Cẩn trọng trước tin đồn dùng cần tây “hút” virus cúm?
Thời gian gần đây, trên mạng lan truyền thông tin có thể đẩy lùi virus cúm bằng cách trồng củ hành tây trong nước, đặt rải rác khắp nhà và trích dẫn câu chuyện: “Năm 1919, thời điểm diễn ra đại dịch cúm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại, theo ước tính, khoảng 50-100 triệu người đã tử vong. Đại dịch cúm được giới y học xếp ngang hàng với trận dịch hạch làm chết gần 2/3 số dân châu Âu vào thế kỷ 14. Đối với giới y học lúc này, dịch cúm là cơn ác mộng không gì có thể khống chế được. Tuy nhiên, khi đến thăm và khảo sát tại một làng quê, vị bác sĩ thấy một gia đình nông dân vẫn sống khỏe mạnh trong khi nhiều người xung quanh đã nhiễm bệnh và chết do cúm. Khi được hỏi về bí quyết phòng chống cúm, người nông dân đã chỉ vào củ hành tây để trên bàn. Mỗi phòng đều có một củ như vậy. Không thể tin vào điều đó, người bác sĩ đã xin củ hành tây về soi dưới kính hiển vi. Thật ngạc nhiên, bên trong củ hành bám đầy siêu vi trùng”.
Bài viết trên thu hút hàng nghìn người tương tác và dẫn lại câu chuyện với hy vọng bảo vệ gia đình khỏi bệnh cúm.
Trao đổi với PV VietNamNet, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM khẳng định, phương pháp trên không chính xác, không có chứng cứ khoa học. Bác sĩ Dũng cho biết, trước đó, đã có nhiều người chia sẻ về cách làm này nhưng tài liệu y khoa đều không ghi nhận. Vì vậy, việc trồng củ hành tây trong nhà để hút cúm hoàn toàn không có tác dụng đối với con người.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải/khăn tay/khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
2. Đeo khẩu trang nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
3. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
4. Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
N.H.H