗi vi phạm nên không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra. Vậy thực tế, nếu không vi phạm, CSGT có quyền dừng xe để kiểm tra không và nếu không chấp hành mệnh lệnh kiểm tra của CSGT thì có bị xử lý không?

1. CSGT có được yêu cầu dừng xe để kiểm tra dù người tham gia giao thông không có lỗi hay không?

Ngày 01/8/2023, Bộ Công an ban hành Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2023). Điều 16 Thông tư này quy định các trường hợp cán bộ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, trong đó có những trường hợp không cần người tham gia giao thông có lỗi CSGT vẫn có quyền dừng phương tiện để kiểm tra, cụ thể: Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

Do đó, CSGT được yêu cầu dừng xe để kiểm tra dù người tham gia giao thông không có lỗi nhưng nếu muốn xử phạt thì CSGT phải chứng minh được lỗi vi phạm của người tham gia giao thông.

2. Không chấp hành mệnh lệnh của CSGT có bị phạt không?

Khi CSGT yêu cầu kiểm tra, nếu người được yêu cầu không chấp hành mệnh lệnh kiểm tra, người tham gia giao thông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo các hành vi sau:

- Điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.

- Điểm g khoản 8 và điểm g khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, theo đó, xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: Phạt tiền 06 - 08 triệu đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.

- Khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, theo đó phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.

Vì vậy, khuyến cáo người dân phải tuân thủ chấp hành đúng hiệu lệnh kiểm tra của CSGT. Đặc biệt là đối với những “ma men” với suy nghĩ không chấp hành hiệu lệnh đo nồng độ cồn, bỏ phương tiện lại để tránh lỗi vi phạm nồng độ cồn với mức phạt nặng để hôm sau khi tỉnh táo sẽ đến đồn Công an làm việc chấp nhận lỗi phạt khác nhẹ hơn.

Hình ảnh minh họa

PTT


Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online: 8
Hôm nay: 3.323
Hôm qua: 6.265
Năm 2025: 107.299
Tất cả: 107.299