Trang thông tin điện tử

Công an tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ môi trường - rất cần dọn "rác trong lòng" của một bộ phận người dân

Rác thải bủa vây đầm nước mặn Sa Huỳnh

Đoàn viên thanh viên và lực lượng vũ trang tham gia dọn rác ở đầm nước mặn Sa Huỳnh

  Phương tiện cơ giới được huy động hổ trợ các lực lượng dọn rác

Vậy là cái đầm nước mặn đã được trả lại vẻ đẹp tự nhiên vốn có của nó, môi trường dần được khôi phục, người dân sống quanh khu vực đầm được thụ hưởng những giá trị mà thiên nhiên mang lại, ai cũng hoan hỉ vì cấp ủy, chính quyền địa phương đã quyết tâm giải quyết vấn đề mà bấy lâu nay được xem là rất "nóng", rất "nhạy cảm"; người dân cũng đã đồng tình chung tay bảo vệ môi trường, vì cuộc sống xanh - sạch - đẹp.

Song, cũng không khỏi chạnh lòng vì chính chúng ta, không ai khác bà con Nhân dân nơi đây là chủ nhân biến cái đầm nước thành đầm rác, rồi trở thành nạn nhân của sự ôi bẩn, chính chúng ta đang hủy hoại chúng ta. Cuộc chiến với rác vừa dứt thì cuộc chiến trên mạng lại nổ ra, đủ loại ý kiến hỉ, nộ, ái, ố, phần nhiều ủng hộ, không ít trách móc, một số thông cảm, thương cho sự vất vả của người đi dọn, có người ở đẩu ở đâu, xa lơ xa lắc cũng đến chung tay, có ý kiến giận dữ thốt lên: "ăn từ thiên nhiên, xả vào thiên nhiên, tàn phá thiên nhiên...rồi khóc than. Ý thức kém quá". Hãy thử làm cuộc khảo sát nhân dân trong vùng thì phần đông câu trả lời sẽ là: "em không xả rác", "nhà em hổng có rác", rác nhà ta thì đem để bên nhà hàng xóm chứ nhất quyết không để trong nhà mình, thế mới lạ chứ lị, có bác đặt câu hỏi "thế rác trên trời rơi xuống à?", có bác lại nói làm cho cái nhà máy xử lý rác to đùng thì không chịu (vì nhà máy gần khu dân cư, vi phạm khoảng cách hơn nửa cây số) rồi "đồng tâm hiệp lực" quẳng rác ngay trước mũi để ngửi, sống trên rác, ngủ bên rác, làm khổ con, khổ cháu đi dọn (dễ lây bệnh tật); con người đi hành hạ con người mới chịu, mới vui. Tác giả bài viết tin chắc rằng nhiều người dân ở Sa Huỳnh không "động thủ" trong ngày xảy ra cuộc chiến dọn rác ấy để an toàn, thậm chí không dưới 2 người đã "bĩu môi", "cười nhạo", thì thầm câu nói đại khái: "Tớ xả cho, giờ dọn đáng kiếp, đáng đời"... và biết đâu giờ này mặt đầm thơ mộng kia lại đang bị xé toang bởi những bịch rác của những người thiếu ý thức.

Vâng! Ý thức - Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận Nhân dân là vấn đề hệ trọng cần phải bàn, phải thay đổi, phải chuyển biến. Một khi trong lòng một số người còn hiện hữu những thứ rất "rác" như: ở bẩn sống lâu, đem rác nhà ta bỏ cho nhà người, mở nắp thùng bỏ rác vào là món xa xỉ (xách rác tới thùng công cộng nhưng bỏ cạnh bên), vô tư ngâm nga ca khúc "mình thích thì mình xả thôi", "ta xả rác cho lòng ta ấm mãi, còn người kia đi dọn rác cho ta" và đặc biệt là thùng rác để đâu chứ không được để "nhà ông", nhà máy rác đặt đâu thì đặt chứ không được đặt ở "xã bà"... Những loại "rác" kiểu như thế thiết nghĩ mỗi người phải tự dọn dẹp sạch sẽ và thường xuyên dọn đi, dọn lại, khi đã không còn "rác trong lòng", bỏ những "suy nghĩ rác" thì ý thức và hành động về rác mới tử tế và môi trường mới bảo vệ bền vững.

Vẻ đẹp trù phú của một trong những Đầm nước tại thị xã Đức Phổ

 

Việt Long