Trang thông tin điện tử

Công an tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa Vu lan bàn chuyện đốt vàng mã

Việc đốt tiền giả nhưng lại mua bằng tiền thật, hàng nghìn tỷ đồng đã bị hóa tro. Một số tiền quá lớn bị đốt bỏ, thay vì được sử dụng vào những mục đích có ý nghĩa hơn trong những hoạt động như đầu tư sản xuất kinh doanh, từ thiện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc lãng phí, ô nhiễm môi trường thì việc đốt vàng mã còn có thể gây ra những thiệt hại bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP, ngày 20/3/2017 có quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích”. Do đó, hành vi đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích có thể bị xử phạt lên đến 500.000 đồng.

Đốt vàng mã (ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, tại Thông tư 02/2016/TT-BXD, ngày 15/02/2016 về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư nghiêm cấm việc “Đốt vàng mã, đốt lửa trong nhà chung cư, trừ địa điểm được đốt vàng mã theo quy định tại nhà chung cư”. Nên việc đốt vàng mã không đúng quy định trong nhà chung cư sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000đ đến 5.000.000đ theo Điều 33 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt.

Trường hợp đốt vàng mã trong nhà chung cư không đúng quy định mà gây ra cháy nhà của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 180 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản. Đặc biệt, trường hợp gây ra hậu quả chết người mà có cơ sở khẳng định nguyên nhân từ việc đốt vàng mã không đúng quy định thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội vô ý làm chết người.

Ngoài ra, khi đi lễ, cúng bái, có người không chỉ đốt tiền vàng mã mà còn đốt tiền Việt Nam đồng có mệnh giá nhỏ. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam: “Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào”. Khi thực hiện hành vi hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng theo khoản 3 Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Tháng 7 - Mùa Vu lan báo hiếu, nên việc bày tỏ hiếu, nghĩa với cha mẹ là ở những công việc thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, là những hành động chăm sóc cha mẹ, sự chia sẻ với mọi người trong gia đình. Cho nên việc hạn chế đốt vàng mã không chỉ giúp tiết kiệm tiền bạc, hạn chế được những rủi ro đi kèm khi đốt vàng mã hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà đặc biệt là giảm được một phần nào đó tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí từ tục lệ đốt vàng mã./.

Anh Khôi