Trang thông tin điện tử

Công an tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị quyết 68-NQ/TW: Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc

Ngày 23/4/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68-NQ/TW xác định, kinh tế tư nhân đã được khẳng định vai trò quan trọng. Nghị quyết 68-NQ/TW nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết khẳng định rõ vai trò của kinh tế tư nhân là “một  động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Đây là sự phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng, thể hiện bước đi phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng. Ảnh: https://tuoitrethudo.vn

 

Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm, đồng thuận lớn trong xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại lợi dụng việc ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW để tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc. Họ cố tình bóp méo bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho rằng việc khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là sự “chuyển hướng” sang mô hình tư bản chủ nghĩa, hay sự “từ bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”. Những luận điệu sai trái này nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo tâm lý hoài nghi, gây mất phương hướng trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Một số đối tượng còn xuyên tạc rằng: Việc nhấn mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân là sự mâu thuẫn với quan điểm lâu nay của Đảng về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, rằng đây là bước “đổi màu thể chế”, là sự công nhận “bóc lột tư bản”. Họ còn lợi dụng các vụ việc sai phạm, tham nhũng trong một số doanh nghiệp để quy chụp bản chất của nền kinh tế, thổi phồng thành "khuyết điểm của thể chế", từ đó kêu gọi từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trước những luận điệu sai trái và nguy hiểm đó, cần khẳng định rõ rằng: Phát triển nền kinh tế thị trường không đồng nghĩa với đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Kinh tế thị trường là thành tựu phát triển chung của nhân loại, không phải là sản phẩm riêng có của bất kỳ chế độ xã hội nào. Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – một mô hình phát triển phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển của đất nước, được dẫn dắt, lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam và quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân đã được khẳng định nhất quán từ Đại hội VI của Đảng đến nay. Nghị quyết 68-NQ/TW tiếp tục kế thừa và phát triển tư duy lý luận đó, nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân thực sự lành mạnh, hiệu quả, bền vững là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết.” Kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể tạo thành ba trụ cột quan trọng, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, còn kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thực tiễn gần 40 năm đổi mới đã chứng minh đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tư nhân. Hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế tư nhân vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Còn tồn tại nhiều hạn chế về quy mô, công nghệ, khả năng liên kết, chất lượng nguồn nhân lực, và sự thiếu đồng bộ trong chính sách hỗ trợ. Một phần nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ, chưa thống nhất trong hệ thống chính trị và trong xã hội về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân. Cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự bình đẳng, minh bạch.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cần có những giải pháp tổng thể, toàn diện, đột phát để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cần thiết và cấp bách./.

Thế Cường


Tác giả: Lê Cẩn
Nguồn:Phòng PA01 Sao chép liên kết