Hậu quả và trách nhiệm pháp lý của hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi
Thời gian qua, dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh có diễn biến hết sức phức tạp. Các cơ quan chức năng và người chăn nuôi trên địa bàn đang đẩy mạnh công tác phòng ngừa và xử lý dịch bệnh để nhanh chóng dập dịch, giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp có các hành vi không tuân thủ quy định phòng, chống dịch, như: tìm cách bán lợn nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh ra thị trường; vứt xác lợn bị nhiễm bệnh ra môi trường; không thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh…
.png)
Việc không tuân thủ quy định phòng, chống dịch nêu trên sẽ làm lây virus phát tán rộng, lan nhanh chóng dịch bệnh trong khu vực và lây sang địa phương khác; gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành chăn nuôi và các ngành có liên quan đến chăn nuôi; gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh khác phát sinh…
Hành vi không tuân thủ quy định phòng, chống dịch là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính, theo Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi:
- Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi bán, giết mổ, tiêu thụ động vật mắc bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục phải công bố dịch.
- Phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng với hành vi vứt xác động vật chết do dịch bệnh ra môi trường không đúng quy định.
- Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm (lợn, sản phẩm lợn), buộc khắc phục hậu quả môi trường, chi phí do người vi phạm chi trả.
Căn cứ theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra của các hành vi: bán lợn nhiễm bệnh ra thị trường; vứt xác lợn bị nhiễm bệnh ra môi trường; không thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và năm 2025:
- Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235).
- Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 241).
- Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317).
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch: Cơ quan chức năng: cần giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nguy cơ, hậu quả của dịch tả lợn Châu Phi và trách nhiệm cộng đồng trong phòng, chống dịch; thực hiện tiêu độc, khử trùng diện rộng. Người chăn nuôi cần triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch tại nơi chăn nuôi; khai báo kịp thời với cơ quan chức năng khi có lợn ốm, chết, không tự ý tiêu thụ hoặc xử lý lợn bệnh mà phải thực hiện theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn và trách các sai phạm dẫn đến bị xử lý.
Thế Linh